Viêm trực tràng là viêm niêm mạc trực tràng, có thể do nhiễm trùng, bệnh viêm ruột hoặc bức xạ. Các triệu chứng bao gồm cảm giác khó chịu ở trực tràng và chảy máu. Chẩn đoán bằng nội soi trực tràng hoặc nội soi đại tràng sigma, thường kèm nuôi cấy và sinh thiết. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân.
(Xem thêm Đánh giá các rối loạn ở hậu môn trực tràng.)
Viêm trực tràng có thể là một biểu hiện của
Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (ví dụ, Neisseria gonorrhoeae, loài Chlamydia)
Một số bệnh nhiễm trùng đường ruột (ví dụ: Campylobacter, Shigella, Salmonella – xem phần Giới thiệu về trực khuẩn Gram âm)
Điều trị bằng bức xạ
Viêm trực tràng liệt liên quan đến việc sử dụng kháng sinh trước đây có thể do Clostridioides difficile (trước kia là Clostridium difficile).
Các mầm bệnh lây truyền qua đường tình dục gây viêm trực tràng thường gặp hơn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Ví dụ: người ta phát hiện thấy Mpox có thể gây viêm trực tràng truyền nhiễm đáng kể ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới.
Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ đặc biệt bị nhiễm herpes simplex và cytomegalovirus.
Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm trực tràng
Thông thường, bệnh nhân phàn nàn về cảm giác buốt mót (cảm thấy rất cần đại tiện nhưng không ra phân), chảy máu trực tràng, hoặc đi ra chất nhầy.
Viêm trực tràng do bệnh lậu, herpes simplex, cytomegalovirus hoặc bệnh đậu mùa khỉ có thể gây đau hậu môn trực tràng dữ dội.
Chẩn đoán viêm trực tràng
Soi trực tràng hoặc soi đại tràng sigma
Xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và C. difficile
Chẩn đoán viêm trực tràng cần nội soi trực tràng hoặc nội soi đại tràng sigma, có thể phát hiện niêm mạc trực tràng bị viêm. Các ổ loét và các mụn nước nhỏ rời rạc gợi ý nhiễm herpes. Nên xét nghiệm tăm bông lấy bệnh phẩm trực tràng để tìm loài vi khuẩn Neisseria gonorrhoeaevàChlamydia (bằng nuôi cấy hoặc xét nghiệm khuếch đại axit nucleic, chẳng hạn như phản ứng chuỗi polymerase (PCR), tác nhân gây bệnh đường ruột (bằng nuôi cấy) và tác nhân gây bệnh do vi rút (bằng nuôi cấy hoặc xét nghiệm miễn dịch).
Làm xét nghiệm huyết thanh tìm giang mai và xét nghiệm phân tìm độc tố C. difficile. Đôi khi cần phải sinh thiết niêm mạc.
Nội soi đại tràng có thể có giá trị ở một số bệnh nhân để loại trừ bệnh viêm ruột.
Điều trị viêm trực tràng
Các phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân
Viêm trực tràng nhiễm khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh. Bệnh nhân quan hệ qua đường hậu môn bị viêm tuyến tiền liệt không đặc hiệu có thể được điều trị theo kinh nghiệm bằng ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một lần, cộng với doxycycline 100 mg, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày. Viêm trực tràng liên quan đến kháng sinh do C. difficile được điều trị bằng vancomycin hoặc fidaxomicin trong 10 ngày.
Viêm trực tràng do xạ trị gây chảy máu thường được điều trị ban đầu bằng thuốc bôi tại chỗ; tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng về hiệu quả từ các nghiên cứu được thực hiện tốt (1). Các phương pháp điều trị tại chỗ bao gồm corticosteroid dạng bọt (hydrocortisone) hoặc thụt tháo (hydrocortisone hoặc methylprednisolone), hoặc thụt tháo giữ dịch sucralfat (2 g trong 20 mL nước, 2 lần một ngày) cũng có thể có hiệu quả. Bệnh nhân không đáp ứng với các hình thức điều trị này có thể được hưởng lợi từ việc bôi formalin tại chỗ hoặc từ liệu pháp oxy tăng áp. (2).
Điều trị qua nội soi có thể được sử dụng để điều trị viêm trực tràng do xạ trị. Đông tụ huyết tương argon có vẻ hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng ít nhất là trong thời gian ngắn (≤ 6 tuần) (2). Nhiều phương pháp cầm máu, bao gồm laser, đốt điện, và đầu dò gia nhiệt.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. van de Wetering FT, Verleye L, Andreyev HJ, et al. Non-surgical interventions for late rectal problems (proctopathy) of radiotherapy in people who have received radiotherapy to the pelvis. Cochrane Database Syst Rev. 2016;4(4):CD003455. Xuất bản ngày 25 tháng 4 năm 2016 doi:10.1002/14651858.CD003455.pub2
2. Paquette IM, Vogel JD, Abbas MA, Feingold DL, Steele SR. Clinical Practice Guidelines Committee of The American Society of Colon and Rectal Surgeons. The American Society of Colon and Rectal Surgeons Clinical Practice Guidelines for the Treatment of Chronic Radiation Proctitis. Dis Colon Rectum. 2018;61(10):1135-1140. doi:10.1097/DCR.0000000000001209