Chị định điều trị rối loạn nhịp tim tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của loạn nhịp. Điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một phương pháp điều trị chống loạn nhịp, bao gồm thuốc chống loạn nhịp, sốc điện chuyển nhịp-phá rung, cấy máy chuyển nhịp-phá rung tự động (ICD), máy tạo nhịp tim (và một dạng đặc biệt của tạo nhịp tim, máy tạo nhịp tái đồng bộ tim), triệt đốt rối loạn nhịp qua đường ống thông, phẫu thuật hoặc một phương pháp kết hợp.
Phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực tạo ra một dòng điện một chiều với mức năng lượng lớn đủ để khử cực toàn bộ cơ tim trong một khoảng thời gian ngắn, đưa cơ tim rơi vào thời kỳ trơ với các xung khử cực. Tiếp đó, ổ chủ nhịp có tính tự động cao nhất của tim (thường là nút xoang) sẽ "tiếp quản" vai trò phát xung để kiểm soát nhịp tim. Sốc điện chuyển nhịp - phá rung rất có hiệu quả trong việc dập tắt các rối loạn nhịp nhanh do cơ chế vòng vào lại. Tuy nhiên, phương pháp này ít có hiệu quả trong cắt các cơn nhịp nhanh do cơ chế tăng tính tự động vì sau khi sốc điện, các ổ rối loạn nhịp do tăng tính tự động sẽ dễ dàng làm tái phát cơn nhịp nhanh. Cần phải sốc điện chuyển nhịp kiểu đồng bộ hóa với QRS (điều khiển cho cú sốc đánh trúng vào sườn xuống của sóng R hoặc sườn lên của sóng S nếu không có sóng R) trong các trường hợp cơn nhịp nhanh mà không phải là rung thất hoặc nhịp nhanh thất vô mạch. Lý do là nếu sốc điện không đồng bộ hóa với QRS, cú sốc có thể đánh trúng vào thời kỳ "dễ đả kích" (gần đỉnh sóng T) và có thể gây rung thất. Trong trường hợp rung thất, không cần thiết phải sốc điện đồng bộ hóa với QRS, hơn nữa, việc này cũng không thể thực hiện được. Kiểu sốc điện mà không cần đồng bộ hóa với phức bộ QRS được gọi là sốc điện phá rung.
Chuyển dòng điện trực tiếp (DC) hoặc khử rung tim có thể được cung cấp dưới dạng
Dòng điện một pha
Dòng điện hai pha
Dòng điện một pha di chuyển theo một hướng giữa hai điện cực. Trong các thiết bị hai pha, dòng điện đảo chiều một phần thông qua dạng sóng xung động. Thiết bị hai pha đòi hỏi năng lượng thấp hơn và đã được chứng minh là có tỷ lệ hồi phục tuần hoàn tự nhiên cao hơn (ROSC). Tuy nhiên, kết quả sống ở các thiết bị là tương tự nhau (1). Hầu hết các máy khử rung tim bằng tay và tự động bên ngoài (AEDs) hiện nay đều có hai pha do hiệu quả của việc phục hồi nhịp xoang. Các thiết bị hai pha cũng có kích thước nhỏ hơn (làm cho thiết bị di động hơn).
Thủ thuật sốc điện chuyển nhịp
Nếu sốc điện có kế hoạch, bệnh nhân cần được nhịn ăn 6 - 8 giờ trước thủ thuật để tránh viêm phổi sặc. Cần tiến hành gây mê toàn thân ngắn (ví dụ Fentanyl 1 mcg/kg, sau đó Midazolam 1-2 mg mỗi 2 phút cho tới liều tối đa 5 mg) vì thủ thuật sốc điện có thể làm cho bệnh nhân đau. Phải có thiết bị và nhân viên để duy trì đường thở.
Bản điện cực sốc điện có thể đặt theo tư thế trước-sau (một bản cực ở khoang liên sườn 3-4 sát bờ trái xương ức, một bản cực ở dưới xương bả vai trái), hoặc tư thế trước-bên (một bản cực ở khoang liên sườn 2 sát bờ phải xương ức, một bản cực ở khoang liên sườn 5-6 tại mỏm tim). Sau khi trên máy sốc có dấu hiệu thể hiện cú sốc đồng bộ hóa với phức bộ QRS, bác sĩ làm thủ thuật sẽ ấn nút phóng điện.
Tùy vào loại nhịp nhanh mà lựa chọn mức năng lượng của cú sốc phù hợp. Sốc điện 2 pha có hiệu quả cao hơn sốc điện một pha vì dòng điện sẽ quét qua tim thêm một lần theo chiều ngược lại sau khi đi qua tim lần thứ nhất.
Với khử rung của rung thất hoặc nhịp nhanh thất vô mạch, mức năng lượng cho lần sốc điện đầu tiên là
120 đến 200 joules cho các thiết bị hai pha (hoặc theo đặc điểm kỹ thuật của nhà sản xuất) mặc dù nhiều người sử dụng thiết bị đầu ra tối đa trong thiết lập này
360 joules cho các thiết bị một pha (hoặc theo đặc điểm kỹ thuật của nhà sản xuất)
Các cú sốc tiếp theo là ở mức năng lượng tương đương hoặc cao hơn đối với các thiết bị hai pha và ở cùng mức đối với các thiết bị một pha.
Với khử rung đồng bộ của rung nhĩ mức năng lượng cho lần sốc đầu tiên là
100 đến 200 joules cho các thiết bị hai pha (hoặc tùy thuộc vào đặc điểm kỹ thuật của nhà sản xuất)
200 joules cho các thiết bị một pha (hoặc theo đặc điểm kỹ thuật của nhà sản xuất)
Các cú sốc tiếp theo được phân phối ở mức năng lượng tương đương hoặc cao hơn đối với các thiết bị hai pha cũng như các thiết bị một pha.
Trong phẫu thuật tim hở, có thể dùng bản cực sốc điện đặt trực tiếp vào tim để sốc điện chuyển nhịp hoặc phá rung. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mức năng lượng sẽ thấp hơn.
Các biến chứng của sốc điện chuyển nhịp
Các biến chứng của sốc điện bao gồm phát sinh các ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, đau cơ vùng đặt bản cực sốc. Trong các trường hợp bệnh nhân có chức năng thất trái ở mức ranh giới hoặc khi sốc quá nhiều lần, bệnh nhân có thể bị tổn thương cơ tim nhiều hoặc đôi khi gây phân ly điện cơ.
Tài liệu tham khảo chung
1. Schneider T, Martens PR, Paschen H, et al: Multicenter, randomized, controlled trial of 150-J biphasic shocks compared with 200-J to 360-J monophasic shocks in the resuscitation of out-of-hospital cardiac arrest victims. Circulation 102:1780–1787, 2000.