Đau đa cơ dạng thấp là một hội chứng gắn liền với viêm động mạch tế bào khổng lồ (viêm động thái dương). Thường gặp ở người lớn > 55 tuổi. Thường gây đau và cứng nhiều ở các cơ gốc chi, không có yếu hoặc teo cơ và có các triệu chứng toàn thân không đặc hiệu. Tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C thường tăng. Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị bằng corticosteroid liều thấp có hiệu quả. Đáp ứng nhanh và hiệu quả với liều prednisone hoặc methylprednisolone thấp hoặc trung bình hỗ trợ chẩn đoán.
(Xem thêm Tổng quan về viêm mạch.)
Đau đa cơ dạng thấp thường gặp ở người > 55 tuổi; tỷ lệ giữa nam và nữ là 2:1.
Vì đau đa cơ dạng thấp gắn liền với viêm động mạch tế bào khổng lồ, một số tác giả cho rằng hai bất thường này chỉ là các mặt khác nhau của cùng một quá trình. Đau đa cơ dạng thấp có vẻ thường gặp hơn. Một số bệnh nhân đau đa cơ dạng thấp tiến triển thành viêm động mạch tế bào khổng lồ, nhưng 40 đến 60% bệnh nhân bị viêm động mạch tế bào khổng lồ có triệu chứng đau đa cơ dạng thấp. Đau đa cơ dạng thấp có thể xuất hiện trước, sau, hoặc xảy ra đồng thời với viêm động mạch tế bào khổng lồ.
Nguyên nhân và sinh bệnh học chưa rõ. Các dấu hiệu trên siêu âm và MRI gợi ý tổn thương do viêm màng hoạt dịch và viêm bao thanh dịch thể trục mức độ thấp.
Triệu chứng và Dấu hiệu Đau cơ dạng thấp.
Đau đa cơ dạng thấp được đặc trưng bởi triệu chứng đau gốc chi, đối xứng hai bên của vai, hông, các cơ đai vai và lưng (ngực và thắt lưng) và các cơ cổ. Thường có cứng khớp buổi sàng và kéo dài > 60 phút. Các triệu chứng của viêm bao thanh dịch gốc chi (ví dụ bao thanh dịch dưới cơ delta, dưới mỏm cùng vai) và ít gặp viêm bao gân nhị đầu hoặc viêm màng hoạt dịch khớp. Khó chịu có thể khiến bệnh nhân tỉnh giấc và các triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng; có thể nặng tới mức khiến bệnh nhân không thể dậy khỏi giường và làm những công việc đơn giản. Đau có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy yếu, nhưng yếu cơ không phải là đặc điểm của bệnh.
Chẩn đoán Đau đa cơ dạng thấp
Các dấu hiệu lâm sàng
Loại trừ các nguyên nhân khác
Nghĩ tới đau đa cơ dạng thấp ở bệnh nhân lớn tuổi với các triệu chứng điển hình, nhưng phải loại trừ các nguyên nhân có thể khác.
Các xét nghiệm bao gồm tốc độ máu lắng (ESR), protein phản ứng C, công thức máu, nồng độ hóc môn kích thích tuyến giáp và CK. > 80% bệnh nhân có tốc độ máu lắng tăng lên đáng kể, thường > 100 mm/giờ, > 50 mm/h (phương pháp Westergren). CRP cũng tăng. Điện cơ, sinh thiết và các xét nghiệm khác (như: yếu tố dạng thấp), bình thường trong đau đa cơ dạng thấp, nhưng được làm để loại trừ các bệnh lý khác nghi ngờ trên lâm sàng.
Những dấu hiệu sau giúp phân biệt đau đa cơ dạng thấp với
Viêm khớp dạng thấp: Trong đau đa cơ dạng thấp, khoảng 80% bệnh nhân không có các triệu chứng như viêm màng hoạt dịch của các khớp nhỏ mạn tính, tổn thương phá hủy hoặc bào mòn, các hạt thấp dưới da và yếu tố dạng thấp. 20% còn lại khó phân biệt với viêm khớp dạng thấp.
Viêm cơ tự miễn: Trong đau đa cơ dạng thấp, triệu chứng đau nổi trội hơn là yếu cơ, men cơ, điện cơ và sinh thiết cơ là bình thường.
Suy giáp: Trong đau đa cơ dạng thấp, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp và men cơ là bình thường.
Đa u tủy xương: Đau đa cơ dạng thấp không có tăng sinh đơn dòng globulin miễn dịch.
Đau xơ cơ: Trong đau đa cơ dạng thấp, các triệu chứng khu trú hơn, máu lắng thường tăng, bệnh nhân đau khi sờ hoặc vận động (cả chủ động và thụ động) khớp vai, ngay cả khi bệnh nhân không tập trung.
Điều trị Đau đa cơ dạng thấp
Prednisone
Prednisone khởi đầu với liều 15 đến 20 mg uống một lần/ngày có hiệu quả tốt, thường tác dụng rất nhanh (trong vài giờ hoặc vài ngày), và có thể là một dấu hiệu giúp chẩn đoán bệnh. Nếu nghi ngờ viêm động mạch tế bào khổng lồ, nên dùng liều corticosteroid cao hơn và đánh giá chẩn đoán viêm động mạch tế bào khổng lồ nên được thực hiện.
Đánh giá hiệu quả điều trị dựa vào các triệu chứng, máu lắng, và CRP. Khi triệu chứng được cải thiện, giảm liều corticosteroid tới liều thấp nhất có hiệu quả trên lâm sàng, bất kể máu lắng. CRP có ý nghĩa hơn máu lắng trong theo dõi đáp ứng với điều trị vì máu lắng có thể tăng ở bệnh nhân lớn tuổi do những nguyên nhân khác. Một số bệnh nhân có thể dừng sử dụng corticosteroid sau điều trị khoảng 2 năm hoặc thậm chí là ngắn hơn, trong khi số khác cần phải duy trì liều thấp trong vài năm. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hiếm khi đủ.
Những bệnh nhân không giảm được liều prednisone và thường xuyên tái phát có thể cần kết hợp thêm với methotrexate (10 tới 15mg uống một lần/tuần), nếu chức năng thận bình thường Việc sử dụng phối hợp thêm một thuốc điều trị thứ hai trong điều trị đau đa cơ dạng thấp còn đang tranh cãi do các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy ít hoặc không mang lại hiệu quả. Các thử nghiệm sử dụng thuốc kháng yếu tố hoại tử u (TNF) (infliximab và adalimumab) và rituximab không cho thấy hiệu quả.
Ở bệnh nhân lớn tuổi, bác sĩ cần theo dõi và điều trị các biến chứng do sử dụng corticosteroid (ví dụ như tiểu đường, tăng huyết áp). Bệnh nhân dùng prednisone kéo dài nên được sử dụng bisphosphonate để phòng loãng xương.
Viêm động mạch tế bào khổng lồ có thể là triệu chứng khởi đầu của đau đa cơ dạng thấp hoặc xuất hiện sau đó một thời gian, thậm chí có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Do đó, tất cả bệnh nhân cần được hướng dẫn để biết và báo với bác sĩ ngay khi có các triệu chứng như nhức đầu, đau cơ khi nhai và đặc biệt là khi có các rối loạn thị giác.
Những điểm chính
Đau đa cơ dạng thấp thường gặp ở người > 55 tuổi, gây đau cơ gốc chi và cứng khớp.
40 đến 60% số bệnh nhân bị viêm động mạch tế bào khổng lồ.
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, các dấu hiệu hỗ trợ chẩn đoán như máu lắng tăng, cải thiện rõ rệt với liều corticosteroid thấp hoặc trung bình.
Điều trị bằng corticosteroid, sau đó giảm liều khi có thể.
Cảnh báo bệnh nhân về các triệu chứng của viêm động mạch tế bào khổng lồ.