Hành động bộc phát thường gặp ở các bệnh nhân sa sút trí tuệ và là lý do chính đối với 50% số lần vào trại điều dưỡng. Hành động bộc phát bao gồm đi lang thang, bồn chồn, la hét, ném, đánh, từ chối điều trị, không ngừng hỏi, cản trở công việc của nhân viên, mất ngủ, và khóc. Các triệu chứng hành vi và tâm thần của sa sút trí tuệ chưa được mô tả kỹ, và cách điều trị chúng không được hiểu rõ.
Xác định hành động nào tạo thành triệu chứng rối loạn hành vi mang tính chủ quan cao. Khả năng dung nạp (những hành động mà người chăm sóc có thể chịu được) phụ thuộc một phần vào sự sắp xếp cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt là sự an toàn. Ví dụ, đi lang thang có thể chấp nhận được nếu một bệnh nhân sống trong một môi trường an toàn (với ổ khóa và chuông báo động trên tất cả các cửa ra vào và cổng); tuy nhiên, nếu bệnh nhân sống trong trại điều dưỡng hoặc bệnh viện, đi lang thang có thể không dung nạp được vì nó làm ảnh hưởng các bệnh nhân khác hoặc can thiệp vào hoạt động của cơ sở điều trị.
Nhiều hành vi (ví dụ như đi lang thang, hỏi liên tục, không hợp tác) được dung nạp tốt hơn ban ngày. Liệu hội chứng mặt trời lặn (các hành vi bộc phát nặng lên vào lúc mặt trời lặn hoặc đầu buổi tối) có làm giảm khả năng chịu đựng của người chăm sóc hay không hoặc đây thực sự là sự biến thiên ban ngày vẫn không rõ. Ở các viện dưỡng lão, 12 đến 14% bệnh nhân sa sút trí tuệ thường xuyên gây rối vào ban đêm nhiều hơn ban ngày.
(Xem thêm Tổng quan về mê sảng và Sa sút trí tuệ)
Căn nguyên
Các triệu chứng hành vi và tâm thần có thể là hậu quả của những thay đổi chức năng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ:
Giảm khả năng ức chế các hành vi không thích hợp (ví dụ, bệnh nhân có thể cởi quần áo ở những nơi công cộng)
Hiểu sai về các tín hiệu thị giác và thính giác (ví dụ, họ có thể chống lại việc điều trị, họ cho rằng đây là hành vi tấn công bản thân mình)
Suy giảm trí nhớ ngắn hạn (ví dụ, họ liên tục yêu cầu những đồ vật đã nhận được)
Giảm khả năng hoặc không có khả năng diễn đạt nhu cầu (ví dụ, họ đi lang thang vì họ đang cô đơn, sợ hãi, hoặc tìm kiếm cái gì đó hoặc ai đó)
Bệnh nhân bị sa sút trí tuệ thường thích nghi kém với chế độ sinh hoạt trong bệnh viện. Không tách bạch được giờ ăn, giờ ngủ hoặc giờ đi vệ sinh. Đối với nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, các triệu chứng về hành vi và tâm lý phát triển hoặc xấu đi sau khi họ chuyển sang một môi trường khắt khe hơn, không quen thuộc.
Các vấn đề thực thể (ví dụ: đau, thở dốc, bí đái, táo bón, lạm dụng thể chất) có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng về hành vi và tâm thần một phần bởi vì bệnh nhân có thể không thể truyền đạt đầy đủ vấn đề. Các vấn đề về thể chất có thể dẫn tới mê sảng, và mê sảng chồng lên sút trí tuệ mạn tính có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng hành vi.
Đánh giá
Đặc trưng của các hành vi (ví dụ, theo thang đánh giá kích động Cohen-Mansfield)
Ghi lại các hành vi cụ thể
Đánh giá tình trạng trầm cảm và loạn thần cùng tồn tại
Cách tiếp cận tốt nhất là mô tả và phân loại hành vi, thay vì gộp chung tất cả các hành vi như vậy thành kích động. Đây là một thuật ngữ không có nhiều ý nghĩa. Cohen-Mansfield Agitation InventoryThang điểm đánh giá kích động Cohen-Mansfield thường được sử dụng; nó phân loại các hành vi như sau:
Tấn công thân thể: Ví dụ: đánh, đẩy, đá, cắn, cào, hoặc ôm chặt người hoặc vật
Không kích động thể chất: Ví dụ, giải quyết mọi thứ một cách không thích hợp, giấu mọi thứ, mặc quần áo hoặc cởi quần áo không phù hợp, đi đi lại lại, lặp đi lặp lại các câu hoặc một hành vi, hành động bồn chồn, hoặc cố gắng đi nơi khác
Kích động lời nói: Chẳng hạn, nguyền rủa, gây tiếng động lạ lùng, la hét, hoặc có cảm xúc bùng nổ
Không kích động lời nói: Ví dụ, phàn nàn, rên rỉ, liên tục yêu cầu chú ý, không thích bất cứ điều gì, làm gián đoạn những nhận xét có liên quan hoặc không liên quan, hoặc tiêu cực hoặc hách dịch
Cần ghi lại các thông tin sau:
Hành vi cụ thể
Các sự kiện thúc đẩy (ví dụ: cho ăn, đi vệ sinh, cho dùng thuốc, các lần khám)
Thời gian hành vi bắt đầu và hết
Thông tin này giúp xác định các thay đổi về mô hình hoặc cường độ của một hành vi và làm cho việc lên kế hoạch một chiến lược quản lý dễ dàng hơn.
Nếu thay đổi hành vi, cần phải kiểm tra sức khoẻ để loại trừ các rối loạn và lạm dụng thể chất, nhưng những thay đổi về môi trường (ví dụ như một người chăm sóc khác) cũng nên được ghi nhận vì những thay đổi này, chứ không phải là yếu tố liên quan đến bệnh nhân, có thể là lý do.
Trầm cảm, phổ biến ở bệnh nhân sa sút trí tuệ, có thể ảnh hưởng đến hành vi và phải được xác định. Nó có thể là biểu hiện đầu tiên của sự thay đổi đột ngột về nhận thức, giảm cảm giác ngon miệng, khí sắc xấu đi, sự thay đổi về mô hình giấc ngủ (thường tăng buồn ngủ), sự rút lui, giảm mức độ hoạt động, khóc lóc, nói về cái chết, sự phát triển bất thường của biểu hiện cáu kỉnh hoặc loạn thần, hoặc những thay đổi đột ngột khác trong hành vi. Thông thường, những người trong gia đình phát hiện trầm cảm đầu tiên.
Hành vi loạn thần cũng phải được xác định vì cách xử trí khác nhau. Sự có mặt của các hoang tưởng hoặc ảo giác là biểu hiện của loạn thần. Hoang tưởng và ảo giác phải được phân biệt với sự rối loạn định hướng, sợ hãi, và hiểu nhầm, vốn phổ biến ở bệnh nhân sa sút trí tuệ:
Hoang tưởng không có paranoia có thể bị nhầm với rối loạn định hướng, nhưng hoang tưởng thường cố định (ví dụ, một viện dưỡng lão được gọi là nhà tù nhiều lần), và rối loạn định hướng thay đổi (ví dụ, một viện dưỡng lão được gọi là nhà tù, nhà hàng và nhà ở).
Ảo giác xảy ra mà không có kích thích cảm giác bên ngoài; ảo giác nên được phân biệt với ảo ảnh, có liên quan đến việc cảm nhận sai các kích thích cảm giác bên ngoài (ví dụ, điện thoại di động, máy nhắn tin).
Điều trị
Các biện pháp môi trường và hỗ trợ người chăm sóc
Chỉ dùng thuốc khi cần thiết
Kiểm soát các triệu chứng hành vi và tâm thần của sa sút trí tuệ là vấn đề gây tranh cãi và chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các biện pháp hỗ trợ được ưu tiên; tuy nhiên, thường sử dụng thuốc.
Các biện pháp tác động môi trường
Môi trường phải an toàn và linh hoạt, đủ chỗ cho các bệnh nhân có những hành vi không nguy hiểm. Các ký hiệu để giúp bệnh nhân tìm đường, cửa được trang bị khóa hoặc chuông báo động có thể giúp đảm bảo sự an toàn của bệnh nhân đi lang thang. Giờ ngủ và bố trí giường ngủ linh hoạt có thể giúp ích cho bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ.
Các biện pháp được sử dụng để điều trị sa sút trí tuệ thường cũng giúp giảm thiểu các triệu chứng hành vi:
Cung cấp các chỉ dẫn về thời gian và địa điểm
Giải thích cách chăm sóc trước khi thực hiện
Khuyến khích hoạt động thể lực
Nếu một cơ sở không thể cung cấp một môi trường thích hợp cho một bệnh nhân cụ thể, thì việc chuyển bệnh nhân đến một cơ sở có thể cung cấp một môi trường thích hợp hơn có thể tốt hơn là sử dụng thuốc.
Hỗ trợ người chăm sóc
Vấn đề hỗ trợ người chăm sóc đóng vai tròrất quan trọng.
Tìm hiểu cách thức sa sút trí tuệ dẫn đến các triệu chứng về hành vi và tâm thần và biện pháp đáp ứng với hành vi bộc phát có thể giúp các thành viên trong gia đình và những người chăm sóc khác chăm sóc và đối phó tốt hơn với bệnh nhân.
Học cách kiểm soát stress là điều khá cần thiết, bởi stress có thể ở mức độ đáng kể. Những người chăm sóc có stress nên được giới thiệu đến các dịch vụ hỗ trợ (ví dụ như các nhân viên xã hội, các nhóm hỗ trợ chăm sóc và người chăm sóc sức khoẻ tại nhà), và nên được cho biết làm thế nào để được chăm sóc nghỉ ngơi nếu có dịch vụ như vậy.
Các thành viên trong gia đình là người chăm sóc nên được theo dõi trầm cảm. Điều này xảy ra ở gần một nửa trong số họ. Trầm cảm ở người chăm sóc nên được điều trị kịp thời.
Sử dụng thuốc
Thuốc cải thiện nhận thức (ví dụ: thuốc ức chế cholinesterase) cũng có thể giúp xử trí triệu chứng hành vi và triệu chứng tâm lý ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, các loại thuốc chủ yếu điều trị hành vi (ví dụ: thuốc chống loạn thần) chỉ được sử dụng khi các phương pháp khác không hiệu quả và khi những loại thuốc này cần thiết cho sự an toàn. Cần phải đánh giá lại nhu cầu điều trị liên tục ít nhất hàng tháng. Cần phải chọn các loại thuốc nhắm vào mục tiêu là các hành vi không thể dung nạp nhất.
Thuốc chống trầm cảm, nên dùng thuốc ức chế chọn lọc trên serotonin (SSRI), chỉ được kê toa cho bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm.
Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần thường được sử dụng mặc dù hiệu quả của chúng chỉ được thấy ở những bệnh nhân loạn thần. Các bệnh nhân khác không có lợi và có thể gặp những phản ứng phụ, đặc biệt là các triệu chứng ngoại tháp. Loạn vận động muộn hoặc loạn trương lực muộn có thể phát sinh; những tình trạng này thường không hồi phục được khi giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Lựa chọn thuốc chống loạn thần phụ thuộc vào độc tính tương đối. Trong số các thuốc chống loạn thần cổ điển, haloperidol tương đối ít gây buồn ngủ và có hiệu quả kháng cholinergic nhẹ hơn nhưng thường gây triệu chứng ngoại tháp; thioridazine và thiothixene ít gây triệu chứng ngoại tháp hơn nhưng có tác dụng gây ngủ nhiều hơn và có nhiều tác dụng kháng cholinergic hơn Haloperidol.
Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (không điển hình) (ví dụ: aripiprazole, olanzapine, quetiapine, risperidone) ít kháng cholinergic và gây ra ít triệu chứng ngoại tháp hơn so với thuốc chống loạn thần thông thường; tuy nhiên, những loại thuốc này, được sử dụng trong một thời gian dài, có thể gây tăng cân, tăng lipid máu và làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2. Ở những bệnh nhân cao tuổi bị rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ, những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.
Nếu sử dụng thuốc chống loạn thần, nên dùng liều thấp (ví dụ olanzapine 2,5 đến 15 mg uống một lần/ngày, risperidone 0,5 đến 3 mg uống mỗi 12 giờ, haloperidol 0,5 đến 1,0 mg uống, tiêm tĩnh mạch, hoặc tiếp bắp 2 lần/ngày nếu cần thiết) và trong thời gian ngắn.
Các loại thuốc khác
Thuốc chống co giật, đặc biệt là valproate, có thể hữu ích trong việc kiểm soát các hành vi bộc phát thúc đẩy.
Các thuốc an thần (như benzodiazepine tác dụng ngắn như benzodiazepine như lorazepam 0.5 mg sau 12 giờ nếu cần) đôi khi được sử dụng trong thời gian ngắn để giảm bớt lo lắng liên quan đến các biến cố, nhưng cách điều trị này không được khuyến cáo dùng kéo dài.
Những điểm chính
Điều tạo thành hành vi bộc phát vẫn mang tính chủ quan và thay đổi khác nhau, nhưng rối loạn hành vi là lý do của tới 50% số lượng vào nhà dưỡng lão.
Hành vi thường tiến triển xấu đi khi bệnh nhân được chuyển khỏi môi trường gia đình quen thuộc.
Các rối loạn hành vi có thể được kích hoạt bởi một bệnh lý thực thể mà bệnh nhân không thể nói ra được.
Phân loại các rối loạn hành vi bằng thang đánh giá kích động Cohen-Mansfield.
Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm, chẳng hạn như thay đổi đột ngột về nhận thức, chán ăn, tâm trạng xấu đi, thay đổi kiểu ngủ (thường là rối loạn ngủ nhiều), thu mình lại, giảm mức độ hoạt động, khóc nhiều, nói về cái chết và sự chết chóc, đồng thời cảnh giác với những dấu hiệu đột ngột phát triển hành vi cáu kỉnh hoặc hành vi tâm thần.
Điều trị bằng các biện pháp môi trường, tránh dùng thuốc khi có thể.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
BPSD Algorithm: This tool aims to help provide interdisciplinary, evidenced-based care for patients with behavioral and psychologic symptoms caused by dementia. Công cụ này đưa ra hướng dẫn để đánh giá và sử dụng thuốc, cũng như biểu đồ.