Fluoroquinolones

TheoBrian J. Werth, PharmD, University of Washington School of Pharmacy
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

Fluoroquinolones thể hiện hoạt tính diệt khuẩn phụ thuộc vào nồng độ bằng cách ức chế hoạt động của DNA gyrase và topoisomerase, những enzyme cần thiết cho quá trình sao chép DNA của vi khuẩn.

Fluoroquinolones được chia thành 2 nhóm, dựa trên phổ kháng khuẩn và dược lý học:

  • Nhóm cũ hơn: Ciprofloxacin, norfloxacin, và ofloxacin

  • Nhóm mới hơn: Delafloxacin, Gemifloxacin, levofloxacin, và moxifloxacin

Nhiều loại thuốc fluoroquinolone mới hơn đã bị rút khỏi thị trường Hoa Kỳ do độc tính khi sử dụng theo đường toàn thân; các thuốc này bao gồm trovafloxacin (vì độc tính nặng trên gan), gatifloxacin (vì hạ đường huyết và tăng đường huyết; thuốc vẫn được bán ở Hoa Kỳ dưới dạng thuốc nhỏ mắt), grepafloxacin (vì độc tính trên tim), temafloxacin (vì suy thận cấp, nhiễm độc gan, thiếu máu tán huyết, rối loạn đông máu và hạ đường huyết) và lomefloxacin, sparfloxacin và enoxacin.

Bảng

Dược động học của nhóm Fluoroquinolone

Sự hấp thu qua miệng giảm khi dùng chung cation nhiều hóa trị (nhôm, magiê, canxi, kẽm và chất sắt). Sau khi uống và tiêm, fluoroquinolones được phân phối rộng rãi trong hầu hết các chất dịch nội bào và ngoại bào và tập trung ở tuyến tiền liệt, phổi và mật.

Hầu hết các fluoroquinolones được chuyển hóa trong gan và bài tiết qua nước tiểu, đạt mức cao trong nước tiểu. Moxifloxacin được loại trừ chủ yếu ở mật.

Chỉ định cho Fluoroquinolones

Fluoroquinolones tác động chống lại những tác nhân sau đây:

Các tụ cầu kháng methicillin trong bệnh viện (MRSA) thường kháng thuốc. Các fluoroquinolones cũ hơn có hoạt tính kém đối với streptococci và kị khí. Các fluoroquinolones mới có hoạt tính đáng tin cậy chống lại streptococci (bao gồm Streptococcus pneumoniae giảm nhạy penicillin) và một số loài kị khí; moxifloxacin đặc biệt hoạt động chống lại hầu hết các vi khuẩn kị khí bắt buộc trên lâm sàng.

Delafloxacin, fluoroquinolone mới nhất, là fluoroquinolone phổ rộng nhất có hoạt tính chống lại

  • Vi khuẩn Gram âm bao gồm Pseudomonas aeruginosa

  • Vi khuẩn Gram dương bao gồm MRSA, cũng như các mầm bệnh đường hô hấp không điển hình

  • Kị khí

Khi sử dụng fluoroquinolone nhiều lên, sự đề kháng, đặc biệt đối với fluoroquinolones lớn hơn, đang phát triển trong nhóm Enterobacterales, P. aeruginosa, S. pneumoniae, và loài Neisseria. Tuy nhiên, fluoroquinolones có nhiều tác dụng lâm sàng (xem bảng Một số sử dụng lâm sàng của Fluoroquinolones).

Fluoroquinolones không còn được khuyến cáo để điều trị bệnh lậu theo kinh nghiệm vì tình trạng kháng ngày càng tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một liều duy nhất ciprofloxacin có hiệu quả cao trong điều trị nhiễm khuẩn lậu cầu do các chủng N. gonorrhoeae nhạy cảm với kháng sinh gây ra.

Bảng
Bảng

Chống chỉ định với Fluoroquinolones

Chống chỉ định bao gồm

  • Phản ứng dị ứng trước đây với thuốc

  • Một số rối loạn có liên quan đến rối loạn nhịp (ví dụ, kéo dài khoảng QT, hạ kali máu hoặc hạ magie huyết, nhịp chậm xoang nặng)

  • Sử dụng các thuốc có thể kéo dài khoảng QT hoặc gây nhịp tim chậm (ví dụ: metoclopramide, cisapride, erythromycin, clarithromycin, thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia và III, thuốc chống trầm cảm ba vòng)

Delafloxacin dường như không gây ra sự kéo dài đáng kể khoảng QT.

Theo truyền thống, nhóm Fluoroquinolones bị chống chỉ định ở trẻ em vì thuốc này có thể gây tổn thương sụn nếu các sụn tăng trưởng bị hở. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, bao gồm Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), phản đối quan điểm này vì bằng chứng còn yếu và họ khuyến nghị kê đơn nhóm fluoroquinolone làm thuốc kháng sinh bước hai và hạn chế sử dụng trong một số tình huống cụ thể khi không có lựa chọn thay thế hợp lý, bao gồm nhiễm P. aeruginosa ở bệnh nhân xơ nang, điều trị dự phòng và điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn đa kháng thuốc đe dọa tính mạng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và nhiễm trùng đường tiêu hóa do Salmonella hoặc Shigella (1).

Công cụ tính toán lâm sàng

Tham khảo chống chỉ định

  1. 1. Jackson MA, Schutze GE; COMMITTEE ON INFECTIOUS DISEASES. The Use of Systemic and Topical Fluoroquinolones. Pediatrics. 2016;138(5):e20162706. doi:10.1542/peds.2016-2706

Sử dụng nhóm Fluoroquinolone trong thời kỳ mang thai và cho con bú

Nghiên cứu sinh sản động vật với fluoroquinolones cho thấy một số nguy cơ. Dữ liệu liên quan đến việc mang thai ở người còn hạn chế. Fluoroquinolones nên được sử dụng trong thai kỳ chỉ khi lợi ích lâm sàng vượt quá nguy cơ và không có sự thay thế an toàn hơn.

Fluoroquinolones đi vào sữa mẹ. Việc sử dụng trong thời kỳ cho con bú sữa mẹ không được khuyến cáo.

Tác dụng bất lợi của Fluoroquinolon

Nhóm Fluoroquinolone có các cảnh báo được đóng khung vì thuốc này có liên quan đến các phản ứng bất lợi nghiêm trọng có thể gây tàn phế và không thể phục hồi đã xảy ra cùng nhau bao gồm

  • Bệnh cơ, bao gồm đứt gân Achilles, có thể xảy ra ngay cả sau khi sử dụng fluoroquinolones ngắn hạn.

  • Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ngay sau khi dùng fluoroquinolone và có thể tồn tại vĩnh viễn. Nếu các triệu chứng (ví dụ: đau, bỏng, ngứa ran, tê, yếu, thay đổi cảm giác) xảy ra, nên ngừng sử dụng fluoroquinolone để ngăn ngừa các tổn thương không hồi phục.

  • Các tác dụng bất lợi lên hệ thần kinh trung ương (CNS) bao gồm co giật, tăng áp lực nội sọ (bao gồm u não giả), và rối loạn tâm thần nhiễm độc. Các tác dụng bất lợi khác trên thần kinh trung ương bao gồm căng thẳng, lo lắng, kích động, mất ngủ, ác mộng, chóng mặt, thay đổi tâm trạng, hoang tưởng, lú lẫn, run, ảo giác và trầm cảm. Động kinh hiếm, nhưng không nên dùng fluoroquinolone ở những bệnh nhân bị rối loạn thần kinh trung ương.

  • Yếu cơ có thể trầm trọng hơn ở bệnh nhân nhược cơ, vì vậy nên tránh dùng fluoroquinolon ở những bệnh nhân này.

Tác dụng bất lợi khác bao gồm

  • Các tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa trên xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân do kích ứng trực tiếp đường tiêu hóa.

  • Hạ đường huyết có thể xảy ra, đặc biệt khi phối hợp fluoroquinolone với thuốc hạ đường huyết.

  • QT-khoảng thời gian kéo dài có thể xảy ra, có khả năng dẫn đến nhịp nhanh thất và gây ngừng tim đột ngột.

  • Phình động mạch chủ và bóc tách động mạch chủ có thể xảy ra, với nguy cơ gia tăng ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ bị phình động mạch chủ (ví dụ: hội chứng Marfan) hoặc những người đã biết phình động mạch chủ.

  • Tiêu chảy liên quan đến Clostridioides (trước đây là Clostridium) difficile (viêm đại tràng màng giả) có liên quan chặt chẽ với việc sử dụng fluoroquinolone, đặc biệt là do loại ribotype C. difficile siêu độc lực 027.

  • Phản ứng quá mẫn (bao gồm cả phản ứng phản vệ) có thể xảy ra sau liều đầu tiên hoặc các liều tiếp theo. Nên ngừng sử dụng fluoroquinolon khi có dấu hiệu đầu tiên là phát ban, vàng da hoặc bất kỳ dấu hiệu quá mẫn nào.

  • Nhiễm độc gan có thể xảy ra. Nên ngừng sử dụng fluoroquinolon ngay lập tức nếu bị viêm gan.

  • Hiện tượng nhạy cảm với ánh sáng có thể xảy ra, dẫn đến phản ứng cháy nắng quá mức. Bệnh nhân dùng fluoroquinolon nên tránh tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím.

Tiêu chảy, giảm bạch cầu, thiếu máu, và nhạy cảm với ánh sáng là không phổ biến. Phát ban là không phổ biến trừ khi gemifloxacin được sử dụng trong > 1 tuần và có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ < 40 tuổi. Độc tính với thận là hiếm gặp.

Cân nhắc về liều lượng đối với Fluoroquinolones

Cần giảm liều lượng, ngoại trừ moxifloxacin, là cần thiết cho bệnh nhân suy thận. Các fluoroquinolones cũ hơn thường được cho 2 lần/ngày; những loại mới hơn và dạng ciprofloxacin phóng thích kéo dài được tiêm một lần/ngày.

Ciprofloxacin làm tăng nồng độ theophylline, đôi khi dẫn đến các tác dụng bất lợi liên quan đến theophylline.