Chụp ảnh ngực bao gồm việc sử dụng
Chụp hạt nhân, bao gồm chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
Không có chống chỉ định tuyệt đối với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn ngoại trừ MRI.
Sự hiện diện của các vật kim loại trong mắt hoặc não của bệnh nhân gây cản trở việc chụp MRI. Có máy điều hòa nhịp tim vĩnh viễn hoặc máy khử rung tim bên trong là chống chỉ định tương đối (xem An toàn khi chụp MRI). Ngoài ra, gadolinium, khi được sử dụng làm chất tương phản cho MRI, làm tăng nguy cơ xơ hóa cầu thận hệ thống ở bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn 4 hoặc 5 hoặc lọc máu. Gadolinium có thể có hại cho thai nhi và thường được tránh sử dụng trong thai kỳ.
(Xem thêm Nguyên tắc chụp ảnh phóng xạ.)
Kỹ thuật X-quang ngực thông thường
Các kỹ thuật chụp X-quang thông thường được sử dụng để chụp ảnh ngực và các cấu trúc xung quanh bao gồm
X-quang thường quy
Chiếu Xquang dưới màn huỳnh quang
X-quang ngực
Chụp X-quang ngực trơn cung cấp hình ảnh của các cấu trúc trong và xung quanh lồng ngực và hữu ích nhất để xác định các bất thường ở tim, nhu mô phổi, màng phổi, thành ngực, cơ hoành, trung thất và hilum. Chúng thường là xét nghiệm ban đầu được thực hiện để đánh giá phổi.
X-quang ngực tiêu chuẩn được lấy từ mặt sau ra phía trước (hình ảnh trước - sau) để giảm thiểu tán xạ tia X có thể làm tăng kích thước tim và từ phía bên ngực (nhìn bên).
Có thể chụp các phim nghiêng hoặc xiên để đánh giá các nốt ở phổi hoặc để làm rõ các bất thường có thể do các cấu trúc chồng lên nhau, mặc dù chụp CT ngực cung cấp nhiều thông tin hơn và phần lớn đã thay thế các phim chụp này.
Các phim chụp tư thế nằm nghiêng có thể được sử dụng để phân biệt dòng chảy tự do với tràn dịch màng phổi cục bộ, nhưng chụp CT ngực hoặc siêu âm ngực có thể cung cấp thêm thông tin.
Phim chụp cuối thì thở ra có thể được sử dụng để phát hiện tràn khí màng phổi nhỏ.
X-quang phổi tại giường (thường tư thế trước - sau) thường không tối ưu và chỉ nên sử dụng khi bệnh nhân quá yếu, không thể di chuyển tới khoa chẩn đoán hình ảnh.
Chụp X-quang ngực tầm soát thường được thực hiện nhưng hầu như không bao giờ được chỉ định; một ngoại lệ là ở những bệnh nhân không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm da tuberculin dương tính, trong đó chỉ chụp X-quang ngực thẳng không chụp phim nghiêng để đưa ra quyết định liên quan đến các nghiên cứu chẩn đoán bổ sung và/hoặc điều trị bệnh lao phổi.
Soi huỳnh quang ngực
Soi ngực dưới màn tăng sáng là việc sử dụng chùm tia X chiếu liên tục để hình ảnh hóa sự chuyển động của các cơ quan trong ngực. Nó rất hữu ích để khảo sát tình trạng liệt cơ hoành một bên. Trong khi thực hiện nghiệm pháp sniff, bệnh nhân được hướng dẫn để hít vào gắng sức bằng mũi, nửa cơ hoành bị liệt sẽ di chuyển lên cao trong khi bên không liệt di chuyển ngược lại.
Một số thủ thuật phụ trợ như là nội soi phế quản có thể được thực hiện với sự hướng dẫn của soi huỳnh quang.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực
CT xác định các cấu trúc và bất thường trong lồng ngực rõ ràng hơn so với chụp X-quang ngực.
CT ngực thường được thực hiện ở thì hít vào tối đa. Thông khí phổi trong quá trình chụp hình giúp cung cấp hình ảnh tốt nhất về nhu mô phổi, đường dẫn khí, hệ thống mạch máu, và những bất thường như khối u, rò rỉ khí - dịch, sự xơ hóa.
Hình ảnh thu được với bệnh nhân ở tư thế nằm sấp có thể giúp phân biệt xẹp phổi phụ thuộc (thay đổi khi thay đổi tư thế cơ thể) với các rối loạn ở phổi gây ra hình ảnh mờ dạng kính mờ ở các phần sau của phổi kiểu phụ thuộc, tình trạng này vẫn tồn tại bất chấp những thay đổi về tư thế của bệnh nhân (ví dụ: xơ hóa do xơ phổi vô căn, bệnh bụi phổi amiăng hoặc bệnh xơ cứng hệ thống).
Chụp CT mạch
Chụp CT mạch sử dụng một lượng lớn chất cản quang đường tĩnh mạch để làm nổi bật các động mạch phổi, rất hữu ích trong chẩn đoán thuyên tắc mạch phổi.
Tải lượng chất cản quang tương đương với chụp động mạch thông thường, nhưng nghiệm pháp này nhanh hơn và ít xâm lấn hơn. Chụp mạch CT cung cấp đủ độ chính xác để phát hiện thuyên tắc mạch phổi, do đó, nó đã thay thế phần lớn chụp động mạch phổi thông thường và ngoại trừ ở những bệnh nhân không thể dung nạp thuốc cản quang, chụp thông khí/tưới máu (V/Q).
Chụp cộng hưởng từ ngực
MRI có vai trò tương đối hạn chế trong chẩn đoán hình ảnh phổi nhưng được ưa thích hơn CT trong những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như đánh giá các khối u rãnh liên thùy trên, u nang, và các tổn thương khác nằm xâm lấn thành ngực
Khối u thượng bì
U nang
Các tổn thương nằm sát thành ngực
Chụp MRI/MRA ngực cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán bóc tách động mạch chủ.
Ở những bệnh nhân nghi ngờ tắc động mạch phổi mà không sử dụng được thuốc cản quang tĩnh mạch, MRI đôi khi có thể xác định được những huyết khối lớn ở đoạn gần nhưng nói chung là ít tác dụng trong tình huống này.
Ưu điểm bao gồm không phổi nhiễm với bức xạ, dựng hình một cách xuất sắc cấu trúc mạch máu, không bị nhiễu ảnh bởi xương, và phân biệt hình ảnh mô mềm rất tốt.
Nhược điểm bao gồm sự chuyển động của hô hấp và tim, thời gian để làm thủ thuật lâu, chi phí MRI, và có một số chống chỉ định, bao gồm thiết bị cấy ghép, một số vật thể kim loại lạ. Thuốc cản quang Gadolinium có thể gây hại cho thai nhi, do đó việc sử dụng thuốc cản quang thường tránh dùng trong thai kỳ.
Siêu âm ngực
Siêu âm thường được sử dụng để trợ giúp thủ thuật như chọc dò dịch màng phổi và đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.
Siêu âm cũng rất hữu ích trong việc đánh giá sự hiện diện và kích thước của tràn dịch màng phổi. Siêu âm thường được sử dụng tại giường để hướng dẫn chọc hút dịch màng phổi. Siêu âm tại giường có thể được sử dụng để chẩn đoán tràn khí màng phổi và đang được sử dụng rộng rãi hơn như một phần mở rộng của khám thực thể. Bằng chứng cho thấy siêu âm phổi nhạy hơn và đặc hiệu hơn chụp X-quang ngực thông thường trong chẩn đoán tràn dịch màng phổi, viêm phổi và tràn khí màng phổi và có thể hữu ích trong chẩn đoán phù phổi (1, 2, 3).
Siêu âm nội phế quản (EBUS) ngày càng được sử dụng kết hợp với nội soi phế quản sợi quang ống mềm để giúp xác định vị trí các khối và hạch to. Hiệu quả chẩn đoán của sinh thiết hạch lympho xuyên thành phế quản được nâng cao khi có siêu âm nội soi so với khi không có kỹ thuật này.
Tài liệu tham khảo về siêu âm
1. Ebrahimi A, Yousefifard M, Mohammad Kazemi H, et al. Diagnostic Accuracy of Chest Ultrasonography versus Chest Radiography for Identification of Pneumothorax: A Systematic Review and Meta-Analysis. Tanaffos 2014;13(4):29-40.
2. Ye X, Xiao H, Chen B, Zhang S. Accuracy of Lung Ultrasonography versus Chest Radiography for the Diagnosis of Adult Community-Acquired Pneumonia: Review of the Literature and Meta-Analysis. PLoS One 2015;10(6):e0130066. doi:10.1371/journal.pone.0130066
3. Lichtenstein D, Goldstein I, Mourgeon E, Cluzel P, Grenier P, Rouby JJ. Comparative diagnostic performances of auscultation, chest radiography, and lung ultrasonography in acute respiratory distress syndrome. Anesthesiology 2004;100(1):9-15. doi:10.1097/00000542-200401000-00006
Chụp phổi hạt nhân
Kỹ thuật chụp bằng phóng xạ được sử dụng để hình ảnh ngực bao gồm
Kiểm tra tỷ lệ thông khí/tưới máu
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
Chụp V/Q (Xạ hình phổi)
Chụp thông khí tưới máu V/Q sử dụng chất phóng xạ dạng hít để khảo sát sự thông khí và chất phóng xạ đường tĩnh mạch để thăm dò sự tưới máu. Các vùng phổi có thông khí nhưng không có tưới máu hoặc có tưới máu nhưng không có thông khí, hoặc cả hai cùng giảm và cùng tăng có thể được nhận biết qua 6 đến 8 hình ảnh phổi.
Chụp V/Q được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán thuyên tắc mạch phổi, nhưng phần lớn nó đã được thay thế bằng chụp CT mạch. Tuy nhiên, chụp thông khí tưới máu V/Q vẫn được chỉ định trong đánh giá chẩn đoán bệnh huyết khối mạch phổi mạn tính có tăng áp động mạch phổi.
Chụp quét thông khí phân chia chức năng, trong đó mức độ thông khí được định lượng cho từng thùy, được sử dụng để dự đoán ảnh hưởng của việc đặt van nội phế quản và ảnh hưởng của việc cắt bỏ thùy hoặc phổi đối với chức năng phổi.
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) phổi
PET sử dụng phóng xạ gắn glucose (fluorodeoxyglucose) để đo hoạt động trao đổi chất trong các mô. Nó được sử dụng trong rối loạn về hô hấp để xác định
Bất cứ nốt phổi hoặc khối hạch lympho trung thất (giai đoạn chuyển hóa)
Bất cứ ung thư có tái phát ở những vùng bị chiếu xạ, vết sẹo ở phổi
PET tốt hơn CT trong việc đánh giá trung thất vì PET có thể xác định khối u ở các hạch bạch huyết bình thường và ở các vị trí ngoài lồng ngực, do đó làm giảm các thủ thuật xâm lấn như phương pháp soi nội soi trung thất và Sinh thiết bằng kim.
Độ phân giải không gian hiện tại của PET là 7 đến 8 mm; do đó, chụp PET không hữu ích cho các tổn thương < 1 cm.
PET bộc lộ bệnh di căn ở tối đa 20% số bệnh nhân mà lẽ ra không nghi ngờ gì (1). Độ nhạy của PET (80% đến 95%) tương đương với độ nhạy của kiểm tra mô mô học (2). Kết quả dương tính giả có thể xảy ra với các tổn thương viêm, như u hạt. Các khối u phát triển chậm (ví dụ ung thư biểu mô phế quản, khối u carcinoid, một số ung thư di căn) có thể gây ra kết quả âm tính giả.
Máy quét CT-PET kết hợp thường được sử dụng để chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư phổi.
Tài liệu tham khảo chụp quét phổi hạt nhân
1. Prévost A, Papathanassiou D, Jovenin N, et al. Comparaison entre TEP(-FDG) et scanner dans le bilan d'extension du cancer bronchopulmonaire, conséquences pour l'opérabilité chez 94 patients [Comparison between PET(-FDG) and computed tomography in the staging of lung cancer. Consequences for operability in 94 patients]. Rev Pneumol Clin 2009;65(6):341-349. doi:10.1016/j.pneumo.2009.08.008
2. Gould MK, Kuschner WG, Rydzak CE, et al. Test performance of positron emission tomography and computed tomography for mediastinal staging in patients with non-small-cell lung cancer: a meta-analysis. Ann Intern Med 2003;139(11):879-892. doi:10.7326/0003-4819-139-11-200311180-00013