Bệnh trĩ

(Trĩ)

TheoParswa Ansari, MD, Hofstra Northwell-Lenox Hill Hospital, New York
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2023

Trĩ là các tĩnh mạch giãn của đám rối trĩ ở ống hậu môn. Các triệu chứng bao gồm kích thích và chảy máu. Trĩ tắc mạch thường đau đớn. Chẩn đoán bằng kiểm tra kỹ và soi hậu môn. Điều trị theo triệu chứng hoặc bằng băng cao su, liệu pháp tiêm xơ, quang đông hồng ngoại, hoặc đôi khi phẫu thuật.

(Xem thêm Đánh giá các rối loạn ở hậu môn trực tràng.)

Tăng áp lực trong các tĩnh mạch của hậu môn trực tràng dẫn đến trĩ. Tình trạng tăng áp lực này có thể do thai nghén, thường xuyên vác nặng, hoặc rặn mạnh nhiều khi đại tiện (ví dụ do táo bón). Trĩ gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Ở một số người, giãn tĩnh mạch trực tràng là kết quả của tình trạng tăng áp trong tĩnh mạch cửa và những biểu hiện này khác với trĩ.

Trĩ ngoại nằm dưới đường lược và được phủ bởi biểu mô vảy.

Trĩ (ngoại)
Dấu các chi tiết
Bức ảnh này cho thấy các búi trĩ ngoại căng phồng và có huyết khối.
BÁC SĨ LARPENT/G.R.E.H.G.E.P./SCIENCE PHOTO LIBRARY

Trĩ nội nằm trên đường lược và được lót bằng niêm mạc trực tràng. Trĩ thường xảy ra ở các vùng trước-phải, sau-phải, bên-trái. Trĩ có ở cả người lớn và trẻ em.

Các triệu chứng và dấu hiệu của trĩ

Trĩ thường không triệu chứng, hoặc chỉ đơn giản là búi trĩ trồi ra. Bệnh trĩ thường không hay gây ngứa hậu môn, trừ khi trĩ bị sa nhiều.

Trĩ ngoại có thể bị huyết khối, dẫn đến sưng đau, tím tái. Hiếm khi trĩ loét và gây chảy máu ít. Làm sạch vùng hậu môn có thể khó khăn.

Trĩ nội thường có biểu hiện chảy máu sau khi đi đại tiện; thấy máu trên giấy vệ sinh và đôi khi thấy trong bồn cầu. Trĩ nội có thể gây khó chịu nhưng không đau như trĩ ngoại có huyết khối. Trĩ nội đôi khi gây tiết nhầy và cảm giác đại tiện không hết bãi.

Trĩ bị nghẹt xảy ra khi tình trạng nhô ra và co thắt làm tắc nghẽn nguồn cung cấp máu. Các búi trĩ gây ra đau đớn đôi khi dẫn đến hoại tử và loét.

Chẩn đoán trĩ

  • Soi hậu môn

  • Đôi khi soi đại tràng sigma hoặc soi đại tràng.

Hầu hết các búi trĩ gây đau đớn, bị huyết khối, bị loét hay không, đều được phát hiện khi kiểm tra hậu môn và trực tràng.

Soi hậu môn là rất cần thiết trong việc đánh giá trĩ không đau hoặc chảy máu. Chảy máu trực tràng chỉ nên được coi là do bệnh trĩ sau khi đã loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn (tức là bằng phương pháp nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng).

Trĩ nội có thể được phân loại mức độ theo các đặc điểm nhất định (xem bảng Phân loại trĩ nội), có thể giúp dẫn hướng điều trị.

Bảng

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Loại trừ các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn trước khi cho rằng chảy máu trực tràng là do các búi trĩ.

Điều trị trĩ

  • Triệu chứng: Chất làm mềm phân, tắm ngồi, thuốc giảm đau

  • Phẫu thuật cắt trĩ ngoại có huyết khối

  • Tiêm xơ hoặc thắt bằng vòng cao su hoặc hồng ngoại quang đông cho trĩ nội.

(Xem thêm American Society of Colon and Rectal Surgeons’ [ASCRS] 2018 clinical practice guidelines for the management of hemorrhoids.)

Điều trị triệu chứng

Điều trị triệu chứng bệnh trĩ thường là tất cả những gì cần thiết. Quá trình này được thực hiện với chất làm mềm phân (ví dụ: docusate, psyllium), ngâm mình trong bồn nước ấm (tức là ngồi trong bồn nước nóng có thể chịu được trong 10 phút) sau mỗi lần đại tiện và khi cần, thuốc mỡ gây tê có chứa lidocaine, hoặc chườm bằng cây phỉ (hamamelis) (làm dịu bằng một cơ chế không xác định). Đau do trĩ ngoại có huyết khối có thể được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid.

Thủ thuật tại phòng khám

Hiếm khi cần phải làm phẫu thuật đơn giản cắt bỏ búi trĩ ngoại bị huyết khối được thực hiện, việc này có thể giảm đau nhanh chóng; sau khi thấm bằng lidocain 1%, phần huyết khối của búi trĩ được cắt bỏ, và chỗ khuyết được khâu lại bằng chỉ tự tiêu.

Bệnh nhân trĩ nội độ I và II và một số bệnh nhân trĩ nội độ III (xem bảng Phân loại trĩ nội) không đáp ứng với điều trị triệu chứng thường có thể được điều trị hiệu quả bằng các thủ thuật tại phòng khám sau (xem thêm ASCRS 2018 clinical practice guidelines).

Tiêm xơ bằng 5% phenol trong dầu thực vật hoặc các chất gây xơ hóa khác có thể được sử dụng để điều trị trĩ nội. Chảy máu ít nhất phải tạm thời cầm lại.

Thắt bằng vòng cao su được dùng cho búi trĩ nội sa lớn hơn, trĩ nội chảy máu hoặc cho những trường hợp không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Với trĩ hỗn hợp nội và trĩ ngoại, chỉ nên thắt phần bên trong bằng dây cao su. Búi trĩ nội được túm lại và tách ra bởi một vòng dây chun đường kính giãn 1/2 cm, được nhả ra để thắt búi trĩ, làm cho búi trĩ hoại tử và rụng ra. Thông thường, một búi trĩ được thắt 2 tuần một lần; cần từ 3 đến 6 lần điều trị. Đôi khi, có thể thắt nhiều búi trĩ trong một lần, nhưng sẽ đau hơn. Không nên thắt trĩ ngoại.

Quang đông hồng ngoại rất hữu ích trong việc cắt bỏ trĩ nội chảy máu không điều trị, hoặc trĩ không chữa khỏi khi thắt bằng dây cao su.

Phẫu thuật cắt bỏ trĩ

Phẫu thuật cắt trĩ là bắt buộc đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các hình thức điều trị khác và đối với những người mắc bệnh trĩ nội độ IV. Đau nhiều sau mổ cũng như bí tiểu và táo bón là phổ biến.

Cắt trĩ bằng máy dập ghim là một thủ thuật thay thế cho trĩ ngoại và ít gây đau sau phẫu thuật hơn nhưng có tỷ lệ tái phát và biến chứng cao hơn so với phương pháp cắt trĩ bằng phẫu thuật thông thường.

Một số kĩ thuật khác

Thắt động mạch trĩ dẫn hướng bằng Doppler, trong đó một đầu dò siêu âm trực tràng được sử dụng để xác định các mạch máu để khâu thắt, có triển vọng nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác định công dụng tổng thể của nó.

Liệu pháp laser, áp lạnh, và nhiều kiểu hủy búi trĩ bằng điện chưa được chứng minh hiệu quả.

Những điểm chính

  • Trĩ ngoại có thể huyết khối hóa và trở nên rất đau nhưng hiếm chảy máu.

  • Trĩ nội thường gây chảy máu nhưng thường không đau.

  • Thuốc làm mềm phân, điều trị tại chỗ và thuốc giảm đau thường là phương pháp điều trị đầy đủ cho trĩ ngoại.

  • Trĩ nội chảy máu có thể cần tiêm xơ, thắt bằng vòng cao su, hoặc hồng ngoại quang đông.

  • Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. American Society of Colon and Rectal Surgeons: Clinical practice guidelines for the management of hemorrhoids (2018)