Các rối loạn tự miễn là thường gặp cao hơn 5 lần ở phụ nữ, và tỷ lệ mắc phải có xu hướng đạt đỉnh trong tuổi sinh sản. Vì vậy, những rối loạn này thường xảy ra ở phụ nữ mang thai.
Lupus ban đỏ hệ thống trong thai kỳ (SLE)
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) có thể xuất hiện lần đầu trong thời kỳ mang thai; những phụ nữ có thai chết lưu trong ba tháng thứ 2 của thai kỳ không rõ nguyên nhân, thai nhi chậm phát triển, sinh non hoặc sẩy thai tự nhiên tái phát sau đó có thể được chẩn đoán mắc bệnh SLE.
Không thể dự đoán bệnh lupus ban đỏ đã có sẽ tiến triển như thế nào trong thai kỳ, nhưng SLE có thể trở nên nặng hơn đặc biệt là ngay sau khi sinh. Kết quả sẽ tốt hơn nếu việc thụ thai có thể được trì hoãn cho đến khi bệnh không hoạt động trong ít nhất 6 tháng, phác đồ dùng thuốc đã được điều chỉnh trước, huyết áp và chức năng thận bình thường.
Các biến chứng có thể bao gồm (1)
Sinh non do tiền sản giật
Chứng chẹn tim bẩm sinh do các kháng thể của mẹ vượt qua nhau thai
Các biến chứng thận hoặc tim nặng đã có trước đây làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong của mẹ. Viêm thận tăng áp, cao huyết áp, hoặc hiện diện của các kháng thể kháng phospholipid đang lưu hành (thường kháng thể kháng cardiolipin hoặc thuốc chống đông điều trị lupus) làm tăng nguy cơ tử vong chu sinh. Trẻ sơ sinh có thể bị thiếu máu, giảm tiểu cầu, hoặc giảm bạch cầu; những rối loạn này có khuynh hướng trở về bình thường trong những tuần đầu sau khi sinh khi các kháng thể từ mẹ biến mất.
Nếu hydroxychloroquine được sử dụng trước khi thụ thai, nó có thể tiếp tục được sử dụng trong suốt thai kỳ. Đợt bùng phát của SLE thường được điều trị bằng prednisone liều thấp, methylprednisolone, hydroxychloroquine, và/hoặc azathioprine đường tĩnh mạch theo nhịp. Prednisone liều cao và cyclophosphamide làm tăng nguy cơ sản khoa và do đó được dành riêng cho các biến chứng nặng của lupus.
Tài liệu tham khảo
1. Clowse ME, Jamison M, Myers E, James AH: A national study of the complications of lupus in pregnancy. Am J Obstet Gynecol 199(2):127.e1-127.e1276, 2008 doi:10.1016/j.ajog.2008.03.012
Hội chứng kháng phospholipid trong thai kỳ
Hội chứng kháng phospholipid (APS) là một rối loạn tự miễn khiến bệnh nhân bị huyết khối và trong thời kỳ mang thai, làm tăng nguy cơ bị
APS xảy ra do sinh các chất tự kháng thể với một số phospholipid gắn với protein mà nó có thể bảo vệ chống lại hoạt động đông máu quá mức.
Chẩn đoán
Định lượng các kháng thể kháng phospholipid lưu thông trong máu
Tiêu chuẩn lâm sàng
Hội chứng kháng phospholipid được nghi ngờ ở những phụ nữ trong tiền sử có bất cứ điều nào sau đây:
≥ 3 lần mất phôi không rõ nguyên nhân (trước 10 tuần tuổi thai) hoặc ≥ 1 lần mất phôi không rõ nguyên nhân (sau 10 tuần)
Huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch trước đây mà không giải thích được
Có huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch mới xuất hiện trong thời gian mang thai
Hội chứng kháng phospholipid được chẩn đoán bằng cách định lượng các kháng thể kháng phospholipid trong máu (anticardiolipin, beta-2 glycoprotein I, kháng đông lupus) với kết quả dương tính ≥ 2 lần cách nhau 12 tuần.
Chẩn đoán hội chứng kháng phospholipid đòi hỏi phải có ≥ 1 tiêu chuẩn lâm sàng cùng với ≥ 1 trong số các tiêu chí xét nghiệm ở trên. Tiêu chuẩn lâm sàng có thể là ở mạch máu (huyết khối động mạch hay tĩnh mạch trước đây ở bất kỳ mô nào mà không giải thích được) hoặc liên quan đến việc mang thai. Các tiêu chuẩn liên quan đến mang thai bao gồm (1):
≥ 1 lần chết không giải thích được của thai nhi ở ≥ 10 tuần tuổi thai có hình thái bình thường (qua siêu âm khi sống hoặc khám trực tiếp)
≥ 1 lần sanh non của một trẻ sơ sinh có hình thái bình thường ở ≤ 34 tuần tuổi thai vì chứng sản giật hoặc tiền sản giật nặng hoặc có các biểu hiện suy bánh rau
≥ 3 lần sảy thai tự phát liên tiếp không rõ nguyên nhân ở tuổi thai < 10 tuần, loại trừ các bất thường về giải phẫu và nội tiết tố của mẹ và các nguyên nhân nhiễm sắc thể của cha và mẹ
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Miyakis S, Lockshin MD, Atsumi T, et al: International consensus statement on an update of the classification criteria for definite antiphospholipid syndrome (APS). J Thromb Haemost 4(2):295-306, 2006 doi:10.1111/j.1538-7836.2006.01753.x
Điều trị
Dự phòng bằng thuốc chống đông và aspirin liều thấp
Phụ nữ bị hội chứng chống phospholipid thường được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông và với aspirin liều thấp trong thai kỳ và trong 6 tuần sau sinh.
Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và chuyển đến bác sĩ chuyên khoa về bà mẹ và thai nhi nếu cần.
Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) trong thai kỳ
Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP), trung gian bởi IgG kháng tiểu cầu của mẹ, có xu hướng xấu đi trong thời gian mang thai và làm tăng nguy cơ bệnh tật của mẹ. ITP được đặc trưng bởi tình trạng giảm tiểu cầu đơn độc mà không có nguyên nhân khác, khiến tình trạng trở thành một chẩn đoán loại trừ.
Corticosteroid làm giảm mức IgG và gây ra sự thuyên giảm ở hầu hết phụ nữ, nhưng cải thiện chỉ duy trì ở mức 50%. Liệu pháp ngăn chặn miễn dịch và thay đổi huyết tương làm giảm thêm IgG, tăng số lượng tiểu cầu. Hiếm hơn, cắt lách là cần thiết cho các trường hợp dai dẳng, tốt nhất nên thực hiện trong ba tháng thứ 2, khi nó gây thuyên giảm kéo dài trong khoảng 80%.
Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch có thể làm tăng đáng kể số lượng tiểu cầu nhưng trong một thời gian ngắn, do đó có thể gây chuyển dạ ở những thai phụ có số tiểu cầu thấp. Việc truyền tiểu cầu chỉ được khuyến nghị khi
Cần phải mổ lấy thai và số lượng tiểu cầu của mẹ < 50.000/microL (1).
Dự kiến sẽ sinh thường và số lượng tiểu cầu của mẹ là < 30.000/microL (2).
Mặc dù IgG kháng tiểu cầu có thể đi qua rau thai, nhưng rất hiếm khi gây ra giảm tiểu cầu thai nhi hoặc sơ sinh. Mức kháng thể kháng tiểu cầu ở mẹ (được đo bằng xét nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp) không thể dự đoán được mức độ ở bào thai. Nguy cơ xuất huyết nội sọ sơ sinh do giảm tiểu cầu của người mẹ không bị ảnh hưởng bởi phương thức sinh con hoặc do chấn thương khi sinh. Theo đó, thực hành được chấp nhận hiện nay là sinh thường, không xác định thường xuyên số lượng tiểu cầu của thai nhi và chỉ sinh mổ khi có chỉ định sản khoa (3, 4, 5).
Tài liệu tham khảo
1. Kaufman RM, Djulbegovic B, Gernsheimer T, et al: Platelet transfusion: a clinical practice guideline from the AABB. Ann Intern Med 162(3):205-213, 2015 doi:10.7326/M14-1589
2. Bussel JB, Hou M, Cines DB: Management of primary immune thrombocytopenia in pregnancy. N Engl J Med 389(6):540-548, 2023 doi:10.1056/NEJMra2214617
3. ACOG Practice Bulletin No. 207: Thrombocytopenia in Pregnancy. Obstet Gynecol 133(3):e181-e193, 2019 doi:10.1097/AOG.0000000000003100
4. Provan D, Stasi R, Newland AC, et al: International consensus report on the investigation and management of primary immune thrombocytopenia. Blood 115(2):168-186, 2010 doi:10.1182/blood-2009-06-225565
5. Neunert C, Lim W, Crowther M, et al: The American Society of Hematology 2011 evidence-based practice guideline for immune thrombocytopenia. Blood 117(16):4190-4207, 2011 doi:10.1182/blood-2010-08-302984
Viêm khớp dạng thấp trong thai kỳ
Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) có thể bắt đầu trong thời kỳ mang thai hoặc, thậm chí nhiều hơn, trong giai đoạn sau sinh. Viêm khớp đã có trước đây giảm tạm thời khi mang thai. Thai nhi không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng việc sinh nở có thể khó khăn nếu khớp háng hoặc cột sống thắt lưng của người phụ nữ bị ảnh hưởng. Sinh mổ phổ biến hơn đáng kể ở những phụ nữ có hoạt động bệnh ở mức độ trung bình hoặc mức độ cao trong thai kỳ so với những phụ nữ có hoạt động bệnh thấp. Hơn nữa, cơn bùng phát sau sinh có thể làm giảm khả năng chăm sóc bản thân và trẻ sơ sinh của phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp.
Nếu thai phụ xuất hiện viêm khớp trong thai kỳ, điều trị đầu tiên thường bắt đầu bằng prednisone. Đối với những trường hợp khó điều trị, có thể cần dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác (1).
Tài liệu tham khảo
1. ACOG Committee Opinion No. 776: Immune Modulating Therapies in Pregnancy and Lactation. Obstet Gynecol 133(4):e287-e295, 2019 doi:10.1097/AOG.0000000000003176
Bệnh nhược cơ trong thai kỳ
Bệnh nhược cơ có diễn biến khác nhau trong thời kỳ mang thai và thậm chí giữa các lần mang thai ở cùng một phụ nữ. Chẩn đoán được thực hiện sau khi khám lâm sàng và thể chất cho thấy tình trạng yếu cơ và được xác nhận bằng xét nghiệm miễn dịch huyết thanh về nồng độ tự kháng thể.
Các đợt nhược cơ cấp tính thường xuyên có thể cần tăng liều thuốc kháng cholinesterase (ví dụ: neostigmine), có thể gây ra các triệu chứng thừa cholinergic (ví dụ: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, yếu ngày càng tăng); sau đó có thể cần dùng atropine. Đôi khi suy nhược cơ trở nên kém đáp ứng với liệu pháp tiêu chuẩn và đòi hỏi phải dùng corticosteroid hoặc chất ức chế miễn dịch.
Trong quá trình chuyển dạ, phụ nữ có thể cần hỗ trợ thông khí và cực kỳ nhạy cảm với các thuốc ức chế hô hấp (ví dụ: thuốc an thần, opioid, magiê sulfat). Vì vậy, gây tê vùng được ưu tiên hơn dùng thuốc theo đường tĩnh mạch để kiểm soát cơn đau khi chuyển dạ và sinh nở. Do IgG gây bệnh nhược cơ đi qua nhau thai nên nhược cơ thoáng qua xảy ra ở 20% số trẻ sơ sinh (1), thậm chí nhiều hơn nếu bà mẹ chưa cắt tuyến ức. Mặc dù sinh thường được khuyến nghị nhưng có thể cần phải hỗ trợ sinh thường do cơ vân bị yếu.
Tài liệu tham khảo
1. Gamio S, Garcia-Erro M, Vaccarezza MM, Minella JA: Myasthenia gravis in childhood. Binocul Vis Strabismus Q 19(4):223-231, 2004.