Eosinophilia (tăng bạch cầu ưa axit)

TheoJane Liesveld, MD, James P. Wilmot Cancer Institute, University of Rochester Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2024

Tăng bạch cầu ưa axit số lượng ở máu ngoại vi > 500/mcL (> 0.5 × 10/L). Rất nhiều nguyên nhân và rối loạn liên quan nhưng thường đại diện cho phản ứng dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng. Chứng tăng bạch cầu ưa axit có thể là phản ứng (thứ phát) hoặc biểu hiện ban đầu của chứng rối loạn huyết học. Chẩn đoán liên quan đến lựa chọn các xét nghiệm dựa trên định hướng lâm sàng. Điều trị theo nguyên nhân.

Tăng bạch cầu ưa axit có các đặc điểm như một đáp ứng miễn dịch: ví dụ khi lần đầu nhiễm Trichinella spiralis chỉ tăng nhẹ bạch cầu ưa axit, nhưng khi phơi nhiễm lặp lại sẽ dẫn đến đáp ứng thứ phát tăng mạnh bạch cầu ưa aid. Dưỡng bào và bạch cầu ưa base sẽ giải phóng ra một số thành phần kích thích sản xuất bạch cầu ưa axit qua trung gian IgE. Các chất này bao gồm yếu tố hóa học ưa axit gây sốc phản vệ, leukotriene B4, phức hợp bổ thể (C5-C6-C7), và histamin (nồng độ thấp).

Phân nhóm tăng bạch cầu ưa axit

  • Nhẹ: 500 đến 1500/mcL (0,5 đến 1,5 × 109/L)

  • Trung bình: 1500 to 5000/mcL (1,5 to 5 × 109/L)

  • Nặng: > 5000/mcL (> 5 × 109/L)

Bản thân tăng bạch cầu ái toan nhẹ không gây ra triệu chứng, nhưng nồng độ 1500/mcL (> 1,5 × 109/L) có thể gây tổn thương các cơ quan nếu tình trạng này kéo dài. Tổn thương cơ thường xảy ra do: viêm mô, phản ứng với cytokine và chemokine do bạch cầu ưa axit giải phóng, do các tế bào miễn dịch thâm nhập vào các mô. Mặc dù bất kỳ cơ quan nào cũng có thể bị tổn thương, nhưng gặp ở tim, phổi, lách, da và hệ thần kinh thường bị ảnh hưởng nhiểu hơn (về các biểu hiện, xem bảng Các bất thường ở bệnh nhân có hội chứng tăng bạch cầu ái toan).

Một số trường hợp bệnh nhân có tăng bạch càu ưa axit mức độ nặng (ví dụ, số lượng bạch cầu ái toan > 100.000/mcL [> 100 × 109/L]), thường là bệnh lơ xê mi dòng bạch cầu ưa axit, gây ra những biến chứng tắc mạch máu nhỏ do ngưng tập bạch cầu dẫn đến thiếu máu mô cục bộ và nhồi máu vi mạch. Các biểu hiện thường là thiếu oxy ở phổi, não (bệnh não, khó thở, suy hô hấp).

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan vô căn là một tình trạng đặc trưng bởi tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi với các biểu hiện liên quan đến hệ thống cơ quan hoặc rối loạn chức năng liên quan trực tiếp đến tăng bạch cầu ái toan ở những bệnh nhân không bị rối loạn ký sinh trùng hoặc dị ứng, rối loạn tạo máu vô tính hoặc nguyên nhân khác của tăng bạch cầu ái toan.

Nguyên nhân của chứng tăng bạch cầu ưa axit

Tăng bạch cầu ưa axit có thể

  • Nguyên phát: Tiên phát: tăng sinh đơn dòng bạch cầu ưa axit liên quan đến rối loạn huyết học như lơ xê mi, và bệnh tăng sinh tủy ác tính

  • Thứ phát: Thứ phát: do những nguyên nhân không liên quan đến huyết học (xem bảng Các rối loạn quan trọng và điều trị liên quan đến tăng bạch cầu ái toan)

  • Vô căn: không xác định được nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng bạch cầu ái toan ở Hoa Kỳ là

  • Dị ứng hoặc các rối loạn dị ứng (điển hình là hô hấp hoặc da liễu)

Trong trường hợp do rối loạn do dị ứng hoặc cơ địa dị ứng, tăng bạch cầu ái toan thường ở mức độ nhẹ đến trung bình (1).

Các nguyên nhân phổ biến khác bao gồm

  • Nhiễm trùng (thường là ký sinh trùng)

  • Khối u (u bệnh máu hoặc u đặc, lành tính hoặc ác tính)

Hầu như mọi cuộc xâm nhập của ký sinh trùng vào các mô đều có thể tạo ra bạch cầu ưa axit, nhưng động vật nguyên sinh (trùng amip) và metazoa không xâm lấn thường không tạo ra bạch cầu đó.

Trong khối u bệnh máu, thì u lympho Hodgkin có thể có tăng bạch cầu ưa axit, ngược lại nó giảm trong u lympho không Hodgkin, lơ xê mi kinh dòng tủy, và lơ xê mi cấp dòng lympho.

Thâm nhiễm phổi có thể xảy ra với tăng bạch cầu ái toan ngoại biên là một phần của rối loạn trên lâm sàng, có thể là nhiễm trùng, tự miễn dịch hoặc viêm.

Bệnh nhân có phản ứng tăng bạch cầu ái toan với thuốc có thể không có triệu chứng hoặc có nhiều hội chứng khác nhau, bao gồm viêm thận kẽ, bệnh huyết thanh, vàng da ứ mật, viêm mạch do quá mẫn và bệnh hạch bạch huyết nguyên bào miễn dịch.

Hội chứng cơ-tăng bạch cầu ưa axit hầu như hiếm; nguyên nhân là không rõ. Tuy nhiên, vào năm 1989, hàng trăm bệnh nhân được báo cáo đã phát triển hội chứng này sau khi uống L-tryptophan để giảm đau, an thần. Hội chứng này có lẽ do chất gây ô nhiễm gây ra chứ không phải do L-tryptophan. Các triệu chứng bao gồm chứng đau cơ,đau nhức, phù cơ và phát ban, kéo dài vài tuần đến vài tháng, và một số ca tử vong.

Phản ứng thuốc kèm tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS) là một hội chứng hiếm gặp đặc trưng bởi sốt, phát ban, tăng bạch cầu ái toan, tăng tế bào lympho không điển hình, bệnh hạch bạch huyết và các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tổn thương cơ quan đích (điển hình là tim, phổi, lách, da, hệ thần kinh) 2, 3).

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là tình trạng ngày càng được ghi nhận, thường biểu hiện dưới tình trạng nôn ói và khó nuốt. Để chẩn đoán, sinh thiết thực quản phải cho thấy ít nhất 15 bạch cầu ái toan trên trường năng lượng cao. Điều trị bao gồm thuốc ức chế bơm proton, budesonide, thử nghiệm loại bỏ thức ăn và đôi khi là nong thực quản. (4).

Bảng
Bảng

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Klion AD: Approach to the patient with suspected hypereosinophilic syndrome. Hematology Am Soc Hematol Educ Program 2022; 2022(1):47-54. doi: 10.1182/hematology.2022000367

  2. 2. Wei BM, Fox LP, Kaffenberger BH, et al. Drug-induced Hypersensitivity Syndrome / Drug Reaction with Eosinophilia and Systemic Symptoms. Part I. Epidemiology, Pathogenesis, Clinicopathological Features, and Prognosis [published online ahead of print, 27 tháng 7 năm 2023]. J Am Acad Dermatol 2023;S0190-9622(23)02402-7. doi:10.1016/j.jaad.2023.02.072

  3. 3. Wei BM, Fox LP, Kaffenberger BH, et al. Drug-induced Hypersensitivity Syndrome / Drug Reaction with Eosinophilia and Systemic Symptoms. Part II. Diagnosis and Management [published online ahead of print, 27 tháng 7 năm 2023]. J Am Acad Dermatol 2023;S0190-9622(23)02403-9. doi:10.1016/j.jaad.2023.02.073

  4. 4. Muir A, Falk GW: Eosinophilic esophagitis: a review. JAMA 326: 1310–1318, 2021. doi: 10.1001/jama.2021.14920

Đánh giá bạch cầu ái toan

Nhiều tình trạng có thể gây tăng bạch cầu ái toan. Cần xem xét các nguyên nhân thường gặp trước (ví dụ như dị ứng, nhiễm trùng hoặc rối loạn tân sản), nhưng thường khó xác định nên cần phải xem xét bệnh sử và thăm khám kỹ lưỡng.

Lịch sử

Nên quan tâm những vấn đề sau:

  • Du lịch (gợi ý khả năng tiếp xúc với ký sinh trùng)

  • A Dị ứng (Allergies)

  • Sử dụng thuốc

  • Sử dụng các sản phẩm thảo dược và các chất bổ sung chế độ ăn kiêng, L-tryptophan

  • Triệu chứng hệ thống (ví dụ: sốt, giảm cân, đau cơ, đau khớp, phát ban, hạch to)

Các triệu chứng toàn thân gợi ý rằng nguyên nhân dị ứng hoặc thuốc nhỏ ít có khả năng xảy ra hơn và nên thực hiện đánh giá chi tiết về bệnh thấp khớp toàn thân, ung thư, nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ thống khác. Các phần quan trọng khác của bệnh sử bao gồm tiền sử gia đình bị rối loạn máu và đánh giá toàn diện về hệ thống, bao gồm các triệu chứng dị ứng và rối loạn chức năng phổi, tim, tiêu hóa (GI) và thần kinh.

Khám thực thể

Khám thực thể tổng quát nên tập trung vào tim, da, hệ thần kinh và phổi. Một số dấu hiệu có thể gợi ý nguyên nhân hoặc rối loạn liên quan. Ví dụ như phát ban (dị ứng, da liễu hoặc rối loạn mạch máu), phát hiện phổi bất thường (hen, nhiễm trùng phổi, hoặc hội chứng thâm nhiễm phổi với bạch cầu ưa axit) và hạch, lách to (các rối loạn tăng sinh tủy hoặc ung thư).

Xét nghiệm

Thường phát hiện tăng bạch cầu ưa axit nhờ xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh vì những lý do khác. Cần làm những xét nghiệm sau (1):

  • Ký sinh trùng và trứng trong phân

  • Các xét nghiệm khác để phát hiện tổn thương cơ quan hoặc các xét nghiệm đặc hiệu khác dựa trên lâm sàng.

Nói chung, nếu không nghi ngờ thuốc hoặc nguyên nhân dị ứng dựa trên kết quả lâm sàng, cần kiểm tra 3 mẫu phân để tìm trứng và ký sinh trùng; tuy nhiên, các kết quả âm tính không loại trừ nguyên nhân ký sinh trùng (ví dụ: bệnh do Trichinella cần sinh thiết cơ; bệnh giun Toxocaranhiễm giun chỉ cần sinh thiết các mô khác; có thể cần hút dịch tá tràng để loại trừ các ký sinh trùng cụ thể, chẳng hạn như Strongyloides).

Các xét nghiệm chẩn đoán cụ thể khác được xác định dựa trên các phát hiện lâm sàng (đặc biệt là tiền sử du lịch) và có thể bao gồm chụp X-quang ngực, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm về gan và xét nghiệm về thận và xét nghiệm huyết thanh học đối với các bệnh thấp khớp do ký sinh trùng và bệnh hệ thống. Nếu bệnh nhân có hạch to, lách to, hoặc triệu chứng toàn thân thì cần làm các xét nghiệm máu. Nồng độ vitamin B12 trong huyết thanh tăng cao hoặc những bất thường trên phết máu ngoại vi gợi ý một khối u tăng sinh tủy tiềm ẩn và chọc hút tủy xương và sinh thiết với các nghiên cứu di truyền học tế bào có thể hữu ích.

Nếu việc đánh giá thường quy không tiết lộ nguyên nhân, các xét nghiệm sẽ được thực hiện để phát hiện tổn thương cơ quan. Xét nghiệm có thể bao gồm một số xét nghiệm đã đề cập trước đó cũng như xét nghiệm lactate dehydrogenase (LDH) và xét nghiệm gan (gợi ý tổn thương gan hoặc có thể là u tân sinh tủy). Siêu âm tim, nồng độ troponin huyết thanh và xét nghiệm chức năng phổi được thực hiện khi nghi ngờ hội chứng tăng bạch cầu ái toan.

Tài liệu tham khảo về đánh giá

  1. 1. Klion AD: Approach to the patient with suspected hypereosinophilic syndrome. Hematology Am Soc Hematol Educ Program 2022; 2022(1):47-54. doi: 10.1182/hematology.2022000367

Điều trị chứng tăng bạch cầu ái toan

  • Đôi khi sử dụng corticosteroid

Điều trị bằng corticosteroid cho hội chứng tăng bạch cầu ái toan sẽ được thảo luận ở phần khác (xem Điều trị Hội chứng tăng bạch cầu ái toan).

Các loại thuốc được biết là có liên quan đến tăng bạch cầu ái toan đều bị ngừng sử dụng. Điều trị nguyên nhân gây bênh. Hen suyễn do bạch cầu ái toan đôi khi có thể được điều trị bằng kháng thể chống lại IL-5 (ví dụ, mepolizumab, reslizumab) hoặc với các kháng thể chống lại thụ thể IL-5 như benralizumab (1). Dupilumab, chất ức chế IL-4/IL-13, có thể được sử dụng để điều trị bệnh viêm phổi mạn tính tăng bạch cầu ái toan và aspergillosis phế quản do dị ứng (2).

Nếu không phát hiện được nguyên nhân, bệnh nhân sẽ được theo dõi các biến chứng. Một thử nghiệm ngắn với corticosteroid liều thấp có thể làm giảm số lượng bạch cầu ái toan nếu tăng bạch cầu ái toan là thứ phát (ví dụ: do dị ứng, bệnh thấp khớp hệ thống hoặc nhiễm ký sinh trùng) chứ không phải nguyên phát. Thử nghiệm này chứng tỏ rằng tăng bạch cầu ưa axit sẽ dai dẳng và tiến triển khi không có những nguyên nhân có thể điều trị được. Bởi vì tăng bạch cầu ái toan có thể liên quan đến nhiều hệ thống cơ quan hoặc có thể là biểu hiện của rối loạn hệ thống, nên có thể cần nhiều chuyên gia để chẩn đoán và điều trị (3).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Pelaia C, Calabrese C, Vatrell A, et al: Benralizumab: from the basic mechanism of action to the potential use in the biological therapy of severe eosinophilic asthma. Biomed Res Int 2018;2018:4839230. doi:10.1155/2018/4839230

  2. 2. Eldaabossi SAM, Awad A, Anshasi N: Meprolizumab and dupliumab as a replacement to systemic glucocorticoids for the treatment of chronic eosinophilic pneumonia and allergic bronchopulmonary aspergillus-Case series, Almoosa specialist hospital. Respir Med Case Rep 34:201520, 2021. doi: 10.1016/j.rmcr.2021.101520

  3. 3. Thomsen GN, Christoffersen MN, Lindegaard HM, et al: The multidisciplinary approach to eosinophilia. Front Oncol 13:1193730, 2023 doi:10.3389/fonc.2023.1193730