Tổn thương phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ nhánh lớn nào của động mạch chủ; tuy nhiên thường ít gặp hơn phình động mạch chủ ngực hoặc phình động mạch chủ bụng. Triệu chứng có thể rất thay đổi tùy thuộc vào vị trí và động mạch bị tổn thương nhưng có thể bao gồm triệu chứng đau ở những vị trí khối phình chèn ép các cấu trúc lân cận. Chẩn đoán được xác định bằng siêu âm hoặc chụp CT mạch máu. Điều trị là can thiệp đặt stent-graft hoặc phẫu thuật.
(Xem thêm Tổng quan về Phình động mạch chủ, Phình động mạch chủ bụng, và Phình động mạch chủ ngực)
Các yếu tố nguy cơ gây phình động mạch nhánh động mạch chủ bao gồm
Hút thuốc lá
Tuổi cao
Nhiễm trùng khú trú có thể gây phình động mạch.
Phình động mạch dưới đòn đôi khi xảy ra ở những bệnh nhân có xương sườn cổ hoặc hội chứng chèn ép lối ra ở lồng ngực.
Phình các động mạch của tuần hoàn nội tạng là không phổ biến. Khoảng 60% xảy ra ở động mạch lách, 20% ở động mạch gan, 5,5% ở động mạch mạc treo tràng trên (1).
Phình động mạch lách phổ biến ở nữ giới hơn nam giới (4:1). Nguyên nhân bao gồm loạn sản cơ xơ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, mang thai nhiều lần, chấn thương hay vết thương vùng bụng, viêm tụy, và nhiễm trùng.
Phình động mạch gan xảy ra ở nam nhiều hơn nữ (2:1). Chúng có thể là hậu quả của chấn thương bụng trước đó, tiêm chích ma túy, thoái hóa lớp áo giữa động mạch, hoặc viêm quanh mạch.
Phình động mạch thận có thể bóc tách hoặc vỡ gây tắc cấp tính.
Phình động mạch mạc treo tràng trên xảy ra như nhau ở nam và nữ. Nguyên nhân bao gồm loan sản xơ cơ, hoại tử lớp áo giữa, và chấn thương.
Tài liệu tham khảo chung
1. Pasha SF, Gloviczki P, Stanson AW, Kamath PS. Splanchnic artery aneurysms. Mayo Clin Proc 2007;82(4):472-479. doi:10.4065/82.4.472
Các triệu chứng và dấu hiệu của phình nhánh động mạch chủ
Nhiều tổn thương phình nhánh động mạch chủ không có triệu chứng. Các triệu chứng (khi xuất hiện) thay đổi tùy theo vị trí và động mạch bị tổn thương.
Phình động mạch dưới đòn có thể gây ra đau tại chỗ, khối phình có thể sờ được, huyết khối tĩnh mạch hoặc phù (do chèn ép các tĩnh mạch lân cận), các triệu chứng thiếu máu cục bộ phía xa, cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ, khàn tiếng (do chèn ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược) hoặc giảm chức năng vận động và cảm giác (do chèn ép vào đám rối cánh tay).
Phình động mạch lách có thể gây ra đau góc phần tư bụng trên bên trái. Phình động mạch gan có thể gây đau ở góc phần tư bụng trên bên phải. Phình động mạch mạc treo tràng trên có thể gây đau bụng và viên ruột do thiếu máu cục bộ.
Bất kể vị trí, phình động mạch do viêm hoặc nhiễm trùng có thể gây ra đau khu trú và hậu quả của nhiễm trùng hệ thống (ví dụ, sốt, mệt mỏi, giảm cân).
Chẩn đoán phình nhánh động mạch chủ
Siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)
Với sự sẵn có thường xuyên của chẩn đoán hình ảnh trục, nhiều chứng phình động mạch được chẩn đoán trước khi vỡ. Phình động mạch không triệu chứng hoặc ẩn dấu có thể được phát hiện trên X-quang hoặc thăm dò hình ảnh khác được thực hiện vì các lý do khác. Siêu âm, CT hoặc MRI thường được sử dụng để phát hiện hoặc xác nhận phình động mạch nhánh động mạch chủ. Chụp động mạch thông thường thường được dành riêng để điều trị hoặc đánh giá tưới máu cơ quan ở xa.
Điều trị phình nhánh động mạch chủ
Phẫu thuật sửa chữa hoặc đôi khi là can thiệp stent graft nội mạch
Điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ tổn thương và thay thế bằng đoạn mạch ghép. Can thiệp nội mạch là lựa chọn cho một số bệnh nhân. Quyết định sửa chữa phình động mạch không triệu chứng dựa trên nguy cơ vỡ, sự lan rộng, vị trí của phình mạch, và nguy cơ quanh phẫu thuật.
Phẫu thuật sửa chữa phình động mạch dưới đòn có thể bao gồm cắt bỏ cổ xương sườn (nếu có) trước khi sửa chữa và thay thế.
Đối với phình động mạch nội tạng, nguy cơ vỡ và tử vong lên tới 10% và đặc biệt cao đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và bệnh nhân bị phình động mạch gan (> 35%) (1). Do đó phẫu thuật sửa chữa phình động mạch tạng chỉ định cho:
Phình mạch có đường kính > 2 cm
Phình động mạch ở phụ nữ có thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
Phình động mạch triệu chứng ở mọi lứa tuổi
Phình động mạch gan
Đối với phình động mạch lách, phẫu thuật có thể bao gồm thắt động mạch mà không cần tái tạo lại hoặc loại bỏ phình mạch và tái tạo mạch máu. Tùy theo vị trí của phình mạch, cắt lách có thể cần thiết.
Điều trị phình động mạch chủ dạng túi là điều trị kháng sinh tích cực hướng đến tác nhân nhiễm trùng đặc hiệu. Nhìn chung, những phình mạch này cần được phẫu thuật sửa chữa.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Garey ML, Greenberger S, Werman HA. Ruptured splenic artery aneurysm in pregnancy: a case series. Air Med J 2014;33(5):214-217. doi:10.1016/j.amj.2014.05.006
Những điểm chính
Phình động mạch chủ nhánh hiếm hơn so với phình động mạch chủ bụng hoặc ngực.
Nhiều trường hợp được phát hiện tình cờ và thường không có triệu chứng.
Khi các triệu chứng xảy ra, chúng khác nhau tùy thuộc vào vị trí và động mạch bị ảnh hưởng.
Việc chẩn đoán thường được nghi ngờ đầu tiên dựa trên một phát hiện tình cờ bằng tia X, và được xác nhận bằng cách sử dụng siêu âm và CT.
Điều trị bằng phẫu thuật sửa chữa và kháng sinh trong trường hợp phình động mạch hình nấm.
Nói chung, chỉ định phẫu thuật chọn lọc dựa trên nguy cơ vỡ, mức độ và vị trí của túi phình, và nguy cơ chu phẫu. Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị phình động mạch nội tạng và bệnh nhân phình động mạch gan cần phải được mổ phiên vì nguy cơ vỡ cao.