Khó tiêu

TheoJonathan Gotfried, MD, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

Khó tiêu là cảm giác đau hoặc khó chịu ở phần trên của bụng; cảm giác này thường tái phát. Nó có thể được mô tả như khó tiêu, đầy hơi, nhanh no, cảm giác đầy sau bữa ăn, cồn cào, hoặc nóng.

Căn nguyên gây khó tiêu

Có một số nguyên nhân phổ biến gây khó tiêu (xem bảng Một số nguyên nhân gây khó tiêu).

Bảng
Bảng

Nhiều bệnh nhân có những dấu hiệu khi xét nghiệm (ví dụ như viêm tá tràng, rối loạn vận động, viêm dạ dày do Helicobacter pylori, thiếu hụt lactose, sỏi mật) có mối tương quan kém với các triệu chứng (tức là việc điều chỉnh tình trạng này không làm giảm tình trạng khó tiêu).

Khó tiêu không có loét (khó tiêu cơ năng) được định nghĩa là các triệu chứng khó tiêu trên bệnh nhân không có bất thường khi khám thực thể và nội soi đường tiêu hóa (GI) trên và/hoặc đánh giá khác (ví dụ: các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh).

Đánh giá chứng khó tiêu

Lịch sử

Tiền sử của bệnh hiện tại cần phải đưa ra mô tả rõ ràng về các triệu chứng, bao gồm cả cấp tính hoặc mạn tính và tái phát. Các yếu tố khác bao gồm thời gian và tần suất tái phát, khó nuốt và mối liên hệ của các triệu chứng với việc ăn uống hoặc dùng thuốc. Cần chú ý tới các yếu tố làm các triệu chứng trầm trọng thêm (đặc biệt là gắng sức, loại thức ăn nhất định hoặc rượu) hoặc làm giảm triệu chứng (đặc biệt là ăn uống hoặc dùng thuốc trung hòa axit).

Xem xét các hệ thống tìm các triệu chứng tiêu hóa đi kèm như chán ăn, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, sụt cân và phân đen (nhiễm melanin) hoặc toàn máu. Các triệu chứng khác bao gồm khó thở và vã mồ hôi.

Bệnh sử trong quá khứ cần phải bao gồm các chẩn đoán đã biết về đường tiêu hóa và tim mạch, các yếu tố nguy cơ tim mạch (ví dụ: tăng huyết áp, tăng cholesterol máu) và các kết quả của các xét nghiệm trước đó đã làm và các phương pháp điều trị đã thử. Tiền sử dùng thuốc/ma túy nên bao gồm việc sử dụng thuốc theo toa và ma túy trái phép cũng như rượu.

Khám thực thể

Đánh giá các dấu hiệu sinh tồn cần phải lưu ý xem có nhịp tim nhanh hoặc mạch không đều không.

Khám toàn thân cần phải lưu ý xem có da xanh hoặc vã mồ hôi, suy mòn, hoặc vàng da không.

Sờ bụng để xem có dấu hiệu ấn đau, khối và phì đại cơ quan không.

Thực hiện khám trực tràng để phát hiện máu ẩn hoặc máu đại thể trong phân.

Các dấu hiệu cảnh báo

Những phát hiện sau đây cần được quan tâm đặc biệt:

  • Cơn khó thở, vã mồ hôi, hoặc nhịp tim nhanh cấp tính

  • Chán ăn

  • Buồn nôn hoặc nôn

  • Sụt cân

  • Máu trong phân

  • Khó nuốt hoặc nuốt đau

  • Không đáp ứng với điều trị bằng thuốc chẹn H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Giải thích các dấu hiệu

Một số dấu hiệu rất hữu ích (xem bảng Một số nguyên nhân gây khó tiêu).

Một bệnh nhân có biểu hiện một đợt khó tiêu cấp tính đơn độc cần phải được quan tâm, đặc biệt là nếu các triệu chứng kèm theo như khó thở, vã mồ hôi hoặc nhịp tim nhanh; những bệnh nhân đó có thể bị thiếu máu mạch vành cục bộ cấp tính. Các triệu chứng mạn tính xảy ra khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi có thể là biểu hiện của cơn đau thắt ngực.

Nguyên nhân ở đường tiêu hóa rất có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng mạn tính. Đôi khi, các triệu chứng đôi khi được phân loại là giống loét, giống rối loạn nhu động, hoặc giống trào ngược; những phân loại này chỉ có tính gợi ý chứ không khẳng định được nguyên nhân. Các triệu chứng giống loét bao gồm đau ở vùng thượng vị, thường xảy ra trước bữa ăn và giảm một phần khi ăn, dùng thuốc trung hòa axit hoặc thuốc chẹn H2. Các triệu chứng giống rối loạn nhu động bao gồm nhanh no, đầy bụng sau bữa ăn, buồn nôn, nôn, chướng bụng và các triệu chứng này trầm trọng hơn do thức ăn và thường không có đau. Triệu chứng giống trào ngược bao gồm ợ nóng hoặc ựa ra axit. Tuy nhiên, các triệu chứng thường chồng chéo lên nhau.

Xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy kèm theo khó tiêu gợi ý hội chứng ruột kích thích hoặc sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng hoặc thuốc chống tiêu chảy không kê đơn.

Xét nghiệm

Bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý thiếu máu cục bộ mạch vành cấp tính, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ, nên được chuyển đến khoa cấp cứu để đánh giá khẩn cấp, bao gồm ECG và các chất chỉ điểm về tim trong huyết thanh. Các kiểm tra về các tình trạng rối loạn ở tim cần phải được làm trước các kiểm tra về tình trạng rối loạn ở đường tiêu hóa như là nội soi.

Đối với những bệnh nhân có triệu chứng mạn tính, không đặc hiệu, các xét nghiệm thường quy bao gồm công thức máu (để loại trừ bệnh thiếu máu do mất máu qua đường tiêu hóa), xét nghiệm sinh hóa máu định kỳ và có thể xét nghiệm xem có bệnh celiacH. pylori không. Nếu kết quả bất thường, cần phải xem xét làm thêm các kiểm tra (ví dụ: chẩn đoán hình ảnh, nội soi). Bởi vì nguy cơ ung thư, bệnh nhân > 60 tuổi cần phải được nội soi đường tiêu hóa trên. Đối với bệnh nhân < 60 tuổi, nhu cầu nội soi cần được đánh giá theo từng trường hợp bằng cách sử dụng đánh giá lâm sàng (1). Đối với bệnh nhân < 60 tuổi, một số cơ quan chức năng khuyến nghị sàng lọc nhiễm H. pylori bằng xét nghiệm hơi thở urê có đánh dấu 13C hoặc 14C hoặc xét nghiệm phân (xem Xét nghiệm không xâm lấn) (1). Nếu các xét nghiệm này âm tính với H. pylori hoặc vẫn có triệu chứng sau khi điều trị diệt trừ H. pylori, nên điều trị theo kinh nghiệm trong 4 tuần đến 8 tuần bằng các thuốc chống bài tiết (ví dụ: PPI) (1). Tuy nhiên, cần phải thận trọng khi sử dụng H. pylori hoặc bất kỳ kết quả không đặc hiệu nào khác để giải thích các triệu chứng.

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Moayyedi P, Lacy BE, Andrews CN, Enns RA, Howden CW, Vakil N. ACG and CAG Clinical Guideline: Management of Dyspepsia [published correction appears in Am J Gastroenterol. Tháng 9 năm 2017;112(9):1484]. Am J Gastroenterol. 2017;112(7):988-1013. doi:10.1038/ajg.2017.154

Điều trị khó tiêu

Điều trị theo tình trạng cụ thể. Bệnh nhân không thấy có tình trạng bệnh lý nào sẽ được theo dõi theo thời gian và trấn an.

Các triệu chứng được điều trị bằng thuốc PPI, thuốc chẹn H2 hoặc thuốc bảo vệ tế bào (1) (xem bảng Một số loại thuốc đường uống điều trị khó tiêu). Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại, cũng có thể thử dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc tăng động (ví dụ: metoclopramide, erythromycin) được dùng dưới dạng hỗn dịch lỏng. Không có bằng chứng rõ ràng rằng việc kết hợp nhóm thuốc với các triệu chứng cụ thể (ví dụ: trào ngược và rối loạn nhu động) sẽ tạo ra sự khác biệt. Misoprostol và thuốc kháng cholinergic không hiệu quả trong điều trị khó tiêu cơ năng.

Bảng

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Moayyedi P, Lacy BE, Andrews CN, Enns RA, Howden CW, Vakil N. ACG and CAG Clinical Guideline: Management of Dyspepsia [published correction appears in Am J Gastroenterol. Tháng 9 năm 2017;112(9):1484]. Am J Gastroenterol. 2017;112(7):988-1013. doi:10.1038/ajg.2017.154

Những điểm chính

  • Thiếu máu mạch vành cục bộ có thể xảy ra trên bệnh nhân có "xì hơi" cấp tính.

  • Nội soi được chỉ định cho bệnh nhân > 60 tuổi.

  • Đối với bệnh nhân < 60 tuổi, nhu cầu nội soi cần được đánh giá theo từng trường hợp bằng cách sử dụng đánh giá lâm sàng.

  • Đối với những bệnh nhân âm tính với H. pylori hoặc vẫn có triệu chứng sau khi điều trị diệt trừ H. pylori, nên điều trị theo kinh nghiệm trong 4 tuần đến 8 tuần bằng thuốc chống bài tiết (ví dụ: PPI).