Tràn khí màng phổi mở là một tràn khí màng phổi bao gồm vết thương thành ngực hở chưa được bịt kín; khi vết thương lớn, cơ chế thông khí phổi sẽ suy yếu.
(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương ngực.)
Tràn khí màng phổi tự phát được thảo luận ở nơi khác.
Một số bệnh nhân tràn khí màng phổi có một vết thương trên thành ngực chưa được bịt kín. Khi bệnh nhân tràn khí màng phổi mở hít thở, áp lực âm tính trong lồng ngực gây ra bởi động tác hít vào tạo ra dòng không khí vào phổi qua khí quản và qua lỗ thủng ở ngực. Nếu lỗ vết thương hở trên thành ngực nhỏ thì có ít khí qua đó do đó ít gây thay đổi hô hấp. Tuy nhiên, khi lỗ thành ngực đủ lớn (khi lỗ thông khoảng 2/3 đường kính khí quản hoặc lớn hơn), không khí đi qua lỗ thông qua thành ngực nhiều hơn qua khí quản vào phổi. Các tổn thương lớn hơn có thể loại bỏ sự thông khí tại phổi tổn thương. Khi phổi không còn khả năng thông khí sẽ dẫn tới hạn chế hô hấp và suy hô hấp.
Khi bệnh nhân tỉnh, vết thương ngực sẽ gây đau và bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp và triệu chứng khác của tràn khí màng phổi. Không khí vào vết thương thường gây ra một âm thanh hút khí đặc trưng.
Chẩn đoán tràn khí màng phổi mở
Bệnh sử và khám lâm sàng
Tràn khí màng phổi hở được chẩn đoán trên lâm sàng và cần kiểm tra toàn bộ bề mặt thành ngực.
Điều trị tràn khí màng phổi mở
Bịt kín vết thương ngực hở sau đó là dẫn lưu màng phổi.
Xử trí ngay lập tức khi tràn khí màng phổi hở là băng vết thương bằng băng ép vô trùng hình chữ nhật được đóng chặt bằng băng chỉ ở 3 mặt. Do đó, miếng băng ngăn không khí từ ngoài vào ngực trong khi hít vào, nhưng cho phép bất kỳ không khí ở trong ra ngoài trong quá trình thở ra. Việc dẫn lưu màng phổi phải được thực hiện khi bệnh nhân ổn định. Vết thương có thể phải phẫu thuật sửa chữa.