Nội tiết sinh sản nam giới

TheoMasaya Jimbo, MD, PhD, Thomas Jefferson University Hospital
Xem xét bởiLeonard G. Gomella, MD, Sidney Kimmel Medical College at Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 2 2025 | đã sửa đổi Thg 3 2025

Nguồn chủ đề

Sự phát triển giới tính và chức năng nội tiết tố của nam giới phụ thuộc vào vòng phản hồi phức tạp liên quan đến trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục (HPG), được điều chỉnh bởi hệ thần kinh trung ương. Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới có thể là do suy sinh dục; chấn thương; tình trạng thần kinh, mạch máu, di truyền hoặc các tình trạng khác; hoặc do dùng thuốc hoặc sử dụng ma túy.

Sinh lý học

Ở nam giới trưởng thành về mặt tình dục, vùng dưới đồi sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH), được giải phóng theo nhịp mạch từ 60 phút đến 120 phút một lần. Cơ quan đích của hormone là thùy trước tuyến yên, phản ứng với mỗi xung của GnRH bằng cách tạo ra một xung tương ứng với hormone kích thích hoàng thể (LH) và ở mức độ thấp hơn là hormone kích thích nang trứng (FSH). Nếu xung GnRH không xảy ra với biên độ thích hợp, tần số và nhịp ngày đêm, có thể dẫn đến suy tuyến sinh dục (suy tuyến sinh dục do suy tuyến dưới đồi tự phát). Sự kích thích liên tục (trái ngược với sự kích thích theo nhịp mạch) bằng thuốc chủ vận GnRH (ví dụ: dưới dạng một phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển) thực sự ức chế tuyến yên giải phóng LH và FSH, cũng dẫn đến tình trạng suy sinh dục do giảm gonadotropin.

Các tế bào Leydig của tinh hoàn phản ứng với LH bằng cách sản sinh từ 5 đến 10 mg testosterone mỗi ngày. Nồng độ Testosterone cao nhất vào sáng sớm và thấp nhất vào buổi tối; tuy nhiên, ở những nam giới cao tuổi, kiểu ban ngày này có thể bị giảm sút.

Testosterone được tổng hợp từ cholesterol thông qua một số hợp chất trung gian, bao gồm dehydroepiandrosterone (DHEA) và androstenedione. Testosterone trong hệ tuần hoàn chủ yếu gắn kết với protein, khoảng 40% gắn kết chặt chẽ với globulin gắn kết với học môn sinh dục (SHBG) và 58% gắn kết lỏng lẻo với albumin. 2% testosterone lưu thông còn lại tồn tại dưới dạng testosterone tự do. Cả testosterone tự do và testosterone được gắn kết lỏng lẻo với albumin được gọi là testosterone sinh khả dụng, bởi vì những dạng này có thể được cơ thể sử dụng. Thành phần hoạt tính sinh học này của testosterone toàn phần chịu trách nhiệm về các đặc điểm của nam giới, ham muốn tình dục, mật độ xương và khối lượng cơ.

Ở các mô đích, khoảng 4% đến 8% testosterone được chuyển hóa thành chất chuyển hóa mạnh hơn là dihydrotestosterone (DHT) bởi enzyme 5-alpha-reductase. DHT có vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng sinh tuyến tiền liệt và gián tiếp gây rụng tóc do nội tiết nam. Ở người lớn, sự sinh tinh trùng đòi hỏi phải có đủ testosterone, nhưng vai trò của DHT trong sự sinh tinh không rõ ràng.

Testosterone và DHT có các tác dụng chuyển hóa và các tác dụng khác, bao gồm:

  • Kích thích sự đồng hóa protein (tăng khối lượng cơ và mật độ xương)

  • Kích thích thận tăng sản xuất erythropoietin (tăng sinh hồng cầu)

  • Kích thích tế bào gốc tủy xương (điều hòa hệ miễn dịch)

  • Gây ra các tác động lên da (ví dụ: sản sinh ra bã nhờn, mọc lông)

  • Gây ra các tác động thần kinh (ví dụ: ảnh hưởng đến nhận thức, tăng ham muốn tình dục và có thể tăng tính hung hăng)

Testosterone cũng có thể bị chuyển đổi sang estradiol bởi enzym aromatase; estradiol là chất trung gian thường gặp nhất của testosterone có hoạt tính trên các cơ quan như xương và não. Ở nam giới, aromatase hoạt động mạnh nhất ở mô mỡ; do đó, những bệnh nhân béo phì thường có nồng độ estradiol cao hơn.

Testosterone, DHT và estradiol gây phản hồi ngược âm tính lên trục dưới đồi - tuyến yên. Ở nam giới, estradiol là chất ức chế chính của sản sinh LH, trong khi cả estradiol và Inhibin B (một peptide do tế bào Sertoli của tinh hoàn sản sinh) ức chế sản sinh FSH. Cùng với testosterone, FSH kích thích các tế bào Sertoli và kích thích sự sinh tinh. Trong quá trình phát triển tinh trùng, nguyên tinh bào (spermatogonium), nằm gần các tế bào Sertoli, trải qua quá trình phân bào tạo thành 16 tinh bào, mỗi tinh bào sinh ra 4 tiền tinh trùng. Mỗi tiền tinh trùng trưởng thành trở thành tinh trùng. Quá trình sinh tinh mất 72 ngày đến 74 ngày và tạo ra khoảng 100 triệu tinh trùng mới mỗi ngày. Khi trưởng thành, tinh trùng được giải phóng vào lưới tinh hoàn, từ đây chúng di chuyển đến mào tinh hoàn và cuối cùng đến ống dẫn tinh. Thời gian di chuyển cần thêm 14 ngày. Trong quá trình xuất tinh, tinh trùng được trộn với các chất tiết từ túi tinh, tuyến tiền liệt và tuyến hành niệu đạo (tuyến Cowper).

Sự hình thành giới tính, tuổi tiền dậy thì và tuổi dậy thì

Trong giai đoạn phôi thai, sự hiện diện của một nhiễm sắc thể Y kích phát sự phát triển và tăng trưởng của tinh hoàn, tinh hoàn bắt đầu tiết ra testosterone và một chất ức chế ống Müller vào khoảng tuần thứ 7. Testosterone nam tính hóa ống Wolff (ống này sẽ phát triển thành mào tinh hoàn, ống dẫn tinh, và túi tinh). DHT thúc đẩy sự phát triển của cơ quan sinh dục ngoài ở nam giới. Nồng độ testosterone đạt đỉnh vào ba tháng thứ hai của thai kỳ và giảm xuống gần bằng 0 khi sinh. Nồng độ Testosterone tăng nhanh trong 6 tháng đầu đời, sau đó nồng độ testosterone được duy trì ở mức độ thấp cho đến tuổi dậy thì. Sự có mặt của yếu tố ức chế ống Müller làm cho ống này không thể phát triển thành các cơ quan sinh dục của nữ trong thời kỳ bào thai.

Nồng độ LH và FSH tăng cao khi sinh ra nhưng giảm xuống mức thấp trong vòng vài tháng, duy trì ở mức thấp hoặc không phát hiện được trong suốt những năm trước tuổi dậy thì. Thông qua một cơ chế chưa rõ, nồng độ androgen tuyến thượng thận DHEA và DHEA sulfate trong máu bắt đầu tăng lên vài năm trước tuổi dậy thì. Các chất này chuyển hóa thành testosterone với một lượng nhỏ thì trẻ nam bắt đầu phát triển lông mu và nách (Quá trình này gọi là tiền dậy thì). Dạy thị sớm có thể xuất hiện vào khoảng 9 hoặc 10 tuổi.

Cơ chế khởi phát tuổi dậy thì còn chưa rõ ràng, mặc dù ở thời kỳ sớm của quá trình dậy thì, vùng dưới đồi trở nên ít nhạy cảm hơn với các tác dụng ức chế của hormone giới tính. Tình trạng mất nhạy cảm này làm tăng tiết LH và FSH, tương ứng với tiết GnRH theo nhịp, và kích thích sản sinh ra testosterone và tinh trùng. Ở nam giới, sự gia tăng nồng độ testosterone gây ra sự thay đổi ở tuổi dậy thì, đầu tiên là sự phát triển của tinh hoàn và bìu. Sau đó là chiều dài dương vật, khối lượng cơ và mật độ xương tăng lên; giọng nói trầm hơn; và lông mu và nách trở nên dày hơn. (xem hình Tuổi dậy thì - khi các đặc điểm giới tính nam phát triển). (Xem phần Phát triển thể chất và trưởng thành về mặt tình dục ở thanh thiếu niên để biết thêm chi tiết.)

Tuổi dậy thì – Khi đặc điểm tình dục của nam phát triển

Cân nặng trong phạm vi bình thường. Không có nghĩa là sẵn sàng thay đổi thói quen.

Ảnh hưởng của tuổi

Cả quá trình tiết ra GnRH ở vùng dưới đồi và phản ứng của tế bào Leydig với hormone kích thích nang trứng FSH và LH đều giảm dần theo tuổi tác. Ở nam giới cao tuổi, số lượng tế bào Leydig cũng giảm đi. Bắt đầu từ khoảng 30 tuổi, nồng độ testosterone toàn phần trong huyết thanh của nam giới giảm từ 1% đến 2% mỗi năm (1). Nam giới ở độ tuổi 70 đến 80 có xu hướng có nồng độ testosterone trong huyết thanh chỉ bằng khoảng một nửa đến hai phần ba so với nam giới ở độ tuổi 20. Ngoài ra, nồng độ globulin gắn kết hormone sinh dục (SHBG) tăng theo tuổi tác, khiến nồng độ testosterone sinh khả dụng giảm mạnh hơn nữa. FSH và LH có xu hướng bình thường hoặc bình thường - cao. Những thay đổi liên quan đến tuổi tác này được gọi là thời kỳ mãn dục nam, mặc dù không có sự thay đổi đột ngột về nồng độ hormone (và các triệu chứng tương ứng) xảy ra trong thời kỳ mãn kinh. Sự suy giảm testosterone có thể góp phần phối hợp với các triệu chứng, các triệu chứng này được gọi là thiếu hụt androgen ở nam giới lớn tuổi (ADAM), bao gồm:

Nếu nam giới có các triệu chứng này cộng với nồng độ testosterone huyết thanh thấp (được định nghĩa là 2 nồng độ testosterone toàn phần vào sáng sớm đều < 300 ng/dL [< 10,41 nmol/L]), họ sẽ được chẩn đoán mắc chứng suy sinh dục và đủ điều kiện để điều trị bằng testosterone bổ sung. Một nghiên cứu cho thấy 39% số nam giới ≥ 45 tuổi bị suy sinh dục (2).

Việc bổ sung testosterone ở nam giới có mức nồng độ bình thường thấp (từ 300 đến 400 ng/dL [từ 10,41 đến13,88 mmol/L]) testosterone vẫn còn gây tranh cãi. Một số chuyên gia khuyến cáo có thể bổ sung testosterone ở những người đàn ông lớn tuổi có triệu chứng hoặc dấu hiệu suy tuyến sinh dục và có nồng độ testosterone huyết thanh ở mức thấp hơn một chút so với giới hạn bình thường. Không có dữ liệu nào ủng hộ bất kỳ chế phẩm testosterone nào cụ thể để sử dụng trong ADAM.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Harman SM, Metter EJ, Tobin JD, Pearson J, Blackman MR; Baltimore Longitudinal Study of Aging. Longitudinal effects of aging on serum total and free testosterone levels in healthy men. Baltimore Longitudinal Study of Aging. J Clin Endocrinol Metab 2001;86(2):724-731. doi:10.1210/jcem.86.2.7219

  2. 2. Mulligan T, Frick MF, Zuraw QC, Stemhagen A, McWhirter C. Prevalence of hypogonadism in males aged at least 45 years: the HIM study. Int J Clin Pract 2006;60(7):762-769. doi:10.1111/j.1742-1241.2006.00992.x