Viêm xương chũm

TheoTaha A. Jan, MD, Vanderbilt University Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2024

Viêm xương chũm là một nhiễm trùng do vi khuẩn trong các tế bào xương chũm, thường xảy ra sau khi viêm tai giữa cấp. Các triệu chứng bao gồm đỏ, đau, sưng, và bùng nhùng ở xương chũm, với vành tai vểnh. Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị bằng kháng sinh, chẳng hạn như ceftriaxone và nếu chỉ dùng kháng sinh không hiệu quả thì phẫu thuật cắt bỏ xương chũm. Viêm xương chũm cấp tính với bằng chứng CT của viêm xương chũm kết hợp đảm bảo đặt ống thông nhĩ khẩn cấp và cắt bỏ xương chũm.

viêm tai giữa mủ cấp, viêm thường hướng lan vào hốc chũm và các tế bào khí trong xương thái dương, dẫn đến ứ đọng dịch. Ở một vài bệnh nhân, nhiễm trùng do vi khuẩn phát triển trong dịch viêm, điển hình với cùng một vi khuẩn gây viêm tai giữa; phế cầu là phổ biến nhất. Nhiễm trùng xương chũm có thể gây viêm xương vách ngăn, dẫn đến sự kết tụ của các túi khí (viêm xương chũm kết hợp).

Nhiễm trùng có thể vỡ ra thông qua một lỗ thủng trong màng nhĩ hoặc vỡ qua bên ngoài xương chũm, tạo thành xuất ngoại sau tai. Hiếm khi, nhiễm trùng lan rộng vào trung tâm, gây ra áp xe thùy thái dương hoặc huyết khối nhiễm trùng xoang bên. Thỉnh thoảng, nhiễm trùng có thể ăn mòn qua mỏm chũm và chảy vào cổ (gọi là áp xe Bezold). Hậu quả có thể bao gồm điếc, nhiễm trùng huyết và/hoặc viêm màng não.

Triệu chứng và dấu hiệu Viêm xương chũm

Các triệu chứng bắt đầu từ vài ngày đến vài tuần sau khi bắt đầu viêm tai giữa cấp tính và bao gồm sốt và đau tai. Gần như tất cả bệnh nhân đều có dấu hiệu viêm tai giữachảy mủ tai. Đỏ, sưng tấy, đau, và bùng nhùng có thể xuất hiện ở vùng mỏm chũm; vành tai thường bị đẩy lệch vểnh ra trước và ngoài.

Chẩn đoán Viêm xương chũm

  • Đánh giá lâm sàng

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chẩn đoán viêm xương chũm là dựa trên lâm sàng. CT thường được thực hiện, đặc biệt nếu nghi ngờ những biến chứng ở thái dương hoặc nội sọ, để khẳng định chẩn đoán và cho biết phạm vi nhiễm trùng. Bất kỳ chảy mủ tai nào đều được gửi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ. Thủ thuật chọc màng nhĩ có thể được thực hiện cho mục đích nuôi cấy nếu không xảy ra hiện tượng thoát dịch tự nhiên. Công thức máu và tốc độ máu lắng có thể là biến đổi nhưng không nhạy và không đặc hiệu và ít có thông tin chẩn đoán.

Điều trị Viêm xương chũm

  • Ceftriaxone đường tĩnh mạch

Điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch được bắt đầu ngay lập tức bằng một loại kháng sinh giúp thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như ceftriaxone 1 g đến 2 g (trẻ em, 50 đến 75 mg/kg) một lần/ngày và tiếp tục trong 2 tuần; vancomycin hoặc linezolid là những lựa chọn thay thế. Điều trị đường uống bằng quinolone có thể chấp nhận được. Lựa chọn kháng sinh sau đó được lựa chọn bởi kết quả cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.

Áp xe dưới màng xương thường đòi hỏi phải phẫu thuật khoét chũm đơn thuần, trong đó áp xe được dẫn lưu, các tế bào xương chũm viêm được loại bỏ, và dẫn lưu được thiết lập từ sào bào của xương chũm đến tai giữa. Nếu màng nhĩ không tự thủng, ống thông nhĩ sẽ được đặt để cho chất lỏng chảy ra. Sau đó bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nhỏ tai fluoroquinolone trong 2 tuần đến 3 tuần và phòng ngừa cho khô tai. Các biện pháp phòng ngừa cho khô tai bao gồm bịt ống tai bên ngoài (ví dụ: sử dụng bông gòn có tẩm dầu hỏa) trong khi tắm và tránh bơi lội. Không nên kê đơn thuốc nhỏ tai có aminoglycoside (ví dụ: neomycin, tobramycin) hoặc polymyxin cho bệnh nhân bị thủng màng nhĩ hoặc đặt ống dẫn lưu màng nhĩ vì có khả năng gây độc tính cho tai.