Thủng màng nhĩ do chấn thương

TheoTaha A. Jan, MD, Vanderbilt University Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2024

Thủng màng nhĩ do chấn thương có thể gây đau, chảy máu, nghe kém, ù tai và chóng mặt. Chẩn đoán dựa trên soi tai. Điều trị thường không cần thiết. Thuốc kháng sinh có thể cần dùng để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng. Phẫu thuật có thể cần thiết để điều trị các vết thủng kéo dài > 2 tháng, đứt chuỗi xương con hoặc các tổn thương ảnh hưởng đến tai trong.

Các nguyên nhân gây thương tích của thủng màng nhĩ bao gồm:

  • Đưa các vật ngoáy tai vào tai (ví dụ, bông ngoáy) và vô tình bị chọc mạnh vào màng nhĩ

  • Chấn thương gây ra bởi một tiếng nổ lớn hoặc bị tát mạnh vào tai

  • Chấn thương sọ não (có hoặc không có vết nứt nền sọ)

  • Gãy xương thái dương

  • Áp suất âm đột ngột (ví dụ, hút mạnh áp vào ống tai)

  • Chấn thương khí áp (ví dụ: khi đi máy bay hoặc lặn biển)

  • Thủng màng nhĩ do làm thủ thuật như bơm rửa tai hoặc lấy dị vật tai

Xuyên thủng màng nhĩ có thể gây gián đoạn chuỗi xương con, gãy đế đạp, gãy xương con, chảy máu, rò ngoại dịch từ cửa sổ bầu dục hoặc tròn dẫn đến sự rò ngoại dịch vào tai giữa, hoặc chấn thương dây VII.

Triệu chứng và dấu hiệu của Thủng màng nhĩ do chấn thương

Thủng màng nhĩ do chấn thương gây đau dữ dội đột ngột, đôi khi dẫn đến chảy máu tai, nghe kém dẫn truyền và/hoặc ù tai. Nghe kém trầm trọng hơn nếu chuỗi xương con bị gián đoạn hoặc tai trong bị thương. Chóng mặt có thể nghĩ tới tổn thương tai trong. Chảy mủ tai có thể bắt đầu trong 24 đến 48 giờ, đặc biệt nếu nước đi vào tai giữa qua lỗ thủng màng nhĩ.

Chẩn đoán Thủng màng nhĩ do chấn thương

  • Soi tai

  • Thính lực đồ

Lỗ thủng thường thấy rõ khi soi tai. Bất kỳ vệt máu nào che khuất ống tai được hút một cách cẩn thận ở mức áp suất thấp. Tuyệt đối cấm bơm nước và dùng ống soi tai có bơm hơi. Lỗ thủng cực nhỏ có thể cần phải kiểm tra bằng nội soi tai hoặc nghiên cứu trở kháng tai giữa để chẩn đoán xác định (ví dụ, nếu lỗ thủng không đóng lại). Nếu có thể, đo thính lực đồ trước và sau khi điều trị để tránh nhầm lẫn giữa giảm thính giác gây ra do chấn thương hay do điều trị.

Bệnh nhân có dấu nghe kém hoặc nghiêm trọng chóng mặt được đánh giá bởi một chuyên gia về tai mũi họng càng sớm càng tốt. Có thể cần chỉnh hình tai giữa đánh giá và sửa chữa tổn thương. Bệnh nhân có khiếm khuyết màng nhĩ lớn cũng cần phải được đánh giá vì các vạt bị dịch chuyển có thể cần phải được đặt lại vị trí.

Điều trị Thủng màng nhĩ do chấn thương

  • Biện pháp phòng ngừa cho khô tai

  • Thuốc kháng sinh tại chỗ cho vết thương bị nhiễm trùng

  • Đôi khi phẫu thuật

Thông thường, không cần điều trị cụ thể nào ngoài việc duy trì các biện pháp phòng ngừa cho khô tai. Các biện pháp phòng ngừa cho khô tai bao gồm bịt ống tai bên ngoài (ví dụ: sử dụng bông gòn có bôi vaselin) trong khi tắm và tránh bơi lội. Thuốc nhỏ tai kháng sinh thông thường là không cần thiết. Tuy nhiên, điều trị dự phòng bằng thuốc nhỏ tai kháng sinh là cần thiết nếu chất gây ô nhiễm có thể xâm nhập qua lỗ thủng như xảy ra trong các vết thương bẩn.

Mặc dù hầu hết các lỗ thủng tự liền, phẫu thuật được chỉ định cho lỗ thủng vẫn tồn tại > 2 tháng. Nghe kém dẫn truyền kéo dài có thể nghĩ tới khả năng gián đoạn chuỗi xương con, đòi hỏi phải khám và phẫu thuật chỉnh hình lại.

Nếu tai bị nhiễm trùng, có thể dùng amoxicillin 500 mg đường uống, 8 giờ một lần trong 7 ngày, tuy nhiên, chỉ cần điều trị tại chỗ bằng thuốc nhỏ tai fluoroquinolone (ciprofloxacin hoặc ofloxacin) là đủ. Không nên kê đơn thuốc nhỏ tai có aminoglycoside (ví dụ: neomycin, tobramycin) hoặc polymyxin cho bệnh nhân bị thủng màng nhĩ hoặc đặt ống dẫn lưu màng nhĩ vì có khả năng gây độc tính cho tai.

Những điểm chính

  • Nhiều lỗ thủng là nhỏ và tự lành.

  • Hướng dẫn bệnh nhân giữ tai khô trong quá trình lành vết thương; kháng sinh tại chỗ hoặc đường toàn thân là không cần thiết trừ khi nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng phát triển.

  • Phẫu thuật phục hồi tổn thương xương nhỏ và các lỗ thủng kéo dài > 2 tháng.