Ung thư niệu đạo rất hiếm và xảy ra ở cả hai giới; nó có thể là tế bào ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc chuyển tiếp hoặc thỉnh thoảng ung thư biểu mô tuyến.
Hầu hết bệnh nhân đều ở độ tuổi ≥ 50. Một số chủng HPV tìm thấy trong một số trường hợp. Ung thư niệu đạo xâm chiếm cấu trúc lân cận sớm và do đó có khuynh hướng tiến triển khi được chẩn đoán. Hạch bẹn ngoài hoặc hạch chậu (bịt) thường là các vị trí đầu tiên của di căn.
Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư niệu đạo
Hầu hết nữ giới biểu hiện bằng tiểu máu và triệu chứng tắc nghẽn khi đi tiểu hoặc bí tiểu. Hầu hết đều có tiền sử tiểu nhiều lần hoặc hội chứng niệu đạo (cơ sàn chậu quá nhạy cảm). Hầu hết nam giới có triệu chứng chít hẹp niệu đạo; chỉ một số có tiểu máu hoặc chảy dịch máu. Đôi khi nếu khối u tiến triển, có thể sờ thấy khối.
Chẩn đoán ung thư niệu đạo
Nội soi niệu đạo bàng quang
Chẩn đoán được gợi ý về mặt lâm sàng và được xác nhận bằng nội soi niệu đạo-bàng quang và kiểm tra khi có gây mê (tức là khám vùng chậu bằng hai tay và có thể là sinh thiết âm đạo ở phụ nữ). Sinh thiết có thể cần để phân biệt ung thư biểu mô niệu đạo hay sa niệu đạo hay nhú thịt niệu đạo. CT hoặc MRI được sử dụng để phân giai đoạn.
Điều trị ung thư niệu đạo
Thông thường cắt bán phần hoặc cắt bỏ toàn bộ
Đối với các khối u bề mặt hoặc khối u đoạn xa xâm lấn tối thiểu ở niệu đạo trước, điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ bán phần, xạ trị (chùm kẽ hoặc kết hợp giữa chùm kẽ và chùm ngoài), cắt đốt điện hoặc đốt bằng la-ze. Các khối u lớn hơn và xâm lấn sâu hơn và các khối u đoạn gần của niệu đạo sau đòi hỏi phải điều trị đa phương thức với phẫu thuật triệt để và chuyển dòng nước tiểu, thường kết hợp hóa chất và xạ trị. Phẫu thuật bao gồm nạo vét hạch vùng chậu hai bên và đôi khi vét hạch bạch huyết vùng bẹn, thường kèm với việc cắt bỏ một phần xương mu và ngành dưới xương mu.
Tiên lượng về ung thư niệu đạo
Tiên lượng phụ thuộc vào vị trí chính xác trong niệu đạo và mức độ lan rộng của ung thư, đặc biệt là độ sâu của xâm lấn. Tỉ lệ sống 5 năm là > 60% đối với bệnh nhân có khối u niệu đạo ở đầu xa và 10 đến 20% đối với bệnh nhân có khối u ở đầu gần. Tỷ lệ tái phát là> 50%.