Áp xe

TheoLarry M. Bush, MD, FACP, Charles E. Schmidt College of Medicine, Florida Atlantic University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2024

Áp xe là vị trí tập trung mủ được giới hạn trong các mô, thường là do nhiễm khuẩn. Các triệu chứng bao gồm đau khu trú, mềm, sưng (nếu áp xe gần lớp da) hoặc các triệu chứng cơ quan (nếu áp xe sâu). Chẩn đoán hình ảnh thường rất cần thiết cho chẩn đoán áp xe sâu. Điều trị bằng phẫu thuật dẫn lưu hoặc chọc hút bằng kim qua da và thường dùng kháng sinh.

Căn nguyên của áp xe

Nhiều sinh vật có thể gây áp xe, nhưng phổ biến nhất là

Các sinh vật có thể xâm nhập vào mô thông qua

  • Cấy trực tiếp (ví dụ, chấn thương thâm nhập với một vật bị nhiễm bẩn)

  • Một vị trí phẫu thuật

  • Lây lan từ một vị trí, nhiễm trùng cận kề

  • Gây ra các ổ di bệnh qua đường bạch huyết hoặc đường máu

  • Ổ di bệnh gần các vị trí nhiễm trùng do sự bảo vệ bị mất (ví dụ: vết thương ổ bụng gây ra nhiễm trùng ổ bụng)

Những khối áp xe có thể bắt đầu từ một bệnh cảnh viêm mô tế bào hoặc trong mô bị tổn thương, nơi bạch cầu tập trung. Phân hủy xâm lấn gây ra bởi mủ hoặc tổ chức hoại tử khiến cho áp xe lan rộng. Mô liên kết giàu mạch máu có thể bao quanh mô hoại tử, bạch cầu và các mảnh vụn thành tế bào và hạn chế lan rộng.

Các yếu tố dẫn đến hình thành áp xe bao gồm:

  • Cơ chế phòng vệ của vật chủ bị suy yếu (ví dụ: khả năng phòng vệ của bạch cầu bị suy yếu)

  • Vật liệu nhân tạo trong cơ thể

  • Có sự tắc nghẽn (ví dụ như ở đường niệu, mật, hoặc đường hô hấp)

  • Thiếu máu hoặc hoại tử mô

  • Khối tụ máu hoặc dịch ở mô

  • Trauma, including surgery

Các triệu chứng và dấu hiệu của áp xe

Các triệu chứng và dấu hiệu của áp xe da và dưới da là đau, nóng, sưng tấy, mềm, và đỏ.

Nếu khối áp xe dưới da sắp vỡ, trên da có màu trắng hoặc màu vàng (gọi là điểm vỡ). Có thể có sốt, đặc biệt là khi có tình trạng viêm mô bào xung quanh.

Đối với áp xe sâu, đau tại chỗ và mềm và các triệu chứng toàn thân, đặc biệt là sốt, cũng như chán ăn, giảm cân và mệt mỏi là điển hình.

Biểu hiện chủ yếu của một số áp xe là chức năng cơ quan bất thường (ví dụ: liệt nửa người do áp xe não).

Biến chứng gồm

  • Nhiễm trùng máu lan tỏa

  • Vỡ vào các tổ chức mô lân cận

  • Chảy máu do vỡ mạch do viêm

  • Giảm chức năng của một số cơ quan quan trọng

  • Suy kiệt do ăn kém và tăng nhu cầu chuyển hóa cơ bản

Chẩn đoán áp xe

  • Đánh giá lâm sàng

  • Đôi khi siêu âm, chụp CT hoặc chụp MRI

Chẩn đoán về áp xe da và dưới da là khám trực tiếp.

Chẩn đoán áp xe sâu thường đòi hỏi hình ảnh. Siêu âm là phương pháp không xâm lấn và có thể phát hiện nhiều áp xe mô mềm; chụp CT có độ chính xác cao đối với hầu hết các trường hợp, mặc dù chụp MRI thường nhạy hơn.

Điều trị áp xe

  • Dẫn lưu phẫu thuật hoặc chọc hút bằng kim qua da

  • Đôi khi kháng sinh

Áp xe bề mặt có thể giải quyết bằng nhiệt và kháng sinh đường uống. Tuy nhiên, để điều trị triệt để thường đòi hỏi sự dẫn lưu.

Áp xe dưới da số lượng nhỏ chỉ cần rạch và dẫn lưu. Tất cả các mủ, mô hoại tử và các mảnh vụn cần được loại bỏ. Với áp xe lớn hơn (ví dụ, > 5 cm), loại bỏ vị trí hở (chết) bằng gạc hoặc bằng cách đặt các ống có thể cần thiết để ngăn chặn tái hình thành ổ áp xe. Các điều kiện thuận lợi, như tắc nghẽn hoặc sự hiện diện của vật liệu nhân tạo, cần được xem xét đến.

Đôi khi có thể dẫn lưu các ổ áp xe sâu bằng cách chọc kim qua da (thường được dẫn hướng bằng siêu âm hoặc chụp CT); phương pháp này thường tránh việc cần phải dẫn lưu bằng phẫu thuật mở.

Có thể xảy ra hiện tượng vỡ và dẫn lưu tự nhiên, thỉnh thoảng có đường rò dẫn lưu mạn tính. Nếu không dẫn lưu, áp xe thỉnh thoảng sẽ được giải quyết nhờ vào quá trình tự tiêu và hấp thụ vào máu. Đôi khi hình thành nang trong vỏ xơ có thể vôi hoá.

Thuốc kháng khuẩn đường toàn thân không được sử dụng thường xuyên nhưng được chỉ định như liệu pháp bổ sung như sau (1):

  • Áp xe là sâu (ví dụ, trong ổ bụng)

  • Nhiều ổ áp xe

  • Viêm mô tế bào xung quanh

  • Có lẽ nếu kích thước > 2 cm

Thuốc kháng sinh chống lại S. aureus, ngoài việc rạch và dẫn lưu, nên được dùng nếu có bằng chứng về hội chứng viêm toàn thân (1).

Thuốc kháng khuẩn thường không có hiệu quả nếu không dẫn lưu. Liệu pháp kháng sinh thực tiễn dựa trên vị trí và khả năng gây bệnh. Nhuộm Gram, nuôi cấy, và kháng sinh đồ để điều chỉnh kháng sinh.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Stevens DL, Bisno AL, Chambers HF, et al. Practice guidelines for the diagnosis and management of skin and soft tissue infections: 2014 update by the infectious diseases society of America. Clin Infect Dis. 2014;59(2):147-159. doi:10.1093/cid/ciu296

Những điểm chính

  • Áp xe da và dưới da được chẩn đoán lâm sàng; áp xe sâu hơn thường đòi hỏi chẩn đoán.

  • Thông thường, dẫn lưu áp xe bằng cách rạch hoặc đôi khi chọc hút kim.

  • Sử dụng kháng sinh khi ổ áp xe sâu, rộng hoặc viêm mô tế bào xung quanh.