Các nguyên tắc chung về Ngộ độc

TheoGerald F. O’Malley, DO, Grand Strand Regional Medical Center;
Rika O’Malley, MD, Grand Strand Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 6 2022

Ngộ độc là tiếp xúc với một chất có độc tính. Các triệu chứng khác nhau, nhưng các triệu chứng thông thường có thể gợi ý nhóm chất độc cụ thể. Chẩn đoán chủ yếu là lâm sàng, nhưng đối với một số trường hợp ngộ độc, xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp ích. Điều trị là hỗ trợ cho hầu hết các trường hợp ngộ độc; thuốc giải độc cụ thể là cần thiết cho một số ít trường hợp ngộ độc. Ngăn ngừa bao gồm việc dán nhãn hộp đựng thuốc rõ ràng và giữ chất độc ngoài tầm với của trẻ em.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc có liên quan đến liều sử dụng. Liều dùng được xác định bằng nồng độ theo thời gian. Ngộ độc có thể là kết quả của sự phơi nhiễm với một lượng quá mức chất mà bình thường không gây độc. Một số trường hợp ngộ độc là do phơi nhiễm với các chất có khả năng gây độc ở mọi liều. Ngộ độc được phân biệt với phản ứng quá mẫn và phản ứng lạ thường, không dự đoán được và không liên quan đến liều dùng, và do không dung nạp thuốc, đó là phản ứng độc đối với liều thường không gây độc của một chất.

Ngộ độc thường đưa vào theo đường tiêu hóa, nhưng có thể là do tiêm, hít hoặc tiếp xúc với bề mặt cơ thể (ví dụ da, mắt, niêm mạc). Nhiều chất phi thực phẩm thường được ăn vào thường không độc hại (xem bảng sau); tuy nhiên, hầu hết mọi chất đều có thể gây độc nếu tiêu thụ quá nhiều.

Bảng
Bảng

Vô tình ngộ độc thường xảy ra ở trẻ nhỏ, là đối tượng hay tò mò và nuốt bừa bãi dù là chất có mùi vị hôi và độc hại; thông thường chỉ liên quan đến một chất. Ngộ độc cũng phổ biến ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên, và người lớn tự sát; nhiều loại thuốc, bao gồm rượu, acetaminophen và các loại thuốc không kê toa (OTC) khác, có thể có liên quan. Tai nạn ngộ độc có thể xảy ra ở người cao tuổi do nhầm lẫn, thị lực kém, suy giảm tinh thần hoặc nhiều đơn thuốc của cùng một loại thuốc bởi các bác sĩ khác nhau (xem thêm Các vấn đề liên quan đến thuốc ở người cao tuổi).

Thỉnh thoảng, ngộ độc xảy ra do cố ý giết người hay cố tình vô hiệu hóa (ví dụ như cưỡng hiếp hoặc cướp). Các thuốc được sử dụng để vô hiệu hóa (ví dụ, scopolamine, benzodiazepine, gamma-hydroxybutyrat) là những thuốc có khuynh hướng có tính chất an thần hoặc gây mê hoặc cả hai. Hiếm khi, cha mẹ, là những người có thể có một ít kiến thức về y khoa, tự đầu độc con của họ vì lý do tâm thần không rõ ràng hoặc mong muốn gây ra bệnh tật và do đó được chăm sóc y tế (một rối loạn được gọi là rối loạn giả bệnh lên người khác [trước đây gọi là hội chứng Munchausen by proxy]).

Sau khi phơi nhiễm hoặc nuốt phải và hấp thu, hầu hết các chất độc được chuyển hóa, dào thải qua đường tiêu hoá, hoặc được bài tiết ra ngoài. Thỉnh thoảng, thuốc dạng viên nén (ví dụ, aspirin, sắt, thuốc bọc niêm mạc ruột) hình thành nên những khối lớn (bezoars) trong đường tiêu hoá, nơi chúng có xu hướng duy trì, tiếp tục bị hấp thụ và gây độc.

Các triệu chứng và dấu hiệu của ngộ độc

Các triệu chứng và dấu hiệu ngộ độc thay đổi tùy thuộc vào chất gây độc (xem bảng Các Triệu chứng và Điều trị các Chất độc Đặc hiệu). Ngoài ra, các bệnh nhân khác nhau bị nhiễm độc với cùng một chất có thể có các triệu chứng rất khác nhau. Tuy nhiên, 6 nhóm triệu chứng (hội chứng ngộ độc, hoặc toxidromes) xảy ra thường xuyên và có thể gợi ý đến các nhóm chất cụ thể (xem bảng Các Hội chứng Ngộ độc Thường gặp (Toxidromes)). Bệnh nhân ăn nhiều loại chất ít có khả năng có các triệu chứng đặc trưng của một chất.

Bảng
Bảng

Các triệu chứng điển hình bắt đầu ngay sau khi tiếp xúc nhưng với chất độc nhất định, thường bị trì hoãn. Sự chậm trễ có thể xảy ra bởi vì chỉ chất chuyển hóa mới có tính chất độc hơn là do chất gốc (ví dụ methanol, ethylene glycol, chất độc gan). Uống các chất độc gan (ví dụ, acetaminophen, sắt, nấm Amanita phalloides) có thể gây suy gan cấp tính xảy ra từ một đến vài ngày sau đó. Với kim loại hoặc dung môi hydrocarbon, các triệu chứng thường xảy ra chỉ sau khi bị nhiễm độc mạn tính.

Các chất độc xâm nhập và hấp thụ thường gây ra các triệu chứng toàn thân. Các chất ăn mòn gây tổn thương chính lên niêm mạc đường tiêu hóa, gây viêm dạ dày, viêm ruột, hoặc thủng. Một số chất độc (ví dụ, cồn, hydrocarbon) gây ra mùi thở đặc trưng. Da tiếp xúc với chất độc có thể gây ra các triệu chứng da cấp tính khác nhau (ví dụ, phát ban, đau, phồng rộp); tiếp xúc lâu dài có thể gây viêm da.

Các chất độc hít phải có thể gây ra các triệu chứng tổn thương đường hô hấp trên nếu chúng hòa tan trong nước (ví dụ clo, amoniac) và các triệu chứng tổn thương đường hô hấp dưới và phù phổi không do tim nếu chúng ít hòa tan trong nước (ví dụ như phosgene). Hít phải khí CO, cyanide hoặc hydro sulfua có thể gây ra thiếu máu cục bộ hoặc ngừng tim, hoặc ngừng thở. Mắt tiếp xúc với chất độc (chất rắn, chất lỏng, hoặc hơi) có thể làm hỏng giác mạc, củng mạc và thủy tinh thể, gây đau mắt, đỏ mắt và mất thị lực.

Một số chất kích thích (ví dụ cocaine, phencyclidine, amphetamine) có thể gây kích động nặng, có thể dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt, toan chuyển hóa và tiêu cơ vân.

Chẩn đoán ngộ độc

  • Xem xét ngộ độc ở bệnh nhân có ý thức thay đổi hoặc các triệu chứng không giải thích được

  • Bệnh sử từ tất cả các nguồn có sẵn

  • Lựa chọn, kiểm tra trực tiếp

Bước đầu tiên để chẩn đoán ngộ độc là đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân. Ngộ độc nghiêm trọng có thể cần sự can thiệp nhanh chóng để điều trị tình trạng suy hô hấp hoặc suy tim phổi.

Ngộ độc có thể được biết do bệnh nhân mang đến. Nên nghi ngờ nếu bệnh nhân có triệu chứng không giải thích được, đặc biệt là thay đổi ý thức (có thể từ kích động đến buồn ngủ đến hôn mê). Nếu khẳng định ngộ độc do tự tử xảy ra ở người lớn, nhiều chất độc nên được nghi ngờ.

Khai thác bệnh sử thường là công cụ có giá trị nhất. Vì nhiều bệnh nhân (ví dụ như trẻ chưa biết nói, người lớn tự sát hoặc tâm thần, bệnh nhân có thay đổi ý thức) không thể cung cấp thông tin đáng tin cậy, bạn bè, người thân và nhân viên cứu hộ nên được thẩm vấn. Ngay cả những bệnh nhân đáng tin cậy dường như có thể báo cáo sai số lượng hoặc thời gian nuốt phải. Khi có thể, khu nhà ở của bệnh nhân nên được kiểm tra để tìm nguyên nhân (ví dụ: một hộp thuốc rỗng, thư tuyệt mệnh, bằng chứng về việc sử dụng chất kích thích). Dược phẩm và hồ sơ bệnh án có thể cung cấp thông tin hữu ích. Trong những trường hợp ngộ độc tiềm tàng ở nơi làm việc, đồng nghiệp và người giám sát viên nên được thẩm vấn. Tất cả các hóa chất công nghiệp phải có bảng dữ liệu an toàn vật liệu (MSDS) sẵn có tại nơi làm việc; MSDS cung cấp thông tin chi tiết về độc tính và bất kỳ điều trị cụ thể nào.

Ở nhiều nơi trên thế giới, các thông tin về các hóa chất gia đình và công nghiệp có thể được lấy từ các trung tâm kiểm soát chất độc. Tư vấn với các trung tâm được khuyến khích vì các thành phần, các biện pháp sơ cứu và thuốc giải độc được in trên hộp chứa sản phẩm đôi khi không chính xác hoặc đã lỗi thời. Ngoài ra, thùng chứa có thể đã được thay thế, hoặc gói hóa thuôc có thể đã bị làm giả. Trung tâm kiểm soát chất độc có thể giúp xác định được các thuốc không biết rõ dựa vào hình dạng bên ngoài của nó. Các trung tâm đã sẵn sàng kết nối với các chuyên gia chống độc. Số điện thoại của trung tâm gần nhất thường được liệt kê cùng với các số điện thoại khẩn cấp khác ở mặt trước của niên giám điện thoại địa phương; số này cũng có sẵn từ nhà khai thác điện thoại hoặc tại Hoa Kỳ bằng cách quay số 1-800-222-1222. Thông tin thêm có tại trang web của Hiệp hội các Trung tâm Kiểm soát Chất độc Hoa Kỳ.

Thăm khám lâm sàng đôi khi phát hiện được các dấu hiệu gợi ý loại chất độc cụ thể (ví dụ, hội chứng ngộ độc [xem bảng Các Hội chứng Ngộ độc Thường gặp (Toxidromes)], mùi hơi thở, sự có mặt của các loại thuốc bôi tại chỗ, dấu hiệu vết chọc kim hoặc các đường vào gợi ý sử dụng ma túy đường tiêm chích, dấu hiệu của việc sử dụng rượu mạn tính).

Ngay cả khi bệnh nhân biết rõ bị ngộ độc, tình trạng thay đổi ý thức có thể là do các nguyên nhân khác (như nhiễm trùng thần kinh trung ương, chấn thương não, hạ đường huyết, đột quỵ não, bệnh não gan, bệnh não Wernicke) cũng cần được cân nhắc. Cố ý tự sát luôn phải được xem xét ở đối tượng trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên, và người lớn, khi uống một loại thuốc (xem Hành vi Tự sátHành vi Tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên). Ngoài ra, trẻ em thường chia sẻ thuốc và chất; cần tiến hành các cuộc điều tra thận trọng để xác định những bệnh nhân có tiềm năng bị nhiễm độc trong số các bạn cùng chơi và anh chị em ruột.

Xét nghiệm

Trong hầu hết các trường hợp, các xét nghiệm thường không giúp ích nhiều trong chẩn đoán. Các xét nghiệm tiêu chuẩn, sẵn có để xác định các loại thuốc thông thường do lạm dụng (thường được gọi là sàng lọc độc chất) là xét nghiệm định tính, không phải định lượng. Các xét nghiệm này có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả, và chỉ kiểm tra được một só chất nhất định. Ngoài ra, sự hiện diện của một loại thuốc bị lạm dụng không nhất thiết cho thấy rằng loại thuốc đó đã gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu của bệnh nhân (tức là một bệnh nhân gần đây đã sử dụng opioid trên thực tế có thể bị chết vì viêm não hơn là do thuốc). Sàng lọc ma túy trong nước tiểu thường được sử dụng nhiều nhất nhưng chỉ có giá trị giới hạn và thường phát hiện nhóm thuốc hoặc chất chuyển hóa hơn là các thuốc cụ thể. Ví dụ, xét nghiệm opioid nước tiểu không phát hiện được fentanyl hoặc methadone nhưng phản ứng với một lượng rất nhỏ morphine hoặc các chất tương tự codeine. Xét nghiệm được sử dụng để xác định cocaine phát hiện ra một chất chuyển hóa hơn là cocaine chính nó.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Sự hiện diện của một loại thuốc bị lạm dụng khi kiểm tra sàng lọc không nhất thiết cho thấy rằng loại thuốc đó đã gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu của bệnh nhân (tức là một bệnh nhân gần đây đã sử dụng opioid trên thực tế có thể bị chết vì viêm não hơn là do thuốc).

Đối với hầu hết các chất, không thể dễ dàng xác định được nồng độ trong máu hoặc không giúp cho hướng dẫn điều trị. Đối với một vài chất (ví dụ: acetaminophen, aspirin, carbon monoxide, digoxin, ethylene glycol, sắt, lithium, methanol, phenobarbital, phenytoin, theophylline), nồng độ chất trong máu có thể giúp hướng dẫn điều trị. Nhiều nhà chức trách khuyên nên đo nồng độ acetaminophen ở tất cả các bệnh nhân có uống nhiều chất, vì uống acetaminophen là rất phổ biến, thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, và có thể gây độc muộn mức độ nghiêm trọng, mà có thể ngăn ngừa được bằng chất giải độc đặc hiệu. Đối với một số chất, các xét nghiệm máu khác (ví dụ PT cho quá liều warfarin, nồng độ methemoglobin đối với một số chất) giúp hướng dẫn điều trị.

Đối với bệnh nhân có tình trạng rối loạn ý thức hoặc các dấu hiệu sinh tồn bất thường hoặc ăn phải độc chất xác định, các xét nghiệm nên bao gồm điện giải, BUN, creatinine, áp lực thẩm thấu máu, glucose, xét nghiệm đông máu và khí máu động mạch. Các xét nghiệm khác (ví dụ nồng độ methemoglobin, nồng độ carbon monoxide, CT sọ não) có thể được chỉ định đối với một số trường hợp nghi ngờ chất độc cụ thể hoặc tình trạng lâm sàng rõ ràng.

Đối với những trường hợp ngộ độc chất cụ thể (ví dụ như do sắt, chì, asen, các kim loại khác, hoặc nuốt các gói cocaine hoặc các loại thuốc bất hợp pháp khác - được gọi là người đựng ma túy), chụp X-quang bụng có thể nhìn thấy sự có mặt và vị trí của các chất nuốt vào.

Đối với ngộ độc thuốc có ảnh hưởng đến tim mạch hoặc với một chất chưa biết, có chỉ định điện tâm đồ (ECG) và theo dõi tim.

Nếu nồng độ trong máu của một chất hoặc triệu chứng ngộ độc tăng lên sau khi thuyên giảm với ban đầu hoặc tồn tại trong một thời gian dài một cách bất thường, bezoar, chất giải phóng kéo dài, hoặc tiếp xúc lại (ví dụ, tiếp xúc bí mật với thuốc được sử dụng lại) cần được nghi ngờ.

Điều trị ngộ độc

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Than hoạt tính cho ngộ độc qua đường miệng nghiêm trọng

  • Đôi khi cần thuốc giải độc đặc hiệu hoặc lọc máu

  • Chỉ một số ít trường hợp cần rửa dạ dày

Những bệnh nhân bị ngộ độc nghiêm trọng có thể cần được thông khí hỗ trợ hoặc điều trị tình trạng trụy tim mạch. Bệnh nhân bị suy giảm ý thức có thể cần phải theo dõi hoặc kiềm chế liên tục. Thảo luận về điều trị các trường hợp ngộ độc đặc hiệu, trong bảng Thuốc Giải độc Đặc hiệu Phổ biến, Hướng dẫn về Liệu pháp Chelation, và Các triệu chứng và Điều trị Các Chất độc Đặc hiệu là đại cương và không bao gồm chi tiết cụ thể. Tham khảo với trung tâm chống độc được đề nghị cho bất kỳ trường hợp ngộ độc nào ngoại trừ ngộ độc nhẹ và hay gặp.

Ổn định bệnh nhân ban đầu

  • Duy trì đường thở, hô hấp và tuần hoàn

  • IV naloxone

  • IV dextrose và thiamine

  • truyền dịch IV, đôi khi dùng thuốc vận mạch

Đường thở, hô hấp, và tuần hoàn cần được duy trì ở những bệnh nhân nghi ngờ bị ngộ độc hệ thống. Bệnh nhân không có mạch hoặc huyết áp cần được cấp cứu hồi sức tim phổi.

Nếu bệnh nhân ngừng thở hoặc tắc nghẽn đường thở (ví dụ, dị vật đường thở vùng hầu họng, giảm phản xạ hầu họng), nên đặt ống nội khí quản (xem mục Đặt nội khí quản). Nếu bệnh nhân suy hô hấp hoặc thiếu oxy, cần hỗ trợ oxy hoặc thở máy nếu cần.

tiêm tĩnh mạch naloxone (2 mg ở người lớn, 0.1 mg/kg ở trẻ em,liều cao đến 10mg có thể cần thiết trong một số trường hợp) ở bệnh nhân ngừng thở hoặc suy hô hấp nặng đồng thời với việc duy trì hỗ trợ đường thở. Ở những người nghiện ma túy, naloxone có thể gây tình trạng cai thuốc đột ngột, nhưng hội chứng cai là phù hợp với tình trạng suy hô hấp nặng. Nếu suy hô hấp còn tồn tại mặc dù đã dùng naloxone, cần phải đặt ống nội khí quản và thở máy cho bệnh nhân. Nếu naloxone làm giảm được tình trạng suy hô hấp, bệnh nhân cần được theo dõi; nếu suy hô hấp tái phát, bệnh nhân nên được điều trị bằng thêm naloxone bulus tĩnh mạch nữa hoặc cần đặt nội khí quản và thở máy. Sử dụng naloxone truyền tĩnh mạch liên tục liều thấp để duy trì hô hấp mà không gây tình trạng cai đột ngột, được đề xuất nhưng trên thực tế rất khó để thực hiện được.

truyền tĩnh mạch dextrose (50 mL dung dịch 50% cho người lớn, 2 đến 4 mL/kg dung dịch 25% cho trẻ em) nên được dùng cho bệnh nhân có tình trạng thay đổi ý thức hoặc giảm chức năng thần kinh trung ương, trừ trường hợp đã loại trừ được nguy cơ hạ đường huyết bằng cách thử đường máu tại giường.

Thiamine (100 mg IV) được dùng cùng hoặc trước khi dùng glucose cho người lớn nghi ngờ bị thiếu thiamine (ví dụ, nghiện rượu, bệnh nhân suy dinh dưỡng).

truyền dịch được dùng cho tình trạng tụt huyết áp. Nếu truyền dịch không có hiệu quả, theo dõi huyết động xâm lấn có thể cần thiết để hướng dẫn truyền dịch và dùng vận mạch. Thuốc vận mạch đầu tay cho hầu hết các trường hợp ngộ độc gây tụt huyết áp là noradrenaline 0,5 đến 1 mg/phút truyền tĩnh mạch, nhưng việc điều trị không nên bị trì hoãn nếu các thuốc vận mạch khác sẵn có để thay thế.

Khử độc ngoài da

Bất kỳ bề mặt cơ thể (bao gồm cả mắt) bị tiếp xúc với một chất độc được rửa bằng một lượng lớn nước hoặc nước muối. Quần áo bị nhiễm độc, bao gồm giày dép, tất, và đồ trang sức nên được loại bỏ. Các hệ thống thuốc dán và miếng dán ngoài da cần được loại bỏ.

Than hoạt tính

Than hoạt thường được sử dụng, đặc biệt khi ngộ độc nhiều nhất hoặc ngộ độc chất không xác định qua đường tiêu hóa. Việc sử dụng than hoạt ít gây nguy hiểm (trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ nôn hoặc hít phải) nhưng không làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong chung. Khi được sử dụng than hoạt, cần dùng càng sớm càng tốt. Than hoạt tính hấp thụ hầu hết các chất độc do cấu trúc phân tử và diện tích bề mặt lớn. Than hoạt đa liều có thể có hiệu quả đối với các chất có tuần hoàn gan ruột (ví dụ, phenobarbital, theophylline) và đối với các chất phóng thích kéo dài. Than hoạt có thể được dùng mỗi 4- đến 6 giờ đối với trường hợp ngộ độc nghiêm trọng trừ khi có tình trạng liệt ruột hoặc giảm nhu động ruột. Than hoạt không có hiệu quả đối với hóa chất ăn mòn, rượu, và các ion đơn giản (ví dụ cyanide, sắt, các kim loại khác, lithium).

Liều khuyến cáo là 5 đến 10 lần so với liều chất độc nghi ngờ. Tuy nhiên, vì lượng chất độc nuốt phải thường không biết rõ, nên liều thường được dùng là từ 1 đến 2 g/kg, khoảng 10 đến 25g đối với trẻ em < 5 tuổi và 50 đến 100g đối với trẻ lớn hơn và người lớn. Than hoạt được cho dưới dạng dịch hoặc chất lỏng mềm để uống. Có thể gây khó chịu dẫn đến nôn ở 30% bệnh nhân. Đưa than hoạt qua ống sonde dạ dày có thể được dùng, nhưng cầ thận trọng để tránh gây chấn thương do đặt ống sonde hoặc nguy cơ hít phải than hoạt; lợi ích tiềm năng phải cao hơn rủi ro có thể gặp. Than hoạt tính nên được sử dụng mà không cần sorbitol hoặc các thuốc tẩy khác, vì các chất này không có lợi ích rõ ràng và có thể gây mất nước và bất thường điện giải.

Rửa dạ dày

Rửa dạ dày thường được chấp nhận sử dụng và có vẻ mang lại lợi ích trực quan, nhưng không nên sử dụng thường xuyên. Rửa dạ dày không làm giảm rõ ràng tỷ lệ bệnh tật hoặc tử vong và có nhiều nguy cơ. Rửa dạ dày được xem xét nếu thực hiện được trong vòng 1 giờ đối với nuốt phải các chất độc gây đe dọa sự sống. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngộ độc đến quá muộn, và không rõ ràng về nguy cơ đe dọa cuộc sống. Do đó, việc rửa dạ dày hiếm khi được chỉ định, và chống chỉ định nếu chất đó đã được dạ dày tiêu hóa xong (xem Nuốt phải chất ăn mòn).

Nếu rửa dạ dày được chỉ định, nên thực hiện bằng sonde dạ dày. Rửa dạ dày bằng sonde có thể gây ra các biến chứng như chảy máu cam, hít phải, hoặc hiếm gặp hơn là tổn thương hầu họng hoặc thực quản. Siro ipecac có hiệu quả không đoán trước được, thường gây nôn kéo dài, và không thể loại bỏ một lượng đáng kể chất độc từ dạ dày. Siro ipeca có thể được dùng nếu chất nuốt phải có độc tính cao, và thời gian vận chuyển đến khoa cấp cứu là tương dối dài, nhưng việc này thường không phổ biến ở Mỹ.

Đối với rửa dạ dày, nước rửa được đưa vào và lấy ra từ dạ dày qua ống sonde. Ống lớn nhất (thường là > 36F dành cho người lớn hoặc 24F cho trẻ em) có thể được sử dụng để lấy được mảnh của viên thuốc. Nếu bệnh nhân thay đổi ý thức hoặc phản xạ hầu họng yếu, thì phải đặt ống nội khí quản trước khi rửa để tránh hít phải. Bệnh nhân được đặt ở tư thế nghiêng trái, gập chân để tránh hít phải, ống sonde được đưa qua miệng. Do ống sonde đôi khi đẩy các chất độc vào đường tiêu hóa sâu hơn, nên dịch còn lại trong dạ dày cần phải được hút ra hết, và nên đưa vào một lượng 25 g than hoạt qua ống sonde ngay sau khi đưa ống sonde vào dạ dày. Sau đó, lượng dịch khoảng 3 mL/kg được đưa vào, và dịch dạ dày được hút ra bằng trọng lực hoặc ống hút. Dịch tiếp tục được đưa vào đến khi dịch hút ra không còn chất độc, thông thường cần đưa vào khoảng 500-3000 mL dịch. Sau khi rửa, liều 25 g than hoạt lần hai được đưa vào.

Rửa ruột toàn bộ

Thủ thuật này làm sạch toàn bộ đường tiêu hóa và theo lý thuyết sẽ làm giảm thời gian vận chuyển qua đường tiêu hoá đối với thuốc viên và thuốc dạng bao phim. Rửa ruột chưa được chứng minh là làm giảm tỷ lệ bệnh tật hoặc tử vong. Rửa ruột được chỉ định cho bất kỳ điều nào sau đây:

  • Một số ngộ độc nghiêm trọng do các chế phẩm kéo dài hoặc các chất không bị hấp phụ bởi than hoạt (ví dụ kim loại nặng)

  • Các gói thuốc (ví dụ bao bì tráng nhựa chưa heroin hoặc gói cocaine do cơ thể người nuốt vào)

  • Nghi ngờ khối bezoar

Chuẩn bị dung dịch polyethylene glycol với các tên thương mại khác nhau (là chất không hấp thụ được) và điện giải được cho vào với tốc độ 1 đến 2 L/h đối với người lớn hoặc từ 25 đến 40 mL/kg/h cho trẻ em cho đến khi nước thải qua trực tràng trong; quá trình này có thể đòi hỏi nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày. Biện pháp này thường được đưa thông qua một ống sonde dạ dày, mặc dù một số bệnh nhân có thể uống được một lượng lớn thể tích dung dịch.

Alkaline Diureza

Kiềm hóa nước tiểu giúp tăng cường loại bỏ các axit yếu (ví dụ, salicylat, phenobarbital). Dung dịch này được tạo ra bằng cách kết hợp 1 L dung dịch 5% D/W với 3 ống natri bicacbonat 50 mEq (50 mmol/L) và 20 đến 40 mEq (20 đến 40 mmol/L) kali có thể được truyền với tốc độ 250 mL/giờ ở người lớn và 2 đến 3 mL/kg/giờ ở trẻ em. PH nước tiểu được giữ > 8, và K phải được bù hợp lý. Tình trạng tăng natri máu, kiềm máu và quá tải dịch có thể xảy ra nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, kiềm hóa nước tiểu chống chỉ định ở những bệnh nhân suy thận.

Lọc máu

Các chất độc thông thường có thể loại bỏ bằng lọc máu ngắt quãng hoặc lọc máu hấp phụ, bao gồm

  • Ethylene glycol

  • Lithium

  • Methanol

  • Salicylat

  • Theophylline

Các liệu pháp này ít hữu ích hơn nếu chất độc là một phân tử lớn hoặc có điện thế (phân cực), thể tích phân bố lớn (tức là nếu nó được lưu giữ trong mô mỡ), hoặc liên kết rộng rãi với protein (như digoxin, phencyclidine, phenothiazines, hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng). Nhu cầu lọc máu thường được xác định bởi cả xét nghiệm và tình trạng lâm sàng. Các phương pháp lọc máu bao gồm thẩm tách máu, lọc máu màng bụng và lọc máu lipid (loại bỏ các chất hòa tan trong lipid ra khỏi máu) cũng như là truyền máu (nhanh hơn và hiệu quả hơn để làm sạch các chất độc cụ thể – xem Liệu pháp thay thế thận).

Các chất giải độc đặc hiệu

Đối với chất giải độc được sử dụng phổ biến nhất, xem bảng Thuốc Giải độc Đặc hiệu Phổ biến. Thuốc gắp chì được sử dụng cho ngộ độc kim loại nặng và đôi khi với một số thuốc khác (Xem bảng Hướng dẫn về Liệu pháp Chelation). Liệu pháp truyền tĩnh mạch nhũ tương chất béo nồng độ 10% và 20% và liều cao insulin đã được sử dụng để điều trị thành công một số chất độc tim mạch khác nhau (ví dụ, bupivacaine, verapamil).

Bảng
Bảng
Bảng
Bảng

Các biện pháp hỗ trợ đang được thực hiện

Hầu hết các triệu chứng (như kích động, an thần, hôn mê, phù não, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, suy thận, hạ đường huyết) được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ (xem tại các phần khác trong CẨM NANG).

Tụt huyết áp và loạn nhịp tim do thuốc có thể không đáp ứng với các phương pháp điều trị bằng thuốc thông thường. Đối với tụt huyết áp dai dẳng, dopamine, epinephrine, các thuốc vận mạch khác, bơm bóng động mạch chủ hoặc thậm chí hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể có thể được xem xét.

Đối với rối loạn nhịp tim dai dẳng, có thể cần đến máy tạo nhịp. Thông thường,xoắn đỉnh có thể được điều trị với Mg sulfat 2 đến 4 g tiêm tĩnh mạch, tạo nhịp quá mức, hoặc truyền tĩnh mạch chuẩn độ isoproterenol.

Co giật được điều trị đầu tay bằng benzodiazepine. Phenobarbital và propofol đã được sử dụng khi các thuốc benzodiazepin không hiệu quả. Kích động nghiêm trọng phải được kiểm soát; benzodiazepine với liều lượng lớn, thuốc an thần mạnh khác (ví dụ propofol), hoặc, trong trường hợp cực đoan, có thể gây mê và thông khí cơ học.

Tăng thân nhiệt được điều trị bằng thuốc an thần và các biện pháp làm mát cơ thể hơn là dùng thuốc hạ sốt. Suy đa tạng có thể yêu cầu ghép thận hoặc là ghép gan.

Nhập viện điều trị

Các chỉ định nhập viện chung bao gồm thay đổi ý thức, dấu hiệu sinh tồn bất thường và kéo dài, và dự đoán ngộ độc thuốc giải phóng chậm. Ví dụ, nhập viện được xem xét nếu bệnh nhân uống các chế phẩm giải phóng kéo dài, đặc biệt là các thuốc có tác động nghiêm trọng (ví dụ thuốc tim mạch). Nếu không có lý do khác để nhập viện, nếu kết quả xét nghiệm bình thường, và nếu các triệu chứng đã hết sau khi bệnh nhân được theo dõi trong khoảng từ 4 đến 6 giờ thì hầu hết bệnh nhân đều có thể được ra viện. Tuy nhiên, nếu ngộ độc do cố tình nuốt phải, bệnh nhân cần được khám chuyên khoa tâm thần.

Phòng ngừa ngộ độc

Ở Mỹ, sử dụng rộng rãi các hộp có nắp tránh trẻ em an toàn đã làm giảm đáng kể số trường hợp tử vong vì ngộ độc ở trẻ em < 5 năm. Hạn chế lượng thuốc giảm đau không kê toa trong một hộp chứa và loại bỏ các công thức gây nhầm lẫn và dư thừa giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của ngộ độc, acetaminophen, aspirin, hoặc ibuprofen.

Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm

  • Ghi nhãn rõ ràng các sản phẩm gia dụng và thuốc kê đơn

  • Lưu trữ thuốc và các chất gây độc trong tủ có khóa và không thể tiếp cận được với trẻ em

  • Xử lý kịp thời các loại thuốc hết hạn bằng cách trộn chúng vào mùn cát hoặc một số chất không liên quan khác và đưa chúng vào một thùng rác mà không thể tiếp cận được với trẻ em

  • Sử dụng máy phát hiện carbon monoxide

  • hạn chế kê thuốc opioid và sử dụng các phương pháp điều trị không dùng opioid bất cứ khi nào có thể

Các biện pháp giáo dục cộng đồng nhằm khuyến khích lưu trữ các chất trong đúng bình chứa ban đầu của chúng (ví dụ như không đặt thuốc trừ sâu trong chai rượu) là rất quan trọng. Sử dụng nhận dạng dấu ấn trên thuốc dạng đặc giúp ngăn ngừa sự nhầm lẫn và sai sót của bệnh nhân, dược sĩ và người hành nghề chăm sóc sức khoẻ.

Những điểm chính

  • Ngộ độc được phân biệt với phản ứng quá mẫn và phản ứng lạ thường, không dự đoán được và không liên quan đến liều dùng, và do không dung nạp thuốc, đó là phản ứng độc đối với liều thường không gây độc của một chất.

  • Nhận biết hội chứng ngộ độc (ví dụ, kháng cholinergic, muscarinic cholinergic, nicotinic cholinergic, opioid, kích thích giao cảm, hội chứng cai) có thể giúp thu hẹp chẩn đoán phân biệt.

  • Độc tính có thể là ngay lập tức, hoặc chậm trễ (ví dụ, acetaminophen, sắt, Amanita phalloides nấm gây độc gan có trì hoãn), hoặc chỉ xảy ra sau khi tiếp xúc nhiều lần.

  • Tối đa hoá sự nhận biết về ngộ độc và xác định chất độc cụ thể bằng cách xem xét ngộ độc ở tất cả các bệnh nhân với có tình trạng thay đổi ý thức không giải thích được và bằng cách tìm kiếm kỹ lưỡng các manh mối từ bệnh sử.

  • Xem xét các nguyên nhân khác (như nhiễm trùng thần kinh trung ương, chấn thương đầu, hạ đường huyết, đột quỵ, bệnh não gan, bệnh não Wernicke) nếu bệnh nhân bị thay đổi ý thức, ngay cả khi đã nghi ngờ ngộ độc.

  • Sử dụng xét nghiệm độc chất (ví dụ xét nghiệm miễn dịch thuốc) một cách có chọn lọc bởi vì nó có thể cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác.

  • điều trị mọi trường hợp ngộ độc bằng phương pháp hỗ trợ, và sử dụng than hoạt tính với trường hợp ngộ độc đường uống nguy hiểm và các phương pháp khác chọn lọc khác.

Thông tin thêm

Sau đây là một nguồn thông tin bằng tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. Công cụ vật liệu nguy hiểm: Cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm về các chất độc hại đã biết do Hệ thống thông tin không dây dành cho người ứng cứu khẩn cấp (WISER) của Thư viện Y khoa Hoa Kỳ quản lý