Biến dạng cổ thiên nga

TheoDavid R. Steinberg, MD, Perelman School of Medicine at the University of Pennsylvania
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

Biến dạng ngón tay hình cổ thiên nga bao gồm quá duỗi khớp ngón gần (PIP), gấp khớp ngón xa (DIP), và đôi khi gấp khớp bàn ngón tay (MCP).

    (Xem thêm Tổng quan và đánh giá các bệnh lý bàn tay.)

    Mặc dù đặc trưng trong viêm khớp dạng thấp, biến dạng cổ thiên nga có một số nguyên nhân, bao gồm ngón tay hình vồ không được điều trị, tình trạng lỏng lẻo của dây chằng mặt gan bàn tay của khớp gian đốt gần (PIP) (ví dụ: có thể xảy ra sau thấp tim hoặc bệnh lupus ban đỏ hệ thống [ SLE] như bệnh khớp Jaccoud), co cứng cơ nội tại của bàn tay, đứt gân cơ gấp của khớp PIP, và liền xương lệch của gãy xương đốt ngón giữa hoặc gãy xương đốt ngón đầu gần. Không có khả năng phục hồi hoặc bù lại sự duỗi quá mức của khớp gian đốt ngón gần làm cho ngón tay không thể gấp lại được và gây ra tàn tật nặng.

    Điều trị biến dạng cổ thiên nga là điều trị bệnh lý nền khi còn khả năng (ví dụ, sửa ngón tay bóng chày hay bất kỳ lệch trục xương, giải phóng tình trạng co cứng cơ bên trong). Những biến dạng nhẹ ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng một nẹp tròn nhỏ chức năng. Khuyết tật nặng có thể phải điều trị bằng phẫu thuật.

    Biến dạng cổ thiên nga không ảnh hưởng đến ngón tay cái là ngón chỉ có một khớp gian đốt. Tuy nhiên, tình trạng khớp gian đốt ngón cái duỗi quá mức nặng kèm theo gấp khớp bàn ngón có thể xảy ra, được gọi là mỏ vịt, ngón cái hình chữ Z (kiểu zíc zắc) hoặc biến dạng góc 90°. Cùng với sự mất vững ngón cái, động tác cầm nắm cũng bị yếu nhiều. Biến dạng này có thể được sửa chữa bằng kĩ thuật làm cứng khớp gian đốt cùng với tái tạo gân tại khớp bàn ngón tay.