Đồng là thành phần của nhiều loại protein trong cơ thể; gần như toàn bộ đồng của cơ thể được gắn kết với protein có đồng.
Thiếu hụt đồng có thể do mắc phải hoặc di truyền.
(Xem thêm Tổng quan về thiếu hụt khoáng chất và độc tính.)
Thiếu hụt đồng do mắc phải
Nếu cơ chế di truyền kiểm soát quá trình chuyển hóa đồng là bình thường thì việc thiếu hụt chế độ ăn uống hiếm khi gây ra tình trạng thiếu hụt đồng đáng kể về mặt lâm sàng (ngoại trừ chế độ dinh dưỡng toàn phần qua đường tĩnh mạch không được bổ sung đầy đủ). Nguyên nhân bao gồm
Sự thiếu hụt protein nặng ở trẻ em
Tiêu chảy kéo dài ở trẻ sơ sinh (thường liên quan với chế độ ăn uống chỉ có sữa)
Suy hấp thu nghiêm trọng (như trong bệnh sprue hoặc xơ nang buồng trứng)
Phẫu thuật giảm béo (khi đó cũng có thể có thiếu hụt vitamin B12)
Lượng kẽm đưa vào thừa
Sự thiếu hụt có thể gây giảm bạch cầu trung tính, loãng xương, bệnh tủy sống, bệnh thần kinh (với các triệu chứng tương tự như thiếu vitamin B12) và thiếu máu nhược sắc không đáp ứng với bổ sung sắt.
Chẩn đoán thiếu hụt đồng do mắc phải dựa trên nồng độ đồng và ceruloplasmin trong huyết thanh thấp, mặc dù các xét nghiệm này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
Điều trịtình trạng thiếu hụt do mắc phải nhắm vào nguyên nhân và cho uống đồng 1,5 đến 3 mg/ngày (thường dưới dạng đồng sunfat).
Thiếu hụt đồng do di truyền (Hội chứng Menkes)
Thiếu hụt đồng do di truyền xảy ra ở trẻ sơ sinh nam thừa hưởng gen đột biến liên kết với nhiễm sắc thể X. Tỷ lệ mắc phải là khoảng 1 trong 100.000 đến 250.000 trẻ sinh sống. Đồng bị thiếu ở gan, huyết thanh và các protein thiết yếu có đồng, bao gồm cytochrome-c oxidase, ceruloplasmin và lysyl oxidase.
(Xem thêm Bệnh Wilson.)
Các triệu chứng và dấu hiệu thiếu hụt đồng do di truyền
Các triệu chứng của tình trạng thiếu hụt đồng do di truyền là thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng, nôn mửa, tiêu chảy, bệnh đường ruột mất protein, giảm sắc tố, các thay đổi ở xương và vỡ động mạch; tóc thưa thớt, cứng cáp hoặc xoăn.
Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng tử vong trước 10 tuổi.
Chẩn đoán thiếu hụt đồng do di truyền
Nồng độ đồng và ceruloplasmin trong huyết thanh
Chẩn đoán thiếu hụt đồng do di truyền dựa trên nồng độ đồng và ceruloplasmin trong huyết thanh thấp. Bởi vì chẩn đoán và điều trị sớm có vẻ như đem lại một tiên lượng tốt hơn, lý tưởng nhất là rối loạn được phát hiện trước 2 tuần tuổi. Tuy nhiên, độ chính xác giúp chẩn đoán của các xét nghiệm này còn hạn chế. Do đó, các xét nghiệm khác đang được phát triển.
Điều trị thiếu hụt đồng do di truyền
Đồng histidine
Đồng dạng tiêm thường được dùng dưới dạng đồng histidine 250 mcg tiêm dưới da hai lần một ngày cho đến 1 tuổi, sau đó 250 mcg tiêm dưới da mỗi ngày một lần sau năm đầu tiên; cần theo dõi chức năng thận trong quá trình điều trị. Bổ sung IV có thể được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu hụt đồng nặng.
Mặc dù đã được điều trị sớm, nhiều trẻ bị phát triển thần kinh bất thường.