Viêm cân gan chân

(Bệnh cân gan chân)

TheoJames C. Connors, DPM, Kent State University College of Podiatric Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

Viêm cân gan chân là tình trạng đau ở bám tận của cân gan chân và xương gót (bệnh điểm bám gân xương gót), có hoặc không kèm theo đau dọc theo dải trong của cân gan chân. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Điều trị bao gồm các bài tập kéo giãn gân Achilles và mô mềm ở lòng bàn chân, nẹp ban đêm, dụng cụ chỉnh hình và giày có độ cao gót chân thích hợp.

(Xem thêm Tổng quan các bệnh lý bàn chân và cổ chân.)

Các triệu chứng đau ở cân gan chân được gọi là viêm cân gan chân; tuy nhiên, bởi vì nó thường không có viêm nên gọi là bệnh lý cân gan chân là chính xác hơn. Các thuật ngữ khác cũng được dùng bao gồm bệnh lý điểm bám gân xương gót hoặc hội chứng gai xương gót; tuy nhiên, có thể không có gai xương trên xương gót. Viêm cân gan chân có thể liên quan đến tình trạng căng, rách và thoái hóa cấp tính hoặc mạn tính của màng cân gan chân ở vị trí bám tận.

Nguyên nhân gây viêm cân gan chân

Các nguyên nhân gây viêm cân gan chân được công nhận bao gồm tình trạng ngắn lại hoặc co rút của gân Achilles và cân gan chân. Các yếu tố nguy cơ đối với co ngắn như vậy bao gồm lối sống tĩnh tại, công việc đòi hỏi ngồi nhiều, vòm gan chân cao hoặc thấp và đi giày cao gót kéo dài. Bệnh cũng phổ biến ở những người chạy nhiều, vũ công và có thể xảy ra ở những người có nghề nghiệp liên quan đến đứng hoặc đi lại nhiều trên bề mặt cứng trong một thời gian dài.

Các rối loạn có thể liên quan đến viêm cân gan chân là béo phì, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp do vẩy nếncác bệnh lý viêm khớp cột sống khác. Tiêm nhiều lần corticosteroid có thể góp phần gây ra những biến đổi thoái hoá của cân gan chân và có thể mất lớp đệm mỡ dưới xương gót.

Triệu chứng và dấu hiệu của viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân có đặc điểm là đau vùng gót chân khi chịu sức nặng cơ thể, đặc biệt khi mới thức dậy vào buổi sáng; đau thường giảm trong vòng 5 phút đến 10 phút, chỉ tái trở lại sau đó trong ngày. Tình trạng này thường nặng hơn khi đẩy gót chân ra (giai đoạn đẩy dáng đi) và sau một thời gian nghỉ ngơi. Đau gót chân cấp tính, nặng, đặc biệt có sưng nhẹ tại chỗ, có thể gợi ý tình trạng rách cân gan chân cấp tính. Một số bệnh nhân mô tả đau bỏng rát hoặc đau tức dọc theo bờ trong của gan chân khi đi bộ.

Chẩn đoán viêm cân gan chân

  • Đau xuất hiện bằng cách ấn vào xương gót khi gấp bàn chân về phía mu

Viêm cân gan chân được xác nhận nếu ấn mạnh ngón tay cái vào xương gót khi bàn chân gập mu bàn chân gây đau. Đau dọc theo bờ trong của cân gan chân cũng có thể xuất hiện. Nếu các dấu hiệu không rõ ràng, việc chứng minh gai gót chân trên X-quang có thể hỗ trợ chẩn đoán; tuy nhiên, không có gai gót không loại trừ chẩn đoán và các gai có thể nhìn thấy được thường không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng viêm cân gan chân. Ngoài ra, hiếm khi, gai xương gót xuất hiện không rõ ràng trên các phim X quang, biểu hiện tình trạng hình thành xương mới dạng bông, gợi ý bệnh lý viêm khớp cột sống (ví dụ: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng). Nếu nghi ngờ có rách cân cấp tính, chỉ định chụp MRI.

Các rối loạn khác gây đau gót chân có thể giống viêm cân gan chân:

  • Đau nhói ở gót chân, đặc biệt là khi tháo giày hoặc khi thấy hơi ấm và sưng tấy, là dấu hiệu gợi ý nhiều hơn đến viêm bao hoạt dịch xương gót.

  • Đau vùng sau gót chân cấp tính, dữ dội, kèm theo ban đỏ và nóng, có thể là dấu hiệu của bệnh gút.

  • Đau lan từ thắt lưng lan xuống dưới gót chân có thể là bệnh lý rễ S1 do thoát vị đĩa đệm L5.

Điều trị viêm cân gan chân

  • Nẹp, kéo giãn, và đệm lót hoặc các dụng cụ chỉnh hình

Để giảm áp lực và giảm đau cân gan chân, người bệnh có thể đi bằng bước ngắn và tránh đi bằng chân trần. Các hoạt động ảnh hưởng đến chân như chạy bộ nên tránh. Các phương pháp điều trị viêm cân gan chân hiệu quả nhất bao gồm sử dụng đệm gót chân trong giày và hỗ trợ vòm bàn chân bằng các bài tập kéo giãn gân Achilles và nẹp ban đêm giúp kéo căng gân Achilles và cân gan chân trong khi bệnh nhân ngủ. Dụng cụ chỉnh hình bàn chân được làm sẵn hoặc chế tạo riêng cũng có thể làm giảm căng cơ và các triệu chứng trong khi bệnh nhân đi lại được.

Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm điều chỉnh hoạt động, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), giảm cân ở bệnh nhân béo phì, liệu pháp mát-xa lạnh và mát-xa đá lạnh, và thỉnh thoảng dùng corticosteroid dạng tiêm. Tuy nhiên, vì tiêm corticosteroid có thể dẫn đến đứt cân gan chân nên nhiều bác sĩ lâm sàng hạn chế tiêm dạng thuốc tiêm này (xem Cân nhắc khi sử dụng corticosteroid dạng tiêm).

Đối với những trường hợp khó điều trị, nên áp dụng vật lý trị liệu và bó bột cố định trước khi cân nhắc can thiệp bằng phẫu thuật. Đối với các loại viêm cân gan chân kháng trị, có thể thử liệu pháp kích hoạt xung ngoài cơ thể (EPAT), trong đó sóng xung tần số thấp được truyền cục bộ bằng dụng cụ cầm tay. Sóng áp lực xung là một kỹ thuật an toàn, không xâm lấn được cho là có tác dụng kích thích chuyển hóa và tăng cường lưu thông máu, từ đó có thể giúp tái tạo các mô bị tổn thương và đẩy nhanh quá trình lành vết thương (1).

Tài liệu tham khảo về điều trị

1. Auersperg V, Trieb K: Extracorporeal shock wave therapy: an update. EFORT Open Rev. 5(10):584-592, 2020. doi: 10.1302/2058-5241.5.190067

Những điểm chính

  • Viêm cân gan chân liên quan đến nhiều hội chứng khác nhau gây đau ở cân gan chân.

  • Các yếu tố lối sống và bệnh lý khác nhau làm tăng nguy cơ dẫn đến các co ngắn các cơ bắp chân và cân gan chân.

  • Đau ở dưới gót trở nên nặng hơn khi chịu trọng lượng, đặc biệt khi đẩy gót chân xuống dưới và trong suốt cả ngày.

  • Xác định chẩn đoán dựa vào xuất hiện cơn đau khi dùng ngón tay cái ấn mạnh vào xương gót lúc đang gấp bàn chân về phía mu chân.

  • Điều trị ban đầu bằng đệm lót trong gót giày, tấm đỡ vòm, bài tập kéo giãn gân Achilles và thiết bị nẹp đeo vào ban đêm.