Viêm trợt dạ dày

TheoNimish Vakil, MD, University of Wisconsin School of Medicine and Public Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2023

Viêm trợt dạ dày là trợt niêm mạc dạ dày do tổn thương hàng rào bảo vệ niêm mạc gây ra. Bệnh thường cấp tính, có biểu hiện chảy máu, nhưng có thể bán cấp hoặc mạn tính với ít hoặc không có triệu chứng. Chẩn đoán bằng nội soi. Điều trị là điều trị hỗ trợ, loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh và bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế axit. Một số bệnh nhân trong khoa hồi sức tích cực (ví dụ: chấn thương đầu, bỏng, chấn thương đa hệ thống, thở máy) được hưởng lợi từ việc điều trị dự phòng bằng thuốc ức chế axit.

(Xem thêm Tổng quan về bài tiết axitTổng quan về viêm dạ dày.)

Nguyên nhân phổ biến của viêm trợt dạ dày bao gồm

  • Các thuốc chống viêm không có steroid (NSAID)

  • Rượu

  • Căng thẳng

Nguyên nhân ít phổ biến hơn của viêm trợt dạ dày bao gồm

  • Phóng xạ

  • Nhiễm vi rút (ví dụ: cytomegalovirus)

  • Tổn thương mạch máu

  • Chấn thương trực tiếp (ví dụ: các ống thông mũi dạ dày)

  • Bệnh Crohn

Có vết trợt trên bề mặt và thương tổn xuyên qua lớp niêm mạc. Bệnh có thể tiến triển ngay sau 12 giờ tổn thương đầu tiên. Các vết trợt sâu, loét, và đôi khi thủng có thể xảy ra trong các trường hợp nặng hoặc không được điều trị. Các thương tổn thường xảy ra ở thân vị, nhưng hang bị cũng có thể bị ảnh hưởng.

Viêm dạ dày cấp tính do căng thẳng, một dạng viêm trợt dạ dày, xảy ra ở khoảng 5% số bệnh nhân nguy kịch. Tỷ lệ này tăng theo thời gian nằm viện của bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực và thời gian mà bệnh nhân không được nuôi ăn theo đường ruột. Nguyên nhân sinh bệnh có thể liên quan đến giảm tưới máu của niêm mạc đường tiêu hoá, dẫn đến suy yếu của hàng rào bảo vệ niêm mạc. Bệnh nhân bị chấn thương đầu hoặc bỏng cũng gây tăng tiết axit.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm trợt dạ dày

Bệnh nhân viêm trợt dạ dày nhẹ thường không có triệu chứng, mặc dù có thể có một số triệu chứng khó tiêu, buồn nôn, hoặc nôn.

Thông thường, dấu hiệu đầu tiên là nôn máu, đại tiện phân đen, hoặc máu trong dịch hút của sông mũi dạ dày, thường là trong vòng từ 2 đến 5 ngày kể từ khi khởi phát biến cố. Chảy máu thường nhẹ đến trung bình, mặc dù có thể ồ ạt nếu có loét sâu, đặc biệt là trong viêm dạ dày cấp tính do căng thẳng.

Chẩn đoán viêm trợt dạ dày

  • Endoscopy

Viêm trợt dạ dày cấp tính và mạn tính được chẩn đoán bằng nội soi.

Viêm trợt dạ dày
Dấu các chi tiết
Hình ảnh này cho thấy các vùng bị trợt và đỏ trong niêm mạc dạ dày do sử dụng thuốc chống viêm không steroid kéo dài.
DAVID M. MARTIN, MD/SCIENCE PHOTO LIBRARY

Điều trị viêm trợt dạ dày

  • Đối với chảy máu: Cầm máu qua nội soi

  • Để giảm tiết acid: Thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2

Trong viêm dạ dày nặng, chảy máu được xử trí bằng truyền dịch và truyền máu nếu cần. Nên cố gắng cầm máu qua nội soi, với phẫu thuật là thủ thuật dự phòng nếu không thể kiểm soát chảy máu qua nội soi. Chụp mạch không có khả năng cầm chảy máu dạ dày nặng vì có rất nhiều mạch máu bàng hệ cung cấp máu cho dạ dày. Cần phải bắt đầu liệu pháp ức chế axit nếu bệnh nhân chưa dùng thuốc đó.

Đối với viêm dạ dày nhẹ hơn, loại bỏ tác nhân gây bệnh và sử dụng thuốc làm giảm độ axit dạ dày (xem Thuốc điều trị chứng tăng axit dạ dày) để hạn chế tổn thương thêm và thúc đẩy quá trình liền có thể là tất cả những gì cần thiết.

Phòng ngừa viêm trợt dạ dày

Dự phòng bằng thuốc ức chế axit có thể làm giảm tỷ lệ viêm dạ dày cấp tính do căng thẳng. Tuy nhiên, điều đó chủ yếu có lợi cho một số bệnh nhân trong khoa hồi sức tích cực có nguy cơ cao, bao gồm những người bị bỏng nặng, chấn thương hệ thần kinh trung ương, rối loạn đông máu, nhiễm trùng huyết, sốc, đa chấn thương, thở máy trong > 48 giờ, bệnh gan mạn tính, thương tổn thận cấp, suy gan hoặc suy thận, rối loạn chức năng đa cơ quan và tiền sử loét dạ dày tá tràng hoặc chảy máu đường tiêu hóa.

Hướng dẫn dự phòng chảy máu đường tiêu hóa cho bệnh nhân bị bệnh nguy kịch năm 2020 khuyến nghị rằng ở hầu hết các bệnh nhân bị bệnh nguy kịch, lợi ích của việc ức chế tiết axit phải được cân nhắc với nguy cơ viêm phổi. Hướng dẫn bao gồm một máy tính để giúp đánh giá nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa. Có thể có tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bệnh viện ở những bệnh nhân bị bệnh nguy kịch dùng thuốc ức chế tiết axit. Một phân tích tổng hợp gần đây kết luận rằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc đối kháng thụ thể histamine-2 có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi (tăng tuyệt đối 5% đối với PPI và 3,4% đối với thuốc đối kháng thụ thể histamine-2; 1). Tuy nhiên, một nghiên cứu lâm sàng lớn trước đây về PPI cho những bệnh nhân có nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa trong khoa hồi sức tích cực không tìm thấy tăng tỷ lệ bị viêm phổi (2). Hướng dẫn tiếp tục khuyến nghị sử dụng PPI thay vì thuốc đối kháng thụ thể histamine-2 (không khuyến nghị mạnh mẽ) và khuyến nghị không sử dụng sucralfate.

Cho ăn sớm qua đường ruột cũng có thể làm giảm tỷ lệ chảy máu.

Thuốc ức chế axit không được khuyến nghị cho bệnh nhân chỉ dùng thuốc chống viêm không steroid trừ khi họ đã bị loét trước đó.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Wang Y, Ye Z, Ge L, et al: Efficacy and safety of gastrointestinal bleeding prophylaxis in critically ill patients: Systematic review and network meta-analysis. BMJ 368:l6744, 2020. doi: 10.1136/bmj.l6744PMCID

  2. 2. Krag M, Marker S, Perner A, et al: Pantoprazole in patients at risk for gastrointestinal bleeding in the ICU. N Engl J Med 379(23):2199–2208, 2018. doi: 10.1056/NEJMoa1714919

Những điểm chính

  • Viêm trợt dạ dày là tình trạng trợt niêm mạc dạ dày do tổn thương hàng rào niêm mạc dạ dày.

  • Các nguyên nhân thường gặp bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), rượu và căng thẳng; viêm dạ dày cấp tính do căng thẳng xảy ra ở khoảng 5% số bệnh nhân bị bệnh nguy kịch.

  • Các triệu chứng bao gồm khó tiêu, buồn nôn và nôn, nhưng các trường hợp nhẹ có thể không có triệu chứng.

  • Chảy máu đường tiêu hóa (nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen) có thể là dấu hiệu ban đầu.

  • Chẩn đoán bằng nội soi đường tiêu hóa trên.

  • Điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc chẹn H2 và loại bỏ tác nhân gây bệnh; điều trị bệnh nhân bị chảy máu bằng truyền dịch đường tĩnh mạch và/hoặc truyền máu nếu cần và cầm máu bằng nội soi kèm theo phẫu thuật dự phòng.

  • Phòng ngừa viêm dạ dày cấp do căng thẳng bằng PPI được khuyến nghị cho một số bệnh nhân bị bệnh nguy kịch, mặc dù việc này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ viêm phổi.

  • Phòng ngừa viêm dạ dày liên quan đến NSAID bằng thuốc chẹn PPI hoặc H2 không được chỉ định trừ khi có tiền sử trước đây bị bệnh loét dạ dày.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. Guideline for gastrointestinal bleeding prophylaxis for critically ill patients (2020)