Nghe tim

TheoJessica I. Gupta, MD, University of Michigan Health;
Michael J. Shea, MD, Michigan Medicine at the University of Michigan
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2023

    Nghe tim đòi hỏi thính giác tốt và khả năng phát hiện được khác biệt rất nhỏ về độ cao và thời gian. Nhân viên y tế có thính giác kém có thể sử dụng ống nghe có khả năng khuếch đại. Âm tần số cao được nghe tốt nhất bằng phần màng của ống nghe. Âm thanh tần số thấp được nghe tốt nhất với phần chuông. Chỉ nên ấn nhẹ ống nghe khi dùng phần chuông. Khi ấn mạnh, da bệnh nhân sẽ trở thành phần màng và làm mất các âm thanh tần số thấp.

    Toàn bộ thành ngực trước tim cần được thăm khám một cách hệ thống, thường bắt đầu bằng khám mỏm tim đập với bệnh nhân ở tư thế nghiêng trái. Khi bệnh nhân nằm ngửa, việc nghe tim được tiếp tục từ phía dưới bờ trái xương ức, sao đó đi từng khoang liên sườn một về phía đầu, rồi lại đi dần xuống dưới từ phần trên bở phải xương ức. Cần phải nghe cả hõm nách trái và hõm trên xương đòn. Ở tư thế ngồi thẳng, bệnh nhân được nghe phía lưng, sau đó bệnh nhân nghiêng ra trước để hỗ trợ nghe các tiếng thổi thì tâm trương ở van động mạch chủ, động mạch phổi hoặc tiếng cọ màng ngoài tim.

    Các dấu hiệu chính phát hiện nhờ nghe tim gồm

    • Tiếng tim

    • Tiếng thổi

    • Tiếng cọ

    Tiếng tim là những âm thanh ngắn, thoáng qua khi van đóng mở; bao gồm các tiếng thì tâm thu và tâm trương.

    Tiếng thổi tạo bởi dòng máu di chuyển xoáy ốc, kéo dài hơn tiếng tim thông thường, có thể ở thì tâm thu, tâm trương hoặc liên tục. Tiếng thổi được phân độ theo cường độ và mô tả theo vị trí cũng như thời điểm nghe được trong chu kỳ tim. Tiếng thổi được phân loại theo cường độ từ 1 đến 6 (xem bảng Cường độ tiếng thổi).

    Bảng
    Bảng

    Tiếng cọ là những âm sắc cao, nghe sột soạt, có 2 hoặc 3 phần; có thể thay đổi tùy theo vị trí cơ thể; trong nhịp tim nhanh, âm thanh có thể gần như liên tục.

    Bác sĩ cần tập trung vào từng giai đoạn của chu kỳ tim, ghi nhận từng tiếng tim và tiếng thổi. Cường độ, độ cao, độ dài và thời gian của âm thanh và khoảng cách giữa chúng được phân tích thường giúp chẩn đoán chính xác. Trước đây, một sơ đồ về các dấu hiệu chính của nghe tim và sờ nắn của vùng trước tim được vẽ trong biểu đồ của bệnh nhân mỗi khi khám hệ tim mạch (xem hình Sơ đồ các dấu hiệu thực thể). Với các sơ đồ như vậy, kết quả từ mỗi lần khám có thể được so sánh. Các dấu hiệu của lần khám tiếp theo cần phải được giải thích trong bối cảnh các kết quả chẩn đoán hình ảnh có sẵn (bao gồm siêu âm tim và chụp MRI tim) để chẩn đoán và theo dõi các bất thường về van tim.

    Biểu đồ triệu chứng thực thể ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ và nhồi máu cơ tim

    Tiếng thổi, đặc điểm, cường độ, và hướng lan được miêu tả. Tiếng đóng van động mạch phổi vượt quá tiếng đóng van động mạch chủ. Tổng máu thất trái (LV) và đổ đầy thất phải (RV) (mũi tên đậm) được xác định. Tiếng tim thứ 4 (S4) và rung tâm thu (TS) xuất hiện. a = tiếng đóng van động mạch chủ; p = tiếng đóng van động mạch phổi; S1 = tiếng tim đầu tiên; S2 = tiếng tim thứ hai; 3/6 = cấp độ tiếng thổi tăng-giảm (lan ra hai bên cổ); 2/6 = cấp độ tiếng thổi tăng dần toàn tâm thu; 1+ = vùng trước tim vồng nhẹ do phì đại thất phải (mũi tên cho thấy hướng vồng); 2+ = tống máu thất trái trung bình (mũi tên chỉ hướng đẩy).

    Tiếng tim thì tâm thu

    Các tiếm tim thì tâm thu bao gồm:

    • Tiếng tim đầu tiên (S1)

    • Tiếng clíc

    S1 và S2 (tiếng tim thứ hai, nghe ở thì tâm trương) là các tiếng tim bùm-tặc thông thường nghe được trong chu kỳ tim.

    S1 xảy ra ngay sau khi bắt đầu thì tâm thu, chủ yếu do sự đóng van hai lá, có thể có góp phần của van ba lá. Tiếng này thường tách đôi và có âm sắc cao. Tiếng T1 đanh trong bệnh lý hẹp hai lá. Tiếng này thường nhẹ hoặc không có trong trường hợp hở hai lá do lá van xơ, cứng, tuy nhiên vẫn nghe được trong hở hai lá do thoái hóa nhầy của phức hợp van hai lá hoặc bất thường cơ tâm thất (ví dụ rối loạn chức năng cơ nhú, giãn tâm thất). S1 thường nhẹ hoặc không có trong block nhĩ thất cấp 1 do các lá van nhĩ thất (van hai lá và và ba lá) trôi về vị trí gần như đóng trước khi tâm thu ở thất.

    Tiếng clíc chỉ nghe được ở thì tâm thu; phân biệt với S1 và S2 bởi âm sắc cao hơn và thời gian ngắn hơn. Một số tiếng clíc nghe được ở những thời điểm khác nhau trong thời kỳ tâm thu do thay đổi huyết động. Tiếng clíc có thể đơn độc hoặc có nhiều tiếng.

    Tiếng clíc trong hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van động mạch phổi bẩm sinh được cho là do bất thường sức căng tâm thất. Những tiếng clíc này nghe được ở đầu tâm thu (rất gần S1) và không bị ảnh hưởng bởi thay đổi huyết động. Các tiếng clíc tương tự có thể nghe được trong tăng áp động mạch phổi nặng. Tiếng clíc trong sa van hai lá hoặc sa van ba lá thường nghe được ở giữa hoặc cuối tâm thu, được cho là do lực căng bất thường lên các dây chằng cột cơ bị kéo dãn hoặc lên các lá van.

    Tiếng clíc do thoái hóa nhầy lá van có thể nghe được ở bất kỳ thời điểm nào trong thì tâm thu nhưng sẽ lại gần S1 hơn khi thực hiện các nghiệm pháp làm giảm tạm thời đổ đầy tâm thất (ví dụ đứng lên hoặc nghiệm pháp Valsalva). Tiếng clíc dịch chuyển về S2 nếu thể tích đổ đầy tâm thất tăng (ví dụ khi bệnh nhân nằm xuống), đặc biệt trong sa van hai lá. Vì các lý do chưa rõ ràng, đặc điểm của tiếng clíc có thể thay đổi rất nhiều giữa các lần thăm khám, tiếng này có thể xuất hiện và biến mất.

    Các tiếng tim thì tâm trương

    Các tiếng tim thì tâm trương bao gồm:

    • Tiếng tim thứ 2, thứ 3 và thứ 4 (S2, S3, và S4)

    • Tiếng gõ thì tâm trương

    • Các tiếng của van hai lá

    Khác với các tiếng thì tâm thu, tiếng tim tâm trương thường có âm sắc thấp, nghe nhẹ hơn và kéo dài hơn. Ngoại trừ S2, những tiếng khác thường là bất thường ở người lớn, mặc dù S3 sinh lý có thể gặp trước 40 tuổi và trong thai kỳ.

    S2 nghe được ở đầu tâm trương, do đóng van động mạch chủ và van động mạch phổi. Thông thường, van động mạch chủ (A2) đóng trước van động mạch phổi (P2), trừ khi van động mạch chủ đóng muộn hoặc van động mạch phổi đóng sớm. Van động mạch chủ bị đóng muộn trong block nhánh trái hoặc hẹp chủ; van động mạch phổi đóng sớm trong một số dạng của hiện tượng tiền kích thích. Van động mạch phổi đóng muộn còn gặp trong trường hợp dòng máu qua thất phải tăng (ví dụ thông liên nhĩlỗ thứ hai) hoặc block nhánh phải hoàn toàn. Tăng lưu lượng thất phải trong thông liên nhĩ còn làm mất sự thay đổi tự nhiên theo hô hấp giữa hai thành phần chủ-phổi dẫn đến tiếng S2 cố định. Shunt trái-phải với lưu lượng máu qua thất phải bình thương (ví dụ trong thông liên thất phần màng) không gây tiếng tách đôi cố định. Tiếng S2 không tách đôi có thể gặp trong hở chủ, hẹp chủ nặng hoặc không có van (trong thân chung động mạch chỉ có một van tim chung).

    S3 nghe được ở đầu tâm trương, khi tâm thất dãn ra và không đàn hồi. Tiếng này xảy ra trong giai đoạn đổ đầy thất thụ động và thường gợi ý rối loạn chức năng tâm thất nặng ở người lớn; ở trẻ em có thể nghe được tiếng S3 sinh lý tới tận 40 tuổi. S3 cũng có thể bình thường trong thời kỳ mang thai. Tiếng S3 thất phải nghe được rõ nhất (đôi khi duy nhất) khi hít vào (do áp lực âm lồng ngực làm tăng đổ đầy thất phải) và bệnh nhân nằm ngửa. Tiếng S3 thất trái nghe được rõ nhất khi bệnh nhân thở ra và nằm nghiêng trái (do tim nằm sát thành ngực nhất).

    S4 tạo ra do đổ đầy thất chủ động khi tâm nhĩ co, nghe được ở gần cuối thì tâm trương. Tiếng này nghe giống S3 và nghe rõ nhất khi dùng phần chuông. Khi hít vào, tiếng S4 thất phải rõ hơn còn tiếng S4 thất trái mờ đi. S4 thường gặp hơn S3 và thẻ hiện mức độ suy giảm chức năng tâm thất (thường là tâm trương) ít hơn. S4 không nghe được trong rung nhĩ (do tâm nhĩ không co bóp), tuy nhiên gần như luôn nghe thấy trong thiếu máu cơ tim tiến triển hoặc ngay sau nhồi máu cơ tim.

    S3, có hay không đi kèm S4, thường gặp trong rối loạn chức năng tâm thu thất trái nặng; S4 không đi kèm S3 thường gặp ở rối loạn chức năng tâm trương thất trái.

    Tiếng ngựa phi kết hợp xảy ra khi S3 và S4 có mặt trên một bệnh nhân nhịp tim nhanh, thời gian tâm trương bị rút ngắn khiến hai tiếng hòa làm một. Tiếng S3 và S4 lớn có thể sờ được ở mỏm tim khi bệnh nhân nằm nghiên trái.

    Tiếng gõ tâm trương xảy ra cùng một lúc với S3, vào đầu tâm trương. Tiếng này không đi kèm S4 và to, dồn dập hơn, thể hiện thì đổ đầy thất bị gián đoạn đột ngột do màng ngoài tim co thắt.

    Tiếng clắc mở van (OS) gặp trong đầu tâm trương ở bệnh nhân hẹp van hai lá và đôi khi ở hẹp van ba lá. Tiếng clắc mở van hai lá có âm sắc rất cao, ngắn, nghe rõ nhất bằng phần màng ống nghe. Van hai lá càng hẹp nặng (tức áp lực nhĩ trái càng tăng) thì tiếng clắc mở van càng gần thành phần van động mạch phổi của S2. Cường độ tiếng này phụ thuộc vào độ đàn hồi lá van: Tiếng clắc mạnh khi lá van còn đàn hồi, tuy nhiên yếu dần và mất hẳn khi lá van xơ hóa, vôi hóa. Tiếng clắc mở van hai lá nghe rõ nhất ở phần thắp bờ trái xương ức, dù đôi khi cũng nghe được ở mỏm tim.

    Tiếp cận tiếng thổi

    Thời điểm xuất hiện của tiếng thổi trong chu kỳ tim gợi ý nguyên nhân (xem bảng Căn nguyên của tiếng thổi theo thời gian); tính chất tiếng thổi gợi ý đến tổn thương van cụ thể. Các nghiệm pháp (ví dụ, hít vào, nghiệm pháp Valsalva, ngồi xổm, hít amyl nitrate) có thể làm thay đổi chút ít sinh lý tim và giúp phân biệt các nguyên nhân gây tiếng thổi (xem bảng Điều khiển hoạt động hỗ trợ chẩn đoán tiếng thổi tim).

    Bảng
    Bảng
    Bảng
    Bảng

    Mọi bệnh nhân có tiếng thổi khi nghe tim cần được chụp X-quang ngực và làm điện tâm đồ. Cần siêu âm tim để xác nhận chẩn đoán, xác định mức độ nặng và theo dõi mức độ nặng theo thời gian. Thường phải hội chẩn chuyên khoa tim mạch nếu nghi ngờ bệnh lý nghiêm trọng.

    Các tiếng thổi thì tâm thu

    Các tiếng thổi tâm thu có thể bình thường hoặc bất thường. Chúng có thể xuất hiện vào đầu, giữa, cuối hoặc toàn tâm thu. Tiếng thổi tâm thu có thể phân loại thành tiếng phụt, tiếng phụt ngược hoặc tiếng thổi qua shunt.

    Tiếng thổi phụt là do dòng máu chảy xoáy qua một vùng hẹp, không đều giữa các lá van hoặc đường ra (ví dụ, do hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van động mạch phổi). Chúng thường nghe được ở giữa tâm thu, có cường độ tăng dần rồi giảm dần, trở nên mạnh và dài hơn nếu dòng máu bị cản trở càng nặng. Mức độ hẹp và độ xoáy của dòng máu càng nhiều, pha mạnh dần của tiếng thổi sẽ càng ngắn hơn pha giảm dần.

    Tiếng thổi phụt thì tâm thu có thể xuất hiện mà không có cản trở đáng kể ở đường ra, do đó không phải lúc nào cũng là bệnh lý. Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, dòng máu chảy thường hơi xoáy do vậy tạo ra tiếng thổi nhẹ. Người cao tuổi cũng thường có tiếng thổi tâm thu do van tim và mạch máu bị xơ cứng.

    Khi mang thai, nhiều phụ nữ xuất hiện tiếng thổi nhẹ ở khoang liền sườn 2nd cạnh ức phải hoặc trái. Những tiếng thổi này là do thể tích máu và cung lượng tim tăng sinh lý, dẫn đến tốc độ dòng máu qua các cấu trúc bình thường tăng. Những tiếng thổi này có thể mạnh lên nếu có thiếu máu nặng trong thai kỳ. Những tiếng thổi này khác với tiếng thổi của tĩnh mạch đôi khi gây ra bởi các mạch máu vú trong khi mang thai (vòi vú).

    Tiếng thổi phụt ngược biểu hiện dòng máu phụt ngược hoặc chảy bất thường vào các buồng tim có sức cản thấp hơn (ví dụ, hở hai lá, hở ba lá, thông liên thất). Chúng thường nghe được toàn tâm thu, có xu hướng mạnh hơn khi dòng phụt ngược hoặc shunt có vận tốc lớn, thể tích thấp; yếu hơn nếu dòng phụt ngược hoặc shunt có vận tốc thấp và thể tích nhỏ. Tiếng thổi cuối tâm thu (có thể có tiếng clíc đi trước hoặc không) là dấu hiệu điển hình của sa van hai lá hoặc rối loạn chức năng cơ nhú. Thường phải làm một số nghiệm pháp để chẩn đoán chính xác thời điểm và loại tiếng thổi (xem bảng điều khiển hoạt động hỗ trợ chẩn đoán những tiếng thổi).

    Tiếng thổi shunt có thể bắt nguồn từ vị trí của shunt (ví dụ, còn ống động mạch, thông liên thất) hoặc là hậu quả từ thay đổi huyết động do shunt (ví dụ tiếng thổi tâm thu qua van động mạch phổi ở bệnh nhân thông liên nhĩ với shunt trái-phải). Tiếng thổi của luồng thông tâm nhĩ hiếm khi nghe được.

    Các tiếng thổi tâm trương

    Các tiếng thổi tâm trương luôn bất thường; hầu hết đều ở đầu hoặc giữa tâm trương, tuy nhiên có thể cuối tâm trương (tiền tâm thu). Tiếng thổi đầu tâm trương thường do hở chủ hoặc hở van động mạch phổi. Tiếng thổi giữa (hoặc từ đầu đến giữa) tâm trương thường do hẹp van hai lá hoặc hẹp van ba lá. Tiếng thổi cuối tâm trương có thể do hẹp van hai lá do thấp ở bệnh nhân có nhịp xoang.

    Tiếng thổi van hai lá hoặc ba lá do khối u hoặc huyết khối tâm nhĩ có thể rất ngắn và thay đổi theo tư thế hoặc các lần thăm khám khác nhau do vị trí các khối này trong buồng tim thay đổi.

    Ngọc trai & cạm bẫy

    • Tiếng thổi tâm thu có thể bình thường hoặc bất thường nhưng tiếng thổi tâm trương luôn bất thường.

    Các tiếng thổi liên tục

    Các tiếng thổi liên tục nghe được trong suốt chu kỳ tim. Các tiếng thổi luôn bất thường, cho thấy dòng chảy của luồng thông liên tục trong suốt thời gian tâm thu và tâm trương, do đó vẫn có thể nghe được qua S2. Chúng có thể là do các bệnh lý khác nhau ở tim (xem bảng Căn nguyên của tiếng thổi theo thời gian). Một số bệnh lý gây ra rung miu, nhiều khiếm khuyết đi kèm với các dấu hiệu của phì đại thất phải và thất trái. Khi sức cảnh động mạch phổi tăng trong tổn thương do shunt, thành phần tâm trương của tiếng thổi sẽ giảm dần. Tiếng thổi có thể biến mất khi sức cản hệ mạch phổi bằng tuần hoàn hệ thống.

    Tiếng thổi do còn ống động mạch nghe rõ nhất ở khoang liên sườn 2nd đường giữa đòn trái, ngay dưới đầu trong xương đòn. Tiếng thổi cửa sổ chủ-phổi ở trung tâm và nghe được ở khoang liên sường 3. Tiếng thổi của thông động-tĩnh mạch hệ thống nghe rõ nhất ở ngay trên tổn thương; các tiếng thổi dô thông động tĩnh mạch phổi và hẹp nhánh động mạch phổi thường lan tỏa và nghe được ở khắp ngực.

    Khi lưu lượng máu tăng, ví dụ trong thai kỳ, thiếu máu, cường giáp, có thể nghe thấy tiếng thổi tĩnh mạch liên tục ở hố thượng đòn phải; tiếng thổi này cũng nghe thấy ở trẻ em khỏe mạnh. Tiếng thổi do tăng lư lượng máu qua tĩnh mạch vú trong giãn to (tiếng thổi vú) có thể bị nhầm với tiếng thổi liên tục ở tim. Tiếng thổi vú thường nghe thấy rõ nhất ở ngay trên vú về phía phải/và hoặc trái khoang liền sườn 2 hoặc 3. Dù được mô tả là liên tục, tiếng này thường nghe rõ hơn ở thì tâm thu.

    Tiếng cọ màng ngoài tim

    Tiếng cọ màng ngoài tim tạo ra bởi sự chà xát của lá thành và lá tạng màng ngoài tim trong tổn thương viêm dính. Tiếng này có âm sắc cao, kiểu sột soạt, có thể nghe được ở thì tâm thu, tâm thu lẫn tâm trương hoặc có ba pha (khi tâm nhĩ co làm tăng thành phần tâm trương ở cuối thì tâm trương). Tiếng cọ nghe giống tiếng các mảnh lông vũ chạm vào nhau. Chúng nghe được rõ nhất khi bệnh nhân nghiêng về phía trước, chống tay lên gối và nhín thở ở thì hít vào.