Nhiễm khuẩn do Escherichia coli

(E. coli)

TheoLarry M. Bush, MD, FACP, Charles E. Schmidt College of Medicine, Florida Atlantic University;
Maria T. Vazquez-Pertejo, MD, FACP, Wellington Regional Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 6 2024

Vi khuẩn gram âm Escherichia coli là sinh vật sống chung hiếu khí nhiều nhất trong ruột già. Một số chủng gây tiêu chảy và tất cả đều có thể gây nhiễm trùng khi các chủng đó xâm nhập vào các vị trí vô trùng, dẫn đến nhiễm trùng hoạt động. Chẩn đoán bằng kỹ thuật nuôi cấy tiêu chuẩn hoặc xét nghiệm phân tử. Các xét nghiệm độc tính có thể giúp xác định nguyên nhân gây tiêu chảy. Điều trị kháng sinh dưới hướng dẫn của kháng sinh đồ. Thuốc kháng sinh không được chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn E.coli gây xuất huyết ruột.

Bệnh do E. coli

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI; phổ biến nhất)

  • Nhiễm trùng đường ruột (một số chủng)

  • Nhiễm trùng xâm lấn (hiếm gặp, ngoại trừ ở trẻ sơ sinh)

  • Nhiễm trùng tại các cơ quan khác

Thông thường nhất là E. coli gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, thường biểu hiện nhiễm trùng tăng dần (tức là từ đáy chậu qua niệu đạo). E. coli cũng có thể gây viêm tuyến tiền liệtbệnh viêm vùng chậu (PID).

E. coli thường ở trong đường tiêu hoá; tuy nhiên, một số chủng nhận được gen cho phép chúng gây nhiễm trùng đường ruột. Khi ăn phải, các chủng sau đây có thể gây tiêu chảy:

  • Xuất huyết đường ruột: Các chủng này (bao gồm type huyết thanh O157:H7 và những type khác) sản sinh ra một số chất độc tế bào, chất độc thần kinh, và độc tố ruột, bao gồm độc tố lỵ (verotoxin) gây ra tiêu chảy phân máu; hội chứng tan máu tăng ure huyết phát triển trong 2-7% trường hợp. Các chủng này thường thu được từ thịt bò chưa nấu chín nhưng cũng có thể thu được từ người bị nhiễm bệnh bằng đường phân - miệng khi không đảm bảo vệ sinh.

  • Sinh độc tố ruột: Những chủng này có thể gây tiêu chảy phân nước, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và người đi du lịch (tiêu chảy của người du lịch).

  • Xâm nhập đường ruột Các chủng này có thể gây ra tiêu chảy nhiễm trùng.

  • Gây bệnh đường ruột: Các chủng này có thể gây tiêu chảy phân nước, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

  • Gây kết dính ruột: Một số chủng mới xuất hiện là nguyên nhân quan trọng gây tiêu chảy dai dẳng ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và ở trẻ em ở vùng nhiệt đới.

Các chủng khác có thể gây nhiễm trùng đường ruột nếu các mất các rào cản đường ruột (ví dụ, do thiếu máu cục bộ, viêm ruột, viêm túi thừa đại tráng, hoặc chấn thương), trong trường hợp đó các sinh vật có thể lây lan sang các cấu trúc lân cận hoặc xâm nhập vào dòng máu. Nhiễm trùng gan mật, màng bụng, da và phổi cũng xảy ra. E. coli nhiễm trùng máu cũng có thể xảy ra mà không rõ đường vào.

Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, vãng khuẩn huyếtviêm màng não do E. coli (thường do các chủng với vỏ K1 gây ra, một dấu hiệu cho thấy khả năng xâm lấn thần kinh) là phổ biến.

Chẩn đoán nhiễm E. coli

  • Nuôi cấy hoặc xét nghiệm phân tử

Các mẫu máu hoặc các vật liệu lâm sàng khác được gửi để nuôi cấy; các mẫu phân được gửi để nuôi cấy hoặc xét nghiệm phân tử.

Nếu nghi ngờ một chủng gây chảy máu ruột, phòng xét nghiệm phải được thông báo vì cần có môi trường nuôi cấy đặc biệt.

Điều trị nhiễm E. coli

  • Các kháng sinh khác nhau tùy thuộc vào vị trí của nhiễm trùng và kháng sinh đồ

Điều trị E. coli các nhiễm trùng phải được bắt đầu theo kinh nghiệm dựa trên dịch tế địa phương và tình trạng nhiễm trùng (ví dụ, nhiễm trùng bàng quang nhẹ, nhiễm khuẩn đường tiểu) và sau đó được thay đổi dựa trên kháng sinh đồ. Nhiều chủng kháng ampicillin và tetracycline nên sử dụng kháng sinh khác; các chủng này bao gồm piperacillin, một số thuốc ức chế beta-lactam/beta-lactamase, cephalosporin, aztreonam, carbapenems, fosfomycin, nitrofurantoin, aminoglycoside, trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) và nhóm thuốc fluoroquinolone.

Phẫu thuật có thể cần thiết để giải quyết ổ mủ (ví dụ, dẫn lưu mủ, loại bỏ tổ chức hoại tử, hoặc cắt bỏ cơ quan).

Nhiễm trùng đường tiêu hóa do E. coli xuất huyết đường ruột (EHEC) không được điều trị bằng kháng sinh.

Kháng thuốc

Ngoài việc kháng ampicillin và tetracycline, E. coli đã trở nên ngày càng kháng với TMP/SMX và fluoroquinolones. Ngoài ra, các dòng đa kháng tạo ra beta-lactamases phổ rộng (ESBLs) đã nổi lên như là một nguyên nhân quan trọng gây ra nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm khuẩn huyết do cộng đồng. ESBL có thể thủy phân hầu hết các beta-lactam, bao gồm penicillin, cephalosporin phổ rộng và monobactam nhưng không thủy phân được carbapenem (imipenem, meropenem, doripenem, ertapenem); carbapenem hoặc kháng sinh phối hợp thuốc ức chế beta-lactam/beta-lactamase mới hơn, cefiderocol và eravacycline có thể được sử dụng để điều trị hầu hết các trường hợp E. coli sản sinh ESBL.

E. coli cũng có các gen kháng thuốc mã hóa AmpC beta-lactamase, serine carbapenemases và metallo-carbapenemases. Các thuốc giống tetracycline (ví dụ: tigecycline, eravacycline) và cefiderocol (một cephalosporin đại thực bào chứa sắt dạng tiêm) cũng có hoạt tính chống lại các chủng sinh ESBL cũng như AmpC beta lactamase, serine carbapenemase và các chủng sinh metallo-carbapenemase. Fosfomycin có hoạt tính chống lại các chủng đa kháng thuốc và là thuốc thay thế đường uống cho nhiễm trùng đường tiểu dưới (1).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Tamma PD, Aitken SL, Bonomo RA, Mathers AJ, van Duin D, Clancy CJ. Infectious Diseases Society of America 2023 Guidance on the Treatment of Antimicrobial Resistant Gram-Negative Infections. Clin Infect Dis. Xuất bản trực tuyến ngày 18 tháng Bảy năm 2023. doi:10.1093/cid/ciad428