Việc mang thai không nên làm trì hoãn việc điều trị ung thư. Việc điều trị thường tương tự như ở phụ nữ không mang thai, ngoại trừ ung thư trực tràng và ung thư phụ khoa.
Bởi vì các mô phôi phát triển nhanh và có tỷ lệ luân chuyển DNA cao, chúng giống với các mô ung thư và do đó rất dễ bị tác động bởi các thuốc chống ung thư. Nhiều chất ngăn chuyển hoá và các thuốc có kiềm (ví dụ, busulfan, chlorambucil, cyclophosphamide, 6-mercaptopurine, methotrexate) có thể gây bất thường ở thai nhi. Methotrexate thường gây ra nhiều vấn đề; sử dụng trong ba tháng thứ 1 làm tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên, và nếu tiếp tục sử dụng trong thời gian mang thai thì nguy cơ xuất hiện nhiều dị dạng bẩm sinh. Mặc dù thai kỳ thường kết thúc thành công dù điều trị ung thư nhưng nguy cơ tổn thương thai nhi do điều trị khiến một số phụ nữ lựa chọn chấm dứt thai kỳ.
Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư trong thời kỳ mang thai hoặc thời kỳ hậu sản đòi hỏi một đội ngũ đa ngành bao gồm bác sĩ ung thư và chuyên gia y học bà mẹ và thai nhi. Giáo dục bệnh nhân và ra quyết định chung là rất quan trọng để đảm bảo bệnh nhân có thể đưa ra quyết định sáng suốt.
Ung thư vú
Ung thư vú thai kỳ được định nghĩa là ung thư trong thời kỳ mang thai, trong năm đầu tiên sau sinh và/hoặc trong thời kỳ cho con bú. Phì đại và cương tức vú khi mang thai có thể khiến việc nhận biết ung thư vú trở nên khó khăn. Bất kỳ khối cứng hoặc nang nào cũng nên được đánh giá.
Thông thường, ung thư vú nên được điều trị ngay lập tức. Dữ liệu còn lẫn lộn về việc liệu chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú khi mang thai có ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng hay không (1, 2).
Ung thư cổ tử cung
Mang thai dường như không làm xấu đi tiên lượng của ung thư cổ tử cung (3).
Ung thư cổ tử cung có thể phát triển trong thời kỳ mang thai và xét nghiệm Papanicolaou (Pap) bất thường không được cho là do thai kỳ. Các xét nghiệm Pap bất thường được chỉ định soi cổ tử cung và sinh thiết trực tiếp khi cần. Soi cổ tử cung không làm tăng nguy cơ dẫn đến bất lợi ở thai. Sinh thiết chỉ được thực hiện nếu nghi ngờ có tạo u trong biểu mô cổ tử cung cấp độ cao hoặc ung thư cổ tử cung. Nếu cần phải sinh thiết, nên đánh giá bằng soi cổ tử cung và tư vấn với bác sĩ giải phẫu bệnh vì sinh thiết có thể gây xuất huyết và sinh non.
Đối với ưng thư biểu mô tại chỗ (Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa [FIGO] giai đoạn 0-xem bảng FIGO Giai đoạn Lâm sàng của Ung thư Biểu mô Cổ tử cung) và ung thư giai đoạn sớm (giai đoạn IA1), điều trị thường được hoãn lại cho đến khi sinh vì ở những giai đoạn này, ung thư tiến triển rất chậm và có thể hoàn thành thai kỳ một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến tiên lượng của người phụ nữ.
Nếu ung thư xâm lấn (FIGO giai đoạn IA2 hoặc cao hơn) được chẩn đoán, vấn đề mang thai nên được thảo luận cùng với một bác sĩ chuyên khoa về ung thư phụ khoa. Nếu ung thư xâm lấn được chẩn đoán trong thời kỳ đầu mang thai, thường nên áp dụng liệu pháp điều trị ngay lập tức thích hợp cho bệnh ung thư. Nếu ung thư xâm lấn được chẩn đoán sau 20 tuần và nếu phụ nữ chấp nhận tăng nguy cơ không xác định thì điều trị có thể được hoãn lại cho đến ba tháng thứ 3 (ví dụ 32 tuần) để tối đa hóa sự trưởng thành của thai nhi nhưng không trì hoãn việc điều trị quá lâu. Đối với những bệnh nhân bị ung thư xâm lấn, thực hiện phương pháp sinh mổ bằng cắt tử cung triệt căn thay vì sinh thường.
Các bệnh ung thư phụ khoa khác
Sau 12 tuần tuổi thai, ung thư buồng trứng, ung thư ống dẫn trứng, ung thư phúc mạc rất khó phát hiện vì sau 12 tuần tuổi thai, buồng trứng cùng với tử cung sẽ nhô ra khỏi khung chậu và không còn sờ thấy được nữa. Nếu ở giai đoạn tiến triển, ung thư buồng trứng khi mang thai có thể gây tử vong trước khi thai kỳ kết thúc. Những phụ nữ bị ảnh hưởng cần phải cắt bỏ buồng trứng hai bên càng sớm càng tốt.
Ung thư tử cung hiếm khi xảy ra khi mang thai.
Ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng có thể yêu cầu cắt bỏ tử cung để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn khối u. Việc chuyển dạ có thể được thực hiện sớm nhất là 28 tuần, sau đó là cắt bỏ tử cung để điều trị ung thư xâm lấn có thể được bắt đầu.
Ung thư máu và U lympho Hodgkin
Bệnh bạch cầu và U lympho Hodgkin là không phổ biến trong thai kỳ.
Các thuốc chống ung thư thường được sử dụng để điều trị u lympho làm tăng nguy cơ sẩy thai và dị tật bẩm sinh.
Vì bệnh ung thư máu có thể nhanh chóng dẫn tử vong, điều trị được tiến hành càng sớm càng tốt, không được trì hoãn với lý do để cho thai nhi trưởng thành.
Nếu u lymphô Hodgkin bị giới hạn ở trên cơ hoành, có thể sử dụng phương pháp xạ trị; bụng phải được che chắn. Nếu u lympho nằm dưới cơ hoành, có thể cần phải phá thai.
Tài liệu tham khảo
1. Amant F, von Minckwitz G, Han SN, et al: Prognosis of women with primary breast cancer diagnosed during pregnancy: results from an international collaborative study. J Clin Oncol 31(20):2532-2539, 2013 doi:10.1200/JCO.2012.45.6335
2. Shao C, Yu Z, Xiao J, et al: Prognosis of pregnancy-associated breast cancer: a meta-analysis. BMC Cancer 20(1):746, 2020 doi:10.1186/s12885-020-07248-8
3. Johansson ALV, Fredriksson I, Mellemkjaer L, et al. Cancer survival in women diagnosed with pregnancy-associated cancer: An overview using nationwide registry data in Sweden 1970-2018. Eur J Cancer 155:106-115, 2021 doi:10.1016/j.ejca.2021.07.008