Hội chứng Lynch là một rối loạn di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể thường là nguyên nhân gây ra 2% đến 3% số trường hợp ung thư đại trực tràng (1). Các triệu chứng, chẩn đoán ban đầu và điều trị tương tự như các dạng ung thư đại trực tràng khác. Nghĩ đến hội chứng Lynch qua bệnh sử và chẩn đoán xác định nhờ xét nghiệm di truyền. Bệnh nhân cũng cần theo dõi về các loại ung thư khác, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ.
Hội chứng Lynch là một rối loạn di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể thường, trong đó bệnh nhân có một trong số những đột biến gen đã biết làm suy yếu khả năng sửa chữa tình trạng không khớp DNA. Hội chứng Lynch dẫn đến nguy cơ bị ung thư đại trực tràng (CRC) từ 70% đến 80% trong suốt cuộc đời (1).
So với các dạng ung thư đại tràng lẻ tẻ, hội chứng Lynch xảy ra ở tuổi trẻ hơn (khoảng giữa độ tuổi 40) và tổn thương có nhiều khả năng gần với đại tràng góc lách hơn. Tổn thương tiền căn thường là một u tuyến đại tràng đơn độc, không giống như nhiều u tuyến xuất hiện ở những bệnh nhân bị bệnh đa polyp có tính chất gia đình, một dạng di truyền chủ yếu khác của ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên, tương tự như bệnh đa polyp có tính chất gia đình, có nhiều biểu hiện ngoài đại tràng. Các rối loạn không ác tính bao gồm mảng sắc tố màu cà phê ở da và u tuyến bã. Ung thư da độ ác tính thấp, u quá sản sừng có thể xảy ra. Các loại ung thư phối hợp khác bao gồm: ung thư nội mạc tử cung và u buồng trứng (39% nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và 9% nguy cơ ung thư buồng trứng ở độ tuổi 70). Bệnh nhân cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư khác, bao gồm dạ dày, đường tiết niệu, tụy, đường mật, túi mật, ruột non và não.
Tài liệu tham khảo chung
1. Rubenstein JH, Enns R, Heidelbaugh J, et al: American Gastroenterological Association Institute Guideline on the Diagnosis and Management of Lynch Syndrome. Gastroenterology 149(3):777-782, 2015 doi: 10.1053/j.gastro.2015.07.036
Các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng Lynch
Các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng Lynch tương tự như các dạng ung thư đại trực tràng khác, việc chẩn đoán và xử trí khối u nói chung cũng giống nhau.
Chẩn đoán hội chứng Lynch
Tiền sử gia đình chi tiết
Tiếp theo tiêu chuẩn lâm sàng là xét nghiệm mức độ bất ổn định vi vệ tinh (microsatellite instability: MSI) hoặc với hóa mô miễn dịch (IHC)
Xét nghiệm di truyền để xác nhận
Chẩn đoán đặc hiệu hội chứng Lynch nhờ xét nghiệm di truyền. Tuy nhiên, khó có thể đưa ra quyết định ai sẽ xét nghiệm vì không giống như bệnh polyp tuyến gia đình, bệnh này không có kiểu hình điển hình. Do đó, nghi ngờ hội chứng Lynch đòi hỏi một tiền sử gia đình chi tiết, điều này cần được thu thập ở tất cả các bệnh nhân trẻ tuổi được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng (CRC).
Để đáp ứng tiêu chuẩn Amsterdam II cho hội chứng Lynch, phải có cả ba yếu tố lịch sử sau đây (1):
Ba hoặc nhiều người thân bị CRC hoặc một ung thư liên quan đến hội chứng Lynch
CRC xuất hiện ở ít nhất hai thế hệ
Ít nhất một trường hợp mắc CRC trước 50 tuổi
Các mô hình dự đoán khác (ví dụ: mô hình PREMM5) và các tiêu chuẩn khác (ví dụ: tiêu chuẩn Bethesda [2]) được một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng.
Bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí này nên được xét nghiệm mô khối u của họ để tìm MSI hoặc với IHC để phát hiện các protein chịu trách nhiệm sửa chữa bắt cặp sai DNA; tuy nhiên, hiện nay hầu hết các phòng xét nghiệm bệnh học thương mại và bệnh viện thường làm xét nghiệm này trên tất cả các bệnh phẩm ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng. Hướng dẫn năm 2015 của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng khối u của tất cả bệnh nhân bị CRC cần phải được xét nghiệm bằng IHC hoặc MSI. Nếu MSI hoặc IHC dương tính, xét nghiệm di truyền (xét nghiệm dòng mầm) để tìm đột biến hội chứng Lynch cụ thể sẽ được chỉ định.
Bệnh nhân có hội chứng Lynch cần phải được nội soi đại tràng giám sát từ 1 năm đến 2 năm một lần. Bệnh nhân đã có chẩn đoán xác định hội chứng Lynch, phải sàng lọc các loại ung thư khác. Đối với ung thư nội mạc tử cung, nên chọc hút nội mạc tử cung hàng năm hoặc siêu âm qua âm đạo. Đối với ung thư buồng trứng, các phương án bao gồm siêu âm qua âm đạo hàng năm và nồng độ CA 125 trong huyết thanh. Phẫu thuật cắt tử cung và cắt buồng trứng dự phòng cũng là một lựa trọn. Phân tích nước tiểu có thể được sử dụng để sàng lọc các khối u thận.
Họ hàng bậc 1 của bệnh nhân có hội chứng Lynch cần được làm xét nghiệm di truyền. Nếu không thể thực hiện xét nghiệm di truyền, nên nội soi đại tràng 1 -2 năm một lần bắt đầu từ độ tuổi 20, và hàng năm sau độ tuổi 40. Những người thân có huyết thống bậc một là nữ cần phải được kiểm tra hàng năm về ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng không.
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Vasen HF, Watson P, Mecklin JP, Lynch HT. New clinical criteria for hereditary nonpolyposis colorectal cancer (HNPCC, Lynch syndrome) proposed by the International Collaborative group on HNPCC. Gastroenterology 116(6):1453–1456, 1999 doi: 10.1016/s0016-5085(99)70510-x
2. Umar A, Boland CR, Terdiman JP, et al: Revised Bethesda Guidelines for hereditary nonpolyposis colorectal cancer (Lynch syndrome) and microsatellite instability. J Natl Cancer Inst 96 (4): 261–268, 2004. doi: 10.1093 / jnci / djh034
Điều trị hội chứng Lynch
Phẫu thuật cắt bỏ
Việc xử trí bằng phẫu thuật trong hội chứng Lynch dựa trên nguy cơ được dự đoán trong toàn bộ cuộc đời về bệnh ung thư đại tràng thứ hai phát sinh ở cùng một bệnh nhân vào một thời điểm sau đó (bệnh khác thì).
Ở những người trưởng thành trẻ tuổi, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng vùng bụng có nối thông hồi tràng trực tràng và giám sát trực tràng thường được thực hiện. Một giải pháp thay thế hợp lý là chỉ cắt bỏ phần đại tràng có khối u nguyên phát (cắt từng đoạn đại tràng) kèm theo giám sát chặt chẽ bằng nội soi phần còn lại. Thông thường phương pháp thay thế này được sử dụng ở người cao tuổi hoặc ở những bệnh nhân có các bệnh đi kèm khiến phẫu thuật có nguy cơ cao (1).
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Giardiello FM, Allen JI, Axilbund JE, et al: Guidelines on genetic evaluation and management of Lynch syndrome: A consensus statement by the US Multi-society Task Force on colorectal cancer. Am J Gastroenterol 109(8):1159–1179, 2014 doi: 10.1038/ajg.2014.186
Những điểm chính
Một số đột biến gen trội trên nhiễm sắc thể thường có nguy cơ 70 đến 80% bị ung thư đại trực tràng (CRC) suốt đời.
Bệnh nhân cũng có tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Các triệu chứng, chẩn đoán ban đầu và điều trị tương tự như các dạng ung thư đại trực tràng khác.
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ gia đình nhất định, nên được xét nghiệm mô khối u để tìm bất ổn vi vệ tinh hoặc bằng hóa mô miễn dịch; nếu dương tính, xét nghiệm di truyền sẽ được thực hiện.
Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ kèm theo giám sát chặt chẽ bằng nội soi đối với bất kỳ niêm mạc đại trực tràng nào còn lại.
Những người họ hàng thuộc thế hệ 1 nếu không làm xét nghiệm di truyền nên được nội soi đại tràng 1 đến 2 năm một lần bắt đầu ở độ tuổi 20 của họ và hàng năm sau độ tuổi 40; phụ nữ cũng nên được kiểm tra hàng năm để phát hiện ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Thông tin thêm
Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.
American Gastroenterological Association: Guidelines for the diagnosis and management of Lynch syndrome (2015)
American College of Gastroenterology: Guidelines for genetic testing and management of hereditary gastrointestinal cancer syndromes (2015)
PREMM5: Prediction model for MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, and EPCAM gene mutations