Giải phẫu và tăng trưởng của răng

TheoRosalyn Sulyanto, DMD, MS, Boston Children's Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 4 2024

Răng

Răng được phân loại thành răng cửa, răng nanh, răng tiền hàm và răng hàm và thường được đánh số bắt đầu từ răng hàm thứ ba bên phải hàm trên (xem hình Xác định răng).

Xác định răng

Hệ thống đánh số được hiển thị là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Mỗi răng đều có thân và chân. Răng nanh có chân lớn và khỏe nhất. Tủy răng chứa các mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh, bao quanh bởi lớp ngà cứng nhưng có độ xốp nên nhạy cảm với tiếp xúc và sự thay đổi nhiệt độ. Thân răng được bao phủ bởi lớp men rất cứng. Xi măng giống như xương nằm phía trên chân răng, khi khỏe mạnh sẽ được bao phủ bởi nướu (xem hình Mặt cắt ngang của răng nanh).

Hai mươi răng sữa thường bắt đầu mọc ở khoảng 6 tháng tuổi và nên mọc hết trước khi trẻ được 30 tháng tuổi (xem bảng Thời gian mọc răng). Những răng này được tiếp nối bởi 32 răng vĩnh viễn bắt đầu mọc ở khoảng 6 tuổi. Giai đoạn từ 6 tuổi đến 11 tuổi được gọi là giai đoạn răng hỗn hợp, trong đó có cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Thời điểm mọc răng là một chỉ số về tuổi xương và có thể xác định trẻ chậm phát triển hoặc xác định độ tuổi cho các mục đích pháp y.

(Xem thêm phần Giới thiệu về bệnh nhân nha khoa.)

Mặt cắt ngang của răng nanh

Các tổ chức nâng đỡ

Lợi bao quanh răng ở phía dưới thân răng. Các mào sống hàm là xương bè và chứa các huyệt ổ răng. Mô quanh răng bao gồm các mô nâng đỡ răng - lợi, biểu mô bám dính, bám dính tổ chức liên kết, dây chằng nha chu và xương ổ răng. Hàm dưới và hàm trên nâng đỡ mào sống hàm và chứa các răng. Nước bọt từ các tuyến nước bọt bao bọc và bảo vệ răng. Lưỡi hướng thức ăn giữa các bề mặt nhai và giúp làm sạch răng.

Hàm trên nhận được sự chi phối từ dây thần kinh hàm trên, nhánh thứ hai của dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh sọ thứ 5). Dây thần kinh hàm dưới, là nhánh thứ ba và là nhánh thấp nhất của dây thần kinh sinh ba, chi phối thần kinh hàm dưới.

Ở bệnh nhân cao tuổi, hoặc ở một số người mắc bệnh nha chu, tình trạng tụt nướu làm lộ chân răng gần thân răng, khiến tình trạng sâu chân răng trở nên phổ biến. Nếu răng bị phá hủy dẫn đến phải nhổ bỏ, kích thích cơ học cần thiết để duy trì tính toàn vẹn của xương sẽ bị mất đi. Hậu quả là xương mào sống hàm bị tiêu (tiêu do lão suy) sau khi mất răng.

Miệng

Thông thường, biểu mô sừng hóa gặp ở mặt ngoài của môi, lưng lưỡi, vòm miệng cứng, và mô lợi xung quanh răng. Khi lành mạnh, lợi sừng hóa kéo dài 5 đến 7 mm tính từ thân răng. Niêm mạc không sừng hóa gặp ở xương ổ răng tiếp nối với mô sừng hóa, mặt trong của môi và má, ở hai bên và mặt dưới của lưỡi, trên vòm miệng mềm, và bao phủ sàn miệng. Da và niêm mạc của môi được chia ranh giới bằng đường viền màu đỏ.

Niêm mạc má, bao gồm cả tiền đình niêm mạc xương ổ răng không sừng hóa, thường mịn và ẩm. Các tổ chức vô hại trong khu vực này bao gồm:

  • Linea alba (một đường trắng mỏng, thường là hai bên, ở ngang mức mặt phẳng nhai, nơi má bị cắn)

  • Hạt Fordyce (tuyến bã nhờn bất thường xuất hiện dưới dạng các đốm màu vàng nhạt < 1 mm cũng có thể xuất hiện trên môi)

  • Nốt bọt biển màu trắng (nếp gấp màu trắng dày hai bên trên hầu hết niêm mạc miệng)

Thỉnh thoảng, sắc tố niêm mạc có thể phát sinh từ các vật liệu ngoại lai được tích hợp vào mô. Hay gặp nhất là một vùng màu xanh hoặc đen ngay cạnh một miếng hàn amalgam. Đây được gọi là hình xăm amalgam. Các lỗ của ống tuyến mang tai (Stensen) nằm đối diện với răng hàm lớn thứ nhất ở mặt trong của mỗi má và không nên nhầm lẫn với một bất thường. Nhận thức được những điều này sẽ tránh phải sinh thiết không cần thiết và sự lo lắng.

Bề mặt lưng của lưỡi được che phủ với nhiều nhú màu trắng được gọi là các nhú chỉ. Xen kẽ trong số đó là các vùng nổi bật màu đỏ được gọi là nhú nấm, gặp chủ yếu ở phần trước của lưỡi. Các nhú dài xếp thành hàng, đánh số từ 8 đến 12, lớn hơn đáng kể và nằm ở phía sau theo hình chữ V. Các nhú dài này không xuất hiện từ lưỡi mà thay vào đó được bao quanh bởi một cái rãnh. Các nhú dạng lá xuất hiện dưới dạng một loạt các nếp gấp song song, dạng khe ở rìa bên của lưỡi, gần trụ trước của màn hầu. Chúng khác nhau về chiều dài và có thể dễ bị nhầm với các tổn thương ác tính, cũng như lỗ tịt, viêm lưỡi rãnh giữa, và hiếm gặp là hạch giáp lưỡi. Các hạch nhân lưỡi là thành phần của vòng tròn Waldeyer, nằm ở phía sau của lưỡi, và không nên nhầm lẫn với các tổn thương. Nếu một điều nghi là bất thường lại có ở cả hai bên thì hầu như là một biến thể bình thường.

Lưỡi được điều khiển bằng dây thần kinh lưỡi (các nhánh của dây thần kinh sọ thứ 5), cho cảm giác chung, và các sợi thừng nhĩ (của dây thần kinh sọ não thứ 7), cảm nhận vị giác ở hai phần ba lưỡi trước. Ở một phần ba lưỡi sau đằng sau dãy các nhú dài, các nhánh thần kinh lưỡi hầu (dây thần kinh sọ số 9) cung cấp cảm giác xúc giác và vị giác. Dây thần kinh phế vị (dây thần kinh sọ thứ 10) mang lại cảm giác vị giác nhẹ cho vùng trên thực quản và nắp thanh quản. Lưỡi có các cảm thụ vị giác cho vị ngọt, mặn, chua, đắng, và vị umami (hương vị thơm ngon được kích hoạt bởi axit glutamic tự nhiên và các glutamat ví dụ như mì chính). Mặc dù trước đây được cho là một phần riêng không thuộc lưỡi, các thụ thể vị giác bây giờ được biết là phân bố trên bề mặt của lưỡi. Dây thần kinh hạ thiệt (dây thần kinh sọ 12) kiểm soát chuyển động của lưỡi.

Các tuyến nước bọt chính đều có một cặp là tuyến mang tai, dưới hàm, và dưới lưỡi. Hầu hết các bề mặt niêm mạc miệng chứa nhiều tuyến nước bọt phụ tiết ra chất nhầy. Trước và gần đường giữa ở mỗi bên của sàn miệng là các lỗ của ống Wharton, là ống thoát của các tuyến dưới hàm và dưới lưỡi. Các tuyến dưới hàm thoát ra má qua các ống Stensen.