Mổ đẻ là sinh mổ bằng cách rạch vào tử cung.
Tỷ lệ sinh mổ là 32% ở Hoa Kỳ vào năm 2021 (xem March of Dimes: Delivery Method). Tỷ lệ này đã dao động, nhưng có lo ngại về tăng nguy cơ vỡ tử cung ở phụ nữ cố gắng thử chuyển dạ sau khi mổ lấy thai (TOLAC) là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng đó.
Chỉ định sinh mổ
Mặc dù tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong trong mổ lấy thai thấp, song vẫn cao gấp nhiều lần so với sinh đường âm đạo; do đó, chỉ nên thực hiện việc mổ lấy thai khi an toàn hơn đối với người phụ nữ hoặc thai nhi so với sinh đường âm đạo.
Các chỉ dẫn cụ thể thông thường nhất để mổ lấy thai là
Đã sinh mổ trước đó
Ngôi thai bất thường hoặc thai nằm bất thường (đặc biệt là ngôi mông hoặc nằm ngang)
Bằng chứng nhịp tim thai không ổn định, cần lấy thai nhanh
Chảy máu nhiều, có thể là dấu hiệu của nhau bong non
Nhiều phụ nữ quan tâm đến việc sinh mổ tự chọn theo nhu cầu. Lý do cơ bản bao gồm việc tránh làm tổn thương vùng sàn chậu (và sau đó tiểu không kiểm soát được) và các biến chứng nghiêm trọng của thai trong tử cung. Tuy nhiên, việc sử dụng như vậy còn gây tranh cãi, có dữ liệu hỗ trợ hạn chế và đòi hỏi phải có thảo luận giữa người phụ nữ và bác sĩ của cô ấy. Việc thảo luận nên bao gồm những nguy cơ ngay lập tức và kế hoạch sinh sản lâu dài liên quan đến số lượng trẻ mà người phụ nữ dự định sinh, vì nguy cơ biến chứng phẫu thuật tăng lên khi số ca mổ lấy thai ngày càng tăng.
Phụ nữ đã sinh mổ trước đó có thể chọn sinh mổ lặp lại vì lo ngại nguy cơ vỡ tử cung; tuy nhiên, nguy cơ vỡ khi sinh thường chỉ khoảng 1% (nguy cơ cao hơn đối với những phụ nữ đã sinh mổ nhiều lần hoặc bị rạch dọc, đặc biệt là nếu nó kéo dài qua phần cơ dày của tử cung).
Sinh thường thành công ở khoảng 60% đến 80% số phụ nữ đã từng sinh mổ một lần trước đó với một vết rạch ngang tử cung thấp (1). Phương án này nên được áp dụng cho những người đã từng sinh mổ trước đó bằng đường rạch ngang thấp ở tử cung. Thành công của TOLAC phụ thuộc vào chỉ định mổ lấy thai ban đầu. TOLAC nên được thực hiện tại cơ sở có sẵn bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê và đội phẫu thuật ngay lập tức, điều này khiến TOLAC không thực tế trong một số trường hợp.
Tài liệu tham khảo về chỉ định
1. Sabol B, Denman MA, Guise JM: Vaginal birth after cesarean: an effective method to reduce cesarean. Clin Obstet Gynecol 58(2):309-319, 2015 doi:10.1097/GRF.0000000000000101
Kỹ thuật sinh mổ
Trong quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ có kỹ năng hồi sức sơ sinh nên sẵn sàng.
Vết rạch tử cung có thể là kinh điển hoặc ngang đoạn dưới.
Đoạn dưới: Các vết mổ ở phần ngang đoạn dưới được thực hiện thường xuyên nhất. Vết rạch ngang thấp được rạch ở phần thấp giãn mỏng của thân tử cung, và phần bàng quang được tách bỏ ra khỏi tử cung. Vết rạch dọc đoạn dưới chỉ được sử dụng trong một số trường hợp ngôi bất thường và bào thai quá lớn. Trong những trường hợp như vậy, một vết rạch ngang không được sử dụng vì nó có thể rách rộng theo chiều ngang sang bên vào động mạch tử cung, đôi khi gây mất máu quá nhiều. Những phụ nữ đã mổ đẻ với đường rạch ngang thấp ở tử cung được khuyên về tính an toàn của thử thách chuyển dạ ở những lần có thai sau đó.
Kinh điển: Vết rạch được rạch theo chiều dọc ở phần trước của tử cung, hướng lên đến phần tử cung phía trên hoặc đáy. Vết rạch kinh điển này thường dẫn đến mất máu nhiều hơn vết rạch ở phần đoạn dưới và thường chỉ thực hiện khi có rau tiền đạo, vị trí của thai nằm ngang lưng dưới, thai nhi non tháng, đoạn dưới tử cung phát triển kém hoặc thai nhi dị dạng.
Chăm sóc sau khi sinh mổ
Chăm sóc sau khi mổ lấy thai tuân theo các nguyên tắc chăm sóc sau phẫu thuật tương tự như các phẫu thuật bụng khác, bao gồm kiểm soát đau và chăm sóc vết thương thích hợp.
Ngoài ra, các vấn đề sau sinh đặc biệt cần được giải quyết, bao gồm hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi con bằng sữa mẹ.
Bệnh nhân thường được xuất viện khi họ ổn định về huyết động, có thể dung nạp đường uống, có chức năng ruột và bàng quang bình thường và không có các biến chứng cần điều trị nội trú. Họ cần phải được hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa tại nhà (ví dụ: chăm sóc vết thương) và được khuyên là gọi cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu họ bị sốt, đỏ hoặc chảy máu vết thương, ra máu âm đạo dữ dội và dai dẳng, đau đầu dai dẳng, đau bụng dai dẳng, thay đổi thị lực, sưng chân, đau ngực, khó thở hoặc các triệu chứng liên quan khác.