Bệnh nhân bị bệnh tiết niệu có thể có các triệu chứng ảnh hưởng đến thận cũng như các bộ phận khác của hệ sinh dục-tiết niệu (GU). (Xem thêm Đánh giá bệnh nhân bị bệnh tiết niệu.)
Bệnh sử của bệnh nhân bị bệnh tiết niệu
Đau có nguồn gốc từ thận hoặc niệu quản thường khu trú ở vùng hông lưng hoặc phần thấp của lưng và có thể lan vào vùng hố chậu cùng bên, phần trên đùi, tinh hoàn hoặc cơ quan sinh dục ngoài của nữ. Điển hình, đau do sỏi thận là đau quặn thắt từng cơn và có thể nằm sấp đỡ đau; đau liên tục không dứt nếu có nhiễm trùng. Sự tắc nghẽn đường niệu cấp ở vị trí niệu đạo, cổ bàng quang gây ra đau tức vùng trên xương mu; tình trạng tắc nghẽn mạn tính ít gây đau hơn, có thể không có triệu chứng. Tiểu buốt là triệu chứng của bàng quang hoặc do kích thích niệu đạo. Đau tuyến tiền liệt biểu hiện bằng sự khó chịu mơ hồ hoặc cảm giác đầy nặng vùng đáy chậu, trực tràng, hoặc vùng trên xương mu.
Các triệu chứng tắc nghẽn bàng quang ở nam bao gồm tiểu không hết bãi, tiểu gắng sức, dòng nước tiểu yếu và nhỏ và nặng hơn nữa là tiểu nhỏ giọt. Tiểu không tự chủ có nhiều kiểu khác nhau. Đái dầm sau 3 đến 4 tuổi có thể là triệu chứng hẹp niệu đạo ở trẻ em gái, van niệu đạo sau ở trẻ trai, tâm lý lo âu, hoặc khởi phát nhiễm trùng mới.
Khí niệu (không khí trong nước tiểu) gợi ý rò âm đạo-bàng quang, ruột-bàng quang, hoặc ruột-niệu quản; nhóm nguyên nhân thứ 2 có thể là do viêm túi thừa, bệnh Crohn, áp xe, hoặc ung thư đại tràng. Khí niệu cũng có thể được gây ra do viêm thận bể thận sinh khí.
Khám thực thể bệnh nhân bị bệnh tiết niệu
Khám thực thể tập trung vào vùng hông lưng, bụng, trực tràng, háng và bộ phận sinh dục. Ở phụ nữ có triệu chứng tiết niệu, khám khung chậu thường được thực hiện.
Vùng hông lưng
Đau do dùng tay đấm vào lưng, mạng sườn và góc tạo bởi xương sườn 12 và cột sống thắt lưng (ấn đau sườn cột sống) có thể là dấu hiệu của viêm thận-bể thận, sỏi thận hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.
Bụng
Hình ảnh đảy lồi lên ở phần bụng trên là một phát hiện vô cùng hiếm và không đặc hiệu gặp trong khối u thận hoặc khối u trong ổ bụng. Gõ đục phần bụng thấp gợi ý cầu bàng quang; thông thường, bàng quang không gõ thấy ở trên khớp mu. Sờ nắn bàng quang có thể được sử dụng để xác định khi bụng trướng và bí tiểu.
Trực tràng
Trong khi thăm trực tràng bằng tay có thể phát hiện, viêm tuyến tiền liệt với biểu hiện như là tuyến đau khi sờ nắn, có ổ bùng nhùng của áp xe. Các nốt khu trú và các vùng cứng ít tách biệt phải được phân biệt với ung thư tuyến tiền liệt. Đặc trưng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là tuyến tiền liệt có thể tăng kích thước một cách đối xứng, dẻo như cao su, và hơi chắc.
Khám vùng bẹn và bộ phận sinh dục
Khám vùng bẹn và bộ phận sinh dục nên được thực hiện khi bệnh nhân đứng. Các trường hợp đau vùng bìu hoặc háng có thể do thoát vị hoặc hạch bẹn. Sự bất đối xứng rõ ràng, sưng nề, sung huyết đỏ, hoặc sự đổi màu của tinh hoàn có thể biểu hiện của nhiễm trùng, xoắn, khối u hoặc các khối cục khác của tinh hoàn. Tinh hoàn nằm ngang (biến dạng hình chuông lắc) là dấu hiệu của xoắn tinh hoàn. Tinh hoàn co lên cao (bình thường bên trái thấp hơn) có thể là dấu hiệu của xoắn tinh hoàn. Dương vật được khám với da quy đầu để nguyên trạng và lộn bao quy đầu để kiểm tra. Thăm khám dương vật có thể phát hiện
Lỗ tiểu lệch thấp hoặc là lỗ tiểu lệch cao ở những bệnh nhân nam trẻ tuổi.
Bệnh xơ cứng vật hang - bệnh Peyronie ở nam giới
Cương đau dương vật kéo dài, loét và chảy mủ
Sờ nắn có thể phát hiện thoát vị bẹn. Phản xạ bìu có thể mất khi xoắn tinh hoàn. Các Vị trí các khối khu trú liên quan đến tinh hoàn và mức độ cứng mềm có thể giúp phân biệt các loại khối cục của tinh hoàn (ví dụ, nang tinh trùng, viêm mào tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn,khối u). Nếu có tinh hoàn sưng, vùng sưng cần phải được chiếu sáng để giúp xác định xem khối đó là nang hay khối đặc. Các mảng xơ trên thân dương vật là những dấu hiệu của bệnh xơ cứng vật hang.
Xét nghiệm cho bệnh nhân bị bệnh tiết niệu
Xét nghiệm nước tiểu là rất quan trọng để đánh giá bệnh lý về tiết niệu. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh (ví dụ, siêu âm, CT, MRI) thường được yêu cầu. Đối với xét nghiệm tinh dịch, xem Rối loạn tinh trùng.
Xét nghiệm kháng nguyên u bàng quang cho ung thư tế bào chuyển tiếp của hệ tiết niệu nhạy hơn so với tế bào học niệu trong phát hiện ung thư độ ác tính thấp; nó không đủ độ nhạy để thay thế phương pháp nội soi. Tế bào học trong nước tiểu là phương pháp tốt nhất để phát hiện ra ung thư độ ác tính cao.
Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) là một glycoprotein chưa rõ chức năng được sản sinh bởi các tế bào biểu mô tuyến tiền liệt. Lượng PSA có thể tăng lên trong ung thư tuyến tiền liệt và trong một số trường hợp không phải ung thư (ví dụ như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, nhiễm trùng, chấn thương). PSA được định lượng để phát hiện sự tái phát của ung thư sau khi điều trị; việc sử dụng rộng rãi PSA cho sàng lọc kiểm tra ung thư còn có nhiều tranh cãi.