Suy nút xoang

(Hội chứng suy nút xoang)

TheoL. Brent Mitchell, MD, Libin Cardiovascular Institute of Alberta, University of Calgary
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2023

Hôi chứng suy nút xoang do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn tới tần số nhĩ không phù hợp với nhu cầu sinh lý của cơ thể. Các triệu chứng có thể là tối thiểu hoặc biểu hiện mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, đánh trống ngực, và ngất. Chẩn đoán bằng ECG. Bệnh nhân suy nút xoang có triệu chứng cần được cấy máy tạo nhịp tim.

(Xem thêm Tổng quan về loạn nhịp tim.)

Biểu hiện Hội chứng suy nút xoang bao gồm:

  • Nhịp chậm xoang không thích hợp

  • Rối loạn nhịp nhanh nhĩ và nhịp chậm luân phiên (Hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm)

  • Ngừng xoang

  • Block xoang nhĩ (SA) đường ra

Triệu chứng rối loạn chức năng nút xoang ảnh hưởng chủ yếu đến người cao tuổi, đặc biệt là những người có rối loạn tim hoặc tiểu đường.

Ngừng xoang là tạm ngừng hoạt động của nút xoang, quan sát thấy trên ECG có dạng biến mất sóng P trong vài giây. Tạm dừng thường gây ra thoát ở máy điều hòa nhịp tim thấp hơn (ví dụ, nhĩ hay nối), giữ nhịp tim và chức năng, nhưng những lần dừng lại kéo dài gây ra chóng mặt và ngất.

Trong trường hợp chẹn đường thoát nút xoang, nút xoang khử cực, nhưng dẫn truyền xung động đến mô tâm nhĩ (dẫn truyền lối ra) bị suy giảm.

  • Trong block nút xoang cấp 1, dẫn truyền xung thoát của nút xoang đơn thuần bị chậm lại và ECG bình thường.

  • Trong block nút xoang cấp 2 loại I (Wenckebach nút xoang), dẫn truyền xung động chậm lại trước khi chặn, được quan sát thấy trên ECG dưới dạng khoảng P-P giảm dần cho đến khi sóng P giảm xuống hoàn toàn, tạo ra một khoảng dừng và sự xuất hiện của các nhịp đập được nhóm lại; khoảng thời gian tạm dừng ít hơn 2 chu kỳ P-P.

  • Trong block nút xoang cấp II, dẫn truyền xung động thoát ra bị chặn mà không chậm lại trước đó, tạo ra một khoảng tạm dừng là bội số (thường là hai lần) của khoảng P-P và sự xuất hiện của các nhịp đập được nhóm lại.

  • Trong block nút xoang cấp 3, dẫn truyền xung động bị chặn; không có sóng P, có biểu hiện ngừng xoang.

Căn nguyên của rối loạn chức năng nút xoang

Các nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng suy nút xoang là:

  • Chứng xơ hóa nút xoang tự phát, có thể đi kèm tình trạng thoái hoá hệ thống dẫn truyền nhĩ thất.

Các nguyên nhân khác bao gồm thuốc, cường phó giao cảm, thiếu máu cục bộ cơ tim, viêm cơ tim, và các bệnh lý thâm nhiễm.

Các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn chức năng nút xoang

Nhiều bệnh nhân có rối loạn chức năng xoang không có triệu chứng, tuy nhiên tất cả các triệu chứng do nhịp tim chậm và nhịp tim nhanh đều có thể gặp tùy thuộc vào tần số tim.

Chẩn đoán rối loạn chức năng nút xoang

  • ECG

Nhịp tim chậm, không đều gợi ý chẩn đoán rối loạn chức năng nút xoang, chẩn đoán xác định bằng ECG, điện tâm đồ kéo dài, hoặc ghi ECG liên tục 24 giờ. Đối với một số bệnh nhân rung nhĩ, rối loạn chức năng nút xoang chỉ thực sự biểu hiện sau khi chuyển nhịp về nhịp xoang.

Tiên lượng về rối loạn chức năng nút xoang

Tiên lượng rối loạn chức năng nút xoang thay đổi, khi không điều trị, tỷ lệ tử vong là khoảng 2%/năm, chủ yếu liên quan tới bệnh lý tim cấu trúc nền tảng. Mỗi năm, khoảng 5% bệnh nhân tiến triển thành rung nhĩ, tăng nguy cơ bị suy tim và đột quỵ não.

Điều trị rối loạn chức năng nút xoang

  • Máy tạo nhịp

Điều trị rối loạn chức năng xoang cần cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Nguy cơ rung nhĩ được giảm đáng kể sau khi cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn và tạo nhịp một cách sinh lý (tạo nhịp nhĩ hoặc tạo nhịp 2 buồng nhĩ và thất) so với tạo nhịp một buồng thất. Máy tạo nhịp hai buồng giúp giảm thiểu tạo nhịp thất có thể giảm thêm nguy cơ bị rung nhĩ. Thuốc chống loạn nhịp có thể dự phòng các cơn rối loạn nhịp nhanh kịch phát sau khi cấy máy tạo nhịp tim.

Theophylline và hydralazine là những lựa chọn làm tăng nhịp tim ở những bệnh nhân khỏe mạnh, trẻ tuổi bị nhịp chậm nhưng không có ngất.