Viêm phúc mạc tự phát do vi khuẩn (SBP) là nhiễm trùng dịch cổ trướng mà không có nguồn rõ ràng. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, khó chịu, và các triệu chứng của cổ trướng và suy gan nặng hơn. Chẩn đoán bằng cách kiểm tra dịch cổ trướng. Điều trị bằng cefotaxime hoặc kháng sinh khác.
(Xem thêm Cổ trướng.)
SBP đặc biệt phổ biến ở cổ trướng do xơ gan. Nhiễm trùng này có thể gây di chứng nghiêm trọng hoặc tử vong. Các vi khuẩn phổ biến nhất gây SBP là gram âm Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae và gram dương Streptococcus pneumoniae; thường chỉ có một căn nguyên vi khuẩn duy nhất.
Các triệu chứng và dấu hiệu của SBP
Bệnh nhân có triệu chứng và dấu hiệu cổ trướng. Thường có tức bụng; tính chất thường là lan tỏa, liên tục, và mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Các dấu hiệu của SBP có thể bao gồm sốt, khó chịu, bệnh não, suy gan nặng hơn, và tình trạng lâm sàng suy sụp không giải thích được. Các dấu hiệu phúc mạc (ví dụ, đau bụng và cảm ứng phúc mạc) có nhưng có thể bị che lấp do sự có mặt của dịch cổ trướng.
Chẩn đoán SBP
Chọc dò dịch cổ trướng chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng của SBP có thể khó; chẩn đoán đòi hỏi chỉ số nghi ngờ cao và sử dụng rộng rãi chọc dịch cổ trướng chẩn đoán, bao gồm cả nuôi cấy. Chuyển dịch cổ trướng sang môi trường nuôi cấy máu trước thời kỳ ủ bệnh làm tăng độ nhạy của nuôi cấy lên gần 70%. Số lượng bạch cầu đa nhân trung tính (PMN) > 250 tế bào/mcL (0,25 x 109/L) là chẩn đoán của SBP. Số lượng PMN là tổng số tế bào bạch cầu trong cổ trướng tính theo phần trăm bạch cầu trung tính. Nuôi cấy máu cũng được chỉ định. Bởi vì SBP thường là hậu quả của một sinh vật đơn lẻ, việc tìm thấy các hệ sinh vật chí khi nuôi cấy gợi ý có thủng tạng hoặc mẫu bị tạp nhiễm.
Điều trị SBP
Cefotaxime hoặc kháng sinh khác
Albumin để phòng ngừa hội chứng gan thận
Nếu được chẩn đoán SBP, dùng một loại kháng sinh như ceftriaxone hoặc cefotaxime 2 g IV từ 4 đến 8 giờ (chờ kết quả nhuộm Gram và kết quả nuôi cấy) trong ít nhất 5 ngày và cho đến khi dịch cổ trướng có < 250 PMNs/mcL. Thuốc kháng sinh làm tăng cơ hội sống sót. Vì SBP tái phát trong vòng một năm lên tới 70% bệnh nhân, nên cần chỉ định kháng sinh dự phòng; quinolones (ví dụ, norfloxacin 400 mg uống 1 lần/ngày) được sử dụng rộng rãi nhất.
Bệnh nhân có SBP cần phải được tiêm 1,5 gam/kg albumin (25%) vào ngày 1 và 1 gm/kg vào ngày 3 để làm giảm nguy cơ bị hội chứng gan thận.
Dự phòng kháng sinh ở bệnh nhân cổ trướng có vỡ giãn tĩnh mạch thực quản làm giảm nguy cơ SBP.