Bệnh võng mạc tăng huyết áp là tổn thương mạch máu võng mạc do tăng huyết áp. Các dấu hiệu thường tiến triển muộn trong bệnh. Khám đáy mắt thấy co thắt động mạch, bắt chéo động tĩnh mạch, biến đổi thành mạch, xuất huyết hình ngọn lửa, xuất tiết bông, xuất tiết cứng màu vàng và phù gai. Việc điều trị nhằm mục đích kiểm soát huyết áp và khi bị mất thị lực, điều trị võng mạc.
Sinh lý bệnh của bệnh võng mạc tăng huyết áp
Tăng huyết áp cấp tính thường gây co thắt mạch có thể đảo ngược ở võng mạc và tăng huyết áp ác tính có thể gây phù gai. Tăng huyết áp kéo dài hoặc nặng dẫn đến những thay đổi về mạch máu, hậu quả là tổn thương và hoại tử nội mô. Những thay đổi khác (ví dụ, sự dày lên của thành mạch, bắt chéo động tĩnh mạch) thường đòi hỏi nhiều năm tăng huyết áp để tiến triển. Hút thuốc kết hợp các tác dụng phụ của bệnh võng mạc tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính cho các bệnh võng mạc khác (ví dụ, tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường). Ngoài ra, tăng huyết áp kết hợp với bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị mất thị lực. Bệnh nhân bị bệnh võng mạc tăng huyết áp có nguy cơ cao bị tổn hại các quan đích khác do tăng huyết áp.
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh võng mạc tăng huyết áp
Triệu chứng thường không tiến triển cho đến giai đoạn muộn của bệnh và bao gồm nhìn mờ hoặc thu hẹp thị trường.
Trong giai đoạn đầu, soi đáy mắt giúp phát hiện co thắt động mạch kèm theo giảm tỷ lệ khẩu độ động mạch so với tĩnh mạch.
Tăng huyết áp mạn tính, khó kiểm soát dẫn tới:
Hẹp động mạch vĩnh viễn
Bắt chéo động tĩnh mạch
Xơ cứng động mạch với sự thay đổi vừa phải của thành mạch (dây đồng) đến tăng sản và dày thành mạch nghiêm trọng hơn (dây bạc)
Đôi khi xảy ra tắc mạch toàn bộ. Bắt chéo động tĩnh mạch là yếu tố nguy cơ cho tiến triển tắc tĩnh mạch võng mạc.
Nếu bệnh cấp tính trầm trọng, các triệu chứng sau có thể tiến triển:
Xuất huyết hình ngọn lửa bề mặt
Xuất tiết bông (các chấm thiếu máu võng mạc nhỏ, màu trắng ở bề mặt võng mạc)
Xuất tiết vàng
Phù đĩa thị
Bệnh võng mạc mức độ trung bình do tăng huyết áp có đặc trưng là các động mạch thẳng, mỏng, xuất huyết trong võng mạc và xuất tiết cứng màu vàng.
RALPH C. EAGLE, JR./SCIENCE PHOTO LIBRARY
Hình ảnh này cho thấy tiểu động mạch võng mạc bị thu hẹp do thành tiểu động mạch dày lên và mờ đi (dây đồng) do xơ cứng động mạch vì tăng huyết áp.
© Springer Science+Business Media
Đặc điểm soi đáy mắt chính của tăng huyết áp ác tính là phù gai thị, có biểu hiện là bờ gai thị nhòe mờ và nhô lên. Hình ảnh cũng cho thấy tổn thương điểm vàng hình sao đặc trưng do mạch máu võng mạc bị rò rỉ.
© Springer Science+Business Media
Xuất tiết vàng biểu hiện sự tích tụ lipid trong võng mạc do rò rỉ các mạch máu. Những xuất tiết này có thể tiến triển thành sao hoàng điểm, đặc biệt khi tăng huyết áp trầm trọng. Trong tăng huyết áp ác tính, đĩa quang trở nên tắc nghẽn và phù (phù gai biểu hiện cơn tăng huyết áp).
Chẩn đoán bệnh võng mạc tăng huyết áp
Chẩn đoán là dựa và bệnh sử (thời gian và mức độ nghiêm trọng của tăng huyết áp) và soi đáy mắt.
Điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp
Bệnh võng mạc tăng huyết được điều trị chủ yếu bằng kiểm soát huyết áp. Các tình trạng đe dọa thị lực cần được điều trị rất tích cực. Nếu mất thị lực xảy ra, điều trị phù võng mạc bằng laser hoặc tiêm corticosteroid nội nhãn hoặc thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (ví dụ: ranibizumab, pegaptanib, bevacizumab) có thể hiệu quả.
Những điểm chính
Tăng huyết áp mạn tính dần gây tổn thương võng mạc, gây ra ít hoặc không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp mạn tính có đặc trưng là hẹp động mạch vĩnh viễn, bắt chéo động tĩnh mạch, xơ vữa động mạch với biến đổi thành mạch mức trung bình (dấu hiệu dây đồng), hoặc hơn nữa là sự tăng sản nghiêm trọng thành mạch và dày lên (dây bạc).
Cơn tăng huyết áp có thể gây ra bệnh võng mạc với các dấu hiệu xuất huyết hình ngọn lửa bề mặt; xuất tiết bông (chấm thiếu máu võng mạc nhỏ, màu trắng trên bề mặt); xuất tiết vàng; và phù gai.
Chẩn đoán bệnh nhân dựa vào bệnh sử và soi đáy mắt.
Điều trị chủ yếu bằng cách kiểm soát huyết áp và đối với phù võng mạc, đôi khi laser hoặc tiêm nội nhãn corticosteroid hoặc thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô kháng mạch máu.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
Di Marco E, Aiello F, Lombardo M, et al: A literature review of hypertensive retinopathy: Systemic correlations and new technologies. Eur Rev Med Pharmacol Sci 26(18):6424-6443, 2022 doi: 10.26355/eurrev_202209_29742