Túi tinh là những túi lót niêm mạc hình túi nhô ra từ cấu trúc hình ống (xem thêm Định nghĩa bệnh túi thừa).
Túi thừa hiếm khi ở dạ dày nhưng có ở tá tràng với tới 25% số người. Hầu hết các túi thừa tá tràng đều đơn độc và xuất hiện ở phần thứ hai của tá tràng tiếp giáp hoặc có liên quan đến ống của bóng Vater (quanh bóng). Trong phần còn lại của ruột non (hỗng tràng và hồi tràng), túi thừa xuất hiện ở 5% số bệnh nhân, xảy ra phổ biến nhất ở hỗng tràng và phổ biến hơn cả ở những bệnh nhân có rối loạn nhu động ruột non. Túi thừa Meckel xuất hiện ở phần giữa đến phần xa của hồi tràng.
Hầu hết các túi thừa ở dạ dày và ruột non đều không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ. Các biến chứng của túi thừa bao gồm chảy máu, thủng và tiêu chảy kèm theo kém hấp thu do vi khuẩn phát triển quá mức. Túi thừa không triệu chứng không cần điều trị. Cần thận trọng khi đề xuất phẫu thuật cho những bệnh nhân có túi thừa và các triệu chứng mơ hồ về đường tiêu hóa (GI) (ví dụ: chứng khó tiêu) bởi vì túi thừa cũng có thể không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Túi thừa dạ dày
Túi thừa dạ dày thường được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình nội soi hoặc chẩn đoán hình ảnh (ví dụ, chụp cản quang đường tiêu hóa trên có barit, CT có chất quảng quang). Vị trí chủ yếu là đầu gần của dạ dày dọc theo bờ cong lớn. Kích thước của túi thừa có đường kính từ 1 đến 3 cm. Túi thừa dạ dày được tạo thành do niêm mạc dạ dày nhô ra qua lớp cơ nhưng không xuyên qua toàn bộ thành dạ dày (có lẽ do độ dày của các lớp cơ trong dạ dày) và do đó được gọi là túi thừa trong thành hoặc túi thừa bán phần.
Túi thừa dạ dày thường không có triệu chứng, nhưng một số bệnh nhân cho biết họ có cảm giác đầy bụng và khó tiêu mơ hồ. Các biến chứng như chảy máu, thủng và ung thư là không thường gặp.
Không cần điều trị đặc hiệu đối với một trường hợp túi thừa không triệu chứng; xử trí phụ thuộc vào mức độ nặng của các triệu chứng. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong vài tuần có thể làm giảm chứng khó tiêu. Tuy nhiên, các dữ liệu khác cho thấy các triệu chứng có thể không đáp ứng với thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2.
Túi thừa tá tràng
Túi thừa tá tràng có thể là
Ngoài lòng ruột (nhô ra bên ngoài thành tá tràng)
Trong lòng ruột (nhô ra vào trong lòng tá tràng)
Túi thừa ngoài lòng tá tràng là phổ biến và được quan sát thấy ở khoảng 25% số bệnh nhân > 50 tuổi cần phải nội soi mật tụy ngược dòng; họ có túi thừa quanh bóng vater ở 75% số bệnh nhân này. Một túi thừa phát sinh quanh bóng vater trong vòng 2 đến 3 cm được gọi là túi thừa gần nhú tá tràng. Bệnh nhân không có triệu chứng hoặc than phiền về các triệu chứng bụng không đặc hiệu.
Các biến chứng của túi thừa ngoài lòng ruột bao gồm: xuất huyết, viêm túi thừa và thủng. Tiêu chảy và kém hấp thu do vi khuẩn phát triển quá mức có thể xảy ra nếu có nhiều túi thừa. Tắc nghẽn tá tràng là vô cùng hiếm. Túi thừa gần nhú tá tràng có thể gây ra các biến chứng như viêm đường mật, viêm tụy tái phát, sỏi ống mật chủ (ngay cả sau khi cắt bỏ túi mật), và rối loạn chức năng cơ vòng Oddi.
Túi thừa trong lòng ruột hoặc túi thừa kiểu ống gió là các túi thừa xuất hiện hoàn toàn trong lòng ruột. Chúng rất hiếm và có sự phát triển bất thường dẫn đến tạo thành màng chắn hoặc màng lưới bắt ngang lòng ruột. Theo thời gian, nhu động ruột có thể kéo màng lưới đó và thành ruột gắn vào một chỗ trong lòng ruột. Thành ruột được lồng vào bao sau đó tạo thành một túi hoặc túi thừa trong lòng ruột. Túi thừa trong lòng ruột điển hình xuất hiện ở đoạn thứ hai của tá tràng, đa số xảy ra gần nhú bóng Vater. Chúng có thể bao gồm toàn bộ chu vi hoặc chỉ là một phần của thành tá tràng và có thể nhô ra xa thành phần thứ tư của tá tràng. Thường có một lỗ thứ hai nằm lệch tâm trong túi thừa. Các túi này thường không có triệu chứng, nhưng một số bệnh nhân bị tắc tá tràng không hoàn toàn, thủng hoặc chảy máu.
Các túi thừa này có thể được chẩn đoán bằng chụp cản quang đường tiêu hóa trên có barit, nhưng CT có uống thuốc cản quang và nội soi đường tiêu hóa trên cũng có thể được sử dụng. Trong khi nội soi đường tiêu hóa trên, một túi thừa có thể được nhận định sai là tá tràng hoặc polyp lớn. Lựa chọn điều trị là phẫu thuật cắt bỏ khi có tắc hoặc chảy máu. Có một vài trường hợp báo cáo về điều trị nội soi thành công, các túi thừa được phá bỏ để ngăn chặn thức ăn mắc lại.
Túi thừa hỗng và túi thừa hồi tràng
Các túi thừa ruột non này xuất hiện ở khoảng 5% dân số chung và có thể phát triển trong hỗng tràng (80%), hồi tràng (15%), hoặc cả hai (5%). Các túi này thường có nhiều và kích thước theo chiều dài chỉ từ vài milimet đến 10 cm. Túi thừa ruột non thiếu một thành cơ thật và thường nằm trên bờ mạc treo ruột. Những túi thừa này có thể do rối loạn nhu động ruột non gây ra.
Nhiều bệnh nhân không triệu chứng hoặc báo cáo các triệu chứng không đặc hiệu như đau bụng tái diễn, nhanh no, đầy bụng, sôi bụng nhiều và tiêu chảy dai dẳng. Các biến chứng bao gồm chảy máu, viêm túi thừa và thủng. Một số bệnh nhân có vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức và sau đó có rối loạn hấp thu hoặc tắc ruột do xoắn ruột non, tình trạng này có thể gây tắc ruột.
Túi thừa ruột non thường được chẩn đoán bằng nội soi ruột non (xuôi dòng hoặc ngược dòng), chụp ruột non hàng loại có barit, CT đường ruột, MRI đường ruột, hoặc nội soi viên nang.
Điều trị bảo tồn thường được khuyến cáo cho bệnh nhân không có triệu chứng. Thuốc kháng sinh có thể được kê đơn điều trị sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột. Phẫu thuật có thể là cần thiết ở bệnh nhân có thủng hoặc viêm túi thừa. Thường tránh phẫu thuật ở những bệnh nhân bị giả tắc ruột mạn tính.
Những điểm chính
Túi thừa hiếm khi xuất hiện ở dạ dày nhưng thường gặp ở tá tràng và ruột non.
Hầu hết các túi thừa không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ.
Các biến chứng bao gồm chảy máu, thủng, và rối loạn hấp thu do sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
Túi thừa không triệu chứng không cần điều trị.
Thận trọng khi đề nghị phẫu thuật cho những bệnh nhân có túi thừa và các triệu chứng mơ hồ về đường tiêu hóa (ví dụ, khó tiêu).