Các bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan là một nhóm rối loạn không đồng nhất, được đặc trưng bởi sự tích tụ bạch cầu ái toan trong phế nang, mô kẽ, hoặc cả hai. Tăng bạch cầu ái toan máu ngoại vi cũng phổ biến. Các nguyên nhân được biết của bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan bao gồm
Viêm phổi do thuốc (ví dụ do thuốc như kháng sinh, phenytoin hoặc tryptophan)
Nhiễm trùng (đặc biệt là nhiễm trùng giun sán)
Chất độc hít vào (ví dụ: thuốc bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine)
Các rối loạn hệ thống (ví dụ, u hạt tăng bạch cầu ái toan với bệnh viêm đa tuyến [trước đây là hội chứng Churg-Strauss])
Thường nguyên nhân không rõ.
Hai bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan chính không rõ nguyên nhân là
Hội chứng tăng bạch cầu ái toan, một bệnh hệ thống ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, được bàn luận ở một số chương.
Hội chứng Löffler, một hội chứng của các tổn thương phổi thoáng qua và tăng bạch cầu ái toan máu ngoại vi, là một bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan khác.
(Xem thêm Tổng quan về bệnh Phổi mô kẽ.)
Chẩn đoán bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan
Chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực
Chứng minh tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi, dịch rửa phế quản phế nang, hoặc mô phổi
Chẩn đoán được dựa trên sự minh chứng của các đám mờ trên X-quang ngực và xác nhận có tăng bạch cầu ái toan (> 450/microL [0,45 × 109/L]) trong máu ngoại vi, dịch rửa phế quản phế nang, hoặc mô sinh thiết phổi. Tuy nhiên, tăng bạch cầu ái toan trong phổi có thể xảy ra khi chúng không tăng trong máu ngoại vi. Các đám mờ của phổi trên X-quang ngực có liên quan đến chứng tăng bạch cầu ái toan máu đôi khi được gọi là hội chứng PIE (bạch cầu ái toan thâm nhiễm phổi).
Bệnh bạch cầu ái toan chủ yếu là ở mô và có nhiều hơn gấp hàng trăm lần trong mô so với trong máu. Do đó, số bạch cầu ái toan máu không nhất thiết cho thấy mức độ liên quan đến bạch cầu ái toan trong các mô bị ảnh hưởng. Bạch cầu ái toan có nhiều nhất ở các mô có sự tiếp xúc của biểu mô niêm mạc với môi trường, chẳng hạn như đường hô hấp, đường tiêu hoá, và đường sinh dục dưới. Bạch cầu ái toan không có trong phổi của người khỏe mạnh, vì vậy sự hiện diện của chúng trong mô hoặc dịch rửa phế quản phế nang (> 5% số lượng trong công thức bạch cầu) xác định một quá trình bệnh lý.
Bạch cầu ái toan rất nhạy cảm với corticosteroid và hoàn toàn biến mất khỏi máu trong vòng vài giờ sau khi dùng corticosteroid. Sự biến mất nhanh chóng này khỏi máu có thể che giấu chẩn đoán ở những bệnh nhân dùng corticosteroid trước khi tiến hành đánh giá chẩn đoán.