Triệt đốt rối loạn nhịp qua đường ống thông

TheoL. Brent Mitchell, MD, Libin Cardiovascular Institute of Alberta, University of Calgary
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2023

    Chị định điều trị rối loạn nhịp tim tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của loạn nhịp. Điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một phương pháp điều trị chống loạn nhịp trực tiếp, bao gồm thuốc chống loạn nhịp, sốc điện chuyển nhịp-phá rung, cấy máy chuyển nhịp-phá rung tự động‭ (ICD), máy tạo nhịp tim (và một dạng đặc biệt của tạo nhịp tim, máy tạo nhịp tái đồng bộ tim), triệt đốt rối loạn nhịp qua đường ống thông, phẫu thuật hoặc một phương pháp kết hợp.

    Nếu một rối loạn nhịp nhanh nào đó có cơ chế phụ thuộc một đường dẫn truyền đặc biệt hoặc một ổ phát nhịp tự động, ta có thể sử dụng phương pháp triệt đốt đường dẫn truyền hoặc ổ ngoại vị đó để điều trị cho bệnh nhân. Các phương pháp cắt bỏ bao gồm

    • Mài mòn bằng sóng radio

    • Triệt đốt áp lạnh

    • Triệt đót bỏ bằng laser

    • Triệt đốt bằng điện trường xung

    Triệt đốt bằng tần số vô tuyến thường được thực hiện bằng cách sử dụng ống thông qua tĩnh mạch có cấp năng lượng tần số vô tuyến điện (RF) điện áp thấp, tần số cao (300 đến 750 MHz). Năng lượng này sẽ làm nóng và làm tổn thương một vùng cơ tim nhỏ có đường kính < 1 cm và độ sâu có thể tới 1 cm.

    Phương pháp triệt đốt áp lạnh (Cryoablation) có nguyên lý là làm đông lạnh mô (tới -70°C) để làm hủy hoại cấu trúc mô. Ngoài ra, một số phương thức triệt đốt khác cũng đang được nghiên cứu để ứng dụng trong phẫu thuật.

    Năng lượng laser có thể được cung cấp bằng cách sử dụng ống thông qua tĩnh mạch và triệt đốt một khu vực mục tiêu.

    Triệt đốt bằng điện trường xung sử dụng một chuỗi xung điện cao áp, thời gian ngắn để tiêu diệt các tế bào cơ tim theo phương pháp không dùng nhiệt. Dòng điện tạo các lỗ trong màng tế bào, phá hủy tế bào. Các tế bào cơ nhạy cảm với kích thích này hơn nhiều tế bào khác nên các cấu trúc phụ có thể ít bị tổn thương hơn. Kỹ thuật triệt đốt này đủ để gây đau nên cần phải gây mê toàn thân.

    Trước khi triệt đốt, cần làm thăm dò điện sinh lý học tim để chẩn đoán cơ chế rối loạn nhịp và xác định vị trí cần triệt đốt.

    Tỷ lệ thành công là > 90% đối với các cơn nhịp nhanh trên thất do cơ chế vào lại (tim nhanh vào lại nút nhĩ thất, hoặc tim nhanh vào lại nhĩ thất thông qua đường dẫn truyền phụ), tim nhanh nhĩ do cơ chế ổ tự động và cuồng động nhĩ, và tim nhanh thất vô căn do cơ chế ổ (nhịp nhanh thất đường ra thất phải, tim nhanh thất ở vùng vách bên trái, nhịp nhanh thất do vòng vào lại nhánh).

    Đối với rung nhĩ (AF), do cơ chế khởi phát thường ở các mô có tính loạn nhịp trong tĩnh mạch phổi, do vậy người ta có thể dùng phương pháp đốt cô lập về mặt điện học giữa nhĩ trái và tĩnh mạch phổi. Ngoài ra, đối với những trường hợp rung nhĩ có đáp ứng thất rất nhanh mà không kiểm soát được tần số thất bằng thuốc, người ta có thể tiến hành triệt đốt nút nhĩ thất, sau đó cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Triệt đốt đôi khi thành công ở những bệnh nhân nhịp nhanh thất kháng thuốc, đặc biệt là khi có bệnh tim thiếu máu cục bộ.

    Triệt đốt qua ống thông an toàn. Nguy cơ tử vong cao hơn trong các thủ thuật phức tạp. Tử vong là < 1/2000 đối với các thủ thuật triệt đốt không phức tạp nhưng có thể cao bằng 1/500 đối với các thủ thuật cô lập tĩnh mạch phổi cho rung nhĩ hoặc các thủ thuật triệt cơ tim.

    Các biến chứng bao gồm: tổn thương van tim, hẹp tĩnh mạch phổi hoặc đôi khi tắc hoàn toàn tĩnh mạch phổi, đột quỵ hoặc huyết khối tắc các động mạch khác, thủng tim, tràn dịch màng tim gây ép tim (1%) hoặc vô tình triệt đốt vào nút nhĩ thất gây block nhĩ thất.