Vỡ thực quản có thể xảy ra do khám bệnh hoặc điều trị gây ra trong khi làm thủ thuật nội soi hoặc thiết bị khác hoặc có thể là tự phát (hội chứng Boerhaave). Bệnh nhân bị ốm nặng, có triệu chứng viêm trung thất. Chẩn đoán bằng chụp thực quản có thuốc cản quang tan trong nước. Cần phải phục hồi bằng phẫu thuật và dẫn lưu ngay lập tức.
(Xem thêm Tổng quan các tình trạng bất thường ở thực quản và các vấn đề về nuốt.)
Các thủ thuật nội soi là nguyên nhân chính gây rách thực quản, nhưng cũng có thể vỡ tự phát, thường liên quan đến nôn ói, nôn khan, hoặc nuốt một cục thức ăn lớn.
Vỡ tự phát đặc biệt có thể xảy ra ở những bệnh nhân chưa được điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
Vị trí vỡ phổ biến nhất là phía bên trái đầu xa thực quản. Axit và các phần khác trong dạ dày gây viêm trung thất tối cấp và sốc. Tràn khí trung thất là phổ biến.
Các triệu chứng và dấu hiệu của vỡ thực quản
Các triệu chứng của vỡ thực quản bao gồm đau ngực, đau bụng, sốt, nôn ói, nôn ra máu và sốc.
Khí thũng dưới da có thể sờ thấy được ở một số bệnh nhân.
Có thể có tiếng lạo xạo trung thất (dấu hiệu Hamman), tiếng lạo xạo đồng bộ với nhịp tim.
Chẩn đoán vỡ thực quản
Phim X-quang ngực và phim X-quang bụng
Chụp thực quản
© Springer Science+Business Media
Phim X-quang ngực và phim X-quang bụng cho thấy khí ở trung thất, tràn dịch màng phổi hoặc trung thất rộng gợi ý chẩn đoán.
Chẩn đoán vỡ thực quản được xác định bằng chụp thực quản có thuốc cản quang tan trong nước, phương pháp này giúp tránh khả năng kích thích trung thất do bari. Chụp CT lồng ngực phát hiện khí và dịch ở trung thất nhưng không xác định chính xác vị trí thủng. Nội soi có thể bỏ qua lỗ thủng nhỏ.
Điều trị vỡ thực quản
Đặt stent nội soi hoặc phục hồi bằng phẫu thuật
Trong khi chờ phục hồi bằng phẫu thuật hoặc đặt stent bằng nội soi, bệnh nhân cần phải dùng kháng sinh phổ rộng (ví dụ: gentamicin cộng với metronidazole hoặc piperacillin/tazobactam) và truyền dịch hồi sức khi cần để điều trị sốc.
Ngay cả khi đã điều trị, tỷ lệ tử vong vẫn cao.