Bác sĩ luôn có thể thăm khám khoang miệng và có khả năng nhận ra các bệnh chính trong miệng, đặc biệt là các bệnh ung thư có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi khám bác sĩ nha khoa cũng cần đánh giá các thay đổi không ác tính cũng như các vấn đề khác về răng của bệnh nhân. Tương tự như vậy, bệnh nhân bị khô miệng, bị sưng hoặc đau trong khoang miệng, mặt hoặc cổ mà không rõ nguyên nhân thì cũng cần phải khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
Trẻ em có dị dạng mặt (cũng có thể có dị dạng răng cần điều chỉnh) cần được khám bởi bác sĩ Răng Hàm Mặt.
Trong trường hợp sốt không rõ nguồn gốc (FUO) hoặc nhiễm trùng toàn thân không rõ nguyên nhân, nên xem xét nguồn nhiễm trùng răng.
Khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt là cần thiết trước khi xạ trị đầu và cổ và được khuyến khích trước khi thực hiện hóa trị liệu.
Các bệnh Răng Hàm Mặt thông thường, cấp cứu Răng Hàm Mặt, các triệu chứng nha khoa và miệng khác, bao gồm đau răng, được đề cập ở phần khác trong CẨM NANG. Chương này tập trung vào
Những thay đổi ở người già có ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng
Các điểm thiết yếu ở người cao tuổi: Bệnh nhân nha khoa
Giảm bài tiết nước bọt ít khi chỉ đơn thuần là do tuổi tác. Chứng khô miệng hoặc giảm tiết nước bọt ở bệnh nhân cao tuổi hầu như luôn là tác dụng phụ của thuốc, mặc dù lượng nước bọt được kích thích trong bữa ăn thường là đủ.
Núm răng bị mòn và thiểu năng của các cơ cắn có thể làm giảm khả năng nhai, làm giảm lượng thức ăn được hấp thụ.
Tiêu thể tích xương hàm (đặc biệt là xương ổ răng), khô miệng, mỏng niêm mạc miệng và mất phối hợp vận động của môi, má và lưỡi có thể làm cho việc lưu giữ hàm giả trở nên khó khăn.
Các nụ vị giác trở nên kém nhạy cảm, vì vậy người cao tuổi có thể thêm nhiều gia vị, đặc biệt là muối (có hại cho một số người), hoặc họ có thể thích đồ ăn rất nóng để ngon miệng hơn, nên đôi khi làm bỏng niêm mạc miệng vốn đã bị teo.
Sự tụt lợi và chứng khô miệng góp phần vào sự phát triển của sâu chân răng.
Dù có những thay đổi này, việc cải thiện vệ sinh răng miệng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ rụng răng và hầu hết người cao tuổi đều có thể giữ lại được răng của họ.
Sức khoẻ răng miệng kém góp phần giảm lượng chất dinh dưỡng hấp thụ, điều đó làm suy yếu sức khoẻ nói chung. Bệnh răng miệng (đặc biệt viêm quanh răng) có liên quan đến nguy cơ tăng bệnh động mạch vành gấp 2 lần. Bệnh nhân mất hết răng không thể mắc bệnh viêm quanh răng do họ không còn tổ chức quanh răng, mặc dù viêm quanh răng có thể đã gây ra việc mất răng của họ. Viêm phổi hít phải ở bệnh nhân viêm quanh răng có thể liên quan đến các sinh vật kị khí và có tỷ lệ tử vong cao. Nhiễm trùng máu thứ phát do nhiễm trùng răng cấp hoặc mạn tính có thể dẫn đến áp xe não, huyết khối xoang hang, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng khớp giả, và sốt không rõ nguyên nhân.