Chấn thương tim

(Đụng dập tim)

TheoThomas G. Weiser, MD, MPH, Stanford University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 4 2024

Chấn thương tim là chấn thương ngực gây đụng dập cơ tim, buồng tim, rách van tim. Đôi khi một chấn thương vào thành ngực trước gây ngừng tim mà không có tổn thương cấu trúc (commotio cordis).

(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương ngực.)

Các biểu hiện khác nhau với chấn thương.

Đụng dập cơ tim có thể nhỏ và không có triệu chứng, mặc dù có thể có hiện tượng nhịp tim nhanh. Một số bệnh nhân tiến triển bất thường dẫn truyền và/hoặc loạn nhịp tim.

Vỡ tâm thất thường gây tử vong rất nhanh, nhưng các bệnh nhân có tổn thương nhỏ, đặc biệt là thất phải, có thể biểu hiện bằng triệu chứng chèn ép tim. Chèn ép tim do vỡ tâm nhĩ sẽ biểu hiện dần dần.

Rách van tim có thể xảy ra, gây ra tiếng thổi tâm thu và đôi khi biểu hiện suy tim (ví dụ, khó thở, rale của phổi, đôi khi hạ huyết áp), suy tim có thể phát triển nhanh.

Vỡ vách tim có thể không gây triệu chứng ban đầu, nhưng bệnh nhân có thể xuất hiện suy tim về sau.

Ngưng tim do chấn thương là ngừng tim đột ngột theo sau một cú đập vào thành ngực phía trước ở những bệnh nhân không có bệnh tim trước đó hoặc tổn thương thực thể tim do chấn thương. Điển hình, cú đánh bằng một vật thể nhanh, cứng (ví dụ, bóng chày, khúc côn cầu) với động năng tương đối thấp. Sinh lý bệnh học là không rõ ràng, nhưng thời điểm bị đánh liên quan đến chu kỳ tim là quan trọng. Nhịp đập ban đầu thường là rung thất.

Chẩn đoán chấn thương tim bằng vật tầy

  • ECG

  • Siêu âm tim

  • men tim

Nên nghi ngờ chấn thương tim ở những bệnh nhân có triệu chứng tại ngực hoặc bị đánh nhiều lần bằng vật tù, trống ngực, loạn nhịp tim, tiếng thổi mới xuất hiện, nhịp tim tăng không giải thích được hoặc hạ huyết áp.

Hầu hết các bệnh nhân bị chấn thương ngực phải có điện tâm đồ 12 chuyển đạo. Với chấn thương cơ tim, điện tâm đồ có thể có ST thay đổi giống sự thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim. Các rối loạn dẫn truyền phổ biến nhất bao gồm rung nhĩ, block nhánh (thường là nhánh phải), nhịp nhanh xoang không giải thích được, và các cơn co thất sớm đơn lẻ hoặc nhiều lần. E-FAST (Đánh giá tập trung mở rộng bằng siêu âm trong chấn thương) thường được thực hiện trong quá trình hồi sức ban đầu và có thể cho thấy các bất thường về chuyển động của thành, tràn dịch màng ngoài tim hoặc vỡ buồng hoặc vỡ van tim. Bệnh nhân bị nghi ngờ chấn thương tim trên lâm sàng hoặc điện tâm đồ hoặc E-FAST nên có siêu âm tim chính xác để đánh giá chức năng và các bất thường về giải phẫu.

Các chất chỉ điểm tim (ví dụ: troponin) hữu ích nhất để sàng lọc và do đó giúp loại trừ chấn thương tim do vật tầy. Nếu marker tim và điện tâm đồ bình thường và không có rối loạn nhịp, chấn thương tim có thể được loại trừ.

Điều trị chấn thương tim do vật tầy

  • Chăm sóc hỗ trợ

Các bệnh nhân bị chấn thương cơ tim gây ra bất thường dẫn truyền cần theo dõi mornitoring tim trong vòng 24 giờ vì họ có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim đột ngột trong thời gian này. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ (ví dụ, điều trị rối loạn nhịp tim hay suy tim) và can thiệp hiếm khi cần thiết. Phẫu thuật được chỉ định rất ít trường hợp vỡ cơ tim hoặc rách van.

Bệnh nhân bị chấn động tim được điều trị rối loạn nhịp tim (ví dụ: hồi sức tim phổi [CPR] và khử rung tim sau đó theo dõi tại bệnh viện).

Những điểm chính

  • Cần nghi ngờ chấn thương tim ở những bệnh nhân bị chấn thương ngực đáng kể và có bất kỳ hiện tượng đánh trống ngực, loạn nhịp tim, tiếng thổi tim mới, hoặc nhịp tim nhanh hoặc hạ huyết áp không rõ nguyên nhân.

  • ECG và marker tim rất hữu ích để sàng lọc tổn thương, siêu âm tim rất hữu ích để đánh giá chức năng và các bất thường giải phẫu tim.

  • Bệnh nhân bất thường về dẫn truyền, loạn nhịp cần mắc monitoring theo dõi.