Quá tải sắt quá mức là kết quả của hấp thu sắt quá mức, truyền máu lặp lại, hoặc uống quá mức, điển hình ở bệnh nhân có rối loạn sinh hồng cầu. Hậu quả có thể bao gồm các triệu chứng toàn thân, rối loạn gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường, rối loạn cương dương và bệnh khớp. Chẩn đoán dựa vào tăng nồng độ ferritin huyết thanh, sắt, và bão hòa transferrin. Điều trị: thường là thải sắt.
(Xem thêm Tổng quan về quá tải sắt.)
Nguyên nhân của Quá tải sắt thứ phát
Quá tải sắt thứ phát thường xảy ra ở những bệnh nhân có
Bệnh huyết sắc tố (ví dụ, bệnh hồng cầu liềm, thalassemia, thiếu máu nguyên bào sắt)
Bệnh thiếu máu tan máu bẩm sinh (ví dụ, bệnh huyết sắc tố, bệnh hồng cầu tròn di truyền)
Quá tải sắt kết quả do các cơ chế sau đây:
Tăng hấp thu sắt
Điều trị sắt trong thiếu máu
Truyền máu lặp lại (mỗi đơn vị máu cung cấp khoảng 250 mg sắt, sự lắng đọng sắt ở mô sẽ trở nên đáng kể khi có hơn 40 đơn vị máu được truyền)
Tăng hấp thu sắt ở những bệnh nhân có sinh hồng cầu không hiệu quả có thể là do các nguyên hồng cầu bài tiết erythroferrone (ERFE), làm ức chế hepcidin (chất ức chế hấp thu sắt).
Bệnh nhân bị bệnh huyết sắc tố và bệnh thiếu máu tan máu bẩm sinh hiện nay sống đến tuổi trưởng thành, do đó các biến chứng của tình trạng quá tải sắt hiện nay rất phổ biến. Ở những bệnh nhân này, tình trạng quá tải sắt liên quan đến tim, gan, và nội tạng đã trở thành một nguyên nhân gây tử vong, nhưng sự sống còn có thể kéo dài do việc loại bỏ sắt.
Triệu chứng và Dấu hiệu của Quá tải sắt thứ phát
Các hậu quả lâm sàng của quá tải sắt là như nhau bất kể nguyên nhân và sinh lý bệnh của quá tải.
Trong lịch sử, các chuyên gia tin rằng các triệu chứng không phát triển cho đến khi các cơ quan bị tổn thương đáng kể. Tuy nhiên, tổn thương cơ quan chậm và âm thầm, và các triệu chứng toàn thân không đặc hiệu, mệt mỏi thường xuất hiện sớm.
Không dung nạp glucose đái tháo đường là một biểu hiện ban đầu phổ biến khác. Một số bệnh nhân có suy giáp. Ở nam giới, các triệu chứng ban đầu có thể là suy sinh dục và rối loạn chức năng cương dương do sự tích tụ sắt.
Bệnh gan là biến chứng phổ biến nhất và có thể tiến triển thành xơ gan. Bệnh nhân bị xơ gan có nguy cơ gia tăng ung thư biểu mô tế bào gan. Bệnh gan có thể xuất hiện một cách âm thầm với các triệu chứng và dấu hiệu không đặc hiệu, như mệt mỏi, và đau bụng và gan to. Các xét nghiệm bất thường về tình trạng quá tải sắt và viêm gan thường xuất hiện trước khi các triệu chứng lâm sàng phát triển. Bệnh gan là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Bệnh cơ tim với suy tim là biến chứng gây tử vong phổ biến thứ 2. Tăng sắc tố (bệnh đái đồng) và lắng đọng porphyria da là phổ biến, cũng như triệu chứng bệnh khớp.
Chẩn đoán Quá tải sắt thứ phát
Đo ferritin huyết thanh, sắt và độ bão hòa transferrin
Những bệnh nhân có sinh hồng cầu không hiệu quả cần được đánh giá về tình trạng quá tải sắt thứ phát, dựa vào ferritin huyết thanh, sắt huyết thanh huyết thanh, và độ bão hòa transferrin. Đo ferritin huyết thanh là xét nghiệm ban đầu đơn giản và trực tiếp nhất. Nồng độ cao (> 200 ng/mL [> 200 mcg/L] ở phụ nữ hoặc > 250 ng/mL [> 250 mcg/L] ở nam giới) thường xuất hiện ở tình trạng quá tải sắt thứ phát nhưng có thể là do những bất thường khác, chẳng hạn như bệnh hemochromatosis di truyền, rối loạn gan do viêm (ví dụ viêm gan virus mạn tính, Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh gan do rượu), ung thư, các rối loạn viêm hệ thống nhất định (ví dụ: viêm khớp dạng thấp, hội chứng thực bào máu), hoặc béo phì.
Nếu nồng độ ferritin bất thường, cần làm thêm các xét nghiệm bao gồm sắt huyết thanh (thường là > 300 mg/dL [> 53,7 millimole/L]) và khả năng gắn sắt (độ bão hòa transferrin thường > 50%). Hemochromatosis di truyền cần được loại trừ bằng bệnh sử và xét nghiệm di truyền. Độ bão hòa transferrin < 45% có giá trị tiên đoán âm là 97% đối với tình trạng quá tải sắt.
Điều trị Quá tải sắt thứ phát
Thường là thải sắt bằng deferasirox hoặc deferoxamine, hoặc đôi khi deferiprone
Một số bệnh nhân có thể được điều trị bằng rút máu và cho erythropoietin để duy trì sinh hồng cầu. Tuy nhiên, vì tình trạng thiếu máu nặng lên nên không nên dùng rút máu cho nhiều bệnh nhân (ví dụ những người có mức Hemoglobin < 10 g/dL [< 100 g/L], những người phụ thuộc vào truyền máu, và những người có triệu chứng thiếu máu sau khi rút máu). Điều trị ở những bệnh nhân này là thải sắt. Mục tiêu điều trị là độ bão hòa transferrin < 50%.
Deferoxamine là loại thuốc theo kinh điển được sử dụng cho liệu pháp thải sắt. Liều từ 40 đến 50 mg/kg/ngày (tối đa: 60 mg/kg/ngày) bằng cách truyền chậm dưới da qua đêm trong 8 đến 12 giờ thông qua một máy bơm di động trong 5 đến 7 đêm/tuần. Liều cho trẻ em > 3 tuổi và thanh thiếu niên đang lớn là 20 đến 40 mg/kg/ngày, truyền tĩnh mạch trong 8 đến 12 giờ, 5 đến 7 ngày mỗi tuần, liều tối đa hàng ngày thông thường là 40 mg/kg/ngày. Tuy nhiên, liệu pháp này rất phức tạp để điều trị và đòi hỏi thời gian bất thường của bệnh nhân, dẫn đến tỷ lệ chấp hành không cao. Các tác dụng phụ quan trọng bao gồm hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa, và phản vệ (cấp) và mất thị lực, thị giác (khi sử dụng lâu dài).
Deferasirox, một chất gắp sắt đường uống, là một lựa chọn thay thế hiệu quả và ngày càng được sử dụng thay cho deferoxamine. Deferasirox làm giảm lượng sắt và ngăn ngừa hoặc trì hoãn khởi phát các biến chứng của quá tải sắt. Liều khởi đầu là 20 mg/kg đường uống x 1 lần/ngày. Bệnh nhân được theo dõi hàng tháng với liều có thể tăng lên đến 30 mg/kg một lần/ngày nếu cần. Liều tối đa là 40 mg/kg/ngày. Nếu dùng thuốc dạng hạt uống deferasirox, liều khởi đầu là 14 mg/kg/ngày và liều tối đa là 28 mg/kg/ngày. Ngừng điều trị khi ferritin huyết thanh < 500 ng/mL (< 500 mcg/L). Tác dụng phụ (xuất hiện ở khoảng 10% bệnh nhân) có thể bao gồm buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và phát ban. Chức năng gan và thận có thể trở nên bất thường; các xét nghiệm máu gan và thận nên được thực hiện định kỳ (ví dụ, hàng tháng, đôi khi thường xuyên hơn đối với bệnh nhân có nguy cơ cao).
Deferiprone, một chất gắp sắt đường uống khác, được chỉ định để điều trị bệnh nhân bị quá tải sắt do truyền máu ở thalassemia syndromes khi không thích hợp với deferasirox và deferoxamine. Deferiprone cũng có thể được sử dụng kết hợp với deferasirox vì các chất này có cơ chế tác dụng khác nhau. Liều khởi đầu là 25 mg/kg, uống 3 lần một ngày. Liều tối đa là 33 mg/kg, uống 3 lần một ngày. Số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối được thu thập hàng tuần để tìm kiếm chứng giảm bạch cầu trung tính (trước khi mất bạch cầu hạt). Xét nghiệm Ferritin huyết thanh 2 đến 3 tháng, ngừng điều trị tạm thời khi mức độ đều < 500 ng/mL (< 500 mcg/L).
Đái tháo đường, bệnh cơ tim, rối loạn cương dương, và các biểu hiện phụ khác được điều trị theo chỉ định. Bệnh nhân bị xơ hóa nặng hoặc xơ gan do quá tải sắt nên được kiểm tra ung thư biểu mô tế bào gan mỗi 6 tháng bằng siêu âm gan.
Bệnh nhân nên tuân theo chế độ ăn uống cân bằng; không nhất thiết phải hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa sắt (ví dụ thịt đỏ, gan). Chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải vì nó có thể làm tăng hấp thu sắt và với lượng cao sẽ làm tăng nguy cơ xơ gan. Nên tránh bổ sung vitamin C vì chúng làm tăng hấp thu sắt ở tá tràng.
Những điểm chính
Quá tải sắt là kết quả của sự hấp thu sắt quá mức, truyền máu lặp lại hoặc uống quá mức.
Các biến chứng của quá tải sắt thứ phát bao gồm bệnh gan (dẫn đến xơ gan), tăng sắc tố da, tiểu đường, bệnh khớp, rối loạn cương dương, và đôi khi có suy tim.
Chẩn đoán bằng cách đo nồng độ ferritin huyết thanh; nếu tăng cao, cần xác nhận bằng xét nghiệm sắt huyết thanh, độ bão hòa transferrin đều tăng.
Điều trị bằng thải sắt.