- Tổng quan về vi khuẩn
- Tổng quan về thuốc kháng khuẩn
- Aminoglycosides
- Tổng quan về nhóm Beta-Lactam
- Penicillin
- Cephalosporin
- Monobactams
- Carbapenems
- Chloramphenicol
- Daptomycin
- Fluoroquinolones
- Fosfomycin
- Lefamulin
- Lincosamides, Oxazolidinones, và Streptogramins
- Clindamycin
- Linezolid và Tedizolid
- Quinupristin và Dalfopristin
- Lipoglycopeptide
- Macrolides
- Metronidazole và tinidazole
- Mupirocin
- Nitrofurantoin
- Kháng sinh Polypeptide: Bacitracin, Colistin, Polymyxin B
- Rifamycins
- Spectinomycin
- Sulfonamid
- Tetracyclines
- Tigecycline
- Trimethoprim và Sulfamethoxazole
- Vancomycin
Tetracyclines là kháng sinh kìm khuẩn liên kết với tiểu đơn vị 30S của ribosome, do đó ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn. Các tetracycline đặc hiệu là
Doxycycline
Eravacycline (chỉ tiêm tĩnh mạch)
Minocycline
Omadacycline (aminomethylcycline)
Tetracycline
Dược động học của nhóm Tetracycline
Khoảng 60-80% tetracycline và ≥ 90% doxycycline và minocycline được hấp thu sau khi uống. Tuy nhiên, sự hấp thụ được giảm bởi cation kim loại (ví dụ nhôm, Ca, Mg, sắt); do đó, tetracyclines không thể dùng với các chế phẩm có chứa các chất này (ví dụ, thuốc kháng acid,các thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất). Tetracycline và omadacycline nên uống với nhiều nước khi đói. Thức ăn cũng làm giảm sự hấp thu của các tetracycline khác, nhưng tác dụng này ít đáng kể hơn đối với doxycycline và minocycline.
Tetracyclines xâm nhập vào hầu hết các mô cơ thể và chất lỏng. Tất cả đều tập trung trong mật không bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, nồng độ trong dịch não tuỷ không cao. Minocycline là tetracycline duy nhất có nồng độ cao trong nước mắt và nước bọt.
Tetracycline và minocycline được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Doxycycline, eravacycline và omadacycline được bài tiết chủ yếu qua đường ruột.
Chỉ định cho Tetracyclines
Tetracyclines có hoạt tính chống lại những nhiễm trùng do:
Spirochetes (ví dụ, Treponema pallidum, Borrelia burgdorferi)
Chủng Vibrio
Brucella sp
Plasmodium falciparum
Các loài Mycoplasma
Các loài Chlamydia và Chlamydophila
Khoảng 5 đến 10% chủng phế cầu và nhiều nhóm liên cầu tan huyết A β, nhiều trực khuẩn gram âm đường tiết niệu và lậu cầu sinh penicillinase là kháng.
Tetracyclines có thể hoán đổi cho hầu hết các chỉ định, mặc dù minocycline đã được nghiên cứu nhiều nhất về S. aureus kháng methicillin.
Doxycycline thường được ưa thích cho tất cả những chỉ định sau đây bởi vì nó được dung nạp tốt hơn và có thể được dùng 2 lần/ngày:
Nhiễm trùng do các loài rickettsiae hoặc Anaplasma, Chlamydia, Chlamydophila, Ehrlichia, Mycoplasma, hoặc Vibrio
Dự phòng sốt rét do P. falciparum kháng chloroquine
Chống chỉ định với Tetracyclines
Tetracycline bị chống chỉ định ở những bệnh nhân đã có phản ứng dị ứng với các thuốc này.
Việc sử dụng đã bị hạn chế ở trẻ em < 8 tuổi do lo ngại về việc nhuộm màu răng, nhưng điều này không được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng khi sử dụng doxycycline trong thời gian ngắn. Do đó, hầu hết các chuyên gia hiện nay xem xét việc sử dụng doxycycline ngắn hạn (< 21 ngày) có thể chấp nhận được cho mọi lứa tuổi (1). Một nghiên cứu trên trẻ em < 8 tuổi được điều trị bằng doxycycline trong thời gian ngắn vì nghi ngờ sốt phát ban Rocky Mountain không tìm thấy bằng chứng về nhuộm màu răng hoặc khiếm khuyết men răng so với trẻ không dùng doxycycline (2, 3).
Tham khảo chống chỉ định
1. Stultz JS, Eiland LS: Doxycycline and Tooth Discoloration in Children: Changing of Recommendations Based on Evidence of Safety. Ann Pharmacother 53(11):1162-1166, 2019 doi: 10.1177/1060028019863796
2. Todd SR, Dahlgren FS, Traeger MS, et al: No visible dental staining in children treated with doxycycline for suspected Rocky Mountain spotted fever. J Pediatr 166(5):1246–1251, 2015. doi: 10.1016/j.jpeds.2015.02.015
3. Centers for Disease Control and Prevention (CDC): Research on doxycycline and tooth staining. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2024.
Sử dụng nhóm Tetracycline trong thời kỳ mang thai và cho con bú
Tránh sử dụng nhóm Tetracycline trong thai kỳ vì nguy cơ tích tụ trong xương và răng của thai nhi; tuy nhiên, các đợt điều trị ngắn ngày doxycycline (≤ 10 ngày) dường như không làm tăng nguy cơ đổi màu răng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh dùng tetracycline khi có các lựa chọn thay thế an toàn hơn.
Nhiễm độc gan có thể xảy ra ở phụ nữ có thai, đặc biệt sau khi dùng đường tĩnh mạch và ở những người bị thiếu máu hoặc viêm gan cấp. Dùng liều cao trong thời gian mang thai có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ có thể gây tử vong.
Các tác dụng bất lợi của tetracycline bao gồm
Các tác dụng phụ của tetracycline bao gồm
Rối loạn đường tiêu hóa
Nhiễm nấm Candida
Mẫn cảm với ánh sáng
Ảnh hưởng xương và răng ở trẻ em
Gan nhiễm mỡ
Rối loạn chức năng tiền đình (với minocycline)
Tất cả các tetracycline đường uống đều gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy và có thể gây bội nhiễm nấm candida. Nếu không uống cùng nước teracyclines có thể gây tổn thương thực quản.
Mẫn cảm với ánh sáng do tetracyclines có thể như phản ứng cháy nắng.
Các ảnh hưởng đến xương và răng bao gồm nhuộm răng (không quan sát thấy khi sử dụng doxycycline trong thời gian ngắn; xem Chống chỉ định ), giảm sản men răng và tăng trưởng xương bất thường ở trẻ em < 8 tuổi. Ở trẻ sơ sinh, tetracyclines có thể gây tăng huyết áp trong cơ thể tự phát và phồng thóp.
Nồng độ trong máu quá cao do sử dụng liều cao hoặc suy thận có thể dẫn đến gan thoái hoá mỡ cấp, đặc biệt là trong thai kì.
Minocycline thường gây ra rối loạn chức năng tiền đình, hạn chế việc sử dụng nó. Việc sử dụng minocycline có liên quan đến sự phát sinh các bệnh tự miễn như là bệnh lupus ban đỏ hệ thống và viêm nút quanh động mạch, có thể hồi phục được. Minocycline cũng có thể gây phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS), đặc trưng bởi sốt, phát ban, nổi hạch, viêm gan, tăng bạch cầu lympho không điển hình, tăng bạch cầu ái toan và giảm tiểu cầu.
Tetracycline (trừ doxycycline) có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng nitơ huyết, tăng phosphat máu và nhiễm toan chuyển hóa ở bệnh nhân suy thận. Mặc dù doxycycline có nhiều đặc tính trao đổi chất của nhóm tetracycline, nhưng thuốc thường không gây ra nồng độ độc trong máu do đường thải trừ ngoài thận.
Viên thuốc tetracycline hết hạn có thể bị thoái giáng và nếu nuốt phải sẽ gây ra hội chứng Fanconi. Bệnh nhân cần phải được hướng dẫn loại bỏ thuốc kháng sinh khi hết hạn sử dụng.
Cân nhắc về liều lượng đối với Tetracycline
Doxycycline, eravacycline, và omadacycline được bài tiết chủ yếu ở đường ruột và không cần giảm liều trong suy thận, trong khi tetracycline và minocycline cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
Tetracyclines có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai uống và làm tăng tác dụng của thuốc chống đông đường uống.