Bàng quang thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng bàng quang (mềm hoặc co cứng) do tổn thương thần kinh. Các triệu chứng có thể bao gồm tiểu không tự chủ khi bàng quang căng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu gấp không tự chủ, và bí tiểu. Nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng (ví dụ, nhiễm trùng tái phát, trào ngược bàng quang niệu quản, rối loạn phản xạ tự động) là cao. Chẩn đoán bao gồm chẩn đoán hình ảnh và nội soi bàng quang hoặc xét nghiệm đo niệu động học. Điều trị gồm: đặt ống thông tiểu hoặc các biện pháp để kích thích tiểu tiện.
(Xem thêm Tổng quan về tiểu tiện.)
Bất kỳ tình trạng nào làm suy yếu bàng quang và đường ra của bàng quang có thể gây ra bàng quang thần kinh. Các nguyên nhân có thể liên quan đến hệ thần kinh trung ương (ví dụ đột quỵ, tổn thương cột sống, thoát vị màng tuỷ-tuỷ sống, xơ cứng teo cơ một bên), dây thần kinh ngoại vi (ví dụ đái tháo đường, nghiện rượu, hoặc các bệnh thần kinh do thiếu vitamin B12; thoát vị đĩa đệm; tổn thương do phẫu thuật vùng chậu), hoặc cả hai (ví dụ bệnh Parkinson, đa xơ cứng, giang mai). Tắc nghẽn đường ra bàng quang (ví dụ như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, ung thư tuyến tiền liệt, tắc phân, hay co thắt niệu đạo) thường cùng tồn tại và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Ở thể bàng quang thần kinh liệt nhũn (giảm trương lực), bàng quang có thể tích lớn, áp lực bàng quang thấp, và mất sự co bóp. Nó có thể là hậu quả của tổn thương dây thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương tủy sống ở mức S2 đến S4. Sau khi tủy sống bị tổn thương cấp tính, giai đoạn đầu bàng quang bị liệt mềm, tình trạng liệt mềm có thể kéo dài hoặc chuyển sang liệt cứng, hoặc chức năng bàng quang có thể cải thiện sau nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Ở thể bàng quang co cứng, thể tích thường là bình thường hoặc nhỏ, và sự co thắt cơ bàng quang là không tự chủ. Nó thường là hậu quả của tổn thương não hoặc tổn thương tủy sống trên T12. Các triệu chứng thay đổi theo vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Sự co thắt của bàng quang và sự giãn cơ thắt niệu đạo ngoài thường đặc trưng bởi việc mất khả năng phối hợp (rối loạn đồng vận bàng quang-cơ thắt).
Thể hỗn hợp (liệt mềm và liệt cứng bàng quang) có thể là hậu quả của nhiều tình trạng bệnh lý, bao gồm bệnh giang mai, đái tháo nhạt, u não hoặc tủy sống, đột quỵ, nứt đốt sống và tổn thương chất trắng hoặc thoái hóa (ví dụ, bệnh đa xơ cứng, xơ cứng teo cơ một bên).
Triệu chứng và dấu hiệu của bàng quang thần kinh
Tiểu không tự chủ là triệu chứng chính ở bệnh nhân bị liệt bàng quang. Bệnh nhân bị ứ nước tiểu lại và luôn chảy nhỏ giọt ra ngoài. Nam giới cũng thường có rối loạn cương dương.
Bệnh nhân bàng quang co cứng có thể có triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu đêm, liệt cứng đi kèm mất cảm giác; hầu hết có những cơn co thắt bàng quang ngắt quãng dẫn đến rò rỉ nước tiểu, trừ khi họ mất cảm giác, tiểu gấp. Ở bệnh nhân rối loạn đồng vận bàng quang - cơ thắt, co thắt cơ thắt trong khi đi tiểu có thể ngăn việc bàng quang được làm rỗng hoàn toàn.
Các biến chứng thường gặp bao gồm nhiễm trùng tiết niệu tái phát và sỏi tiết niệu. Ứ nước thận với trào ngược bàng quang niệu quản có thể xảy ra do thể tích rất lớn nước tiểu gây áp lực lên đoạn nối niệu quản bàng quang, gây rối loạn chức năng do trào ngược, và trong trường hợp nặng gây bệnh lý thận. Bệnh nhân có tổn thương tủy ngực hoặc tuỷ cổ cao có nguy cơ rối loạn phản xạ tự động (hội chứng tăng huyết áp ác tính đe doạ tính mạng, nhịp tim nhanh hoặc chậm, đau đầu, co cứng, vã mồ hôi do tăng hoạt động giao cảm không kiểm soát). Rối loạn này có thể được kích hoạt bởi tình trạng bàng quang căng cấp tính (do bí tiểu) hoặc giãn quai ruột (do táo bón hoặc tắc phân).
Chẩn đoán bàng quang thần kinh
Thể tích nước tiểu tồn dư
Siêu âm thận- tiết niệu
Creatinine huyết thanh
Thường là chụp bàng quang, soi bàng quang, và niệu đồ với đo niệu động học
Chẩn đoán dựa trên các nghi ngờ về lâm sàng. Thông thường, đo thể tích tồn dư sau khi đi tiểu, siêu âm thận được thực hiện để phát hiện bệnh ứ nước thận, và creatinine huyết thanh được đo để đánh giá chức năng thận.
Những nghiên cứu sâu hơn thường không được thực hiện ở những bệnh nhân không có khả năng tự đặt thông tiểu hoặc đi vệ sinh (ví dụ bệnh nhân già suy kiệt nặng hoặc bệnh nhân sau đột quỵ nghiêm trọng).
Ở những bệnh nhân bị ứ nước hoặc bệnh thận mà không suy kiệt, chụp bàng quang, soi bàng quang, và niệu đồ với đo niệu động học thường được khuyến cáo và có thể gợi ý phương pháp điều trị tích cực hơn nữa.
Chụp bàng quang được sử dụng để đánh giá dung tích bàng quang và phát hiện trào ngược niệu quản.
Soi bàng quang được sử dụng để đánh giá thời gian và mức độ nghiêm trọng của bí tiểu (bằng cách phát hiện các bè cơ bàng quang) và để kiểm tra tắc nghẽn đường ra của bàng quang.
Bàng quang ký có thể xác định xem dung tích và áp lực bàng quang cao hay thấp; nếu được thực hiện trong giai đoạn phục hồi của bàng quang liệt sau chấn thương tủy sống, nó có thể giúp đánh giá chức năng cơ trơn bàng quang và dự đoán triển vọng phục hồi (xem Kiểm tra: "Trong bàng quang ký...").
Đo niệu động học của tốc độ dòng nước tiểu với ghi điện cơ đồ của cơ thắt có thể cho thấy sự co thắt bàng quang và giãn cơ vòng phối hợp đồng bộ hay không.
Điều trị bàng quang thần kinh
Đặt ống thông tiểu
Tăng cường uống nước
Thuốc
Phẫu thuật nếu các biện pháp thông thường thất bại
Tiên lượng tốt nếu rối loạn được chẩn đoán và điều trị trước khi thận bị tổn thương.
Điều trị đặc hiệu gồm đặt thông tiểu hoặc các biện pháp để kích hoạt tiểu tiện. Đặt ống thông gián đoạn được ưu tiên hơn đặt ống thông liên tục bất cứ khi nào có thể. Điều trị tổng quát bao gồm theo dõi chức năng thận, kiểm soát nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), uống nhiều chất lỏng để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu và sỏi niệu (mặc dù biện pháp này có thể làm trầm trọng thêm chứng tiểu không kiểm soát), đi tiêu sớm, thường xuyên thay đổi vị trí, và hạn chế ăn uống đồ chứa nhiều canxi để hạn chế sự hình thành sỏi.
Đặt ống thông tiểu
Nếu có liệt bàng quang, đặc biệt nếu nguyên nhân là tổn thương tủy sống cấp tính, ngay lập tức cần phải đặt ống thông tiểu liên tục hoặc ngắt quãng. Việc tự đặt ống thông tiểu ngắt quãng được lựa chọn nhiều hơn cho việc dẫn lưu nước tiểu ra ngoài, tuy nhiên nó có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, và ở nam giới, có nguy cơ cao viêm niệu đạo, viêm quanh niệu đạo, áp xe tuyến tiền liệt, và rò niệu đạo. Dẫn lưu bàng quang trên xương mu được lựa chon cho bệnh nhân không thể tự đặt ống thông tiểu.
Thuốc và các liệu pháp khác
Đối với bàng quang co cứng, điều trị tùy thuộc vào khả năng giữ nước tiểu của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể giữ được thể tích bình thường có thể sử dụng các kỹ thuật để kích hoạt việc đi tiểu (ví dụ, tạo áp lực trên xương mu, gãi bắp đùi); thuốc kháng cholinergic có thể có hiệu quả. Đối với những bệnh nhân không thể duy trì thể tích bình thường, việc điều trị cũng giống như điều trị tiểu tiện không tự chủ gấp, bao gồm dùng thuốc (xem bảng Các loại thuốc dùng để điều trị tiểu tiện không tự chủ) và kích thích dây thần kinh cùng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng. Thông thường nó được chỉ định nếu bệnh nhân đã có hoặc đang có nguy cơ tiến triển nặng cấp tính hoặc di chứng mạn tính hoặc tình trạng xã hội, sự co cứng, hoặc liệt tứ chi cản trở việc sử dụng dẫn lưu bàng quang liên tục hoặc ngắt quãng. Cắt cơ thắt (dành cho nam giới) chuyển bàng quang thành đường dẫn hở. Phẫu thuật cắt rễ dây thần kinh đoạn cùng (S3 và S4) chuyển từ bàng quang co cứng thành bàng quang liệt mềm. Sự chuyển dòng nước tiểu có thể dùng tới ống dẫn hồi tràng hoặc phẫu thuật nối niệu quản.
Phẫu thuật chèn vào một cơ thắt nhân tạo cơ học điều khiển được, đây là một lựa chọn cho những bệnh nhân mà chức năng bàng quang còn đảm bảo, bàng quang rỗng tốt, và những người có thể thực hiện theo hướng dẫn sử dụng thiết bị; nếu bệnh nhân không tuân thủ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đe doạ đến tính mạng (ví dụ như suy thận, sốc nhiễm trùng nhiễm độc).
Những điểm chính
Sự tổn thương đường dẫn truyền thần kinh điều khiển hoạt động tiểu tiện có thể làm cho bàng quang bị liệt cứng hoặc liệt mềm.
Bàng quang mềm có xu hướng gây ra tình trạng tiểu tiện không tự chủ do đầy tràn.
Bang quang co cứng có xu hướng gây tiểu nhiều lần, tiểu gấp không tự chủ và đặc biệt là rối loạn đồng vận bàng quang cơ thắt, bí tiểu.
Đo thể tích nước tiểu tồn dư, siêu âm thận và đo creatinine huyết thanh, và ở nhiều bệnh nhân, chụp bàng quang, soi bàng quang, niệu đồ với đo niệu động học.
Điều trị bàng quang liệt mềm bao gồm tăng lượng dịch đưa vào và tự đặt ống thông tiẻu ngắt quãng.
Điều trị bàng quang co cứng có thể bao gồm các biện pháp kích hoạt tiểu tiện và/hoặc các biện pháp để điều trị chứng tiểu không tự chủ (kể cả việc dùng thuốc).