Viêm bàng quang kẽ là viêm bàng quang không nhiễm khuẩn, nó gây ra đau (vùng trên mu, vùng chậu, bụng), tiểu dắt, tiểu gấp và tiểu són. Chẩn đoán dựa vào tiền sử và chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác và dựa vào soi bàng quang, sinh thiết. Hầu hết bệnh nhân được điều trị đều cải thiện, nhưng việc chữa khỏi rất hiếm. Nhiều phương pháp điều trị: thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập bàng quang, pentosan, thuốc giảm đau, và các liệu pháp tiêm nội bàng quang.
(Xem thêm Tổng quan về tiểu tiện.)
Tỷ lệ mắc bệnh viêm bàng quang kẽ là không rõ, nhưng rối loạn dường như phổ biến hơn chúng ta nghĩ và có thể là nguyên nhân của các hội chứng lâm sàng khác (ví dụ, đau vùng chậu mạn tính). Người Da trắng nhạy cảm hơn, và 90% số trường hợp xảy ra ở phụ nữ.
Nguyên nhân chưa rõ, nhưng sinh lý bệnh có thể liên quan đến việc mất đi chất nhầy bảo vệ niệu quản, với sự xâm nhập của kali niệu và các chất khác vào trong thành bàng quang, kích hoạt dây thần kinh cảm giác và tổn thương cơ trơn. Các tế bào bạch cầu ưa kiềm có thể làm trung gian quá trình, nhưng vai trò của chúng vẫn chưa rõ.
Triệu chứng và dấu hiệu của viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ ban đầu không có triệu chứng, nhưng các triệu chứng xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn qua mỗi năm vì thành bàng quang bị huỷ hoại. Cảm giác tức nặng vùng trên xương mu và vùng chậu, hoặc đau, thường đi kèm tiểu nhiều lần (lên đến 60 lần/ngày) hoặc tiểu gấp. Các triệu chứng này trở nên nặng hơn khi bàng quang đầy và giảm bớt khi bệnh nhân đi tiểu hết; ở một số người, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn khi rụng trứng, có kinh nguyệt, dị ứng theo mùa, căng thẳng thể chất hoặc tinh thần, hoặc quan hệ tình dục. Thực phẩm có hàm lượng kali cao (ví dụ như cam quýt, sô cô la, đồ uống có chứa caffein, cà chua) có thể làm nặng thêm triệu chứng. Thuốc lá, đồ uống có cồn và đồ ăn cay có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Nếu thành bàng quang trở lên xơ sẹo, khả năng dung nạp và dung tích bàng quang giảm gây ra tình trạng tiểu gấp và tiểu nhiều lần.
Chẩn đoán viêm bàng quang kẽ
Đánh giá lâm sàng
Soi bàng quang và có thể sinh thiết
Chẩn đoán được gợi ý bởi các triệu chứng sau khi xét nghiệm đã loại trừ các bệnh lý phổ biến hơn gây ra các triệu chứng tương tự (ví dụ như nhiễm trùng tiết niệu, bệnh viêm vùng chậu, viêm tuyến tiền liệt mạn tính hoặc viêm tiền liệt tuyến không do vi khuẩn, viêm túi thừa).
Soi bàng quang là cần thiết và đôi khi cho thấy loét bàng quang lành tính (loét Hunner); sinh thiết là cần thiết để loại trừ ung thư bàng quang. Đánh giá các triệu chứng với thang điểm triệu chứng chuẩn hoặc truyền kali clorid vào trong bàng quang (thử nghiệm độ nhạy kali) có thể cải thiện độ chính xác chẩn đoán nhưng vẫn chưa được thực hiện thường quy.
Điều trị viêm bàng quang kẽ
Thay đổi lối sống
Tập luyện bàng quang
Thuốc (ví dụ: pentosan polysulfate natri, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống viêm không steroid [NSAID], thuốc nhỏ dimethyl sulfoxide)
Phẫu thuật là phương án được lựa chọn cuối cùng
Thay đổi lối sống
Có đến 90% bệnh nhân cải thiện với điều trị, nhưng hiếm khi chữa khỏi. Việc điều trị nên khuyến khích nhận thức và tránh các tác nhân tiềm ẩn, chẳng hạn như thuốc lá, rượu, thực phẩm có hàm lượng kali cao và đồ cay.
Lựa chọn điều trị
Ngoài việc thay đổi lối sống, luyện tập bàng quang, thuốc, liệu pháp điều trị tại chỗ (tiêm nội bàng quang) và phẫu thuật được sử dụng khi cần. Giảm căng thẳng và liệu pháp phản hồi sinh học - biofeedback (để tăng độ mạnh cơ đáy chậu, ví dụ như với các bài tập Kegel) có thể giúp ích. Chưa có phương pháp nào được chứng minh là có hiệu quả, nhưng khuyến cáo kết hợp ≥ 2 phương pháp điều trị không phẫu thuật trước khi cân nhắc phẫu thuật.
Liệu pháp dùng thuốc
Thuốc uống được sử dụng phổ biến nhất là pentosan polysulfate natri; liều 100 mg uống 3 lần mỗi ngày có thể giúp phục hồi lớp lót bề mặt bảo vệ của bàng quang. Sự cải thiện có thể chưa thấy được trong 2 đến 4 tháng. Nhỏ vào bàng quang 15 mL dung dịch chứa 100 mg pentosan hoặc 40.000 đơn vị heparin cộng với 80 mg lidocain và 3 mL natri bicarbonate có thể mang lại lợi ích cho những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc uống. Thuốc chống trầm cảm ba vòng và NSAID theo các liều tiêu chuẩn có thể làm giảm đau. Thuốc kháng histamine có thể có tác dụng bằng cách ức chế trực tiếp tế bào mast hoặc ngăn chặn các tác nhân gây dị ứng.
Dimethyl sulfoxide được truyền vào trong bàng quang thông qua ống thông và giữ lại trong 15 phút có thể làm cạn kiệt chất P và kích hoạt sự tạo hạt tế bào mast; 50 mL mỗi 1 đến 2 tuần trong 6 đến 8 tuần, lặp lại nếu cần, giảm triệu chứng ở một nửa số bệnh nhân. Bơm BCG và axit hyaluronic vào trong bàng quang đang được nghiên cứu.
Phẫu thuật và các phương pháp khác
Giãn bàng quang bằng nước (muối sinh lý), cắt vết loét Hunner qua nội soi bàng quang, và kích thích rễ dây thần kinh cùng (S3) có hiệu quả ở một số bệnh nhân.
Phẫu thuật (ví dụ: phẫu thuật cắt bàng quang một phần, mở rộng bàng quang, tái tạo bàng quang mới và chuyển hướng nước tiểu) là phương sách cuối cùng cho những bệnh nhân không thể chịu đựng được cơn đau kháng với tất cả các phương pháp điều trị khác. Kết quả là không thể đoán trước; ở một số bệnh nhân, triệu chứng vẫn còn.
Những điểm chính
Viêm bàng quang kẽ là viêm bàng quang không nhiễm trùng có xu hướng gây ra chứng đau vùng chậu mạn tính và tăng tần suất đi tiểu.
Chẩn đoán đòi hỏi phải loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự (ví dụ như UTI, bệnh viêm khung chậu, viêm tuyến tiền liệt mạn tính hoặc viêm tiền liệt tuyến không do vi khuẩn, viêm túi thừa), nội soi bàng quang và sinh thiết.
Chữa khỏi rất hiếm, nhưng đến 90% bệnh nhân cải thiện với điều trị.
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện bàng quang và thuốc (ví dụ như pentosan polysulfate natri, thuốc chống trầm cảm ba vòng, NSAID, dẫn xuất dimethyl sulfoxide).
Phẫu thuật là phương án cuối cùng cho những bệnh nhân bị đau trơ với tất cả các phương pháp điều trị khác.