Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR)

TheoRonald Rabinowitz, MD, University of Rochester Medical Center;
Jimena Cubillos, MD, University of Rochester School of Medicine and Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 9 2024

Trào ngược bàng quang niệu quản là dòng nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên niệu quản và đôi khi cũng vào bể thận, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Trào ngược dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu, thường tái phát. Đánh giá bao gồm siêu âm thận, niệu quản và bàng quang trước và sau khi đi tiểu, và sau đó chụp bàng quang niệu đạo ngược dòng. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.

Căn nguyên của VUR

Trào ngược bàng quang niệu quản là dị tật bẩm sinh thường gặp nhất do sự phát triển bất thường bẩm sinh của niệu đạo bàng quang. Tình trạng phát triển không hoàn chỉnh của đường hầm niệu quản trong thành làm hỏng cơ chế van bình thường tại vùng nối niệu quản-bàng quang, do đó tạo điều kiện cho nước tiểu ở bàng quang trào ngược vào niệu quản và bể thận. Trào ngược có thể xảy ra ngay cả khi đường hầm bình thường nếu áp lực bàng quang tăng do tắc nghẽn cổ bàng quang hoặc rối loạn chức năng bài tiết nước tiểu. Rối loạn chức năng bài tiết nước tiểu bao gồm việc tiểu không thường xuyên, táo bón, hoặc cả hai, có thể kéo dài tình trạng trào ngược bàng quang niệu quản.

Sinh lý bệnh của VUR

Sự trào ngược của nước tiểu từ bàng quang vào niệu quản có thể gây tổn thương đến đường niệu trên do nhiễm khuẩn và đôi khi do tăng áp suất thủy tĩnh. Các vi khuẩn trong đường tiểu có thể dễ dàng đi theo luồng trào ngược trở lại đường tiểu trên, dẫn đến nhiễm trùng nhu mô thận tái phát có nguy cơ sẹo thận. Sẹo thận có thể gây ra chứng cao huyết áp và đôi khi rối loạn chức năng thận. VUR là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở trẻ em; khoảng 30% đến 40% số trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có VUR (1).

Tài liệu tham khảo về sinh lý bệnh

  1. 1. Hoberman A, Charron M, Hickey RW, Baskin M, Kearney DH, Wald ER. Imaging studies after a first febrile urinary tract infection in young children. N Engl J Med. 2003;348(3):195-202. doi:10.1056/NEJMoa021698

Các triệu chứng và dấu hiệu của VUR

Trẻ em thường có tiền sử mắc bệnh thận ứ nước ở thai nhi hoặc nhiễm trùng đường tiểu có sốt, hoặc trẻ được phát hiện mắc bệnh VUR sau khi làm các xét nghiệm sàng lọc vì trẻ có anh chị em mắc bệnh VUR. Lên đến 25% số anh chị em có thể có VUR. Do đó, cha mẹ có thể chọn sàng lọc những anh chị em không có triệu chứng.

Hiếm khi, trẻ em có huyết áp cao, thường là kết quả lâu dài của sẹo thận.

Trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu có thể bị sốt, đau vùng bụng hoặc sườn, tiểu khó,tiểu nhiều lần, tiểu dắt, đái rỉ hoặc hiếm khi có đái máu.

Một số trẻ không có triệu chứng.

Chẩn đoán VUR

  • Siêu âm

  • Chụp bàng quang niệu đạo ngược dòng (VCUG)

  • Đôi khi xạ hình thận

Xét nghiệm nước tiểu và nuôi cấy được thực hiện để phát hiện nhiễm trùng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường cần phải đặt sonde tiểu để lấy mẫu nước tiểu.

Đánh giá bao gồm siêu âm thận, niệu quản và bàng quang trước và sau khi đi tiểu, sau đó là chụp VCUG có soi huỳnh quang. Siêu âm thận được sử dụng để đánh giá kích thước thận, tình trạng ứ nước và sẹo ở thận. VCUG được sử dụng để chẩn đoán VUR và đánh giá các dị tật khác ở bàng quang. Có thể sử dụng hình ảnh chụp đồng vị phóng xạ (xạ hình thận) để theo dõi trào ngược. Phát hiện các tổn thương nhu mô thận do nhiễm trùng cấp tính hoặc sẹo được chẩn đoán tốt nhất bằng việc chụp xạ hình thận khi được chỉ định. Nghiên cứu niệu động học, khi thích hợp, có thể cho thấy áp cao trong bàng quang.

Các hình ảnh trào ngược bàng quang niệu quản trên phim chụp bàng quang niệu đạo ngược dòng được chia theo thang từ I đến V (xem bảng Các mức độ trào ngược bàng quang. Mức độ trào ngược có thể bị ảnh hưởng bởi dung tích bàng quang và động lực của bàng quang:

  • Nhẹ: Độ I và II

  • Vừa: Độ III

  • Nặng: Độ IV và V

Bảng
Bảng

(Xem thêm American Urological Association's 2017 Management and Screening of Primary Vesicoureteral Reflux in Children guidelines.)

Điều trị VUR

  • Đôi khi thuốc kháng sinh dự phòng

  • Đôi khi tiêm chất độn hoặc ghép lại niệu quản

Trào ngược bàng quang niệu quản từ nhẹ đến trung bình thường tự khỏi trong vài tháng hoặc vài năm. Điều rất quan trọng là giữ trẻ khỏi bị nhiễm trùng. Trước đây, trẻ trào ngược bàng quang niệu quản từ nhẹ đến trung bình được điều trị dự phòng kháng sinh hàng ngày, nhưng hiện nay không có sự đồng thuận về điều này. Hầu hết các bác sĩ tiết niệu nhi đều khuyên dùng kháng sinh dự phòng cho tình trạng VUR nặng ở mọi lứa tuổi, cho tình trạng VUR độ III đến V ở trẻ em < 2 tuổi và cho trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu sốt tái phát không liên quan đến độ VUR hoặc bị rối loạn chức năng bàng quang/ruột. Có nhiều khuyến cáo về tuổi và cân nặng đối với kháng sinh, nhưng thông thường, trẻ em được dùng trimethoprim/sulfamethoxazole trước khi đi ngủ, nitrofurantoin vào buổi ăn trưa, hoặc cephalexin hai lần mỗi ngày.

Trào ngược bàng quang niệu quản nặng kèm theo áp lực cao trong bàng quang được điều trị bằng thuốc kháng cholinergic (ví dụ: oxybutynin, solifenacin succinate) và hiếm khi phẫu thuật (như là tiêm độc tố botulinum hoặc mở rộng bàng quang). Bệnh nhân bị rối loạn chức năng của ruột và bàng quang được hưởng lợi từ việc thay đổi hành vi có hoặc không có phản hồi sinh học.

Triệu chứng trào ngược (nhiễm trùng tái phát, suy thận, sẹo thận hoặc rối loạn chức năng bàng quang) được điều trị bằng phẫu thuật nội soi tiêm chất độn vào niệu quản (ví dụ, dextranomer/axit hyaluronic) hoặc cấy ghép lại niệu quản.

Theo dõi

Tiền sử, khám thực thể (bao gồm đo huyết áp), xét nghiệm nước tiểu (để tìm máu niệu và protein niệu) và creatinine huyết thanh, cũng như chẩn đoán hình ảnh bằng chụp VCUG và siêu âm được thực hiện thường xuyên tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nặng của tình trạng trào ngược và các biến chứng liên quan. Thông thường, trẻ < 2 tuổi được siêu âm 4 tháng đến 6 tháng một lần (thường xảy ra ở trẻ có bệnh thận đáng kể có thể nhìn thấy trên siêu âm); trẻ lớn hơn có siêu âm 6 tháng đến 12 tháng một lần. Chụp bàng quang niệu đạo có thể được lặp đi lặp lại từ 1 đến 2 năm (có thể dài hơn đối với trào ngược mức độ nặng, tròa ngược hai bê niệu quản và/hoặc trẻ lớn hơn).

Ngoài ra, trẻ em đã được huấn luyện đi vệ sinh nên được đánh giá vào mỗi lần khám về tình trạng táo bón, tiểu không thường xuyên, tiểu không tự chủ, tiểu gấp và đái dầm, đây là những dấu hiệu phổ biến của rối loạn chức năng bài tiết, và được điều trị nếu cần bằng cách thay đổi hành vi và/hoặc liệu pháp dùng thuốc.

(Xem thêm American Urological Association's 2017 Management and Screening of Primary Vesicoureteral Reflux in Children guidelines.)

Những điểm chính

  • Trào ngược bàng quang niệu quản là dị tật bẩm sinh thường gặp nhất do sự phát triển bất thường bẩm sinh của niệu đạo bàng quang.

  • Dòng nước tiểu từ bàng quang vào niệu quản có thể gây nhiễm khuẩn ở đường tiểu trên; khoảng 30 đến 40% trẻ sơ sinh và trẻ chập chững có nhiễm trùng đường tiểu có trào ngược bàng quang niệu quản.

  • Chẩn đoán bằng chụp bàng quang niệu đạo ngược dòng.

  • Theo dõi bằng cách sử dụng siêu âm tuần tự và VCUG.

  • Trào ngược từ nhẹ đến trung bình thường tự khỏi, nhưng nếu bệnh tiến triển nặng hơn có thể cần can thiệp phẫu thuật.

  • Trẻ em mới được chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản được dùng thuốc kháng sinh dự phòng tùy theo mức độ nghiêm trọng và lâm sàng.

  • Đánh giá để đào tạo trẻ đi vệ sinh điều trị các rối loạn chức năng và điều trị chúng phù hợp.