Nuôi con bằng sữa mẹ

TheoDeborah M. Consolini, MD, Thomas Jefferson University Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 9 2023

(Xem thêm Dinh dưỡng ở Trẻ sơ sinh.)

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng được lựa chọn hàng đầu cho trẻ nhỏ. Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong tối thiểu 6 tháng và cho ăn thức ăn đặc thích hợp từ 6 tháng đến 1 tuổi (1). Trên 1 tuổi, tiếp tục cho con bú sữa mẹ cho đến khi cả trẻ và người mẹ mong muốn, mặc dù sau 1 năm ngoài nuôi con bằng sữa mẹ nên bổ sung một chế độ ăn đầy đủ thực phẩm rắn và chất lỏng. Để khuyến khích việc cho bú mẹ, các bác sĩ nên bắt đầu trao đổi với các bà mẹ trước khi sinh, đề cập đến nhiều ưu điểm:

  • Đối với trẻ: Lợi ích về dinh dưỡng và nhận thức và bảo vệ chống lại nhiễm trùng, dị ứng, béo phì, bệnh Crohn và đái tháo đường

  • Đối với người mẹ: Giảm khả năng mang thai trong thời kỳ tiết sữa, nhanh trở lại tình trạng trước khi sinh (co hồi tử cung, giảm cân) và bảo vệ chống loãng xương, béo phì, ung thư buồng trứng và ung thư vú ở thời kỳ tiền mãn kinh

Sữa được hình thành trong 72 đến 96 giờ ở người sinh con lần đầu và sớm hơn ở những người sinh con từ lần thứ hai trở đi. Sữa đầu tiên được tạo ra là sữa non, một chất lỏng có lượng calo cao, có chứa protein cao, màu vàng mỏng có khả năng bảo vệ miễn dịch bởi vì nó có nhiều kháng thể, lympho bào và đại thực bào; sữa non cũng kích thích sự đi ngoài phân su. Sữa mẹ sau đó có các đặc điểm sau:

  • Có hàm lượng lactose cao, cung cấp nguồn năng lượng sẵn có phù hợp với các enzyme trẻ sơ sinh có thể tiêu thụ được

  • Chứa một lượng lớn vitamin E, một chất chống oxy hóa quan trọng có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu bằng cách tăng tuổi thọ hồng cầu

  • Có tỷ lệ canxi/photpho là 2: 1, giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt canxi và cơn tetani

  • Thích hợp cho sự thay đổi độ pH của phân và hệ vi khuẩn đường ruột, do đó bảo vệ chống tiêu chảy do vi khuẩn

  • Chuyển các kháng thể bảo vệ từ mẹ sang trẻ sơ sinh

  • Chứa cholesterol và taurine, rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của não, bất kể chế độ ăn uống của người mẹ

  • Là một nguồn tự nhiên của axit béo omega-3 và omega-6

Các axit béo và dẫn xuất không bão hòa đa chuỗi dài (LC-PUFAS), axit arachidonic (ARA) và docosahexaenoic acid (DHA) được cho là đóng vai trò tăng cường thị giác và nhận thức ở trẻ bú mẹ so với trẻ ăn sữa công thức. Hầu hết các sữa công thức hiện tại được bổ sung ARA và DHA gần giống với sữa mẹ và để giảm những sự khác biệt phát triển tiềm năng này.

Nếu chế độ ăn uống của người mẹ đủ đa dạng, không cần bổ sung chế độ ăn uống hoặc bổ sung vitamin cho người mẹ hoặc trẻ đủ tháng bú mẹ. Tuy nhiên, để ngăn ngừa bệnh còi xương do thiếu vitamin D, vitamin D 10 mcg (400 đơn vị) uống 1 lần/ngày được dùng cho trẻ từ 2 tháng cho tất cả trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn. Trẻ sinh non, da sẫm màu và trẻ sơ sinh ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (cư trú ở vùng khí hậu phía Bắc) đặc biệt có nguy cơ thiếu vitamin D. Sau 6 tháng, trẻ bú sữa mẹ ở những nơi nguồn nước không có đủ fluoride (bổ sung hoặc tự nhiên) nên được cho uống florua dạng nhỏ giọt. Bác sĩ lâm sàng có thể lấy thông tin về hàm lượng chất florua từ nha sĩ hoặc sở y tế địa phương.

Trẻ nhũ nhi < 6 tháng không nên cho thêm nước vì hạ natri huyết là một nguy cơ.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Meek JY, Noble L; Section on Breastfeeding: Policy statement: Breastfeeding and the use of human milk. Pediatrics 150(1):e2022057988, 2022 doi: 10.1542/peds.2022-057988

Kỹ thuật Nuôi con bằng sữa mẹ

Người mẹ nên ngồi ở vị trí thoải mái và nên giữ ngực bằng tay để đảm bảo trẻ ngậm được núm vú, giảm thiểu bất kỳ sự cố nào. Phần giữa của môi dưới của trẻ cần được kích thích với núm vú để phản xạ gốc xảy ra và trẻ mở miệng rộng. Trẻ sơ sinh nên được khuyến khích bú mẹ càng nhiều, và miệng trẻ ngậm quanh quầng vú càng nhiều càng tốt, đặt môi cách núm vú từ 2,5 đến 4 cm. Lưỡi của trẻ đè vào núm vú chống lại vòm miệng cứng. Ban đầu, phải mất ít nhất 2 phút để phản xạ bú bắt đầu.

Lượng sữa tăng lên khi trẻ lớn và được kích thích từ việc bú mẹ tăng lên. Thời gian cho ăn thường do trẻ quyết đinh.

Một số bà mẹ cần dùng máy hút sữa để tăng hoặc duy trì sữa; ở hầu hết các bà mẹ, hút sữa 90 phút/ngày chia làm 6 đến 8 lần sẽ đủ sữa cho trẻ nhỏ không bú mẹ trực tiếp.

Trẻ nhũ nhi nên bú hết một bên vú cho đến khi vú mềm hoặc bú chậm lại hoặc ngừng. Người mẹ có thể dừng cho trẻ bú, dùng tay để chuyển trẻ từ vú bên này sang vú bên kia. Trong những ngày đầu sau sinh, trẻ sơ sinh chỉ có thể bú hết một bên; người mẹ nên luân phiên hai vú trong mỗi lần cho ăn. Nếu trẻ sơ sinh có xu hướng ngủ thiếp đi trước khi bú đủ, người mẹ cần di chuyển trẻ khi trẻ mút chậm lại, ợ hơi và cho trẻ chuyển sang vú còn lại. Sự chuyển đổi này giúp trẻ tỉnh và kích thích sự sản xuất sữa ở cả hai vú.

Nên khuyến khích các bà mẹ cho trẻ ăn theo nhu cầu hoặc khoảng mỗi 1½ đến 3 giờ (8 đến 12 bữa ăn/ngày), tần suất dần dần giảm theo thời gian; một số trẻ sơ sinh < 2500 g có thể cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn để tránh hạ đường huyết. Trong vài ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh có thể cần phải được đánh thức và kích thích; trẻ nhỏ và trẻ sinh non không được phép ngủ nhiều vào ban đêm. Trẻ lớn đủ tháng và bú tốt (theo dõi bằng lượng phân) có thể ngủ lâu hơn. Cuối cùng, một lịch trình cho phép trẻ ngủ càng lâu càng tốt vào ban đêm thường là tốt nhất cho trẻ nhũ nhi và gia đình.

Các bà mẹ đi làm có thể hút sữa mẹ nhằm duy trì sữa trong khi rời xa trẻ. thay đổi tần suất nhưng nên gần đúng lịch trình cho trẻ nhũ nhi bú. thay đổi tần suất nhưng nên gần đúng lịch trình cho trẻ nhũ nhi bú. Sữa mẹ hút ra nên được để trong ngăn mát ngay lập tức nếu nó được sử dụng trong vòng 48 giờ và để đông đá nếu nó được sử dụng sau 48 giờ. Sữa để ngăn mát không được sử dụng trong vòng 96 giờ nên được bỏ đi vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao. Sữa đông lạnh nên được làm đã đông bằng cách đặt nó trong nước ấm; quay trong lò vi sóng không được khuyến khích.

Biến chứng trẻ sơ sinh bú mẹ

Các biến chứng chính là cho ăn không đủ, có thể dẫn đến mất nước và tăng bilirubin máu. Các yếu tố nguy cơ cho việc cho trẻ bú ít là trẻ sơ sinh non tháng và những bà mẹ nuôi con lầm đầu, mẹ bị ốm, hoặc sinh khó hay sinh mổ.

Đánh giá sơ bộ về lượng ăn có đủ không có thể nhìn vào lượng tã được thay hàng ngày. Đến 5 ngày tuổi, trẻ sơ sinh bình thường tiểu tiện ít nhất 6 tã/ngày và đại tiện ít nhất 4 tã/ngày; số lượng thấp hơn cho thấy thiếu nước và thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, màu phân thay đổi từ màu tối của phân xu khi sinh ra nâu nhạt và sau đó là màu vàng. Cân nặng cũng là một thông số hợp lý để tuân theo (xem Các vấn đề về ăn uống); không đạt được mốc tăng trưởng cho thấy trẻ bị suy dinh dưỡng. Trẻ quấy khóc liên tục trước 6 tuần tuổi (trẻ đau bụng co thắt có thể xuất hiện không liên quan đến đói hoặc khát) cũng có thể chỉ ra trẻ bú không đủ.

Cần nghi ngờ tình trạng mất nước nếu tiếng khóc của trẻ giảm đi hoặc da trở nên căng cứng; hôn mê và buồn ngủ là những dấu hiệu nghiêm trọng của tình trạng mất nước và cần được xét nghiệm ngay để phát hiện tình trạng tăng natri máu.

Biến chứng ở mẹ trong thời kỳ cho con bú

(Xem thêm Chăm sóc sau sinh và rối loạn liên quan.)

Các biến chứng thường gặp ở mẹ bao gồm tắc sữa, đau núm vú, tắc ống dẫn sữa, viêm vú, và lo âu.

Tắc sữa xảy ra trong giai đoạn sớm quá trình cho con bú có thể kéo dài từ 24 đến 48 giờ, được giảm thiểu bằng việc cho trẻ bú thường xuyên. Có thể mặc áo ngực dành riêng cho con bú để mặc suốt 24 giờ giúp mẹ cảm thấy thoải mái hoặc có thể chườm lạnh sau khi cho con bú và dùng thuốc giảm đau nhẹ (ví dụ, ibuprofen). Ngay trước khi cho con bú, các bà mẹ có thể phải xoa bóp và chườm ấm, dùng tay ấn núm vú vào miệng trẻ, giúp miệng trẻ ngậm trọn quầng vú. Sau khi cho con bú sữa mẹ, chườm mát có thể làm giảm hiện tượng nghẽn sữa và khiến người mẹ dễ chịu hơn. Sữa quá nhiều giữa các lần cho ăn cũng gia tăng nguy cơ bị tắc sữa, do đó chỉ nên xoa bóp vừa phải để làm giảm khó chịu.

Đau núm vú, vị trí nằm bú của trẻ cần được kiểm tra; đôi khi đứa trẻ dứt vú khi đang mút, khiến núm vú bị kích thích đau. Người mẹ có thể dùng tay để đẩy nhẹ môi của đứa trẻ. Sau khi cho bú, có thể để sữa tự chảy một ít, đế sữa tự khô trên núm vú. Sau khi cho con bú sữa mẹ, chườm mát có thể làm giảm hiện tượng nghẽn sữa và khiến người mẹ dễ chịu hơn.

Tắc ống dẫn sữa có thể là biểu hiện bằng những khối u nhỏ vùng vú ở phụ nữ đang cho con bú mà không có dấu hiệu bệnh lý toàn thân khác. Tiếp tục cho con bú sữa mẹ đảm bảo dòng sữa được lưu thông. Chườm ấm và xoa bóp vùng bị ảnh hưởng trước khi cho trẻ bú giúp giảm tắc ống dẫn sữa. Người mẹ có thể thay đổi vị trí của trẻ khi bú, bởi vì trẻ bú hết bầu sữa tốt hơn phụ thuộc vào sự thay đổi vị trí của trẻ khi bú. Áo ngực dành cho con bú sẽ rất hữu dụng vì các loại áo ngực thông thường có thể có dây áo hoặc thắt chặt vào ngực khiến tình trạng tắc sữa càng trở nên tồi tệ.

Viêm vú rất phổ biến và biểu hiện với các dâu hiệu như đau, ấm, và sưng ở vùng chóp vú. Nguyên nhân là do tắc ở ống dẫn sữa, hoặc bị cặn gấy nghẽn lại; nhiễm trùng có thể xảy ra thứ phát, thường gặp nhất là tụ cầu kháng penicillin Staphylococcus aureus và ít gặp hơn là Streptococcus sp hoặc Escherichia coli. Với nhiễm trùng, sốt 38,5°C, ớn lạnh, và cảm giác đau như bị cúm. Chẩn đoán viêm vú qua tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng. Số lượng tế bào (số lượng bạch cầu > 106/mL) và nuôi cấy sữa mẹ (vi khuẩn > 103/mL) có thể phân biệt nhiễm trùng với viêm vú không do nhiễm trùng. Nếu các triệu chứng nhẹ và biểu hiện < 24 giờ, các phương phápđiều trị bảo tồn có thể có hiệu quả (hút sữa bằng cách cho con bú hoặc dùng máy hút sữa, chườm, giảm đau, dùng áo ngực hỗ trợ và giảm căng thẳng). Nếu các triệu chứng không giảm trong 12 đến 24 giờ hoặc nếu người mẹ bị ốm nặng, có thể điều trị bằng kháng sinh được chỉ định cho phụ nữ đang cho con bú và có hiệu quả chống lại tụ cầu vàng S. aureus (ví dụ, dicloxacillin, cloxacillin, hoặc cephalexin 500 mg uống 4 lần/ngày); thời gian điều trị là 7 đến 14 ngày. Tụ cầu kháng methicillin cộng đồng S. aureus nên được xem xét nếu trường hợp không đáp ứng kịp thời với các biện pháp điều trị này hoặc nếu áp xe vú. Các biến chứng của chậm điều trị là tái phát và áp xe. Có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ trong quá trình điều trị.

Căng thẳng khi làm mẹ sự thất vọng và cảm giác bấp bênh có thể do thiếu kinh nghiệm khi cho con bú, những khó khăn cơ học trong việc giữ, nâng và giúp trẻ bú tốt, mệt mỏi, khó đánh giá liệu trẻ có dinh dưỡng đầy đủ, và đồng thời thay đổi sinh lý sau khi sinh. Những yếu tố và cảm xúc này là những lý do phổ biến nhất khiến các bà mẹ ngưng cho con bú. Theo dõi sớm kịp thời với bác sĩ nhi khoa hoặc tư vấn với chuyên gia dinh dưỡng là hữu ích và hiệu quả để ngăn ngừa việc ngưng cho con bú sớm.

Thuốc và cho con bú

Các bà mẹ cho con bú cần phải tránh dùng thuốc nếu có thể. Khi cần dùng thuốc, người mẹ nên tránh các thuốc chống chỉ định và thuốc ức chế tiết sữa (ví dụ: bromocriptine, levodopa, trazodone). Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ duy trì cơ sở dữ liệu LactMed® rộng lớn về thuốc và việc cho con bú, cần được tư vấn về việc sử dụng hoặc tiếp xúc với các loại thuốc hoặc nhóm thuốc cụ thể. Đối với một số loại thuốc thông thường chống chỉ định cho bà mẹ đang cho con bú, xem bảng Một số loại thuốc chống chỉ định cho bà mẹ đang cho con bú.

Khi cần dùng thuốc, nên sử dụng phương án an toàn nhất đã biết; khi có thể, hầu hết các loại thuốc nên được dùng ngay sau khi cho con bú hoặc trước thời gian ngủ dài nhất của trẻ, mặc dù chiến lược này ít hữu ích hơn với những trẻ sơ sinh bú mẹ thường xuyên và độc quyền. Kiến thức về tác dụng bất lợi của hầu hết các loại thuốc đến từ các báo cáo trường hợp và nghiên cứu nhỏ. Độ an toàn của một số loại thuốc (ví dụ như acetaminophen, ibuprofen, cephalosporin, insulin) đã được xác định bằng nghiên cứu sâu rộng, nhưng những loại khác chỉ được coi là an toàn vì không có báo cáo trường hợp nào về tác dụng bất lợi. Các loại thuốc có lịch sử sử dụng lâu dài thường an toàn hơn các loại thuốc mới hơn hiện có ít dữ liệu.

Bảng
Bảng

Cai sữa

Việc cai sữa có thể tiến hành bất cứ khi nào mẹ và trẻ mong muốn, mặc dù tốt hơn là cho đến khi trẻ được ít nhất 12 tháng tuổi. Cách thức cai sữa dần dần trong vài tuần hoặc vài tháng trong thời gian ăn dặm là phổ biến nhất; một số bà mẹ và trẻ nhũ nhi ngừng đột ngột mà không xảy ra vấn đề gì, nhưng có người tiếp tục cho con bú 1 hoặc 2 lần/ngày trong 18 đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Không có lịch trình chính xác.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. U.S. Department of Health and Human Services: LactMed® database for drugs and breastfeeding