Chấn thương khí áp là tổn thương mô do sự thay đổi thể tích khí trong khoang cơ thể liên quan đến sự thay đổi áp suất. Nó có thể ảnh hưởng đến tai (gây đau tai, mất thính lực, và/hoặc triệu chứng tiền đình) hoặc xoang (gây đau và tắc nghẽn). Chẩn đoán đôi khi cần đó thính giác và xét nghiệm tiền đình. Điều trị khi cần có thể bao gồm thuốc làm thông mũi, thuốc giảm đau, và đôi khi dùng corticosteroid đường uống hoặc phẫu thuật sửa chữa tai trong, tai giữa hoặc xoang khi có tổn thương nghiêm trọng.
(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương và Tổng quan về chấn thương do lặn.)
Lặn có thể ảnh hưởng đến tai ngoài, tai giữa và tai trong. Thông thường, thợ lặn cảm thấy ù tai và đau khi lặn xuống sâu; nếu áp suất không được cân bằng nhanh chóng, xuất huyết tai giữa hoặc thủng màng nhĩ có thể xảy ra. Dòng nước lạnh chảy vào tai giữa có thể gây chóng mặt, buồn nôn, và mất phương hướng trong lúc lặn. Khi kiểm tra ống tai, màng nhĩ có thể thấy tắc nghẽn, chảy máu, thủng, hoặc giảm khả năng di động trong quá trình bơm khí bằng ống soi tai khí nén; mất dẫn truyền thính giác thường xuất hiện. Khi áp lực bên trong tai giữa vẫn tăng trong hoặc sau khi đi lên từ một lần lặn, dây thần kinh mặt có thể bị nén (liệt mặt do khí áp), dẫn đến chứng liệt mặt trên và dưới cùng bên. Yếu ở cả mặt trên và mặt dưới giúp phân biệt liệt nửa mặt do khí áp với đột quỵ hoặc thuyên tắc động mạch do khí (1).
Chấn thương khí áp vùng tai trong (IEBT) xảy ra do vỡ cửa sổ mê cung (cửa sổ tròn hoặc bầu dục) hoặc rách màng Reissner, màng đáy hoặc màng mái. Các triệu chứng, bao gồm ù tai, mất thính giác, choáng váng, mất thăng bằng, chóng mặt, rung giật nhãn cầu, mất điều hòa, buồn nôn và nôn, thường nặng hơn khi hoạt động và tiếng ồn lớn, và cải thiện khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng thường bắt đầu khi lặn xuống khi khó cân bằng áp suất tai giữa, nhưng có thể xảy ra khi bơi lên, có thể do sự giãn nở không khí trong ốc tai hoặc bộ máy tiền đình. Các triệu chứng cũng có thể xảy ra vài ngày sau khi lặn, thường do nâng hoặc căng cơ (2).
Chấn thương khí áp ở xoang thường ảnh hưởng nhất đến xoang trán, tiếp theo là xoang sàng và xoang hàm trên (3). Thợ lặn cảm thấy áp lực nhẹ đến đau dữ dội, với cảm giác tắc nghẽn trong các xoang khi bơi lên hoặc bơi xuống và thỉnh thoảng có chảy máu cam. Có thể đau nhiêu, đôi khi kèm theo cảm giác đau ở mặt khi thăm khám. Áp suất quá mức trong xoang hàm trên có thể chèn ép nhánh hàm trên của dây thần kinh sinh ba, gây ra tình trạng tăng cảm giác trên má. Áp suất quá mức trong xoang bướm đôi khi chèn ép dây thần kinh thị giác, gây giảm thị lực hoặc mù lòa (3, 4).
Hiếm gặp, xoang có thể vỡ và gây tràn khí nội sọ với các biểu hiện đau miệng, đau mặt hoặc buồn nôn, chóng mặt, hoặc đau đầu. Sự vỡ xoang hàm trên có thể làm không khí tràn vào sau hốc mắt gây triệu chứng nhìn đôi do rối loạn chức năng vận động nhãn cầu. Sự chèn ép dây thần kinh sinh ba ở xoang hàm trên có thể gây ảo giác trên khuôn mặt. Khám thực thể có thể phát hiện đau xoang hoặc chảy máu mũi.
Chấn thương khí áp cũng có thể xảy ra do giảm áp suất xung quanh trong quá trình lên độ cao.
Tài liệu tham khảo chung
1. Molvaer OI, Eidsvik S. Facial baroparesis: A review. Undersea Biomed Res 14(30):277-295, 1987. PMID 3307083
2. Elliott EJ, Smart DR: The assessment and management of inner ear barotrauma in divers and recommendations for returning to diving. Diving Hyperb Med, 44(4):208-22, 2014. PMID: 25596834
3. Schipke JD, Cleveland S, Drees M: Sphenoid sinus barotrauma in diving: Case series and review of the literature. Res Sports Med, 26(1):124-137. doi: 10.1080/15438627.2017.1365292
4. Hanasono MM, Norbash AM, Shepard K, et al: Sphenoid pneumoceles cause episodic pressure-related blindness. West J Med 169(5):295-299, 1998. PMID: 9830365 PMCID: PMC1305327
Chẩn đoán chấn thương khí áp ở tai và xoang
Đánh giá lâm sàng
Đôi khi, kiểm tra bằng đo thính giác và kiểm tra tiền đình
Chấn thương khí áp chỉ gây đau ở tai hoặc xoang thường được chẩn đoán trên lâm sàng.
Bệnh nhân có các triệu chứng của chấn thương khí áp ở tai trong (ví dụ: ù tai, nghe kém hoặc chóng mặt) cần phải được kiểm tra các dấu hiệu của rối loạn chức năng tiền đình và tiến hành đo thính lực chính thức khẩn cấp, kiểm tra tiền đình và có thể là phẫu thuật. Những bệnh nhân này nên được chuyển đến bác sĩ tai mũi họng vì điều trị phẫu thuật kịp thời đối với vết rách cửa sổ mê cung có thể đảo ngược tình trạng mất thính lực.
Chẩn đoán hình ảnh (ví dụ: chụp X-quang không chuẩn bị, chụp CT) là không cần thiết để chẩn đoán chấn thương khí áp không biến chứng ở xoang, nhưng chụp CT rất hữu ích nếu nghi ngờ vỡ xoang hoặc chèn ép dây thần kinh sọ.
Điều trị chấn thương khí áp ở tai và xoang
Thuốc làm thông mũi và giảm đau
Đôi khi corticosteroid uống, phẫu thuật sửa chữa, hoặc cả hai
Hầu hết các chấn thương khí áp tai và xoang đều hồi phục tự nhiên và chỉ cần điều trị triệu chứng và theo dõi ngoại trú.
Điều trị bằng thuốc cho chấn thương khí áp ở xoang và tai giữa là như nhau. Thuốc làm thông mũi (thường là oxymetazoline 0,05%, 2 lần xịt mũi mỗi lần 2 lần/ngày trong 3 đến 5 ngày hoặc pseudoephedrine 30 đến 60 mg uống 2 đến 4 lần/ngày, tối đa 240 mg/ngày trong 3 đến 5 ngày) có thể giúp lưu thông các xoang mũi. Các trường hợp nặng có thể được điều trị bằng corticosteroid tại mũi. Đau có thể được kiểm soát bằng NSAID hoặc opioid.
Nếu xuất hiện chảy máu hoặc có dấu hiệu tràn dịch, cần dùng kháng sinh (ví dụ, amoxicillin 500 mg uống mỗi 12 giờ trong 10 ngày, trimethoprim/sulfamethoxazole 1 liều tăng gấp đôi 2 lần/ngày trong 10 ngày).
Đối với chấn thương khí áp tai giữa, một số bác sĩ cũng tán thành một đợt điều trị ngắn ngày corticosteroid uống (ví dụ prednisone 60 mg uống một lần/ngày trong 6 ngày, sau đó giảm dần trong 7 đến 10 ngày).
Giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng được chỉ định cho các triệu chứng nặng hoặc kéo dài. Phẫu thuật gẩn cấp (ví dụ, rạch màng nhĩ để sửa chữa trực tiếp cửa sổ hình tròn hoặc bầu dục, thủ thuật chọc màng nhĩ để thoát dịch từ tai giữa, giải phóng xoang) có thể cần thiết cho chấn thương tai trong hoặc tai giữa hoặc xoang nghiêm trọng.
Ngăn ngừa chấn thương khí áp ở tai và xoang
Trong khi lặn, có thể tránh được chấn thương tai khi xuống dưới bằng cách thường xuyên nuốt hoặc thở ra với lỗ mũi bị chèn ép để mở vòi tai và cân bằng áp suất giữa tai giữa và môi trường. Áp suất trong tai khi dùng bịt tai không thể được cân bằng, vì vậy không nên dùng bịt tai khi lặn.
Điều trị bằng oxymetazoline 0,05% xịt mũi, 2 lần xịt vào mỗi lỗ mũi hai lần mỗi ngày hoặc pseudoephedrine 30 đến 60 mg uống 2 lần hoặc 4 lần/ngày, tối đa là 240 mg/ngày, bắt đầu từ 12 đến 24 giờ trước khi lặn, có thể giảm tỷ lệ chấn thương khí áp tai giữa và xoang. Lặn không nên được thực hiện nếu tắc nghẽn không giải quyết được hoặc nếu một nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc viêm mũi dị ứng không kiểm soát được.
Những điểm chính
Nếu bệnh nhân bị ù tai, mất thính giác, hoặc chóng mặt, sắp xếp kiểm tra thính lực và xét nghiệm tiền đình.
Cân nhắc chụp CT nếu đánh giá lâm sàng không chắc chắn hoặc nếu tổn thương xoang phức tạp do chèn ép dây thần kinh sọ.
Nếu các triệu chứng trầm trọng, kê toa thuốc giảm đau và thuốc giảm tắc nghẽn mũi.
Giảm nguy cơ chấn thương tai và xoang bằng cách tư vấn chống lặn khi nghẹt mũi và đôi khi bằng cách kê toa oxymetazoline hoặc pseudoephedrine dự phòng.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
Divers Alert Network: 24-hour emergency hotline, 919-684-9111
Duke Dive Medicine: Physician-to-physician consultation, 919-684-8111