Polyp ruột là bất kỳ khối mô nào phát sinh từ thành ruột và nhô vào tronglòng ruột. Hầu hết không có triệu chứng ngoại trừ chảy máu nhẹ, thường là âm thầm. Vấn đề chính là sự chuyển dạng ác tính của polyp, hầu hết ung thư đại tràng phát sinh từ polyp u tuyến lành tính trước đó. Chẩn đoán bằng nội soi. Điều trị bằng cắt polyp qua nội soi.
Polyp có thể cố định hoặc có cuống và có kích thước thay đổi. Tỷ lệ có polyp từ 7 đến 50%; con số này cao hơn bao gồm các polyp rất nhỏ (thường là polyp tăng sản hoặc u tuyến) được tìm thấy khi khám nghiệm tử thi. Polyp, thường là nhiều, thường có nhất ở trực tràng và đại tràng xích ma và giảm tần suất xuất hiện về phía manh tràng. Nhiều polyp có thể đại diện cho bệnh đa polyp tuyến có tính gia đình. Khoảng 25% số bệnh nhân ung thư đại tràng cũng có các polyp tuyến vệ tinh.
Polyp tuyến (phát triển bất thường) là mối bận tâm lớn nhất. Những tổn thương này được phân loại theo đặc điểm mô học thành u tuyến ống, u tuyến ống nhung mao (polyp tuyến nhung mao) hoặc u tuyến nhung mao. Khả năng ung thư ở các polyp tuyến tại thời điểm phát hiện có liên quan đến kích thước, dạng mô bệnh học và mức độ loạn sản; một u tuyến ống 1,5 cm có 2% nguy cơ có ung thư so với 35% nguy cơ ung thư ở những u tuyến nhung mao 3 cm. Các u tuyến dạng răng cưa, một loại u tuyến nguy hiểm hơn, có thể phát triển từ các polyp tăng sản.
Các polyp không phải dạng tuyến (không tân sinh) bao gồm polyp tăng sản, hamartoma (xem Hội chứng Peutz-Jeghers), polyp vị thành niên, polyp giả, u mỡ, u cơ trơn và các khối u hiếm gặp khác. Các polyp thanh thiếu niên xảy ra ở trẻ em, đặc trưng là phát triển nhanh hệ thống cấp máu của nó và tự rụng trong hoặc sau tuổi dậy thì. Điều trị chỉ bắt buộc đối với trường hợp chảy máu không kiểm soát được hoặc bị lồng ruột. Polyp viêm và giả polyp xuất hiện trong viêm đại tràng thể loét mạn tính và trong bệnh Crohn của đại tràng. Đa polyp thanh thiếu niên (không phải những polyp lẻ tẻ) lại có tăng nguy cơ ung thư. Số lượng polyp cụ thể để dẫn đến tăng nguy cơ ung thư không được biết.
Hình ảnh này cho thấy một polyp không cuống, nhiều thùy, trên sinh thiết, lại là một khối u tuyến ống lành tính.
Hình ảnh do bác sĩ David M. Martin cung cấp.
Hình ảnh này cho thấy một polyp có cuống, trên sinh thiết, lại là một khối u tuyến ống lành tính.
Hình ảnh do bác sĩ David M. Martin cung cấp.
Hình ảnh này cho thấy một polyp không cuống, trên sinh thiết, lại là một u tuyến ống nhung mao.
Hình ảnh do bác sĩ David M. Martin cung cấp.
Các triệu chứng và dấu hiệu của polyp đại trực tràng
Hầu hết các polyp đều không có triệu chứng. Chảy máu trực tràng, thường âm thầm và hiếm khi dữ dội, là dấu hiệu gây phàn nàn thường gặp nhất.
Đau quặn, đau bụng hoặc tắc nghẽn có thể xảy ra khi có tổn thương lớn.
Các polyp trực tràng có thể được sờ thấy qua khám bằng ngón tay. Đôi khi, một polyp có cuống dài có thể sa qua hậu môn.
U tuyến nhung mao lớn hiếm khi gây tiêu chảy phân toàn nước dẫn đến hạ kali máu.
Chẩn đoán polyp đại trực tràng
Nội soi đại tràng
Chẩn đoán polyp đại tràng thường được thực hiện bằng nội soi đại tràng. Thụt bari, đặc biệt là kiểm tra đối quang kép, có hiệu quả, nhưng nội soi đại tràng được ưu tiên hơn vì cũng có thể cắt bỏ polyp trong quá trình thực hiện thủ thuật đó. Vì polyp trực tràng thường nhiều và có thể cùng tồn tại với ung thư, làm nội soi đại tràng đến tận manh tràng là bắt buộc ngay cả khi có một tổn thương ở đầu xa được phát hiện bằng phương pháp nội soi đại tràng sigma ống mềm.
Trong quá trình nội soi đại tràng, bất kỳ polyp nào được nhìn thấy đều được loại bỏ và đánh giá khả năng ung thư.
Điều trị polyp đại trực tràng
Cắt hết polyp qua nội soi đại tràng
Đôi khi phải phẫu thuật cắt bỏ
Theo dõi bằng nội soi đại tràng
Polyp nên được loại bỏ hoàn toàn bằng kẹp hoặc kẹp sinh thiết trong quá trình nội soi toàn bộ đại tràng. Nếu cắt bỏ qua nội soi đại tràng không thành công nên tiến hành mổ mở.
Điều trị tiếp theo phụ thuộc vào mô bệnh học của polyp. Nếu biểu mô loạn sản không xâm lấn vào cơ niêm, đường cắt ở cuống polyp rõ ràng và tổn thương đã biệt hóa tốt thì chỉ cần cắt bỏ bằng nội soi và theo dõi sát bằng nội soi là đủ. Với bệnh nhân bị xâm lấn sâu hơn, đường cắt không rõ ràng, hoặc tổn thương kém biệt hóa nên được cắt bỏ đoạn đại tràng. Vì sự xâm lấn qua cơ niêm tạo khả năng tiếp cận bạch huyết và làm tăng khả năng di căn hạch, những bệnh nhân này cần được đánh giá thêm (như trong ung thư đại tràng).
Việc lên lịch khám theo dõi sau phẫu thuật cắt polyp còn gây tranh cãi và thay đổi tùy theo số lượng, kích thước và loại polyp được cắt bỏ (1). Ví dụ: các hướng dẫn khuyến nghị lặp lại nội soi đại tràng toàn bộ (hoặc thụt bari nếu không thể nội soi đại tràng toàn bộ) sau thời điểm cắt bỏ u tuyến ống ≥ 10 mm hoặc u tuyến nhung mao ở bất kỳ kích thước nào 3 năm.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Gupta S, Lieberman D, Anderson JC, et al: Recommendations for Follow-Up After Colonoscopy and Polypectomy: A Consensus Update by the US Multi-Society Task Force on Colorectal Cancer. Am J Gastroenterol 115(3):415-434, 2020 doi: 10.14309/ajg.0000000000000544
Phòng ngừa polyp đại trực tràng
Aspirin và thuốc ức chế COX-2 có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành các polyp mới ở những bệnh nhân bị polyp hoặc ung thư đại tràng (1). Lợi ích tiềm năng của việc điều trị lâu dài với những thuốc này phải được cân nhắc với những tác dụng bất lợi tiềm ẩn (ví dụ như chảy máu, rối loạn chức năng thận).
Tài liệu tham khảo về phòng ngừa
1. Cook NR, Lee IM, Zhang SM, et al: Alternate-day, low-dose aspirin and cancer risk: Long-term observational follow-up of a randomized trial. Ann Int Med 159:77–85, 2013. doi: 10.7326/0003-4819-159-2-201307160-00002
Những điểm chính
Polyp đại tràng khá phổ biến; tỷ lệ mắc bệnh từ 7 đến 50% (tùy thuộc vào phương pháp chẩn đoán được sử dụng).
Mối quan tâm chính là sự biến đổi ác tính, xảy ra với các tốc độ khác nhau tùy thuộc vào kích thước và loại polyp.
Triệu chứng chính là chảy máu, thường ẩn và hiếm khi ồ ạt.
Nội soi đại tràng là thủ thuật giúp chẩn đoán và điều trị được khuyến cáo.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
U.S. Multi-Society Task Force on Colorectal Cancer: Recommendations for Follow-Up After Colonoscopy and Polypectomy: A Consensus Update (2020)