Tổng quan về các khối u trong sọ

TheoMark H. Bilsky, MD, Weill Medical College of Cornell University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2024

Các khối u nội sọ có thể tại não hoặc các cấu trúc khác (ví dụ, dây thần kinh sọ, màng não). Khối u thường phát triển ở giai đoạn đầu hoặc giữa tuổi trưởng thành nhưng có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào; các khối u ngày càng phổ biến ở người cao tuổi. Khối u não xuất hiện ở khoảng 20/100.000 đến 30/100.000 người lớn tại Hoa Kỳ (ít hơn ở trẻ em); tỷ lệ tử vong do khối u não là khoảng 5/100.000 đến 6/100.000 người lớn (1).

Một số khối u lành tính, nhưng vì hộp sọ không có chỗ để giãn rộng, nên thậm chí cả những khối u lành tính có thể gây ra rối loạn chức năng thần kinh nghiêm trọng hoặc tử vong.

(Xem thêm Tổng quan về khối u hệ thống thần kinh trung ương ở trẻ em.)

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Ostrom QT, Gittleman H, Fulop J, et al: CBTRUS statistical report: Primary brain and central nervous system tumors diagnosed in the United States in 2008-2012. Neuro Oncol 17 Suppl 4(Suppl 4):iv1-iv62, 2015. doi: 10.1093/neuonc/nov189

Phân loại khối u nội sọ

Có 2 loại u não:

Di căn não phổ biến hơn khoảng 10 lần so với khối u nguyên phát (1).

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Di căn não phổ biến hơn 10 lần so với các khối u não nguyên phát.

Loại khối u thay đổi đôi chút tùy theo vị trí (xem bảng Các biểu hiện khu trú thường gặp của khối u não nguyên phát) và tuổi của bệnh nhân (xem bảng Các khối u thường gặp theo độ tuổi).

Bảng
Bảng
Bảng
Bảng

Tài liệu tham khảo về phân loại

  1. 1. Lin X, DeAngelis LM: Treatment of brain metastases. J Clin Oncol 33(30):3475-3484, 2015. doi: 10.1200/JCO.2015.60.9503

Sinh lý bệnh của u nội sọ

Rối loạn chức năng thần kinh có thể do:

  • Sự xâm lấn và phá hủy mô não bởi khối u

  • Khối u chèn ép trực tiếp các mô liền kề

  • Tăng áp lực nội sọ (vì khối u chiếm không gian trong hộp sọ)

  • Chảy máu trong hoặc bên ngoài khối u

  • Phù não

  • Tắc nghẽn các xoang tĩnh mạch của màng cứng (đặc biệt là các khối u di căn xương hoặc ngoài da màng cứng)

  • Tắc đường dẫn lưu dịch não tủy (CSF) (xảy ra sớm với khối u ở não thất ba hoặc ở hố sau)

  • Cản trở sự hấp thụ CSF (ví dụ, bệnh bạch cầu hoặc ung thư biểu mô màng não)

  • Tắc nghẽn động mạch

  • Hiếm gặp, hội chứng cận ung thư

Một khối u ác tính có thể phát triển các mạch máu mới bên trong khối u. Các mạch này có thể chảy máu hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến hoại tử và rối loạn thần kinh có biểu hiện giống đột quỵ. Chảy máu là một biến chứng của khối u di căn rất có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị u melanin, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư biểu mô đường mật hoặc ung thư tuyến giáp, ung thư phổi hoặc ung thư vú.

Các khối u lành tính phát triển chậm. Chúng có thể trở nên khá lớn trước khi gây ra các triệu chứng, một phần bởi vì thường không có phù não. Các khối u nguyên phát ác tính phát triển nhanh chóng nhưng hiếm khi lan ra ngoài hệ thần kinh trung ương. Tử vong do khối u phát triển tại chỗ và/hoặc xuất huyết liên quan đến khối u và do đó có thể do khối u lành tính cũng như ác tính.

Các triệu chứng và dấu hiệu của u nội sọ

Các triệu chứng do khối u nguyên phát và khối u di căn là như nhau. Nhiều triệu chứng do áp lực nội sọ gia tăng:

  • Đau đầu

  • Suy giảm trạng thái tinh thần

  • Rối loạn chức năng cục bộ não

Đau đầu là triệu chứng phổ biến nhất. Đau đầu có thể nặng nhất khi bệnh nhân tỉnh giấc từ giai đoạn ngủ sâu của giấc ngủ không có cử động mắt nhanh (non-REM)(thường là vài giờ sau khi ngủ) do giảm thông khí. Điều này làm tăng lưu lượng máu tới não và từ đó làm tăng áp lực nội sọ, thường đạt tối đa trong giấc ngủ non-REM. Đau đầu tăng dần và có thể nặng hơn khi nằm nghiêng hoặc làm nghiệm pháp Valsalva. Khi áp lực nội sọ rất cao, đau đầu có thể kèm theo nôn mửa, đôi khi có cảm giác buồn nôn chút ít trước đó.

Phù gai thị phát triển ở khoảng 25% đến 35% số bệnh nhân có khối u não (1) nhưng có thể không có ngay cả khi áp lực nội sọ tăng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tăng áp lực nội sọ có thể giãn to đầu. Nếu áp lực nội sọ tăng lên đủ cao, sẽ xảy ra thoát vị não.

Trạng thái tinh thần xấu đi là triệu chứng phổ biến thứ hai. Các biểu hiện bao gồm buồn ngủ, mệt thỉu, thay đổi nhân cách, rối loạn hành vi, và suy giảm nhận thức, đặc biệt với các khối u não ác tính. Phản xạ đường thở có thể bị suy giảm.

Rối loạn chức năng não bộ khu trú gây ra một số triệu chứng. Các tthiếu sót thần kinh khu trú, rối loạn nội tiết, hoặc động kinh cục bộ (đôi khi có toàn thể hóa thứ phát) có thể phát triển tùy thuộc vào vị trí của khối u (xem bảng Các biểu hiện khu trú thường gặp của u não). Các thiếu sót thần kinh khu trú thường gợi ý vị trí của khối u. Tuy nhiên, đôi khi các thiếu sót thần kinh khu trú không tương ứng với vị trí của khối u. Bao gồm:

  • Liệt cơ thẳng ngoài một hoặc hai bên (với biểu hiện liệt khả năng liếc ngoài) do áp lực nội sọ gia tăng gây đè ép dây thần kinh sọ thứ 6

  • Liệt nửa người cùng bên do đè ép cuống não đối bên vào lều tiểu não (Kernohan notch)

  • Khiếm khuyết thị trường cùng bên do thiếu máu ở thùy chẩm đối bên.

Co giật toàn thể có thể xảy ra, thường gặp với khối u não nguyên phát hơn là khối u di căn. Ý thức suy giảm có thể do thoát vị, rối loạn chức năng thân não, hoặc rối loạn chức năng vỏ não hai bên.

Một số khối u gây ra phản ứng viêm ở khu vực màng não, dẫn đến viêm màng não bán cấp hoặc mạn tính.

Tài liệu tham khảo về các dấu hiệu và triệu chứng

  1. 1. Serova N, Eliseeva N, Shifrin: Papilloedema in patients with brain tumour. Neuro-ophthalmology 33(3):100-105, 2009. doi.org/10.1080/01658100902930545

Chẩn đoán u nội sọ

  • Chụp MRI thì T1 với có tiêm thuốc đối quang gadolinium hoặc CT có tiêm cản quang

  • Đôi khi sinh thiết

Các khối u não giai đoạn sớm thường bị bỏ sót. U não nên được xem xét ở bệnh nhân với bất kỳ điều nào sau đây:

  • Thiếu sót chức năng não cục bộ hoặc toàn thể tăng dần

  • Co giật mới khởi phát

  • Đau đầu dai dẳng, không giải thích được, hoặc mới khởi phát gần đây, đặc biệt nếu nặng hơn khi ngủ

  • Bằng chứng về tăng áp lực nội sọ (ví dụ, phù gai, nôn mửa không giải thích được)

  • Bệnh nội tiết do tuyến yên hoặc khu vực dưới đồi

Những dấu hiệu tương tự có thể là kết quả của các khối u nội sọ khác (ví dụ: áp xe, phình động mạch, dị dạng động-tĩnh mạch, xuất huyết nội sọ, tụ máu dưới màng cứng, u hạt, u nang ký sinh như là bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não) hoặc đột quỵ do thiếu máu não cục bộ.

Cần phải tiến hành kiểm tra thần kinh toàn diện, chẩn đoán hình ảnh thần kinh và các phim chụp X-quang ngực (để tìm nguồn di căn). MRI có trọng số T1 với gadolinium là nghiên cứu được lựa chọn. Chụp CT với chất cản quang là một lựa chọn thay thế. MRI thường phát hiện các u tế bào hình sao và u thần kinh đệm ít nhánh bậc thấp sớm hơn so với CT và cho thấy các cấu trúc não nằm gần xương (ví dụ, hố sau) rõ ràng hơn. Nếu hình ảnh toàn bộ não không hiển thị đủ chi tiết trong khu vực mục tiêu (ví dụ, hố yên, góc cầu tiểu não, thần kinh thị giác), các hình ảnh cận cảnh hoặc các góc nhìn đặc biệt khác của khu vực này được thực hiện. Nếu chẩn đoán hình ảnh thần kinh bình thường nhưng nghi ngờ tăng áp lực nội sọ, phải nghĩ tới tăng áp lực nội sọ nguyên phát nên được xem xét và nên chọ dò thắt lưng.

Manh mối về loại khối u, chủ yếu là vị trí nghi ngờ trên lâm sàng (xem bảng Các biểu hiện khu trú phổ biến của khối u não) và kiểu ngấm thuốc trên MRI, có thể không có kết luận; đôi khi cần phải sinh thiết não, sinh thiết cắt bỏ.

Các xét nghiệm chuyên biệt (ví dụ: chất chỉ điểm khối u di truyền và phân tử trong máu và dịch não tủy [CSF]) có thể hữu ích trong một số trường hợp. Ở những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, nồng độ vi rút Epstein-Barr trong dịch não tủy thường tăng khi u lympho CNS phát triển.

Điều trị u nội sọ

  • Bảo vệ đường thở

  • Dexamethasone đối với tăng áp lực nội sọ

  • Mannitol đối với thoát vị

  • Thuốc chống động kinh để điều trị động kinh

  • Liệu pháp điều trị dứt điểm bằng cắt bỏ, xạ trị, điều trị ung thư đường toàn thân (ví dụ: hóa trị, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch) hoặc một dạng phối hợp

Bệnh nhân ở trạng thái hôn mê hoặc giảm phản xạ đường thở cần phải đặt nội khí quản.

Thoát vị não do khối u được điều trị bằng liệu pháp tăng thẩm thấu (mannitol 25 g đến 100 g truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch muối ưu trương 23,4 % 20 mL truyền qua đường trung tâm và corticosteroid [ví dụ: dexamethasone 16 mg theo đường tĩnh mạch, tiếp theo là 4 mg, đường uống hoặc theo đường tĩnh mạch, 6 tiếng một lần]) cộng với đặt nội khí quản. Tăng thông khí áp lực riêng phần carbon dioxide (PCO2) từ 26 đến 30 mm Hg có thể giúp giảm áp lực nội sọ tạm thời trong trường hợp khẩn cấp. Các khối choán chỗ cần được phẫu thuật để giải ép càng sớm càng tốt.

Tăng áp lực nội sọ do khối u nhưng không thoát vị có thể được điều trị bằng corticosteroid (ví dụ: dexamethasone 4 mg, đường uống, 6 tiếng đến 12 tiếng một lần hoặc prednisone 30 mg đến 40 mg, đường uống, 2 lần/ngày).

Điều trị u não phụ thuộc vào bệnh lý và vị trí. Phẫu thuật cắt bỏ cần được dùng để chẩn đoán (sinh thiết ngoại khoa) và giảm triệu chứng. Nó có thể chữa các khối u lành tính. Đối với các khối u thâm nhiễm vào nhu mô não, điều trị đa mô thức. Cần phải xạ trị và hóa trị, liệu pháp nhắm đích và/hoặc liệu pháp miễn dịch dường như có lợi cho một số bệnh nhân.

Điều trị khối u di căn bao gồm xạ trị, có thể được thực hiện dưới dạng phẫu thuật xạ trị toàn bộ não hoặc phẫu thuật xạ trị định vị phù hợp (1). Đối với bệnh nhân có một khối u di căn, phẫu thuật cắt bỏ khối u trước khi xạ trị sẽ cải thiện kết quả.

Các vấn đề giai đoạn cuối đời

Nếu bệnh nhân có khối u không thể chữa được, cần phải thảo luận về vấn đề cuối đời chăm sóc giảm nhẹ tư vấn nên được xem xét.

Xạ trị nội sọ và Độc tính thần kinh

Xạ trị có thể được hướng vào toàn bộ đầu đối với các khối u lan tỏa hoặc nhiều trung tâm hoặc tại chỗ đối với các khối u được phân định rõ ràng (1).

Có 2 loại xạ trị não cục bộ; cả hai đều nhằm mục đích bảo vệ mô não bình thường:

  • Phù hợp: Sử dụng CT để tạo bản đồ 3 chiều của khối u hỗ trợ việc nhắm đích khối u chính xác

  • Lập thể: Sử dụng dao gamma hoặc liệu pháp chùm tia proton để cung cấp nhiều chùm năng lượng cao tập trung vào khối u

U thần kinh đệm được điều trị bằng xạ trị phù hợp; liệu pháp dao gamma định hướng lập thể hoặc liệu pháp chùm tia proton rất hữu ích cho các trường hợp di căn. Các khuyến nghị hiện tại là điều trị ≤ 4 tổn thương di căn bằng phương pháp can thiệp xạ trị định vị hoặc các phương pháp can thiệp xạ trị khu trú khác và điều trị > 4 tổn thương bằng xạ trị toàn não (2, 3); tuy nhiên, dữ liệu gần đây hơn có thể hỗ trợ phẫu thuật định vị cho tối đa 10 tổn thương di căn (4, 5). Cho dùng bức xạ với liều lượng nhỏ hơn được chia nhỏ hàng ngày có xu hướng tối đa hóa hiệu quả trong khi giảm thiểu độc tính trên thần kinh và tổn thương mô thần kinh trung ương bình thường (xem Phơi nhiễm và ô nhiễm bức xạ).

Mức độ độc tính thần kinh phụ thuộc vào

  • Liều phóng xạ tích lũy

  • Kích cỡ từng liều

  • Thời gian điều trị

  • Thể tích nhu mô được xạ trị

  • Sự nhạy cảm của từng cá nhân

Vì tính nhạy cảm khác nhau, dự đoán độc tính phóng xạ trên thần kinh thường không chính xác. Các triệu chứng có thể phát triển trong vài ngày đầu tiên (cấp tính) hoặc vài tháng sau điều trị (xuất hiện muộn) hoặc vài tháng đến nhiều năm sau điều trị (rất muộn). Hiếm khi, bức xạ gây ra gliomas, meningiomas, hoặc các khối u của vỏ thần kinh ngoại biên sau khi điều trị nhiều năm.

Ngộ độc thần kinh cấp tính do phóng xạ

Thông thường, nhiễm độc thần kinh cấp tính bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, buồn ngủ, và đôi khi các dấu hiệu thần kinh khu trú nặng lên ở trẻ em và người lớn.

Nhiễm độc thần kinh cấp tính phần lớn là do sưng và phù thoáng qua; do đó, đặc biệt có thể xảy ra nếu áp lực nội sọ đã cao. Sử dụng corticosteroid để giảm áp lực nội sọ có thể ngăn ngừa hoặc điều trị độc tính cấp tính. Độc tính cấp tính sẽ giảm nhẹ nhờ các phương pháp điều trị tiếp theo.

Nhiễm độc thần kinh xuất hiện muộn

Ở trẻ em hoặc người lớn, độc tính trên thần kinh xuất hiện muộn có thể gây ra bệnh não, phải phân biệt với u não tái phát hoặc tiến triển nặng lên thông qua phim MRI hoặc CT. Nó xảy ra ở những trẻ em đã được xạ trị dự phòng toàn bộ não đối với bệnh bạch cầu; chúng có biểu hiện buồn ngủ. Biểu hiện này sẽ thuyên giảm tự phát sau vài ngày tới vài tuần, hoặc có thể nhanh hơn nếu sử dụng corticosteroid.

Sau khi xạ trị vùng cổ hoặc phần trên ngực, độc tính thần kinh xuất hiện sớm có thể dẫn đến bệnh tủy sống, đặc trưng bởi các triệu chứng ở cột sống như dấu hiệu Lhermitte (cảm giác như điện giật lan xuống lưng và đến chân khi cổ gập lại). Đây là bệnh lý tủy xương muộn tự khỏi.

Độc tính thần kinh xuất hiện muộn

Sau khi xạ trị lan tỏa hoặc toàn bộ não, nhiều trẻ em và người lớn phát triển độc tính trên thần kinh muộn nếu họ có thể sống sót đủ lâu. Nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em là xạ trị lan tỏa được dùng để ngăn ngừa bệnh bạch cầu hoặc điều trị u nguyên bào tủy. Sau khi xạ trị lan tỏa, triệu chứng chính là sa sút trí tuệ tăng dần; người lớn cũng có biểu hiện đi đứng không vững tăng dần và các triệu chứng thần kinh khu trú. CT hoặc MRI có thể cho thấy chứng teo vỏ hoặc tổn thương các chất trắng.

Sau khi xạ trị khu trú, độc tính thần kinh thường liên quan đến các thiếu sót thần kinh khu trú.

Chụp MRI hoặc CT cho thấy một khối choán chỗ ngấm thuốc cản quang và có thể khó phân biệt được với sự tái phát của khối u lúc ban đầu. Cắt sinh thiết khối choán chỗ có giá trị chẩn đoán và cải thiện các triệu chứng.

Bệnh lý tủy xuất hiện muộn có thể hình thành sau khi xạ trị đối với các u ngoài tủy (ví dụ, do u lymphô Hodgkin). Nó được đặc trưng bởi liệt và mất cảm giác tăng dần, thường là hội chứng Brown-Séquard (liệt và mất cảm giác sâu cùng bên tổn thương, mất cảm đau và cảm giác nhiệt độ đối bên tổn thương). Hầu hết các bệnh nhân cuối cùng trở thành liệt hai chân.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Gondi V, Bauman G, Bradfield L, et al: Radiation therapy for brain metastases: An ASTRO clinical practice guidelines. Pract Radiation Oncol 12(4):265–282, 2022. https://doi.org/10.1016/j.prro.2022.02.003

    2. Gaspar L, Prabhu R, Hdeib A, et al: Congress of Neurological Surgeons systematic review and evidence-based guidelines on the role of whole brain radiation therapy in adults with newly diagnosed metastatic brain tumors. Neurosurgery 84 (3):E159–E162, 2019. doi: 10.1093/neuros/nyy541

  2. 3. Vogelbaum MA, Brown PD, Messersmith H, et al: Treatment for brain metastases: ASCO-SNO-Astro guideline. J Clin Oncol 40 (5):492–516, 2022 doi: 10.1200/JCO.21.02314

  3. 4. Long GV, Atkinson V, Lo S, et al: Combination nivolumab and ipilimumab or nivolumab alone in melanoma brain metastases: A multicentre randomised phase 2 study. Lancet Oncol 19 (5):672–681, 2018 doi: 10.1016/S1470-2045(18)30139-6 Xuất bản điện tử ngày 27 tháng 3 năm 2018

  4. 5. Moss NS, Tosi U, Santomasso BD, et al: Multifocal and pathologically-confirmed brain metastasis complete response to trastuzumab deruxtecan. CNS Oncol 11 (3):CNS90, 2022. doi: 10.2217/cns-2022-0010