Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày do các nguyên nhân sau gây ra, bao gồm nhiễm trùng (Helicobacter pylori), thuốc (thuốc chống viêm không steroid, rượu), căng thẳng và hiện tượng tự miễn dịch (viêm teo dạ dày). Nhiều trường hợp không có triệu chứng, nhưng khó tiêu và chảy máu đường tiêu hoá đôi khi xảy ra. Chẩn đoán bằng nội soi. Điều trị theo định hướng nguyên nhân nhưng thường bao gồm ức chế tiết axit và kháng sinh để điều trị nhiễm H. pylori.
Viêm dạ dày có thể được phân loại một số cách:
Dựa trên mức độ tổn thương niêm mạc, viêm dạ dày được phân loại là viêm trợt dạ dày hoặc viêm dạ dày không trợt.
Theo vị trí liên quan (ví dụ: tâm vị, thân, hang vị)
Về mặt mô học là cấp tính hoặc mạn tính (dựa trên loại tế bào viêm).
Không có phân loại nào phù hợp hoàn toàn với sinh lý bệnh học; tồn tại nhiều mức độ tổn thương dạng chồng lấp. Một số dạng viêm dạ dày liên quan đến bệnh acid-peptic trong dạ dày và bệnh H. pylori (Xem thêm Tổng quan về bài tiết axit). Ngoài ra, thuật ngữ này thường được áp dụng một cách linh hoạt đối với trường hợp có cảm giác khó chịu ở bụng không đặc hiệu (và thường không được chẩn đoán) và viêm dạ dày ruột.
Viêm dạ dày cấp được đặc trưng bởi xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính tại niêm mạc ở hang vị và phần thân.
Viêm dạ dày mạn tính ngụ ý một số mức độ teo (mất chức năng của niêm mạc) hoặc chuyển sản. Bệnh chủ yếu liên quan đến phần hang vị (kèm theo mất dần các tế bào G và giảm bài tiết gastrin) hoặc thân vị (kèm theo mất tuyến tiết axit, dẫn đến giảm axit, pepsin và yếu tố nội sinh).