Các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu có thể liên quan đến niệu đạo, tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc thận. Triệu chứng có thể không có hoặc bao gồm: tiểu dắt, tiểu gấp, tiểu buốt, đau bụng dưới, và đau vùng hông lưng. Các triệu chứng toàn thân và thậm chí là nhiễm trùng huyết có thể xảy ra nếu có nhiễm trùng thận. Chẩn đoán dựa trên phân tích và nuôi cấy nước tiểu. Điều trị bằng kháng sinh, loại bỏ ống thông và tắc nghẽn hệ thống tiết niệu.
(Xem thêm Giới thiệu về nhiễm trùng đường tiết niệu; Trực khuẩn gram âm; Viêm tuyến tiền liệt; và Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em.)
Trong số những người trưởng thành từ 20 tuổi đến 50 tuổi, nhiễm trùng tiểu phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới (1, 2). Ở phụ nữ trong nhóm tuổi này, hầu hết các nhiễm trùng đường tiết niệu là viêm bàng quang hoặc là viêm thận bể thận. Ở nam giới cùng độ tuổi, hầu hết nhiễm trùng đường tiết niệu là viêm niệu đạo hoặc là viêm tuyến tiền liệt. Tỉ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu tăng ở bệnh nhân > 50 tuổi, nhưng tỷ lệ mắc giữa nam và nữ giảm bởi vì tần suất phì đại tuyến tiền liệt tăng lên và can thiệp vào đường tiết niệu ở nam giới.
Tài liệu tham khảo
1. Foxman B: Epidemiology of urinary tract infections: Incidence, morbidity, and economic costs. Am J Med 13 Suppl 1A:5S-13S, 2002 doi: 10.1016/s0002-9343(02)01054-9
2. Office of Women's Health (OASH): Urinary tract infections. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2024.
Sinh bệnh học của UTI do vi khuẩn
Đường tiết niệu, từ thận đến lỗ miệng sáo, bình thường là vô trùng và đề kháng với vi khuẩn chí mặc dù thường xuyên bị bội nhiễm từ phần niệu đạo ngoài với vi khuẩn đại trực tràng. Cơ chế bảo vệ chủ yếu chống lại nhiễm trùng đường tiết niệu là để bàng quang hoàn toàn rỗng trong khi đi tiểu. Các cơ chế khác để duy trì sự vô khuẩn của đường bao gồm tính axit của nước tiểu, van chống trào ngược bàng quang niệu quản, và các rào cản miễn dịch và hàng rào niêm mạc khác nhau.
Khoảng 95% số trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện khi vi khuẩn lên niệu đạo vào bàng quang, và trong trường hợp viêm thận bể thận, vi khuẩn đi từ niệu quản lên thận. Phần còn lại của nhiễm trùng đường tiết niệu là vi khuẩn đi theo đường máu. Nhiễm trùng toàn thân có thể là hậu quả của nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt ở người cao tuổi. Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến gây vãng khuẩn huyết mắc phải tại bệnh viện (1).
Nhiễm trùng tiết niệu không phức tạp thường được coi là bệnh viêm bàng quang hay viêm thận bể thận ở những phụ nữ tiền mãn kinh mà không có bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của đường tiểu và những người không mang thai và không có triệu chứng đáng kể nào có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng ngay cả khi chúng ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh hoặc bệnh nhân tiểu đường được kiểm soát tốt. Ở nam giới, hầu hết nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở trẻ em hoặc người cao tuổi, là do bất thường giải phẫu hoặc do can thiệp dụng cụ vào đường niệu, và được coi là phức tạp, có biến chứng.
Các nhiễm trùng đường tiết niệu hiếm xảy ra ở nam giới từ 15 đến 50 tuổi, thường ở nam giới có quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn, hoặc ở những người có dương vật không được cắt bao quy đầu, và chúng thường được xem là không biến chứng. Trên các đối tượng nam giới ở độ tuổi này nhưng có quan hệ tình dục đường hậu môn an toàn và chưa cắt bao quy đầu là rất hiếm gặp, thường được coi là nhiễm trùng tiết niệu phức tạp và cần phải đánh giá các bất thường về đường tiết niệu.
Nhiễm trùng tiết niệu phức tạp có thể liên quan đến giới tính ở mọi lứa tuổi. Nó thường được coi là viêm thận bể thận hay viêm bàng quang không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí được xem là không phức tạp. Nhiễm trùng tiết niệu được coi là phức tạp nếu bệnh nhân là trẻ em, hoặc đang mang thai, hoặc có bất cứ điều nào sau đây:
Bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của hệ tiết niệu và tắc nghẽn dòng nước tiểu
Một bệnh kèm theo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc kháng điều trị, chẳng hạn như tiểu đường kiểm soát kém, bệnh thận mạn tính, hoặc suy giảm miễn dịch.
Có can thiệp thủ thuật đặt dụng cụ vào đường tiểu hoặc phẫu thuật đường tiết niệu gần đây
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ tiến triển nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ bao gồm:
Quan hệ tình dục
Sử dụng màng ngăn âm đạo và chất diệt tinh trùng
Sử dụng kháng sinh
Bạn tình mới
Tiền sử nhiễm trùng tiểu ở người thân nữ giới có quan hệ huyết thống bậc một
Tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
Nhiễm trùng đường tiết niệu lần đầu ở người trẻ
Các yếu tố nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có tắc nghẽn, thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi
Bất kỳ nguyên nhân nào khác gây tắc nghẽn đường tiết niệu (ví dụ: ung thư tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo)
Gần đây dùng thiết bị hoặc ống thông lưu
Bất thường về cấu trúc, chẳng hạn như túi thừa bàng quang
Các bệnh lý thần kinh gây trở ngại cho quá trình đi tiểu bình thường (ví dụ: chấn thương tủy sống)
Suy giảm nhận thức, đại tiện không tự chủ hoặc tiểu tiện không tự chủ
Ngay cả việc sử dụng bao cao su có phủ chất diệt tinh trùng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ. Nguy cơ gia tăng nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ sử dụng kháng sinh hoặc chất diệt tinh trùng có thể xảy ra do sự huỷ hoại hệ vi khuẩn chí bình thường ở âm đạo, cho phép phát triển quá mức Escherichia coli. Ở phụ nữ lớn tuổi, tình trạng đại tiện không tự chủ làm vùng tầng sinh môn thường xuyên bị nhiễm bẩn và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các bất thường về giải phẫu, cấu trúc và chức năng của hệ tiết niệu là những yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Hậu quả chung của bất thường giải phẫu là trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) ở 30-45% trẻ nhỏ có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. VUR thường do khiếm khuyết bẩm sinh gây ra tình trạng mất chức năng của van chống trào ngược bàng quang niệu quản. VUR cũng có thể được quan sát thấy ở những bệnh nhân có bàng quang thần kinh do chấn thương tủy hoặc sau khi phẫu thuật đường tiết niệu. Các bất thường giải phẫu khác dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm van niệu đạo sau (bất thường tắc nghẽn bẩm sinh), chậm trưởng thành vùng cổ bàng quang, túi thừa bàng quang, và niệu đạo đôi (xem Tổng quan về dị tật hệ sinh dục bẩm sinh).
Các bất thường về cấu trúc và chức năng dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu thường liên quan đến tắc nghẽn dòng nước tiểu và rỗng bàng quang kém. Dòng nước tiểu có thể bị ảnh hưởng bởi sỏi và khối u. Việc làm rỗng bàng quang có thể khó khăn do rối loạn chức năng có nguồn gốc thần kinh, mang thai, sa tử cung, sa bàng quang và phì đại tuyến tiền liệt. Nhiễm trùng đường tiết niệu do các yếu tố bẩm sinh thường biểu hiện sớm trong thời thơ ấu. Hầu hết các yếu tố nguy cơ khác phổ biến hơn ở người cao tuổi.
Các yếu tố nguy cơ khác của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm việc sử dụng các dụng cụ can thiệp vào đường niệu (ví dụ, đặt ống thông bàng quang, đặt stent niệu đạo, soi bàng quang) và phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo về sinh lý bệnh
1. Weinstein MP, Towns ML, Quartey SM, et al: The clinical significance of positive blood cultures in the 1990s: A prospective comprehensive evaluation of the microbiology, epidemiology, and outcome of bacteremia and fungemia in adults. Clin Infect Dis 24(4):584-602, 1997 doi: 10.1093/clind/24.4.584
Căn nguyên của UTI do vi khuẩn
Các vi khuẩn thường gây viêm bàng quang và viêm thận bể thận là:
Vi khuẩn đường ruột, thường là vi khuẩn kỵ khí gram âm (thường gặp).
Vi khuẩn Gram dương (ít gặp hơn)
Trong đường sinh dục tiết niệu bình thường, chủng Escherichia coli có các yếu tố bám dính đặc hiệu với vùng biểu mô chuyển tiếp của bàng quang và niệu quản chiếm từ 75 đến 95% trường hợp. Các căn nguyên vi khuẩn gram âm đường ruột khác là Klebsiella hoặc là Proteus mirabilis, và đôi khi Pseudomonas aeruginosa. Trong số vi khuẩn Gram dương, Staphylococcus saprophyticus có liên quan từ 5 đến 10% loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn gram dương ít phổ biến hơn là Enterococcus faecalis (liên cầu nhóm D) và Streptococcus agalactiae (liên cầu nhóm B), có thể bị bội nhiễm, đặc biệt nếu chúng được phân lập từ bệnh nhân viêm bàng quang không biến chứng.
Ở bệnh nhân nằm viện, E. coli chiếm khoảng 50% trường hợp. Các loài vi khuẩn gram âm Klebsiella, Proteus, Enterobacter, Pseudomonas và Serratia chiếm khoảng 40%, và số còn lại là cầu khuẩn gram dương E. faecalis, S. saprophyticus và Staphylococcus aureus.
Phân loại UTI do vi khuẩn
Viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo do vi khuẩn (hoặc ký sinh trùng, vi rút, hoặc nấm) xảy ra khi các căn nguyên này nhân lên cấp tính hoặc mạn tính tại đoạn niệu đạo hành và niệu đạo dương vật của nam giới và toàn bộ niệu đạo của nữ giới. Các mầm bệnh gây bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia trachomatis (xem Các bệnh nhiễm trùng do Chlamydial, Mycoplasmal và Ureaplasmal), Neisseria gonorrhoeae (xem Gonorrhea), Trichomonas vaginalis (xem Trichomoniasis) và vi rút herpes simplex là những nguyên nhân phổ biến ở cả hai giới.
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm trùng bàng quang. Viêm bàng quang hay gặp ở phụ nữ, thường khởi phát sau quan hệ tình dục (viêm bàng quang tuần trăng mật), đa số là nhẹ và ít biến chứng. Ở nam giới, viêm bàng quang thường diễn biến phức tạp hơn, do căn nguyên đi ngược lên từ niệu đạo, hoặc tiền liệt tuyến, hoặc thứ phát sau can thiệp đặt dụng cụ vào niệu đạo. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm bàng quang tái phát ở nam giới là viêm mạn tính tuyến tiền liệt.
Hội chứng niệu đạo cấp
Hội chứng niệu đạo cấp tính, xảy ra ở phụ nữ, là một hội chứng liên quan đến tiểu buốt, tiểu dắt và tiểu mủ (hội chứng tiểu buốt-tiểu mủ), do đó triệu chứng tương tự viêm bàng quang. Tuy nhiên, trong hội chứng niệu đạo cấp tính (không giống như ở bệnh viêm bàng quang), nuôi cấy nước tiểu thường là âm tính hoặc biểu hiện số khuẩn lạc thấp hơn tiêu chuẩn kinh điển để chẩn đoán nhiễm khuẩn bàng quang. Viêm niệu đạo do các sinh vật bao gồm Chlamydia trachomatis và Ureaplasma urealyticum, không được phát hiện khi cấy nước tiểu thường quy, có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng niệu đạo cấp tính.
Các nguyên nhân không nhiễm trùng đã được đề xuất, nhưng các bằng chứng khẳng định vẫn chưa được kết luận rõ ràng, và hầu hết các nguyên nhân không nhiễm trùng thường ít hoặc không có hiện tượng tiểu mủ. Các nguyên nhân không nhiễm trùng có thể bao gồm các bất thường về giải phẫu (ví dụ như hẹp niệu đạo), bất thường về sinh lý (ví dụ rối loạn chức năng cơ đáy chậu), mất cân bằng hormone (ví dụ viêm niệu đạo teo), chấn thương cục bộ, triệu chứng của hệ thống đường ruột, và viêm.
Vi khuẩn niệu không triệu chứng
Vi khuẩn niệu không triệu chứng là tình trạng không có triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể của nhiễm trùng đường tiết niệu ở bệnh nhân, nhưng cấy nước tiểu có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Tiểu mủ có thể có hoặc không. Do không có triệu chứng, nên các vi khuẩn niệu được tìm thấy chủ yếu ở những bệnh nhân có nguy cơ cao được sàng lọc, hoặc khi nuôi cấy nước tiểu vì các lý do khác.
Sàng lọc bệnh nhân để xem có nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng không được chỉ định cho những người có nguy cơ bị biến chứng nếu nhiễm khuẩn niệu không được điều trị (xem U.S. Preventive Services Task Force Reaffirmation Recommendation Statement, 2019). Những bệnh nhân này bao gồm
Phụ nữ mang thai ở tuần thứ 12 đến tuần thứ 16 của thai kỳ hoặc ở lần khám thai đầu tiên, nếu muộn hơn (vì nguy cơ nhiễm trùng tiểu có triệu chứng, bao gồm viêm bể thận, trong khi mang thai và kết quả bất lợi khi mang thai, bao gồm cả trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non)
Bệnh nhân đã có ghép thận trong vòng 6 tháng trước
Trẻ nhỏ bị trào ngược bàng quang niệu quản đại thể
Trước một số thủ thuật xâm lấn bộ phận sinh dục có thể gây chảy máu niêm mạc (ví dụ: cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường dẫn tinh)
Một số bệnh nhân nhất định (ví dụ, phụ nữ sau mãn kinh; bệnh nhân tiểu đường được kiểm soát; bệnh nhân liên tục sử dụng các dị vật đường tiết niệu như stent, ống nội soi cắt thận, và ống thông lưu) thường có vi khuẩn niệu dai dẳng không triệu chứng và đôi khi đái ra mủ. Nếu họ không có triệu chứng, những bệnh nhân này không nên được sàng lọc thường xuyên, bởi vì họ có nguy cơ thấp. Ở những bệnh nhân có ống thông lưu, việc điều trị vi khuẩn niệu không có triệu chứng thường không loại bỏ được vi khuẩn niệu và chỉ dẫn đến sự phát triển của các sinh vật kháng sinh.
Viêm thận bể thận cấp tính
Viêm thận bể thận là nhiễm khuẩn ở nhu mô thận. Thuật ngữ này không nên được sử dụng để mô tả bệnh ống kẽ thận trừ khi tình trạng nhiễm trùng được ghi nhận. Ở phụ nữ, viêm bể thận là nguyên nhân phổ biến gây vãng khuẩn huyết mắc phải tại cộng đồng (1). Viêm thận-bể thận là không phổ biến ở nam giới với một đường niệu bình thường.
Trong 95% trường hợp viêm thận bể thận, nguyên nhân là sự xâm nhập của vi khuẩn ngược dòng qua đường niệu. Mặc dù tắc nghẽn (ví dụ: hẹp, sỏi, khối u, bàng quang thần kinh, trào ngược bàng quang niệu quản) dẫn đến viêm thận bể thận, nhưng hầu hết phụ nữ bị viêm thận bể thận không có khiếm khuyết về chức năng hoặc giải phẫu có thể chứng minh. Ở nam giới, viêm thận bể thận thường do một số khiếm khuyết chức năng hoặc giải phẫu. Bệnh viêm bàng quang đơn thuần hoặc các khiếm khuyết giải phẫu có thể gây ra trào ngược. Nguy cơ ngược dòng của vi khuẩn sẽ tăng lên đáng kể khi có giảm nhu động niệu quản (ví dụ như trong thời gian mang thai, tắc nghẽn, hay do độc tố vi khuẩn gram âm). Bệnh viêm thận bể thận phổ biến ở trẻ em gái, phụ nữ mang thai sau khi đặt sonde bàng quang.
Viêm thận bể thận nếu không do vi khuẩn ngược dòng đường niệu, thì thường là qua đường máu, đặc biệt là các vi khuẩn có độc tố như là các loài S. aureus, P. aeruginosa, Salmonella species và các loài Candida.
Thận thường tăng kích thước vì bạch cầu đa nhân trung tính gây viêm và phù nề. Tình trạng nhiễm khuẩn là khu trú và không liên tục, bắt đầu từ vùng chậu đi lên tuỷ thận sau đó lan vào vùng vỏ thận tạo hình ảnh tổn thương hình chêm. Các tế bào viêm xuất hiện trong vòng vài ngày, và vùng tủy và vùng dưới vỏ của thận có thể hình thành các ổ áp xe. Thường là vùng nhu mô bình thường của thận nằm xen giữa các ổ nhiễm trùng.
Hoại tử nhú có thể xảy ra trong viêm bể thận cấp tính liên quan đến bệnh tiểu đường, tắc nghẽn, bệnh hồng cầu hình liềm, viêm bể thận khi ghép thận, viêm bể thận do nhiễm nấm candida hoặc bệnh thận do thuốc giảm đau.
Mặc dù viêm thận bể thận cấp thường liên quan đến vết sẹo thận ở trẻ em, nhưng sẹo ở người lớn không thể phát hiện được khi không có trào ngược hoặc tắc nghẽn.
Tài liệu tham khảo về phân loại
1. Tsay RW, Siu LK, Fung CP, et al: Characteristics of bacteremia between community-acquired and nosocomial Klebsiella pneumoniae infection: Risk factor for mortality and the impact of capsular serotypes as a herald for community-acquired infection. Arch Intern Med162(9):1021-1027, 2002 doi: 10.1001/archinte.162.9.1021
Các triệu chứng và dấu hiệu của UTI do vi khuẩn
Bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân bị bàng quang thần kinh, hoặc có ống thông lưu có thể có các biểu hiện của nhiễm trùng huyết và mê sảng mà không có các triệu chứng của đường tiết niệu.
Khi có triệu chứng, chúng có thể không tương quan với vị trí nhiễm khuẩn của đường niệu vì có sự chồng lấp các triệu chứng; tuy nhiên, có một cái nhìn tổng thể là rất hữu ích.
Trong viêm niệu đạo, các triệu chứng chính là tiểu buốt và chủ yếu ở nam giới là tiết dịch niệu đạo. Chất dịch tiết đó có thể là mủ, dịch trắng, hoặc dịch nhầy. Dịch tiết có đặc điểm như dịch mủ không có sự khác biệt giữa nguyên nhân gây viêm niệu đạo do lậu và không do lậu.
Viêm bàng quang khởi phát thường là đột ngột, điển hình là tiểu nhiều lần, tiểu gấp, và nóng rát hoặc đau khi đi tiểu với một lượng nước tiểu rất ít. Chứng tiểu đêm, đau trên xương mu và đau thắt lưng thường rất phổ biến. Nước tiểu thường đục, và đái máu vi thể (hiếm khi đái máu đại thể) có thể xảy ra. Sốt nhẹ có thể có. Tiểu hơi (tiểu có bọt khí trong nước tiểu) có thể xảy ra khi có nhiễm trùng do dò bàng quang-ruột hoặc dò bàng quang-âm đạo hoặc viêm bàng quang do vi khuẩn sinh hơi.
Với viêm thận bể thận cấp, các triệu chứng có thể giống như viêm bàng quang. Một phần ba số bệnh nhân có biểu hiện tiểu gấp và tiểu buốt. Tuy nhiên, với viêm thận bể thận, các triệu chứng thường bao gồm rét run, sốt, đau vùng hông lưng, đau quặn bụng, buồn nôn, và nôn. Nếu bụng mềm,hoặc thành bụng mỏng thỉnh thoảng có thể sờ thấy thận to và đau khi chạm. Vỗ hông lưng dương tính thường xuất hiện ở phía bên bị bệnh. Trong nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em, các triệu chứng thường ít và không điển hình.
Chẩn đoán UTI do vi khuẩn
Xét nghiệm nước tiểu
Đôi khi cấy nước tiểu
Chẩn đoán bằng nuôi cấy không phải lúc nào cũng cần thiết. Nếu được thực hiện, chẩn đoán bằng nuôi cấy đòi hỏi phải có biểu hiện vi khuẩn niệu đáng kể trong mẫu nước tiểu được lấy đúng cách.
Cách lấy mẫu nước tiểu
Nếu nghi ngờ bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), cần lấy phiến đồ dịch niệu đạo để xét nghiệm STI trước khi đi tiểu. Sau đó lấy mẫu nước tiểu sạch hoặc lấy qua ống thông tiểu.
Để có được một mẫu nước tiểu sạch, lấy mẫu nước tiểu giữa dòng, lỗ niệu đạo ngoài được rửa bằng nước tẩy rửa nhẹ hoặc xà phòng nhẹ không có tác dụng sát khuẩn, sau đó lau khô. Việc tiếp xúc giữa dòng nước tiểu với niêm mạc nên được giảm thiểu bằng cách mở rộng môi lớn ở nữ giới và kéo ra phía sau lớp da bao quy đầu ở nam giới. 5 mL nước tiểu đầu tiên không lấy; 5-10 mL tiếp theo được thu thập trong một lọ bệnh phẩm vô khuẩn.
Mẫu nước tiểu lấy qua sonde tiểu được ưu tiên lựa chọn hơn ở phụ nữ lớn tuổi (thường gặp khó khăn trong việc lấy mẫu nước tiểu sạch) và ở phụ nữ bị hành kinh hoặc ra khí hư âm đạo. Nhiều bác sĩ lâm sàng cũng sử dụng ống thông để lấy mẫu nếu đánh giá bao gồm khám vùng chậu. Chẩn đoán ở bệnh nhân có ống thông lưu được thảo luận ở phần khác.
Nên tiến hành xét nghiệm, đặc biệt là nuôi cấy, trong vòng 2 giờ kể từ khi lấy mẫu; nếu không, mẫu phải được bảo quản lạnh.
Các xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm vi thể bằng kính hiển vi là hữu ích nhưng không có tính chẩn đoán xác định. Tiểu mủ được định nghĩa là ≥ 8 tế bào bạch cầu (WBC)/mcL với mẫu nước tiểu không li tâm, tương ứng với 2 đến 5 WBC/vi trường với mẫu cặn nước tiểu. Hầu hết những bệnh nhân nhiễm trùng thực sự sẽ có > 10 WBC/mcL. Sự hiện diện của vi khuẩn trong khi không có tiểu mủ, đặc biệt là khi có nhiều chủng được tìm thấy, thường do bội nhiễm trong quá trình lấy mẫu. Đái máu vi thể xảy ra ở trên 50% bệnh nhân, nhưng đái máu đại thể ít phổ biến hơn. Trụ bạch cầu, loại trụ có thể đòi hỏi nhuộm đặc biệt để phân biệt với trụ tế bào ống thận, chỉ ra một phản ứng viêm; chúng có thể có mặt trong viêm thận bể thận, viêm cầu thận, và viêm kẽ ống thận không nhiễm trùng.
Bệnh nhân có thể có tiểu mủ khi không có vi khuẩn niệu, ví dụ, nếu bệnh nhân có sỏi thận, u thận, viêm ruột thừa, viêm đại tràng hoặc nếu mẫu bị nhiễm bạch cầu từ âm đạo. Những phụ nữ bị tiểu buốt và tiểu mủ mà không có vi khuẩn niệu đáng kể có thể bị viêm bàng quang kẽ/hội chứng đau bàng quang.
Kiểm tra bằng que thử cũng thường được sử dụng. Nitrite niệu dương tính trên một mẫu nước tiểu tươi (sự nhân lên của vi khuẩn trong lọ đựng bệnh phẩm khiến kết quả không đáng tin cậy nếu mẫu không được xét nghiệm nhanh) rất đặc hiệu đối với nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng xét nghiệm không nhạy. Các thử nghiệm men esterase của bạch cầu rất đặc hiệu với sự hiện diện của > 10 WBC/mcL và khá nhạy. Ở phụ nữ trưởng thành mắc nhiễm trùng đường tiết niệu không phức tạp với các triệu chứng điển hình, hầu hết các bác sĩ lâm sàng đều cho rằng xét nghiệm dương tính trên soi kính hiển vi và que thử là đủ; trong những trường hợp này, việc tìm ra các căn nguyên cụ thể dựa vào nuôi cấy dường như không làm thay đổi cách điều trị nhưng sẽ tăng chi phí đáng kể.
Cấy nước tiểu được khuyến cáo ở những bệnh nhân có các đặc điểm và triệu chứng gợi ý nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp hoặc chỉ định điều trị vi khuẩn niệu. Dưới đây là các trường hợp được khuyến cáo:
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ sau mãn kinh
Đàn ông
Trẻ trước tuổi dậy thì
Bệnh nhân có dị dạng đường niệu hoặc can thiệp thủ thuật đặt dụng cụ vào đường niệu gần đây
Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc có các bệnh phối hợp
Bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý viêm thận bể thận hoặc nhiễm khuẩn huyết
Bệnh nhân nhiễm trùng tiết niệu tái phát (≥ 3 lần/năm)
Các mẫu nước tiểu có lượng lớn các tế bào biểu mô được coi là bị nhiễm bẩn và không giúp ích cho việc nuôi cấy. Một mẫu nước tiểu không bị nhiễm bẩn mới được dùng để nuôi cấy. Nuôi cấy mẫu nước tiểu buổi sáng có nhiều khả năng phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu. Các mẫu nước tiểu được để ở nhiệt độ phòng > 2 giờ có thể mang lại kết quả đếm khuẩn lạc cao giả tạo do sự nhân lên của vi khuẩn. Tiêu chuẩn nuôi cấy dương tính bao gồm việc phân lập một chủng vi khuẩn duy nhất từ mẫu nước tiểu giữa dòng sạch, hoặc mẫu nước tiểu dẫn lưu trực tiếp từ bàng quang.
Đối với nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng, tiêu chuẩn về kết quả nuôi cấy dương tính dựa trên hướng dẫn của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (xemGuidelines for the Diagnosis and Treatment of Asymptomatic Bacteriuria in Adults, 2019) là
Hai mẫu nước tiểu sạch liên tiếp (đối với nam giới cần một mẫu) cho kết quả cùng một chủng vi khuẩn được phân lập với số khuẩn lạc >105/mL
Với cả nữ hoặc nam, mẫu nước tiểu lấy trực tiếp qua ống thông tiểu, phân lập được một chủng vi khuẩn với số khuẩn lạc > 102/mL
Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng, tiêu chuẩn nuôi cấy là:
Viêm bàng quang không phức tạp ở phụ nữ: > 103/mL
Viêm bàng quang không phức tạp ở phụ nữ: > 102/mL (This quantification may be considered to improve sensitivity to E. coli.)
Viêm thận bể thận cấp, không phức tạp ở phụ nữ: > 104/mL
Nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp: > 105/mL ở phụ nữ; hoặc > 104/mL ở nam giới hoặc mẫu lấy từ ống sonde tiểu ở phụ nữ
Hội chứng niệu đạo cấp: > 102/mL với một chủng vi khuẩn duy nhất
Kết quả nuôi cấy dương tính, bất kể số khuẩn lạc là bao nhiêu, trong một mẫu thu được bằng chọc bàng quang trên xương mu nên được coi là dương tính thật.
Với mẫu nước tiểu giữa dòng, E. coli có thể vẫn là căn nguyên thực sự nếu nó mọc lên cùng với phức hợp các vi khuẩn khác (1).
Đôi khi nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện dù số lượng khuẩn lạc thấp, có thể là do điều trị kháng sinh trước đó, nước tiểu pha loãng (tỉ trọng < 1,003), hoặc tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu trong trường hợp bị viêm nặng. Việc lặp lại nuôi cấy cải thiện độ chính xác chẩn đoán dương tính, nghĩa là, có thể phân biệt giữa hiện tượng bội nhiễm và kết quả dương tính thật. Xét nghiệm nước tiểu phân tử mới hơn đôi khi có thể tiết lộ các mầm bệnh bất thường ở bệnh nhân nhiễm trùng tiểu khó hoặc tái phát.
Vị trí nhiễm trùng
Sự phân biệt về lâm sàng giữa nhiễm trùng đương tiết niệu cao và thấp là điều không thể trên nhiều bệnh nhân, và thường không được khuyến khích. Khi bệnh nhân bị sốt cao, vỗ hông lưng dương tính và tiểu mủ đại thể với trụ bạch cầu, nhiều khả năng chẩn đoán là viêm thận bể thận. Đáp ứng của bệnh nhân với một đợt điều trị kháng sinh ngắn ngày là phương thức chẩn đoán không xâm lấn tốt nhất để phân biệt giữa nhiễm trùng bàng quang hay nhiễm trùng thận. Nếu nước tiểu không hết vi khuẩn sau 3 ngày điều trị, cần hướng đến chẩn đoán viêm thận bể thận.
Các triệu chứng tương tự như viêm bàng quang và viêm niệu đạo có thể xảy ra ở bệnh nhân viêm âm đạo, nó có thể là nguyên nhân tiểu buốt do dòng nước tiểu đi qua môi lớn bị viêm. Viêm âm đạo thường được phân biệt bởi sự xuất hiện khí hư, mùi khó chịu và đau khi giao hợp.
Nam giới có triệu chứng viêm bàng quang không đáp ứng với liệu pháp kháng sinh thông thường viêm tuyến tiền liệt.
Kiểm tra khác
Bệnh nhân nặng cần đánh giá nhiễm trùng huyết với các xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, điện giải đồ, lactate, urê máu, creatinine, và cấy máu. Bệnh nhân bị đau bụng hoặc bụng đau khi sờ nắn cần được đánh giá để tìm kiếm các nguyên nhân khác gây đau bụng cấp tính.
Bệnh nhân có tiểu buốt/tiểu mủ nhưng không có vi khuẩn niệu nên được xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt sử dụng xét nghiệm phân tử với bệnh phẩm lấy từ niệu đạo và cổ tử cung (xem Nhiễm Chlamydia: Chẩn đoán).
Hầu hết người lớn không cần phải đánh giá các bất thường về cấu trúc trừ khi có những dấu hiệu sau:
Bệnh nhân có ≥ 2 đợt viêm thận bể thận.
Nhiễm trùng có biến chứng.
Nghi ngờ sỏi thận.
Đái máu đại thể nhưng không đau hoặc suy thận cấp mới xuất hiện.
Sốt kéo dài ≥ 72 giờ.
Chẩn đoán hình ảnh đường tiết niệu bao gồm siêu âm, CT, và UIV. Đôi khi, cần tiến hành chụp niệu đạo bàng quang khi tiểu tiện, chụp niệu đạo ngược dòng, hoặc soi bàng quang. Thăm dò đường niệu thường quy là không cần thiết ở phụ nữ bị viêm bàng quang có triệu chứng hoặc viêm bàng quang tái phát không có triệu chứng, bởi vì các kết quả này không ảnh hưởng đến liệu trình điều trị. Trẻ em bị nhiễm trùng tiết niệu thường cần chẩn đoán hình ảnh.
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Hooton TM, Roberts PL, Cox ME, et al: Voided midstream urine culture and acute cystitis in premenopausal women. N Engl J Med 369(20):1883-1891, 2013. doi: 10.1056/NEJMoa1302186
Điều trị UTI do vi khuẩn
Thuốc kháng sinh
Đôi khi là phẫu thuật (ví dụ, dẫn lưu ổ áp xe, sửa chữa các dị tật cấu trúc, hoặc giải quyết tình trạng tắc nghẽn)
Tất cả các dạng nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng đều phải dùng kháng sinh. Đối với bệnh nhân tiểu buốt khó chịu, phenazopyridine có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cho đến khi kháng sinh phát huy tác dụng (thường là trong vòng 48 giờ).
Lựa chọn kháng sinh nên dựa vào bệnh sử của bệnh nhân và tiền sử dị ứng, kháng kháng sinh, tính sẵn có và giá kháng sinh, và khả năng dung nạp của bệnh nhân và khả năng cung ứng thuốc thay thế khi thất bại điều trị. Khả năng kháng kháng sinh cũng cần được xem xét. Khi có kết quả cấy nước tiểu, việc lựa chọn thuốc kháng sinh nên thay đổi: nhạy với vi khuẩn đó, và phổ hẹp nhất có hiệu quả chống lại mầm bệnh đã được xác định.
Phẫu thuật thường được chỉ định cho tắc nghẽn đường tiết niệu, bất thường giải phẫu, và tổn thương đường tiết niệu do bệnh thần kinh như chèn ép tủy sống. Giải quyết tình trạng tắc nghẽn đường tiểu bằng việc dẫn lưu giúp soát nhiễm trùng tiết niệu nhanh chóng. Đôi khi, áp xe vỏ thận hoặc áp xe quanh thận cần phải phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe. Việc chỉ định can thiệp dụng cụ vào đường tiết niệu dưới nên hạn chế nhất có thể. Thao tác vô trùng khi đặt dụng cụ vào đường tiểu và điều trị kháng sinh trong 3 đến 7 ngày sau đó có thể dự phòng nhiễm trùng nặng đe doạ đến tính mạng.
Viêm niệu đạo
Những bệnh nhân có quan hệ tình dục có các triệu chứng thường được điều trị với chẩn đoán sơ bộ bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Phác đồ thông thường là ceftriaxone 500 mg tiêm bắp kết hợp với azithromycin 2 g đường uống một lần hoặc doxycycline 100 mg đường uống, 2 lần/ngày trong 7 ngày. Tất cả bạn tình trong vòng 60 ngày cần được khám kiểm tra. Nam giới có chẩn đoán bị viêm niệu đạo cần phải được xét nghiệm HIV và giang mai theo Hướng dẫn điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục 2021 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Viêm bàng quang
Điều trị bước đầu cho bệnh viêm bàng quang không biến chứng ở những bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn gram âm đa kháng thuốc là nitrofurantoin 100 mg đường uống hai lần mỗi ngày trong 5 ngày (chống chỉ định nếu độ thanh thải creatinine < 60 mL/phút), trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) 160/800 mg đường uống hai lần mỗi ngày trong 3 ngày hoặc fosfomycin 3 g đường uống một lần. Những lựa chọn ít dùng hơn bao gồm fluoroquinolone hoặc kháng sinh nhóm beta-lactam. Nếu viêm bàng quang tái phát trong vòng một hoặc hai tuần, có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng hơn (ví dụ như fluoroquinolone) và cần phải nuôi cấy nước tiểu.
Viêm bàng quang có biến chứng cần phải được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm được lựa chọn dựa trên mầm bệnh địa phương và mô hình kháng thuốc và điều chỉnh dựa trên kết quả nuôi cấy. Các bất thường đường niệu cũng phải được giải quyết.
Hội chứng niệu đạo cấp
Điều trị phụ thuộc vào kết quả lâm sàng và kết quả nuôi cấy nước tiểu:
Trên đối tượng phụ nữ tiểu buốt, tiểu mủ và số khuẩn lạc phát triển > 102/mL, cấy nước tiểu xuất hiện một chủng vi khuẩn duy nhất có thể được điều trị như đối với viêm bàng quang không phức tạp.
Đối tượng phụ nữ có biểu hiện tiểu buốt, tiểu mủ, không có vi khuẩn niệu nên được đánh giá tìm nguyên nhân STI (bao gồm cả N. gonorrhoeae và C. trachomatis).
Đối tượng phụ nữ có biểu hiện tiểu buốt nhưng không tiểu mủ, cũng không tìm thấy vi khuẩn niệu không được coi là có hội chứng niệu đạo thực sự. Họ cần phải được đánh giá về các nguyên nhân tiểu buốt không do nhiễm trùng. Đánh giá có thể bao gồm các thử nghiệm điều trị, ví dụ: điều trị hành vi (ví dụ: phản hồi sinh học và giãn cơ vùng chậu), phẫu thuật (đối với hẹp niệu đạo) và thuốc (ví dụ: thay thế hóc môn trong trường hợp nghi ngờ viêm niệu đạo teo, thuốc gây mê, thuốc chống co thắt).
Vi khuẩn niệu không triệu chứng
Thông thường, không nên điều trị nhiễm trùng niệu không triệu chứng ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân cao tuổi, hoặc bệnh nhân đặt ống thông bàng quang lưu. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ biến chứng từ nhiểm khuẩn niệu không triệu chứng (xem Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: sàng lọc) nên điều trị nguyên nhân và kháng sinh được lựa chọn như với viêm bàng quang. Ở phụ nữ có thai, chỉ có một vài loại kháng sinh có thể an toàn khi sử dụng. Beta-lactam, sulfonamid và nitrofurantoin đường uống được coi là an toàn trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nhưng nên tránh dùng trimethoprim trong ba tháng đầu của thai kỳ và nên tránh dùng sulfamethoxazole trong ba tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt là gần khi sinh. Bệnh nhân có các vấn đề tắc nghẽn chưa giải quyết được (ví dụ như sỏi, trào ngược) có thể cần điều trị kháng sinh dài ngày.
Viêm thận bể thận cấp tính
Kháng sinh là bắt buộc. Có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống nếu thoả mãn tất cả các tiêu chuẩn sau:
Bệnh nhân kỳ vọng tuân thủ điều trị
Bệnh nhân có hệ miễn dịch tốt
Bệnh nhân không buồn nôn hoặc ói mửa hoặc không có dấu hiệu giảm thể tích tuần hoàn hoặc nhiễm khuẩn huyết
Bệnh nhân không có các yếu tố gợi ý nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp
Ciprofloxacin 500 mg đường uống hai lần mỗi ngày trong 7 ngày hoặc levofloxacin 750 mg đường uống một lần mỗi ngày trong 5 đến 7 ngày là kháng sinh điều trị bước đầu nếu < 10% số mầm bệnh tiết niệu trong cộng đồng kháng thuốc. Phương án thứ hai thường là TMP/SMX 160/800 mg đường uống hai lần mỗi ngày trong 14 ngày (1). Tuy nhiên, nên xem xét các mô hình nhạy cảm cục bộ vì ở một số vùng của Hoa Kỳ, > 20% E. coli kháng lại sulfa.
Bệnh nhân không đủ tiêu chuẩn điều trị ngoại trú nên nằm viện và được điều trị bằng đường tiêm dựa trên cơ sở độ nhạy theo vùng địa phương. Thuốc kháng sinh được lựa chọn hàng đầu là fluroquinolones được bài tiết qua thận, chẳng hạn như ciprofloxacin và levofloxacin. Các lựa chọn khác, chẳng hạn như ampicillin và gentamicin, aminoglycoside plazomicin (2), cephalosporin phổ rộng (ví dụ: ceftriaxone, cefotaxime, cefepime), aztreonam, phối hợp thuốc ức chế beta-lactam/beta-lactam (ampicillin/sulbactam, ticarcillin/clavulanate, piperacillin/tazobactam) và imipenem/cilastatin, thường được dành cho những bệnh nhân bị viêm bể thận phức tạp hơn (ví dụ: bị tắc nghẽn, sỏi, vi khuẩn kháng thuốc hoặc nhiễm trùng mắc phải tại bệnh viện) hoặc dụng cụ đo đường tiết niệu gần đây.
Thuốc được sử dụng liên tục qua đường tĩnh mạch cho đến khi hết sốt và các dấu hiệu lâm sàng cải thiện. Ở > 80% số bệnh nhân, các triệu chứng cải thiện trong vòng 72 giờ. Sau đó, bệnh nhân có thể bắt đầu dùng thuốc đường uống, và bệnh nhân có thể được xuất viện sau một đợt điều trị từ 7 đến 14 ngày. Các trường hợp phức tạp bắt buộc phải điều trị dài hơn bằng kháng sinh đường tĩnh mạch với tổng thời gian từ 2 đến 3 tuần, đồng thời cần phẫu thuật sửa chữa các dị dạng giải phẫu đường niệu.
Cân nhắc điều trị ngoại trú ở phụ nữ mang thai bị viêm thận bể thận, nhưng chỉ khi triệu chứng nhẹ, theo dõi chặt chẽ, và thời gian mang thai (tốt nhất) là < 24 tuần. Điều trị ngoại trú bằng cephalosporin. Mặt khác, kháng sinh đường tĩnh mạch điều trị bước đầu bao gồm cephalosporin, aztreonam hoặc ampicillin cộng với gentamicin. Nếu viêm thận bể thận nặng, khả năng phải dùng piperacillin/tazobactam hoặc meropenem. Fluoroquinolones và TMP/SMX nên tránh. Vì tình trạng tái phát rất phổ biến, một số tác giả khuyên nên dự phòng sau khi nhiễm trùng cấp có thể được giải quyết với nitrofurantoin 100 mg đường uống, hoặc cephalexin 250 mg đường uống mỗi đêm trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ và 4-6 tuần sau đẻ.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Gupta K, Hooton TM, Naber KG, et al: International clinical practice guidelines for the treatment of acute uncomplicated cystitis and pyelonephritis in women: A 2010 update by the Infectious Diseases Society of America and the European Society for Microbiology and Infectious Diseases. Clin Infect Dis52(5):e103-120, 2011 doi: 10.1093/cid/ciq257
2. Wagenlehner FME, Cloutier DJ, Komirenko AS, et al: Once-daily plazomicin for complicated urinary tract infections. N Engl J Med 380(8):729-740, 2019 doi: 10.1056/NEJMoa1801467
Phòng ngừa UTI do vi khuẩn
Ở phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, nên khám thực thể bao gồm khám vùng chậu để phát hiện các tình trạng có thể kiểm soát được, chẳng hạn như teo âm hộ, túi thừa niệu đạo, són phân và sa âm đạo. Nam giới bị nhiễm trùng tiểu tái phát nên được đánh giá về viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo và làm rỗng bàng quang không hoàn toàn.
Ở phụ nữ bị viêm đường tiết niệu ≥ 3 lần/năm, các liệu pháp thay đổi hành vi được khuyến cáo, bao gồm việc tăng cường uống nước, tránh sử dụng chất diệt tinh trùng và sử dụng màng ngăn, không nhịn tiểu, vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, tránh thụt rửa và đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục. Nếu những biện pháp này không thành công, cần phải xem xét điều trị dự phòng kháng sinh. Sự lựa chọn thông thường là dự phòng bằng kháng sinh liên tục và sau khi quan hệ tình dục.
Việc sử dụng các sản phẩm nam việt quất, ngoài các biện pháp hành vi khác, có thể được coi là một chiến lược khác để ngăn ngừa viêm bàng quang tái phát. Cách tiếp cận này dựa trên bằng chứng cho thấy các sản phẩm nam việt quất có thể làm giảm tần suất viêm bàng quang đơn giản và ở những người đã trải qua can thiệp liên quan đến bàng quang (1). Tuy nhiên, cần phải đánh giá thêm trong các thử nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên có đối chứng được thiết kế tốt để làm rõ hơn ai sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm nam việt quất.
Dự phòng liên tục thường bắt đầu với một thử nghiệm 6 tháng. Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát sau 6 tháng điều trị dự phòng, dự phòng có thể được sử dụng lại trong 2 hoặc 3 năm. Lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào tính nhạy cảm với vi khuẩn trước đó. Các lựa chọn thông thường là trimethoprim/sulfamethoxazole 40/200 mg đường uống 1 lần/ngày hoặc 3 lần/tuần, nitrofurantoin 50 hoặc 100 mg uống một lần/ngày, cephalexin 125 đến 250 mg uống một lần/ngày, và fosfomycin 3 g uống mỗi 10 ngày. Fluoroquinolones có hiệu quả nhưng thường không được khuyến cáo vì tỷ lệ kháng ngày càng tăng. Ngoài ra, fluoroquinolone cũng không chống chỉ định ở phụ nữ có thai và trẻ em. Nitrofurantoin được chống chỉ định nếu độ thanh thải creatinin < 60 mL/phút. Sử dụng lâu dài hiếm khi có thể gây hại cho phổi, gan và hệ thần kinh. Methenamine đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi có CrCl > 30 ml/phút (2).
Dự phòng sau quan hệ tình dục ở phụ nữ có thể có hiệu quả hơn nếu nhiễm trùng đường tiết niệu là tạm thời liên quan đến quan hệ tình dục. Thông thường, một liều duy nhất của một trong các loại kháng sinh dùng để điều trị dự phòng liên tục (trừ fosfomycin) sẽ có hiệu quả.
Tránh thai được khuyến nghị cho phụ nữ sử dụng fluoroquinolone vì những loại thuốc này có thể gây tổn thương cho thai nhi. Mặc dù mối lo ngại tồn tại rằng kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai uống, các nghiên cứu về dược động học không cho thấy ý nghĩa thống kê hoặc kết quả nhất quán. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn khuyên phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống nên sử dụng thêm màng ngăn tránh thai khi đang dùng kháng sinh.
Ở phụ nữ có thai, phòng ngừa hiệu quả nhiễm trùng đường tiết niệu cũng tương tự như ở phụ nữ không mang thai, bao gồm cả việc sử dụng dự phòng sau quan hệ. Các bệnh nhân phù hợp bao gồm những người có viêm thận bể thận cấp tính trong thời kỳ mang thai, bệnh nhân > 1 lần nhiễm trùng đường tiết niệu (mặc dù đã điều trị) hoặc vi khuẩn niệu trong suốt thời kỳ có thai, và những bệnh nhân cần điều trị dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát trước khi mang thai.
Ở phụ nữ sau mãn kinh, dự phòng kháng sinh tương tự như đã mô tả trước đó. Thêm vào đó, liệu pháp estrogen cũng làm giảm đáng kể tỉ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ở những phụ nữ bị viêm âm đạo thể teo hoặc viêm niệu đạo thể teo.
Tài liệu tham khảo về phòng ngừa
1. Jepson RG, Williams G, Craig JC: Cranberries for preventing urinary tract infections. Cochrane Database Syst Rev 10(10);CD001321, 2012 doi: 10.1002/14651858.CD001321.pub5
2. Chwa A, Kavanagh K, Linnebur ASA, et al: Evaluation of methenamine for urinary tract infection prevention in older adults: A review of the evidence. Ther Adv Drug Saf 2019 phiên bản 10. doi: 10.1177/2042098619876749
Những điểm chính
Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm khuẩn tiết niệu là E. coli và các vi khuẩn gram âm đường ruột khác.
Không cần xét nghiệm kiểm tra hoặc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không có triệu chứng, ngoại trừ ở phụ nữ có thai, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, hoặc trước một thủ thuật tiết niệu xâm lấn.
Nhìn chung, cấy nước tiểu khi nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu biến chứng nhưng không cấy nước tiểu trong viêm bàng quang không biến chứng.
Kiểm tra các bất thường về cấu trúc nếu nhiễm trùng tái phát hoặc có biến chứng, nghi ngờ sỏi thận, đái máu không đau hoặc suy thận mới phát hiện, hoặc sốt kéo dài ≥ 72 giờ.
Nếu có thể, hãy xem xét tình hình đề kháng với kháng sinh ở địa phương khi chọn điều trị kháng sinh cho nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đối với phụ nữ có ≥ 3 lần nhiễm trùng đường tiết niệu/năm mặc dù có các biện pháp dự phòng bằng thay đổi hành vi, xem xét điều trị dự phòng kháng sinh liên tục hoặc sau khi quan hệ tình dục.