Máy chuyển nhịp - phá rung tự động (Implantable Cardioverter-Defibrillator, ICD)

TheoL. Brent Mitchell, MD, Libin Cardiovascular Institute of Alberta, University of Calgary
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2023

    Chị định điều trị rối loạn nhịp tim tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của loạn nhịp. Điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một phương pháp điều trị chống loạn nhịp trực tiếp, bao gồm thuốc chống loạn nhịp, sốc điện chuyển nhịp-phá rung, cấy máy chuyển nhịp-phá rung tự động‭ (ICD), máy tạo nhịp tim (và một dạng đặc biệt của tạo nhịp tim, máy tạo nhịp tái đồng bộ tim), triệt đốt rối loạn nhịp qua đường ống thông, phẫu thuật hoặc một phương pháp kết hợp.

    ICD khử rung tim hoặc khử rung tim để đáp ứng với nhịp nhanh thất (VT) hoặc rung thất (VF). ICD điều trị theo tầng cũng có tạo nhịp chống nhịp tim chậm và tạo nhịp chống nhịp tim nhanh (để chấm dứt nhịp nhanh nhĩ hoặc nhịp nhanh thất đáp ứng) và lưu trữ điện đồ trong tim.

    ICD được cấy dưới da hoặc dưới cơ ngực lớn, với điện cực được đặt vào buồng thất phải và đôi khi cả buồng nhĩ phải theo đường tĩnh mạch. Máy ICD kết hợp CRT tạo nhịp 2 buồng thất (được ký hiệu là CRT-D) có chức năng tạo nhịp tái đồng bộ tim kết hợp với chức năng chuyển nhịp - phá rung tự động. Ngoài ra, còn có loại ICD cấy dưới da (S-ICD) với các điện cực được đặt hoàn toàn dưới da và loại ICD được thiết kế dưới dạng một chiếc áo khoác có thể mặc được để sử dụng trong thời gian ngắn.

    Máy ICD thường có tuổi thọ khoảng 5 - 7 năm.

    Chỉ định cấy ICD

    Cấy máy ICD là phương pháp được chỉ định cho những đối tượng bệnh nhân:

    • Có cơn rung thất hoặc tim nhanh thất gây rối loạn huyết động mà không do các nguyên nhân có thể đảo ngược được (ví dụ: rối loạn điện giải, do thuốc chống loạn nhịp, nhồi máu cơ tim cấp).

    ICD cũng có thể được chỉ định cho bệnh nhân gây được cơn rung thất hoặc tim nhanh thất khi thăm dò điện sinh lý học tim hoặc bệnh nhân bệnh cơ tim tự phát hoặc do thiếu máu cục bộ, có phân suất tống máu thất trái < 35%, và nguy cơ cao bị rung thất hoặc nhịp nhanh thất. Các chỉ định khác (xem bảng Chỉ định đặt máy khử rung tim cấy ghép vào cơ thể) ít rõ ràng hơn.

    Do mục đích của cấy máy ICD là để điều trị rung thất hoặc tim nhanh thất, không phải để dự phòng, nên các bệnh nhân cần được dùng phối hợp các thuốc chống loạn nhịp thất để giảm số lần sốc. Việc này cũng giúp kéo dài tuổi thọ của máy ICD.

    Bảng
    Bảng

    Rối loạn chức năng của máy ICD.

    Máy ICD có thể bị rối loạn chức năng, bao gồm:

    • Sốc điện hoặc tạo nhịp không thích hợp.

    • Không sốc hoặc không tạo nhịp khi cần thiết.

    Máy ICD có thể tiến hành tạo nhịp hoặc sốc điện không thích hợp khi bệnh nhân đang có nhịp xoang, nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ, cuồng nhĩ hoặc một số tình huống không phải nhịp nội tại của bệnh nhân (ví dụ: nhiễu điện do điện cực bị đứt).

    Một số tình huống làm cho máy ICD không phát cú sốc hoặc không tạo nhịp mặc dù cần thiết, ví dụ như di lệch điện cực hoặc thân máy, nhận cảm quá kém, tăng ngưỡng tạo nhịp do xơ hóa cơ tim ở những vùng cơ tim bị sốc điện trước đó, hỏng pin.

    Máy ICD thực hiện cú sốc điện

    Bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên ngành rối loạn nhịp kiểm tra máy ICD trong vòng 1 tuần trong trường hợp bệnh nhân nhận thấy ICD phát cú sốc nhưng thời điểm đó không có triệu chứng cơ năng như ngất, khó thở, đau ngực hoặc đánh trống ngực dai dẳng. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra bộ nhớ và chương trình máy ICD để tìm hiểu vì sao ICD quyết định đưa ra cú sốc. Trong trường hợp bệnh nhân thực sự có các triệu chứng cơ năng nói trên, hoặc khi máy ICD phát nhiều cú sốc liên tiếp, bệnh nhân cần được đưa ngay đến phòng cấp cứu để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cấp tính gây ra rối loạn nhịp nếu có (ví dụ: nhồi máu cơ tim, rối loạn điện giải) hoặc để phát hiện tình trạng rối loạn chức năng của máy ICD.